I. Tôi sinh ra, và lớn lên, tại Nha Trang. Gia đình bên ngoại gốc “Nhe Treng” rặt, và bên nội, gốc Quảng Trị, cũng rặt. Bởi vậy, anh em tôi trong nhà nói một thứ tiếng lai căng, ở trường học không nói tiếng Việt, nên ra ngoài không có cái giọng, kiểu “chu che bữ nê mềnh lợi eng cuôm dí ké nữ” (dịch nghĩa: Chu cha bữa nay mình lại ăn cơm với cá nữa) cố hữu của dân địa phương thứ thiệt, như mấy đứa bạn cùng xóm. Rồi sau năm 1954, người Bắc di cư vô Nam nói, ôi thôi, đủ thứ tiếng Bắc kỳ, nghe rất mệt tai. Trong số, tôi chỉ chấm, và mê, tiếng hát mượt mà, đài các, phát âm chuẩn xác của những nữ ca sĩ chính gốc Hà Nội, như Kim Tước, Thái Thanh, Mộc Lan, Tâm Vấn, và những minh tinh, như Kiều Chinh, Mai Trâm. Tất cả những mỹ nhân một thời ấy đã mang theo vào Miền Nam dáng vẻ thanh lịch và giọng nói quý phái từ Hà Nội cổ kính, và cố đô Thăng Long ngàn năm văn vật. Hà Nội mà tôi chưa bao giờ được thấy, nhưng biết qua thơ văn nhờ hồi đi lính bắt đầu đọc những tiểu thuyết tiền chiến và những tạp chí của mấy ông nhà văn nhà thơ Bắc kỳ di cư. Nhất là nghe những ca khúc đương thời thương về Hà Nội. Trong đó có một câu, trong một bài, mà ông cậu ruột mười sáu tuổi, em út của mẹ tôi, nghĩa là dân Nhe Treng đặc sệt, cứ âm ư mãi, riết rồi thành lố bịch: “Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu…”Lố bịch là phải, bởi lẽ không ai có thể gây xúc động mạnh lên trái tim thính giả trong những bài hát nhớ Hà Nội cho bằng những nhạc sĩ, ca sĩ di cư chánh hiệu Hà Nội của thời trước 1975. Quả vậy, Trịnh Công Sơn, tên nằm vùng phản chiến, gốc Huế, sau 1975, muốn lấy điểm với chế độ mới, cũng bắt chước viết hai ca khúc về Hà Nội, nhưng không hay bằng, vì cảm xúc, nguồn hứng rất giả tạo, và hình ảnh rất ước lệ, khuôn sáo: cũng vẫn là Hồ Tây, cũng mùa thu mây bay, cũng mùi hoa sữa, cũng cây bàng lá đỏ… Chưa kể, câu kết, trong bài “Nhớ mùa thu Hà Nội”, “Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội / Nhớ đến một người để nhớ mọi người”, muốn nhắn gửi gì đây? Chưa vội chụp nón cối, người ta phải thắc mắc: Mùa thu nào? Tổng khởi nghĩa 1945 ư? Một người nào? Đồ tể Hồ Chí Minh, với khẩu hiệu “mình vì mọi người, mọi người vì mình”, mà các tù binh cải tạo đã phải nghe lải nhải hoài, phát ớn đến tận cổ? II. Hà Nội,tôi đã thấy, đã nghe, đã gặp một lần, vào tháng 4 năm 1983. Cách đây ba mươi hai năm. Không như một du khách, hay một Việt Kiều yêu nước. Mà như một tù binh cải tạo. Đúng ra gặp hai lần. Lần đầu, cuối năm 1975, một cách chớp nhoáng, bất đắc dĩ. Tại bến cảng Hải Phòng, tôi được bốc từ tàu Sông Hương ra và tống lên xe lửa, chực sẵn để chở, cùng với hàng trăm ngàn đồng đội, lần lượt, đến các trại giam vùng biên giới, Sơn La, Hoàng Liên Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh, Cổng Trời… Khi đoàn tàu đi ngang Hà Nội, chắc quá nửa đêm, tôi cố nhướn mắt nhìn ra bên ngoài, từ song cửa sổ hẹp. Tàu chạy nhanh, trời lại tối, và đèn đường leo lét, chỗ có chỗ không, nên tôi không thấy gì cả, ngoài một Hà Nội còn đang ngủ say, phố xá lặng thinh, sương rơi lả tả, và những hàng cờ đỏ sao vàng giăng mắc, ủ rũ, trên những góc phố. Làm nhớ đến hai câu thơ oan nghiệt –đã bóp chết đời tác gỉả, Trần Dần: Tôi bước đi, không thấy phố, thấy nhà / Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ… Rồi tàu rẽ lên cầu Long Biên, khá dài. Tôi thấy hai bên đường sắt vài người dân đi bộ hay đạp xe, không biết về đâu, co ro trong chiếc áo tơi thô sơ. Trên sông, vài chiếc thuyền câu đậu bến im lìm. Lần thứ hai, lần này, tám năm sau, được tiếp xúc với Hà Nội lâu hơn, đúng một ngày, nghĩa là mười hai tiếng đồng hồ. Quả thế, một buổi sáng đẹp trời, tại trại giam Vĩnh Phú, K1, đang chuẩn bị đi lao động, tôi nghe đọc tên mình được thả –áp chót trong danh sách một trăm mười người thuộc tất cả các trại Miền Bắc, mà Vĩnh Phú chiếm nhiều nhất: có bốn mươi tên trúng số độc đắc, trên toàn năm K, trong khi ở một số trại, nhỏ hơn, chỉ có vài mạng thôi. Tôi ngạc nhiên, không biết tại sao mình lại được thả, nhưng chắc chắn không phải vì công đức cải tạo tốt, trái lại. Thây kệ, tôi tự nhủ, thắc mắc làm chi. Vội vàng về “buồng” (phòng), vì chỉ được mười phút sửa soạn tư trang. Không có gì, ngoài bộ đồ tù đang mặc trên người, và mùng, mền, khăn mặt, bàn chải đánh răng, một bịch đường táng đen, một gói bánh mì khô, hai hộp sữa đặc, và một mớ thuốc cảm, đau đầu, đầu bụng, để dành từ những lần thăm nuôi trước. Tôi tặng hết đồ ăn và thuốc men cho những anh em, lúc ấy, khai bệnh nằm nhà. Rồi tất