Đà Lạt, vàng phai kỷ niệm



Đầu năm 1975, tôi đổi về trường Đại Học CTCT Đà Lạt, sau thời gian dài lặn lội hành quân gian khổ theo các đon vị Bộ Binh Vùng 2 Chiến Thuật. Và từ tháng 4 năm ấy, tôi được Nguyễn Hồng Giáp, người bạn học cũ từ thời Nha Trang, đang là Phó Khoa trưởng Văn Khoa Viện Đại Học mời đến dạy Pháp văn như một giáo sư thỉnh giảng (visiting professor). Trái với dự đoán của tôi, Đại tá Chỉ huy trưởng Nguyễn Quốc Quỳnh vui vẻ cho phép ngay, theo chủ trương “giao lưu văn hóa”, trao đổi giáo sư giữa hai trường, nghĩa là ông cũng mời các giáo sư VĐH qua dạy tại trường ĐH/CTCT, như Trần Long, khoa trưởng Chính Trị Kinh Doanh, Hoàng Cơ Long, Nguyễn Hồng Giáp, và cô Phương Thu, hiệu trưởng trường Bùi Thị Xuân.


Viện Đại Học Đà Lạt (1973-75)


Hồi ấy, Viện Đại Học Đà Lạt bắt đầu áp dụng chế độ tín chỉ (credit) như của Mỹ, theo đề nghị của các giáo sư du học Mỹ trở về, như ba ông Tam Long: Phó Bá Long, Trần Long (hiện ở Hillsboro), và Ngô Đình Long –điều mà Tiến sĩ Nguyễn Hồng Giáp, tốt nghiệp bên Tây, hoàn toàn đồng ý và cổ võ. Ví dụ, sinh viên các khoa (Sư phạm, Việt Hán, Anh văn, Khoa học, Chính Trị Kinh Doanh, v.v…), nếu chọn Pháp văn làm sinh ngữ chính hay phụ, đều phải đến học chung với nhau các giờ Pháp ngữ. Còn những sinh viên theo ban Văn Khoa Cử nhân Pháp thuần túy ngồi vào lớp riêng, khó hơn, chuyên môn hơn, giảng bằng tiếng Pháp do các giáo sư người Pháp, như linh mục Jean Maïs, hay Alain Bichet, bạn tôi, phụ trách.


Tôi được chỉ định –cùng với Nguyễn Hồng Giáp, Đậu Quang Luận, (và, nếu không muốn bị mang tiếng thấy người sang bắt quàng làm họ, tôi nhớ còn có cha Nguyễn Văn Nhơn, nay là Tổng Giám Mục Hà Nội)– dạy các lớp “học chung” như vậy, đóng đô thường trực tại giảng đường Spellman, từ trình độ năm thứ 2 đến năm thứ 3.


Với lớp cử nhân Pháp, Giáp đề nghị tôi dạy một credit bắt buộc về văn chương đối chiếu (littérature comparée) giữa Pháp và Việt. Tôi chọn đề tài: “Baudelaire et les poètes et écrivains Vietnamiens de l’avant-guerre” (Baudelaire và các thi văn sĩ tiền chiến Việt Nam). Quả vậy, trong văn chương Pháp, Baudelaire có ảnh hưởng lớn trên thế hệ thi văn sĩ lãng mạn Việt Nam, nhất là Xuân Diệu, hay Hàn Mặc Tử (ông này lên án Baudelaire đã thiếu đạo đức, khinh miệt gọi ông là “va” (cf Chơi giữa mùa trăng, y hệt Tòa án Pháp năm 1861 kết tội ông vì tập thơ Les Fleurs du Mal), nhiều hơn cả Lamartine, một thi sĩ tôi cho là ủy mị, than mây khóc gió nhất, mà học sinh và thi sĩ Việt Nam nào cũng biết.