cả lội bộ xuống K5, tức K chỉ huy, cách khoảng 15 km, để làm thủ tục xuất trại. Tại đây, được trả lại quần áo “dân sự”, đồng hồ, và tiền bạc bị “đăng ký” để “Cách mạng giữ hộ” khi bước chân vào trại tù đầu tiên, ở Miền Nam. Không biết đủ, thiếu thế nào, vì sau tám năm, không nhớ và điều đó không quan trọng nữa. Tù binh được thả sinh hoạt tại một buồng riêng, không được “quan hệ linh tinh” với các cải tạo viên khác. Khoảng 10 giờ sáng hôm sau, chúng tôi trút bỏ bộ đồ tù, mặc lại quần áo cũ, có anh diện giày da thay dép râu. Ai nấy mặt mày tươi rói, đẹp trai hẳn ra, như dưới chiếc đũa thần của một bà tiên, không còn hốc hác, bèo nhèo như dạo nào, nhất là sau mấy ngày được vỗ béo, ăn no ngủ kỹ. Được xe trâu chở ra tận bến phà trên sông Hồng. Sau hơn nửa giờ, cập bờ Ấm Thượng. Ở đây, phải chờ đến 10 giờ đêm mới có chuyến xe lửa từ Lào Cai đến “rước” về Hà Nội. Đi theo có hai cán bộ. Hai tên này, bình thường thuộc loại hắc ám, bữa nay có vẻ dễ dãi, chắc vì được dịp đi chơi Hà Nội hoặc tin rằng không thằng tù binh nào được thả lại dại dột âm mưu làm điều “phản động”. Để giúp thời gian qua mau, chúng tôi tụm năm tụm ba nói chuyện, cười đùa rổn rảng, hoặc mua bún, bắp luộc, xôi vò và bánh gai của các bà và em bé bán hàng rong tại chỗ –đã quá quen thuộc với những đợt thả tù binh. Nghe nói Ấm Thượng có đền thờ Hùng Vương, tôi và một anh bạn xin phép đi viếng, nhưng cán bộ bảo xa lắm, không cho. Trời hơi nóng, tôi bèn cởi áo quần nhảy xuống sông tắm. Nước phù sa đỏ ngầu, nhuộm cả ra quần đùi mới, trắng tinh. Lội ra xa, thấy sóng lớn quá, sợ bị cuốn đi, chết uổng mạng, tôi bơi vào, lên bờ nằm nghỉ, phơi nắng, đợi xe lửa. III. Ấm Thượng không xa Hà Nội bao nhiêu, trên dưới 100km, mà ì ạch mãi đến 8 giờ sáng hôm sau, tàu mới đến ga Hàng Cỏ, sau khi dừng lại nhiều trạm dọc đường. Đám tù phải đợi đến 8 giờ tối mới có chuyến tàu Thống Nhất vào Sài Gòn. Hai tên cán bộ điểm danh, và bắt tất cả “tập trung” ở một góc nhà ga, dặn không được đi đâu xa, “vì các anh chưa được phát giấy ra trại”. Ga tấp nập hành khách và bộ đội chờ đi các tỉnh phía Bắc, và rất đông “gian thương” (buôn bán chui) lượn tới lượn lui, rình mồi, nhiều nhất là những người mua đi bán lại quần áo, vai vác bao tải to kềnh, trông như một cảnh chợ trời, sau 30 tháng 4, 1975 tại Sài Gòn. Tất cả đều quay nhìn chúng tôi, biết ngay là đám sĩ quan tù binh cải tạo từ biên giới được thả về Nam, với cặp mắt tò mò, hoặc cảm thông. Một vài thanh niên, thiếu nữ còn dạn dĩ, đến bắt chuyện, hỏi về “quân hàm” (cấp bậc) của anh em, và xuýt xoa với nhau: “Ghê nhỉ! Trông trẻ thế mà đã là đại úy, thiếu tá cả, gần mười năm trước cơ đấy!” 1) Các cô, các bà mua bán chui thấy một số tù binh, trong đó có tôi, mặc quần jeans, mà họ gọi là “quần bò”, liền sà đến, gạ mua. Một cô, khá xinh, mồm dẻo kẹo, chỉ vào cái quần xanh, bạc màu, bụi đời (càng bụi càng có giá, cô nói) của tôi, và bắt đầu dụ, ngon lành: – Ông anh bán cái quần bò này cho em nhá! Tôi giật mình, khoát tay: – Đâu được cô! Hiện giờ tôi chỉ có mỗi cái quần này trên người, bán cho cô, lấy gì mặc? Cô vẫn nài nỉ: – Thì em đổi rẻ cho anh cái quần tây thường khác. Tôi vẫn lắc đầu. Rồi cặp mắt thiện nghệ của cô bỗng rà lên khắp châu thân tôi, như radar, ngừng trên chiếc áo pull trắng, cổ cao, tôi đang mặc, tuy còn mới, nhưng sau tám năm “biệt giam” trong nhà kho kín mít, đã ngả sang màu vàng nhạt, và thoang thoảng có mùi mốc, pha lẫn với hương nách cũ, chưa kịp giặt, bay ra… khá nồng. Cô lên tiếng tán, ngọt xớt: – Hay là ông anh bán cái áo này cho em! Trong túi xách tôi còn một áo sơ mi xanh, nên đồng ý bán. Cô ta trả giá 3 đồng. Tôi ngồi im re. Từ hồi cha sanh mẹ đẻ đến nay, tôi có đem áo quần đi bán bao giờ đâu, làm sao biết giá cả? Một bà già, hàm răng đen láy, ngồi cạnh cô bỗng lớn tiếng nói: “Ối giời, chỉ có quân ăn cướp ngày mới giả cái giá đó. Tôi giả 5 đồng đấy, cậu bán, tôi lấy ngay!” Tôi lại càng phân vân, chưa biết xử trí thế nào thì cô nọ liếc xéo bà kia: “Tôi tăng lên 10, mụ già nhà quê Quảng Ninh có theo nổi không nào?” Nghe hai người sừng sộ với nhau, đám tù binh và cả tên cán bộ xúm lại, xem màn bán đấu giá “đột xuất”, càng lúc càng hấp dẫn. Một anh thiếu tá đồng tù đập đập tay xuống thềm xi măng, hỏi: “Mại dô, mại dô. Có ai trả thêm nữa không?” Bà già cười khẩy: “Tôi giả 12 đồng đấy, con nặc nô Hà Tĩnh có ý kiến gì không nhỉ?” Cô gái tức khí, đáp lễ: “Tôi trả thêm 3 đồng, tổng cộng 15, mụ già nhà quê Quảng Ninh thấy thế nào?” Cả đám vỗ tay rào rào, tên