Ví dụ về ảnh hưởng của Baudelaire: Những câu thơ như “Là thi sĩ nghĩa là ru với gió / Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”, Xuân Diệu lấy dịch gần nguyên con bài “Bénédiction” của ông thi sĩ Pháp. Hay bài “Huyền Diệu”, mở đầu với câu “Này lắng nghe em khúc nhạc thơm…” lấy ý từ bài “Correspondances” trong đó những màu sắc (couleurs), âm thanh (sons) và hương thơm (parfums) được kết hợp mật thiết với nhau. Vân vân… Bên cạnh Baudelaire, Xuân Diệu còn chịu ảnh hưởng nặng nề của Ronsard, thế kỷ Phục Hưng (XVI), và một chút của Lamartine, một chút của Verlaine (như bài Il pleure dans mon cœur, chẳng hạn, Xuân Diệu, trong “Yêu mến”, cũng viết: “mưa lơ phơ như dạ khóc âm thầm”) và qua các nhà thơ Pháp này, ảnh hưởng gián tiếp của thi sĩ Latin Horace (Carpe diem, Hãy hái ngày đi), trong bài “Giục giã”: Mau với chứ vội vàng lên với chứ / Em, em ơi tình non đã già rồi v.v…


Ngoài Xuân Diệu, trong “Hồn bướm mơ tiên”, đoạn tả cảnh lá rụng, Khái Hưng viết giống như, nếu không nói gần như phỏng dịch, nhà văn François Coppée trong một đoạn của Toute une jeunesse. Cũng như Thanh Tịnh bắt chước đoạn văn La rentrée của Anatole France trong “Ngày tựu trường”. Những bài thơ đạo của Hàn Mặc Tử phảng phất hơi hướng của Paul Claudel, một tín đồ Công giáo thuần thành, trong L’annonce faite à Marie và Le soulier de satin. Còn nhiều ví dụ khác nữa. Ấy là chưa kể Bích Khê với cố gắng đưa thơ tiền chiến Việt vào dòng thơ tượng trưng Pháp.


Tín chỉ này muốn dạy phải kéo dài ít nhất ba tháng, đâu ít ỏi gì, nên tôi phải bỏ nhiều thời gian, lục lọi trí nhớ và đọc lại kỹ những bài thơ, bài văn Pháp nào mà tôi nghi có dính líu tới các ông thi văn sĩ Việt Nam, và ngược lại. Thời đó chưa có Internet và Wikipedia, nên sự hiểu biết chỉ dựa trên kiến thức học từ trường ốc và sách vở. Xong, in ra thành tập, phát cho sinh viên. Bây giờ thì cả thầy lẫn trò đều mất nó. Tiếc quá! Nếu được trẻ hơn chừng ba bó, có lẽ tôi sẽ “tắt đèn làm lại”, vì thấy đề tài này khá hữu ích cho văn chương Việt Nam, không chỉ thời tiền chiến mà còn cả về sau này, với Nhóm Sáng Tạo hay những nhà văn chạy theo chủ nghĩa Hiện Sinh của Sartre, Camus, hay những nhà thơ chịu ảnh hưởng phong trào Siêu Thực Pháp, Bùi Giáng chẳng hạn…


Sinh viên của lớp chứng chỉ này có tám người, bảy cô và một cậu. Giờ này tôi chỉ nhớ hai người, một là em của bà chủ tiệm ăn Bắc Hương trong khu chợ Hòa Bình, tức em vợ của Trung úy Nguyễn Bảo Hưng, bạn tôi, thuộc trường ĐH/CTCT. Khoảng giữa năm 1988, tôi đã gặp lại cả gia đình anh bạn cũ ở ngoại ô Paris (Cergy-Pontoise). Cô sinh viên thùy mị, nhút nhát ngày đó giờ đã có chồng con, tay bồng tay bế. Người thứ hai có tên Hoàng Hôn Thắm, hồ sơ ghi “sinh tại Paris”. Tôi nhớ đến cô vì cái tên quá đặc biệt, khó quên và không lẫn với ai được. Sau này qua Mỹ đọc báo mới biết cô (đang ở Texas) là ái nữ của cố thi sĩ tài hoa Hoàng Anh Tuấn.


Chiếc Peugeot 203 bụi đời


Lúc ấy tôi đi làm bằng chiếc xe Peugeot 203 đen, cũ kỹ, sang số tay, thời Bảo Đại còn mặc tã, rất bụi theo hai nghĩa, mượn dài hạn của ba mẹ tôi, lái từ Nha Trang lên, không bao giờ được lau rửa trong ngoài, sách báo đầy ngập sàn xe.