cán bộ cũng cười. “Mụ gìà nhà quê Quảng Ninh”, cuối cùng, chịu không thấu, bỏ cuộc. Anh thiếu tá chỉ vào “con nặc nô Hà Tĩnh”, phán: “Không ai trả thêm nữa, tôi khóa sổ nè và long trọng tuyên bố rằng cô em gái Hà Tĩnh này được trúng tuyển mua áo pull của anh trai đại úy tù binh ngụy Vĩnh Phú, với giá 15 đồng chẵn, không bớt xu nào”. Cả đám, tù cũng như dân, ôm bụng cười lăn. Tiền trao áo múc, tôi bèn cởi ra ngay tại chỗ, giao tận tay cho cô. Vào thời điểm đó, 15 đồng là món tiền phải chăng, vì giá một tô phở khoảng 7 đồng, một ly bia 3 đồng. Tổng kết, có hai mươi tù binh “bị” mua áo, mua quần trong buổi sáng đó. Đủ tiền bát phố Hà Nội trong một ngày. 2) Bất ngờ có tiền phụ trội trên trời rớt xuống, cộng vào món tiền khiêm tốn được trại trả lại, tôi bỗng nổi hứng, đóng vai trưởng giả học làm sang: tắm nước nóng. Phòng tắm kế bên sân ga, thấp, nhỏ, mái tôn và vách lợp bằng tre đan. Trên cửa, viết nguệch ngoạc ba chữ bằng vôi trắng: Tắm lước lóng. Phòng chỉ có một lối ra vào. Giá vé là 2 đồng, trả trước cho một chị sồn sồn, hô răng, ngồi gác bên ngoài. Vừa lom khom chui vào, đóng cửa lại, chưa kịp làm gì, tôi nghe có tiếng nước xối ở gian trong, và dưới ánh nắng lùa qua khe hở, thấy vắt ngang trên tấm liếp ngăn hai gian một quần tây xanh đậm, và một áo lụa vàng, có thêu chim cò, kèm theo hai mảnh đồ lót, trên trắng, dưới hồng, rất “hiện đại”, rất khêu gợi mà, tôi đoán nhanh, chủ nhân chắc chắn không thể là một trong những “mụ già nhà quê Quảng Ninh” khi nãy. Tôi đang đứng lóng ngóng, chưa biết phải làm gì, thì từ phía trong vọng ra một giọng Bắc còn trẻ, nhưng không phải âm hưởng Hà Nội, của một cô chắc đã nhìn thấy tôi qua khe liếp, trong gian ngoài đầy ánh sáng: “Anh là tù cải tạo hả? Đừng ngại, cứ vô tư cởi quần áo ra, phòng tắm công cộng, ai cũng làm như thế cả!” Tôi im lặng, vì sợ gặp phải thứ dữ, chứ có gái nhà lành nào cả gan dám tắm truồng chung đụng như thế, chưa kể tắm xong, làm sao đi ra, nếu gian ngoài đang có người? Tôi đứng bất động như người trúng gió, căng mắt dòm vào, nhưng bị bóng tối ghen tuông che kín, không cho thấy chi hết. Sau tám năm thiếu đàn bà, trí tưởng tượng vụt bay lên, bay cao, bay xa, rạo rực, nhưng cố dằn xuống kịp thời. Tôi múc, bằng gáo, nước từ trong hai cái vò sành, bắt đầu súc miệng. Nước quá lạnh, buốt thấu răng, và óc, làm tê liệt giây thần kinh thèm muốn. Tôi mở hé cửa ngoài, thò đầu ra, khiếu nại với chị bán vé. Chị ta trả lời, đúng bài bản, như quá quen với “sự cố” này: “Bữa lay, nhiều khách tắm quá, bác ạ, đến nượt bác thì lước lóng hết đột xuất, em đun không kịp, bác cố gắng khắc phục tắm bằng lước nạnh hộ em!” Tôi đành rửa mặt, và nhúng khăn lau sơ phần trên, rồi mặc lại áo, đi ra. Xong một buổi tắm “lước lóng”. Tại thủ đô nước CHXHCNVN, năm 1983. Không biết bây giờ phòng tắm dã chiến bên hông ga Hàng Cỏ ngày ấy có còn không. 3) Vì thời gian chờ xe lửa quá lâu, theo đề nghị của anh em, trưởng đoàn tù binh, trung úy người Huế –được bầu một cách “khẩn trương” do nhu cầu công vụ– xin cán bộ cho phép anh em đi “tham quan” Hà Nội mùa xuân. Hai cán bộ “hội ý” với nhau, và chấp thuận, với điều kiện không đi xa và phải trở lại ga trước 7 giờ tối, ai trễ sẽ bị bỏ lại, ráng chịu. Lúc đó mới 11 giờ trưa. Tất cả hồ hởi phấn khởi xuất quân. Một vài anh em già, yếu, bệnh, mệt, ở lại nhà ga, và tình nguyện giữ hộ các túi xách với lời bảo đảm sẽ được “đền ơn bội hậu” khi anh em đi chơi về. Tôi rủ ba người bạn khá thân cùng đội tù K1 đi chung, trong số có một ông Thiếu tá già Tiếp Liệu Bộ Tổng Tham Mưu, cởi mở, chính gốc Hà Nội, nói năng lúc nào cũng từ tốn, chậm rãi, rề rà, nghe sốt cả ruột. Vừa rời sân ga, ông Thiếu tá bỗng dừng lại, vẻ mặt đăm chiêu, mắt ngó ngang ngó dọc, chỉ chỏ cho ba chúng tôi, không phải dân Bắc kỳ, và nói: – Hồi năm 1954, nhà tớ ở gần ga Hàng Cỏ này, trong khu Hàng Bông – Thợ Nhuộm, tức phía Cửa Nam. Không biết căn nhà có còn đấy không. Rồi ông dẫn cả bọn đi loanh quanh, và cuối cùng chui vào một dãy phố, đối diện ga. Những túp nhà chạy dọc theo con phố đều cũ mèm, mái đã rêu phong với những viên ngói lung lay, như răng bà lão, không biết bay theo gió lúc nào, tường vôi lâu ngày loang lổ thành màu trắng đục, có chỗ lòi ra một lớp gạch xám xịt. Phía trước là những hiệu buôn, được ông thiếu tá gọi là “hàng”, thấp lè tè, bước vào sơ ý là bị đụng vỡ đầu, nối liền với những “căn hộ” phía sau, cao hơn, lớn hơn. Sau một phút lưỡng lự, ông bước vô một gian “hàng”, không biết tên gọi là gì, có lẽ hàng Giày, vì