Nói chung, xe chạy cũng OK, vừa phải. Chỉ có vài trục trặc lẻ tẻ, như tiếng máy nổ quá to, có lẽ ống pot bị nứt, không thua tiếng xe nhà binh GMC, khiến không có người đẹp nào muốn quá giang, vì mắc cỡ, nhưng khách bộ hành nghe từ xa đã phải vội né vô lề, đỡ gây tai nạn. Còn thêm cái thắng không được ăn lắm, muốn ngừng phải nhắp nhắp trước mười thước từ xa, không ai dám ngồi vào, nói chi mượn lái. Khá nguy hiểm trên những con dốc Đà Lạt. Lúc đầu tôi cũng ớn chứ, nhưng riết rồi quen. Không đem sửa vì lười và vì thợ bày vẽ đủ chuyện, chặt đẹp. Một anh bạn, nghe tôi cảnh cáo, ngờ tôi xấu bụng, một lần vẫn nằng nặc đòi mượn đi có việc. Mười phút sau, anh đem trả lại, mặt mày tái nhợt. Lại còn, lâu lâu máy nổi cơn ho khục khặc, phun khói mịt trời.


Một đêm sương mù, ham nói chuyện với một khách quá giang, Đại úy Phạm Văn Tải (hiện ở Portland), tôi quên nhắp nhắp thắng, suýt lao xuống hồ Xuân Hương. Lần khác, nhắp nhắp không kịp, tôi đã tông vào cửa xe Peugeot 403 trắng mới tinh, đang quẹo phải, của ông Trưởng ty Công Chánh Đà Lạt, tôi nhớ người Huế, dòng họ Tôn Thất, bị ông này bước xuống la lối ầm ĩ, vung tay vung chân, đòi xem và đòi rút bằng lái. Nhưng lúc ấy ông cũng vừa kịp thấy tôi (đi công tác về) mặc quân phục, đeo lon, mang súng Colt, mở cửa sấn tới, mặt hầm hầm vì bị chửi… oan, nên ông cũng ngán, dịu giọng, chỉ đòi “đại úy trả tiền gò lại cửa xe”, tốn hết một tháng lương nhà binh của tôi. Nhờ thế, sẵn dịp, tôi mới chịu sửa sơ sơ cái thắng xe. Vậy mà trước đó có người không biết bệnh trạng của xe vẫn “vô tư” ngồi vào, như Giám mục Đà Lạt Nguyễn Sơn Lâm, vài bà sơ người Pháp, hoặc các giáo sư trường CTCT.


Thiếu tá Lê Ân, Văn Hóa Vụ trưởng ĐH/CTCT


Vài sĩ quan Văn Hóa Vụ biết chuyện tông xe này, nhưng Th/T Ân, xếp trực tiếp của tôi, lại không. Chuẩn bị đi Sài Gòn mời các giáo sư cho mùa văn hoá, ông đã đề nghị với Đại tá Quỳnh cho ông và tôi đi xuống Sài Gòn bằng chiếc Peugeot không giống ai của tôi, và nhà trường đài thọ xăng. Đó là một trong vài lần hiếm hoi tôi rửa xe, nhưng vẫn ỷ y, hoặc lười biếng, hoặc tiếc tiền, không cho kiểm lại máy móc. Gần đến Phan Thiết, gió mát từ biển thổi vào, hai thầy trò đang ngon trớn, Thiếu tá Ân đang khen nức nở “xe chạy êm quá”, thì bỗng nó bị panne ngang xương, xịt khói mờ mịt, giật liên hồi mấy cái, giống như con heo bị thọc huyết, rồi chết máy. Dù ốm yếu, ông thiếu tá cũng phải xuống đường phụ tôi đẩy xe, mồ hôi nhễ nhại, thở phì phì, luôn miệng than: Cháng gướm! Cháng gướm (Chán gớm)! Hóa ra bộ phận bơm xăng bị bể. Vào một tiệm sửa xe bên đường, nhờ thay, rồi xe chạy phom phom trở lại, đủ sức đổ bến Sài Gòn và an toàn đến nhà các giáo sư. Như GS Nguyễn Mạnh Hùng, lúc ấy đang ở với vợ và bà mẹ vợ, Bắc kỳ chính cống, nghe nói bây giờ trở cờ, sống tại Virginia. Như GS Nguyễn Ngọc Huy, người Nam, rất niềm nở, lịch sự, cười lộ cái răng vàng sáng chói và bàn tay bắt mềm nhũn. Như GS Nguyễn Thị Huệ, đon đả, bộc trực. Còn GS Phạm Thị Tự đã nhận lời qua thư từ với Đại tá Quỳnh, không cần đến gặp. Trở về trường, Thiếu tá Ân đi máy bay cho chắc ăn. Sau chuyến đó, ông chỉ dám ngồi vào xe của tôi chỉ một lần nữa, khi chiếc jeep của ông bị hư giữa đường.