bán toàn giày dép. Nghe ông kể, khi cả gia đình ông leo lên tàu há mồm vào Nam, thì, dĩ nhiên, cửa hiệu bán guốc và nhà ở của gia đình ông bị tịch thu, và đổi chủ. Chủ mới, không biết mấy đời rồi, là một anh trung niên, nói tiếng Quảng Bình giả giọng Bắc, lịch sự hỏi: “Các bác muốn gì ạ?” Ông thiếu tá già cười, mà như mếu, theo nghĩa hoàn toàn đen, vì tám năm dài đằng đẵng trong tù bạn bè đã bẻ giùm ông, bằng những sợi chỉ bện lại, mất hết năm răng cửa và hai răng hàm: “Trước năm 1954, tôi đã ở nhà này”, ông trả lời. Rồi xin ra phía sau để nhìn lại nó, và kể hết đầu đuôi câu chuyện. Nghe xong thiên tình sử, anh chủ mới mủi lòng, ân cần mời ông chủ cũ lên cầu thang gỗ thăm lại căn nhà của chính ông. 4) Ba thằng chúng tôi, hai Nam kỳ, và một Trung kỳ, không có dây mơ rễ má gì với cố đô Hà Nội, hay tàu há mồm, xin rút lui, để mặc ông thiếu tá già thoải mái đi tìm thời gian đã mất, như văn sĩ Pháp Marcel Proust. Lúc ấy có hai đồng tù trẻ, khác K, xin nhập bọn. Tiếp tục dạo phố. Vừa đi tôi vừa quan sát, ngắm nhìn thiên hạ, vừa nghĩ đến những giai nhân Hà Thành trước kia, mà suốt bao năm tôi đã ấp ủ trong tim bóng hình thướt tha và giọng ca vàng đầy chất Hà Nội được phát thanh trực tiếp trên các làn sóng Sài Gòn. Hay lãng mạn, hư cấu hơn, những nữ nhân vật có học, duyên dáng trong tiểu thuyết của Nhất Linh và Khái Hưng –mà khung cảnh đều là Hà Nội của những thập niên 30, 40. Và, trên hết, các công chúa Mỵ Châu, Lý Chiêu Hoàng, Trần Huyền Trân, Lê Ngọc Hân của Thăng Long nghìn tuổi, mang kiếp hồng nhan bạc phận trong thực tại lịch sử, đã làm ngây ngất trí tưởng nơi người hậu thế “khéo dư nước mắt khóc người đời xưa” (Kiều), như những giấc mơ huyền thoại quyến rũ, dị kỳ. Những cô gái, gọi là Hà Nội, dưới thời Việt Cộng, mà hôm nay tôi mới được diện kiến trực tiếp, thấy khác lạ quá đỗi. Đã thiếu nhan sắc, và thước tấc, mà lại kênh kiệu, nói năng cộc lốc, không bao giờ được học và nói hai chữ “cám ơn” và “xin lỗi”. Mặc áo sơ mi nhét trong quần tây, theo mốt hiện hành, bỏ chiếc áo dài cổ truyền, và chân đi “sa-bô” (sabot?), danh từ tôi mới nghe lần đầu, tức loại giày nhựa, bịt kín phía mũi, gót để trống, đế rất cao, như một thứ dép tân thời, thay cho “thanh bình tiếng guốc reo vui” ngày xưa của nhạc sĩ Hoàng Dương. Lại còn giọng nói nữa. Lạ lắm, trời ạ! Tiếng Hà Nội gì mà nghe như pha với giọng Nghệ An của “Bác”, hay Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Bình. Những dấu sắc, huyền, nặng, hỏi, ngã phát ra lung tung, loạn xạ, tùy tiện. Nghe chua lè, còn hơn giấm. Bởi thế, khi giọng nói Hà Nội ấy bay vào Miền Nam, sau cuộc đổi đời, người dân Sài Gòn nhận ra ngay sự khác biệt rõ rệt giữa hai thứ tiếng Bắc kỳ, (19)54 = 9 nút, của Kim Tước, Thái Thanh… và Bắc kỳ, (19)75 = 2 nút, rất lơ lớ, chói tai, của những ca sĩ trẻ, từ Hà Nội, ồ ạt Nam tiến, rồi sau đó và bây giờ, thừa thắng xông lên, xâm nhập luôn những Cộng đồng Việt Nam tỵ nạn tại Mỹ, vô tình hay hữu ý thực hiện chủ trương “giao lưu văn hóa” của VC, tiếp tay bởi tên nhà văn MC thò lò hai mặt. Về dung nhan, các ca sĩ ấy vượt trội những cô gái mà tôi đã gặp tại Hà Nội năm 1983. Nhưng giọng nói “2 nút” chua lè thì vẫn y chang. 5) Lang thang mãi, mỏi chân, và đói bụng, chúng tôi tắp vào một quán phở, không xa ga Hàng Cỏ là bao. Ba cô gái “phục vụ” (chạy bàn), mặc đồng phục, sơ mi và quần tây, đứng ở quầy hàng, thấy năm ông khách quý bước vào, trơ mắt ngó, không thèm chào mời. Và phớt lờ, tiếp tục trò chuyện với nhau. Quán lúc ấy không có ai ngoài năm đứa tôi. Chờ lâu, một anh, cựu trung úy Biệt Động Quân, người Nam hiền khô, nhưng tướng rất ngầu, da ngăm ngăm đen, nói năng bạt mạng, lại ngọng nữa, sốt ruột, lớn tiếng hỏi: – Nè, bộ mấy bà chê tụi tui không tiền hay sao mà không ai ga (ra) tiếp dzậy? Một cô trả lời, giọng Bắc the thé như lai tiếng Thanh Hóa, Nghệ An: – Ăn gì thì đến quầy mà gọi. Anh BĐQ đứng lên, khệnh khạng tiến tới quầy, hai tay thọc trong hai túi quần. Tôi bước theo, sợ to chuyện, và nhắc nhở “tụi mình vẫn còn là tù binh, chưa được phát giấy ra trại”. Anh hiểu, và nói một hơi: – Cho tụi này năm tô phở bò tàu bay Hiền Vương, tái, chín, nạm, gầu, gân, sách, nước béo, giá trụng, hành trần, chanh, ớt, tương đen, ngò gai, nhiều bánh, nghe kịp không? Ba cô, dĩ nhiên, nghe sao kịp, không hiểu, hay chỉ hiểu lõm bõm, trợn tròn mắt, tưởng anh nói tiếng Ấn Độ. Một cô, có lẽ tổ trưởng, xẵng giọng: – Đây là cửa hiệu quốc doanh. Chỉ có một loại phở mà thôi, không có thứ gì khác. Rõ chưa? Anh quay nhìn tôi, rồi ngó thấy cô “chằn” quá, liền xuống nước: – Gõ gồi (rõ rồi). Ờ, thì cô bán cho năm tô đi. Và năm chai bia. – Không có bia chai, mà chỉ bia “bốc” thôi. Anh lại hỏi: – Bia “bốc” là bia gì dzậy? – Là bia hơi rót từ cái bình thủy tinh lớn kia, ông cụ nội ạ, chứ còn là bia gì nữa? Tôi cười cười, cố tình nói đùa cho tình hình bớt căng thẳng: – Nghĩa là chưa uống nó đã “bốc hơi” bay đi hết, phải không cô? Nhưng cô quốc doanh nguýt tôi, rồi lườm anh BĐQ, mắt tóe lửa, như muốn nhai tươi nuốt sống hai thằng. Và bảo “trả tiền trước đi đã”, tổng cộng cả bia lẫn phở cho năm tên “ngụy” là 50 đồng. Hai thằng trở lại bàn. Ngồi chờ mãi, gần nửa tiếng, mà phở, bia chưa thấy mang ra, anh lại bực bội, gõ chiếc muỗng vào cái ly nghe leng keng, rồi nói lớn: – Sao lâu quá gồi mà không thấy ai bưng phở, đem bia ga dzậy cà? Cô “tổ trưởng” từ quầy cũng to tiếng, đáp lễ: – Đến đây mà bê ra, không ai hầu cho đâu! Cả đám bật đứng lên, bước đến phía quầy, thấy một lô tô phở, không nước, làm sẵn đồng loạt từ lâu, nằm chình ình trên một cái khay lớn. Nghĩa là khách địa phương, rành thủ tục, chỉ có việc đến quầy trả tiền, lúc đó các cô “phục vụ” mới đổ nước lèo nóng vào, rồi tự động ai nấy bưng tô phở ra bàn. Phở lơ thơ vài cọng rau, chỉ có một lát thịt bò thái mỏng như lưỡi lam cạo râu, sẵn sàng bay theo cơn gió vô tình lướt qua. Nước phở còn nhạt hơn nước ốc. Bia “bốc hơi” thì khỏi nói: không khác chi nước trà lên men. Ăn uống tạm no, nhưng còn ấm ức, anh trung úy BĐQ rút điếu thuốc Điện Biên ra hút, mơ màng nhả khói, như triết gia Jean-Paul Sartre trên vĩa hè Paris, rồi than nhỏ với tôi: “ĐM. Cái gì cũng quốc doanh, không khá nổi. Phở, bia, hay cha, thầy, sư quốc doanh gì cũng đều cà chớn gáo (ráo) trọi”. Ra đường, gặp một toán khác đi ngược chiều –khoe vừa mới nhậu thịt chó xong. Hỏi ngon không, thì một anh hậm hực trả lời: “Ngon gì mà ngon. Thịt chó quốc doanh chỉ có độc mỗi món luộc chấm với mắm tôm, không ớt, mùi tanh lắm. Nhưng lỡ trả tiền rồi, cũng phải ráng nuốt thôi. Thịt chó Hà Nội gì mà bết bát hết sức, thua xa thịt chó Hố Nai”. IV. Rồi năm đứa chia tay nhau, đường ai nấy đi, hồn ai nấy giữ. Hẹn trở về ga Hàng Cỏ trước 7 giờ tối, hoặc sớm hơn. Còn ít nhất bốn tiếng nữa để mà giết. Làm gì cho hết nửa ngày nữa? Tôi nẩy ý muốn đi xem phong cảnh Hà Nội. Bèn vẫy một chiếc xích lô. Phu xe là một thanh niên trên ba mươi, tên Tứ, dáng dấp khỏe mạnh, nói nhiều, giọng Bắc Khu Tư (Vinh). Tôi thương lượng: – Anh chở tôi đi chơi vòng vòng xem cho biết Hà Nội, cứ đạp từ từ, đến chỗ nào cũng được, tùy ý anh, trong ba tiếng, rồi chở tôi trở lại ga Hàng Cỏ trước 7 giờ. Anh lấy bao nhiêu? Anh mau mắn đáp: – Dạ, bèo lắm thì cũng 40 đồng đấy anh ạ… Tôi vừa ngồi lên nệm xe, anh đã đề nghị đi Hồ Hoàn Kiếm trước. Hà Nội đang còn mùa xuân, hai bên đường hoa nở rộ, thắm tươi. Những cành đào nặng trĩu hoa, rực rỡ một màu đỏ hồng, cong xuống, la đà theo gió. Thấy tôi mải mê ngắm nghía một cách thích thú, Tứ góp chuyện: – Còn một loài hoa nhỏ, chỉ nở từ tháng 3 đến cuối tháng 4, tức tháng này, trắng xóa ven đường, lại tỏa hương thơm nhè nhẹ. Tuyệt vời, anh ạ. Đó là hoa sưa… Đấy, anh ngắm đi, kia kìa, đúng là một cảnh tuyết, giống ở Sapa… Tôi hỏi lại: – Hoa sưa hay hoa sữa? – Dạ sưa. Du khách Sài Gòn ra, ai cũng lộn. Dọc đường, ít thấy xe hơi, xe gắn máy hay bộ hành qua lại. Du khách ngoại quốc, hay Việt kiều, cũng vắng. Một thủ đô đang hấp hối hay đang ngái ngủ, tôi có cảm tưởng, lạc hậu nhất trên hành tinh này. Lãnh đạo tự phong toàn là một lũ thất học, ngu đần, lúc bấy giờ còn say men chiến thắng, còn bận nhiều việc: trả nợ cho hai nước “anh em vĩ đại”, Liên Xô và Tàu Cộng, trả thù người chế độ cũ, lùa hàng trăm ngàn tù binh “ngụy” vào rọ “học tập cải tạo”, đày dân đi vùng kinh tế mới để cướp nhà của họ, vơ vét và chia chác của cải từ Miền Nam khuân ra Bắc, khoác lác khoe khoang với thế giới rằng “VN đã đánh thắng hai đế quốc đầu sỏ, Pháp và Mỹ”, và “VN chúng tôi có quá nhiều anh hùng, vừa ra ngõ là gặp anh hùng”… Nên chúng chưa có kế hoạch phát triển kinh tế, làm cho đất nước giàu mạnh. Xích lô chạy một hồi, đến hồ Hoàn Kiếm lúc nào không hay. Tôi bước xuống, đi bộ lên thảm cỏ xanh. Những nhánh liễu ven hồ, rũ xuống, tàn lá lưa thưa, không đủ “che nửa mặt hoa” (Bạch Cư Dị) của những cô gái trẻ ngồi tâm sự bên tình nhân, trên ghế đá. Tôi thấy họ có vẻ ngượng nghịu, lúng túng đến tội nghiệp khi nắm lấy tay nhau, nói chi ôm nhau, hôn nhau. Thương cho họ. Và ở một cảnh ngộ khác, thương