Rất ít người còn nhớ, nói chi nhắc, đến vị Văn Hoá Vụ trưởng cuối cùng của trường ĐH/CTCT. Có lẽ vì bản tính ông kín đáo, khiêm cung, có lẽ vì trong chức vụ VHV trưởng ông ít xuất hiện, không tiếp xúc nhiều với anh em SVSQ, khác với chúng tôi, những sĩ quan phụ khảo. Ông về Đại học CTCT, từ trường Võ Bị (trưởng phòng Tâm lý chiến), cùng một thời gian với tôi, tháng giêng 1973, nghĩa là từ khoá 4. Ông có bằng Cử nhân Việt-Hán. Rất hiền lành, ít nói, vóc dáng ốm nhỏ, mặt luôn tái xanh, và sau này tôi được ông cho biết ông bị bệnh bao tử kinh niên. Ông sống khép kín cùng với gia đình, một vợ ba con nhỏ, tại bến xe Chi Lăng, gần căn nhà thuê của tôi. Vợ ông người Huế, cháu ruột của Linh mục nổi tiếng Phan Phát Huồn, dòng Chúa Cứu Thế. Còn ông nói tiếng Quảng, lai Huế, em họ của Linh mục Lê Thiên Ân, tu viện trưởng tu viện dòng Chúa Cứu Thế Nha Trang. Khi Khối Khóa sinh và Văn hóa vụ dời về trường Chỉ Huy Tham Mưu cũ, chúng tôi chỉ cần thả bộ bốn phút là đến nơi làm việc. Rất tiện lợi.


Văn hóa vụ lúc ấy có bốn khoa và bốn trưởng khoa. Đại úy Võ Lê Tuấn, cử nhân Luật, người hiền hòa, ăn nói nhỏ nhẹ, lịch sự, là trưởng khoa Chính Trị Học kiêm phụ khảo môn Nhân chủng học (GS Nghiêm Thẩm), Trung úy Trần Kiêm Nguyện, cử nhân Văn khoa, trưởng khoa Hành Chánh Công Quyền kiêm phụ khảo môn Bang giao quốc tế (GS Nguyễn Thị Huệ), Trung úy Phạm Hữu Tạo, du học Mỹ về, trưởng khoa Sinh ngữ, và tôi, trưởng khoa Nhân Văn Xã Hội kiêm phụ khảo môn Xã hội học (GS Phạm Thị Tự). Ngoài ra, mỗi lần Bà Tự dạy đều có Thiếu tướng Bùi Đình Đạm, Giám đốc Nha động viên, mặc veste dân sự, đến hội trường nghe, vì lúc đó ông đang soạn Cao Học Xã Hội Học dưới sự bảo trợ của bà. Những lần ấy, tôi ngồi cạnh ông, cuối phòng, và thì thầm nói chuyện. Mỗi trưởng khoa có văn phòng riêng trong dãy building, được dùng làm nơi thi vấn đáp, kế cận đại giảng đường. Sau này, khi hai GS Nghiêm Thẩm và Phạm Thị Tự bận không lên Đà Lạt dạy được nữa, vào năm cuối của khóa 4, Đại tá Chỉ huy trưởng bổ nhiệm Đ/U Tuấn dạy môn Nhân chủng học và tôi dạy môn Xã hội học. Chúng tôi “lên lớp” được hai lần (cuối khóa 4, đầu khóa 5) thì tan hàng, “di tản chiến đấu” xuống Sài Gòn. Tôi không chắc là các anh em SVSQ có lời bình phẩm nào, khen hay chê, về cách dạy của hai chúng tôi, vì đa số, đi bãi về, mệt quá, đã ngủ trong lớp, có anh mê man không biết tôi xuống bục đứng bên cạnh lúc nào, có anh ngáy “vô tư”, có anh còn mớ nói lảm nhảm, có anh nghiến răng ken két. Tôi thông cảm hết. Có một điều duy nhất mà tôi không bao giờ thông cảm là “quay phim” trong giờ thi.