cho chính tôi và những chiến hữu bất ngờ trở thành tù binh, không kịp hẹn trước với Định Mệnh, vừa đứng trước cổng trại giam là đã phải bỏ lại tất cả: quá khứ, vị lai, tình yêu, ước mơ, và thảm não hơn, hy vọng. Dường như những cặp tình nhân này mới dưới quê lên thành phố, hoặc vừa được Bác và Đảng “cởi trói” cho phép yêu nhau, sau tám năm “chiến thắng” Miền Nam, trong khi Bác và bè lũ, những con yêu râu xanh thời đại, tha hồ “đồi trụy”, vợ nọ con kia, mà mồm cứ phun ra những lời sặc mùi đạo đức giả. Những tia nắng lấp lánh đuổi nhau trên mặt hồ. Nhìn xa thấy màu nước đẹp lung linh, xanh như một tấm thảm rêu trải dài. Gần bờ, trái lại, nước hồ quá bẩn, có chỗ lềnh bềnh những rác rưởi, giấy báo, bao ni lông, lon, ca, cóng do ai vứt xuống bừa bãi, tắt nghẽn, không trôi đi được. Trước kia, tôi đã đọc trong một quyển tiểu thuyết và nghe các ông bạn lớn tuổi, chính gốc Hà Nội ba mươi sáu phố phường, kể rằng quanh bờ hồ Hoàn Kiếm thời trước 1954, sạch sẽ lắm, là nơi tụ họp vui chơi cuối ngày, và cuối tuần, của đông đảo dân Hà Thành, có những kiosques bán kem và lạc rang húng lìu nóng dòn, có giọng ca nhí nhảnh của Joséphine Baker phát ra từ đĩa nhạc xưa, “J’ai deux amours: mon pays et Paris…”, nhưng bây giờ, đứng đấy, tôi không nghe, không thấy gì hết. Cũng như, theo lời Tứ kể, ở Hồ Tây, mà anh ngại xa không muốn chở đến, không còn những chiếc périssoires (thuyền thoi) –mà dân Đà Lạt rất quen thuộc trước 1975, trên hồ Xuân Hương. Hay người Cộng sản không biết ăn kem Bờ Hồ, không biết nhai lạc rang, không biết nghe nhạc Pháp, không biết bơi thuyền thoi, cho đó là sản phẩm của Thực dân, Đế quốc? Vua Lê Lợi nếu sống lại chắc sẽ căm giận lắm về những hậu sinh khả ố, mất dạy, mê muội hiện tại, nhắm mắt theo đuôi chủ nghĩa Cộng sản khốn nạn. Tôi cầu xin, khi mùa đông về, mưa bay lất phất, rùa thần nổi lên mặt hồ, cho ngài mượn lại thanh kiếm báu để chém bay đầu bè lũ chúng nó, như trưóc kia đã chém bay đầu Liễu Thăng và giặc Minh… Rời hồ Hoàn Kiếm, Tứ chở tôi dạo một vòng Bưu điện gần đó, là một tòa nhà đồ sộ xây theo lối Tây, và xa hơn, những “phố” (thực ra là những con đường) Huế, Tràng Tiền, Hai Bà Trưng… mà tại mọi góc đều có Công An đứng gác, súng ống trang bị đến tận răng, mắt cú vọ nhìn gốc cây nào cũng thấy “phản động”, mặc dù đất nước đã thanh bình lâu rồi. Khi tôi ngỏ ý muốn đi thăm Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Tứ lẩm nhẩm tính: – Đến Văn Miếu thì phải vòng trở lại ga Hàng Cỏ, qua phố Hàng Lọng, theo phố Sinh Từ… Tôi cắt ngang: – Anh có nói, tôi cũng chẳng biết phố nào là phố nào. Thôi, tôi nhắm mắt để anh chở tôi đi đường nào cũng được. Như tên gọi, đó là một khu “miếu” lớn, với lối kiến trúc cổ xưa, từ thế kỷ XV, trang nghiêm, thanh nhã, gồm một gian thờ Khổng Tử và môn đệ, một lầu vuông tám mái gọi là Khuê Văn Các, nơi bình thơ của các sĩ tử, cạnh giếng Thiên Quang mà hai bên tả, hữu thấy dựng hai hàng bia đá khắc tên tám mươi hai vị đỗ tiến sĩ, qua các triều đại. Trên cổng ngoài cùng có vẽ hình hai con cá chép theo điển tích “cá vượt vũ môn”, ngụ ý người học trò đi thi được ví như cá chép phải vượt ba đợt sóng dữ, tại cửa sông, mới biến thành rồng, chỉ sự thành công tột bực. Chứ không phải, tôi nghe ai kể, các thí sinh thích ăn cá chép, theo cách hiểu của đa số học sinh XHCN bây giờ. Bước đi, tôi thấy người bỗng thoát trần, xa rời tục lụy và thực tế tối đen, xấu xí hiện nay, để lòng nhẹ tênh. Như bay bổng trong không gian và thời gian lồng lộng. Như nghe tiếng thiết tha gọi vê từ đáy Hôn Dân Tộc thanh cao của bốn ngàn năm văn hiến và từ những trang Sử Việt oai hùng qua bao dòng đời hưng phế, với Trưng, Triệu, Ngô, Đinh, Lý, Trần, Lê, Mạc, Trịnh, Nguyễn… những triều đại bị bọn “đỉnh cao trí tuệ” Trường Sơn chê là phong kiến, lạc hậu, độc tài, mà người dân vẫn được tự do đi lại, vẫn được ăn no mặc ấm, vẫn được vua chúa thương yêu như con, vẫn được học hành đến nơi đến chốn theo truyền thống nhân bản, vẫn được gọi mời tham gia vào công cuộc trị nước và giữ nước. Mà những tiến sĩ, đang hiện diện trong Văn Miếu kia, được vinh danh và trọng vọng nhờ vào thực tài, đức hạnh, chứ không bởi văn bằng dỏm, văn bằng lậu, văn bằng tậu được do tiền bạc và mánh mung, như trong thời kỳ đồ đá, đồ khỉ, đồ đểu hiện nay… V. Từ giã Văn Miếu, thấy còn dư một tiếng, tôi đề nghị Tứ chở đi xem giếng ngọc của Trọng Thủy và Mỵ Châu –mà chuyện tình diễm ảo và bi thảm đã ám ảnh, mê hoặc hồn tôi, từ lúc còn trẻ cho mãi đến bây giờ, hơn bất cứ chuyện tình diễm ảo và bi thảm nào trong văn chương thế giới, kể cả Tristan et Iseut hay Romeo and Juliet. Tứ đáp: – Xa lắm anh ạ, tận mãi Cổ Loa, quận Đông Anh, phía Bắc, cách Hà Nội 16km, không đi xích lô được, vả lại không kịp giờ lên xe lửa đâu. Đành trở lại ga Hàng Cỏ, trước giờ qui định. Trao tặng những anh giữ-hộ-viên-túi-xách một bịch chuối ép khô mua tại cửa Bưu điện, và kể sơ về chuyến du hành bằng xích lô. Hai cán bộ đã có mặt. Rồi lục tục, các đồng tù trở về “trình diện” kịp, hay trước, giờ, vì không ai dại, làm lỡ chuyến tàu xuôi Nam. Đúng 8 giờ tối, tất cả lên tàu, ngồi trong một toa, do “trên” (nhà nước) dành riêng, sau khi cán bộ đọc tên và phát cho từng người giấy ra trại, kèm theo lời dặn dò, hay mệnh lệnh chót, “các anh nhớ thi hành tốt lệnh quản chế địa phương, và phấn đấu làm ăn tốt, xây dựng xã hội chủ nghĩa, đừng trốn chạy ra nước ngoài”. Hai tên cán bộ ở lại ga, và chúng tôi hoàn toàn tự do, từ đây, ít ra trong đêm đó. Tàu khởi hành trễ nửa giờ. Chạy khoảng một tiếng thì ngừng lại tại một ga nhỏ, đón khách “nhảy tàu” (buôn bán lậu trên xe lửa) ra Bắc và trở vào Nam. Đa số là phụ nữ Miền Nam, còn trẻ, biết có một toa tù cải tạo được thả, họ đem hàng đến gửi, nhét đại phía dưới ghế ngồi, vì qua kinh nghiệm, tin rằng công an không bao giờ vô lục khám. Chúng tôi thông cảm, để mặc, và ngược lại họ mua bánh trái đãi đằng để trả công ơn đồng lõa. Vài người, mà thân nhân còn trong tù cải tạo, đứng nán lại, hỏi han, tâm sự. Và bất ngờ, tôi được biết trong số có một chị là vợ của một trung úy, đồng đội K1, không được thăm nuôi, đói, nhưng rất có bản lĩnh, tư cách. Tôi nói nhỏ với chị: – Ảnh đói lắm. Chị ráng thu xếp ra thăm ảnh một chuyến. Chị bật khóc, nước mắt đầm đìa, trả lời: – Em biết. Và thương ảnh lắm. Nhưng nhà nghèo quá, phải nuôi đàn con nhỏ nữa. Khi nào dành dụm được chút ít, chắc chắn em sẽ ra thăm ảnh. Cảm động, tôi móc từ túi quần được một nắm tiền, chừng hơn 100 đồng của trại trả lại, kín đáo đưa tặng chị, nói để “mua quà cho các cháu”. Chị không nhận, và vì tế nhị, tôi không nài ép. Cách đây hai năm, tình cờ tôi gặp lại anh chị –qua Mỹ theo diện HO, và làm ăn khá giả, con cái thành đạt– tại nhà một người bạn chung. Sau ba mươi năm, chị nhìn tôi, xa lạ, không nhận ra là ai, và tôi cũng không nhắc gì về chuyến tàu đêm năm cũ ấy. Tàu chạy thâu đêm, qua những địa danh lịch sử, tôi chỉ nghe nói đến mà chưa hề thấy tận mắt, như Hà Tĩnh, quê hương tuổi nhỏ của đại thi hào Nguyễn Du. Hay Quảng Bình, nơi sinh quán của Tổng thống Ngô Đình Diệm, với Đèo Ngang nổi tiếng trong thơ Bà Huyện Thanh Quan và sông Gianh phân chia ranh giới Bắc Nam giữa quân Trịnh và quân Nguyễn, thế kỷ XVII. Khi đến Cửa Tùng, An Du Tây, Quảng Trị, quê nội tôi, trước khi tàu qua cầu Bến Hải, tôi nhìn chăm chú ra ngoài, như một phản xạ, nhưng không thấy gì cả ngoại trừ một vùng đồng ruộng tăm tối, bao la. Tự nhiên, một cảm giác xa lạ, trống vắng xâm chiếm tâm hồn. Và thấy đắng chát trong cổ họng… Bởi một nơi không đến bao giờ, và không có một chút kỷ niệm, dù là quê cha đất tổ, cũng chỉ là một chấm đen trên bản đồ. Tôi gục đầu xuống thành cửa sổ, muốn khóc. Bỗng nhớ ba tôi quay quắt, đã mất không lâu trước đó, mà tôi không được gặp mặt. Sáng hôm sau, tàu ngừng tại ga Nha Trang, lúc 9 giờ. Tôi thuê xích lô trở về nhà. Xuất hiện tại cửa như một bóng ma hiện hình. Mẹ và Bội Trân đứng sững giây lâu, rồi cả hai ôm chầm lấy tôi, khóc nức nở. Tôi hôn lên má, lên tóc Mẹ, và qua vầng trán nhăn nheo và mái đầu bạc trắng, ngậm ngùi tưởng nhớ dung nhan của Mẹ ngày xưa và tình thương bao la suốt đời Mẹ dành cho từng đứa con. Tôi nhìn Bội Trân, người em kiều diễm của tôi, sau ngày đất nước đổi chủ, đổi tên, đã bị trời xanh quen thói má hồng đánh ghen bắt chịu nhiều nỗi truân chuyên, như người chinh phụ trong Đoàn Thị Điểm. Ôm em trong tay mà tưởng như ôm một khối tình sầu hóa thân chất ngất, chưa tan, mà biết rằng em, qua dòng lệ mừng cho tôi, cũng đang khóc nhớ hôn phu –một phi công, vì em không đi, đã ở lại Sài Gòn sáng 30 tháng 4, để bây giờ vĩnh viễn gãy cánh, nằm xuống tại một nơi nào trong trại tù Thanh Phong. Bởi em buồn, tủi phận, tôi cũng thấy hồn mình nát tan, không muốn bộc lộ nỗi vui được thả, không muốn kể gì về những trại tù đã đi qua… Xem tất cả như một chương đời khổ nạn khép lại, một cơn ác mộng phải quên. Cho riêng tôi, và cho giùm em gái và những người vợ tù khác. VI. Ba mươi hai năm qua, kể từ ngày ấy. Biết bao nhiêu chuyện đời xảy đến. Từ Mỹ, tôi đã đi thăm nhiều thủ đô lớn, nhỏ trên thế giới. Nhưng vẫn không sao quên được hình ảnh Hà Nội tuyệt đẹp, mà tôi đã gặp trong sử sách, cùng với hình ảnh cố đô Thăng Long cổ kính và huyễn mộng qua hàng chục thế kỷ chiến tranh giữ nước. Thăng Long, hay Hà Nội. Của một Phù Đổng Thiên Vương đại phá giặc Ân, rồi cưỡi thiết mã bay về trời. Của một Lý Thường Kiệt đứng trên sông Như Nguyệt, sang sảng ngâm bài thơ, được xem là bản tuyên ngôn đầu tiên về chủ quyền quốc gia Việt Nam, cách đây mười thế kỷ, độc đáo nhất, quyết liệt nhất: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư / Tiệt nhiên định phận tại thiên thư / Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm / Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư…”, trước khi xuất trận đánh tan quân xâm lược. Của một Trần Nhân Tông và các bô lão trong Hội Nghị Diên Hồng, đồng thanh quyết chiến đến cùng. Của một Trần Hưng Đạo với câu nói, có một không ai trong lịch sử nhân loại về sự hy sinh tột độ cho đất nước: “Bệ hạ muốn hàng, xin trước hãy chém đầu tôi đi đã, rồi sau sẽ hàng” –là danh tướng duy nhất trong quân sử thế giới đã đánh bại đế quốc Mông Cổ (tức nhà Nguyên), hùng mạnh nhất lúc bấy giờ, bách chiến bách thắng, mà vó ngựa đã giẫm nát toàn cõi Đông Âu, Nga, Trung Đông và Đông Nam Á. Của một Trần Bình Trọng, bị bắt, với thái độ hiên ngang, ngẩng cao đầu trước địch quân: “Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc”. Của một Lê Lợi với hơn mười năm kháng chiến nằm gai nếm mật. Của một Nguyễn Trãi với chính sách thu phục nhân tâm diệu kỳ, “Lấy trí nhân thay cường bạo”. Của một Nguyễn Huệ với những chiến thắng mùa xuân thần tốc lẫy lừng. Của một Hoàng Diệu, tổng đốc trung liệt, đã tuẫn tiết cùng chết với thành Hà Nội. Của toàn dân, qua các triều đại, đã sát cánh với vua, quan, tướng lãnh đánh đuổi bọn Đại Hán xâm lược, mà dù là Ân, Ngô, Tống, Nguyên, Minh, Thanh xưa kia, hay Mao (Cộng) ngày nay –tất cả đều là kẻ thù truyền kiếp của dân tộc. Cũng như tôi không sao quên được hình ảnh, ngược lại, điêu tàn của một Hà Nội mà tôi đã gặp vào một ngày mùa xuân 1983, cổ lỗ và rách nát trong tay giặc Việt Cộng. Dưới sự thống trị của bọn lãnh đạo ma đầu thay nhau tự phong, ngu dốt, tham tàn, phản bội dân tộc, rước voi về giày mả tổ, thấy kẻ thù là run như cầy sấy, nhưng đối với dân thì hung bạo, đánh đập, bắn giết, bỏ tù. Hà Nội trong mắt tôi, ngày xuân ấy và nhất là bây giờ, dưới xích xiềng giặc Việt Cộng, chỉ là thủ đô của hận thù, của hạ tiện, của xảo trá, của băng hoại về mọi giá trị đạo đức, xã hội, giáo dục, kinh tế, an sinh và lương tâm. Chỉ là biểu tượng của một đất nước mà dân nghèo phải đầu tắt mặt tối, bươn chải kiếm sống, mà học sinh phải đu dây qua sông để đến trường, mà dân giàu lo ăn chơi, trụy lạc, say xỉn, mà tướng tá và công an được mua bằng tiền, tự biến thành chó ngựa, cung cúc phục vụ chế độ phi nhân, mà tất cả, trong những hoàn cảnh sống khác nhau như thế, cũng đều quên đi nhiệm vụ cao cả do tiền nhân giao phó: đứng lên chiến đấu giữ nước, trước hiểm họa Bắc thuộc do Tàu Cộng đang mưu toan với chiến thuật mới, mềm dẻo hơn, tinh vi hơn, nghĩa là bằng chính tay những thằng lãnh đạo Việt Cộng. Hà Nội ấy, một lần đi qua, tôi sẽ không bao giờ trở lại, dù chỉ một giờ, một phút, nếu tổ quốc Việt Nam yêu dấu chưa sạch bóng nội thù Việt Cộng, nếu người dân chưa, hay chưa thể, đứng lên tiêu diệt bọn lãnh đạo bây giờ, và ném vào sọt rác lịch sử cái chủ nghĩa Cộng sản quái thai, quái dị, quái đản, đã ngự trị từ hơn ba phần tư thế kỷ trên đất nước tang thương, bất hạnh này –đã vô phúc sản sinh ra một tên Nguyễn Tất Thành, tức Hồ Chí Minh, còn bỉ ổi, ghê tởm hơn Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống. VII. Khát vọng và ước mơ tuyệt vời đó về một Việt Nam tương lai phi Cộng sản, tôi lo, khó thành hiện thực cho tôi và những ông bạn chiến binh già, trong cuộc đời này. Thời gian vô tình cứ trôi đi, và bóng đời cứ nghiêng đổ, mà giật mình ngoảnh lại, thấy chưa làm gì được cho đất nước thân yêu còn mãi quằn quại trong nanh vuốt Việt Cộng. Có thể không kịp nữa. Họa may, kiếp sau. Nếu Thần Chết không bắt chúng tôi bỏ lại tất cả mọi hy vọng, khi bước qua bờ tử sinh. Và nếu trong Inferno, thi hào Dante cũng tha, cho những kẻ đứng trước cửa địa ngục, hình phạt nặng nề nhất, tức là phải mang theo mối tuyệt vọng đời đời. Lasciateogni speranzavoi ch’entrate (Hãy vứt bỏ tất cả hy vọng, hỡi các ngươi đang bước vào, iii,1). Kim Thanh Portland, 1 tháng 2, 2016 |
© cfnt, Collège Français de Nha Trang