Trở lại Th/Tá Lê Ân. Ông cho các sĩ quan VHV thì giờ rộng rãi để soạn bài vở, tài liệu, không bắt buộc có mặt ở đơn vị 100%, trừ khi trực trại, ứng chiến, và họp tham mưu có ĐT/CHT chủ tọa. Còn ông tình nguyện lãnh phần “trực văn phòng” mỗi ngày, mà ông và chúng tôi gọi đùa là “giữ chùa”, thay cho tất cả. Cần sĩ quan nào, ông cho người đi lùng gọi, thường thường tại gia. Vài lần, bận việc, không lên văn phòng được, ông cho cô con gái lớn, 14 tuổi, tên Bích Vân, đến tìm tôi tận nhà, gõ cửa, nói bằng giọng Huế đặc: “Ba chạu nọi, nhờ chụ lên giự chùa giùm cho ba”. Nghĩa là, vì tôi là láng giềng gần gũi, nên luôn luôn được ông ưu tiên “chiếu cố”, hơn ba ông trưởng khoa kia. Suốt hai năm làm việc dưới quyền ông, tôi chưa bao giờ thấy ông giận dữ, lớn tiếng, hoặc rầy la bất cứ ai. Cho nên chúng tôi rất thương ông. Có chuyện gì không vừa ý, ông chỉ lắc lắc đầu, buông nhẹ một lời than độc nhất, rất trademark:
– Cháng gướm!


Giáo sư Phạm Thị Tự


Cũng với chiếc xe ấy, trong mùa văn hoá đầu tiên của tôi, vì tài xế xe jeep dân sự của trường bận đón đưa ai, hình như bà Trung tướng Trần Văn Trung, Th/tá Lê Ân nhờ tôi một mình, mặc civil, đến phi trường Liên Khương đón giáo sư Xã Hội Học Phạm Thị Tự –mà cả ông và tôi chưa biết mặt. Máy bay đáp, tôi chờ mãi, vẫn không thấy bà đâu, vì trong đầu tôi mường tượng bà phải như một “mệnh phụ phu nhân”, ăn mặc sang trọng cho đúng với tước vị giáo sư du học ở Mỹ về v.v… Cuối cùng, không còn ai, ngoài một bà cao lớn mặc áo dài rất bình dị, đi guốc gỗ thường, đứng đó đợi đã lâu, bước tới hỏi với giọng Bắc thanh tao, trong vắt: “Có phải ông thuộc trường Đại học CTCT đi đón ai?”. Tôi trả lời: “Vâng, tôi là Trưởng khoa Xã Hội Học, có nhiệm vụ đón giáo sư Phạm Thị Tự, nhưng không thấy bà đâu cả”. Bà mừng rỡ, nói lớn: “Tôi là giáo sư Tự đây mà!”. Cũng may, xe chạy về thành phố bình an vô sự, sau mấy lần phải nhắp nhắp thắng mỏi chân.


Sáng nay, 15/3/2014, khi đang viết bài này, tôi nhận được email của anh em cựu SVSQ khóa 4 trường Đại Học CTCT, báo tin bà giáo sư Maria Phạm Thị Tự đã từ trần 9 giờ sáng hôm qua, 14/3, tại Sài Gòn, thọ 91 tuổi, làm tôi không khỏi bàng hoàng, nhớ những buổi dạy rất linh động của bà và nhất là lần đưa xe đón bà tại phi trường Liên Khương. Bà Phạm Thị Tự, ai cũng công nhận, là một giáo sư giỏi, cởi mở, có kiến thức rộng, óc khôi hài cao, rất duyên dáng. Đại tá Chỉ Huy Trưởng dường như quý mến bà một cách đặc biệt. Mỗi lần ông mời bà và Th/T Lê Ân đến dùng cơm tại tư thất, tôi cũng được mời đến “ăn ké”.


Đồng nghiệp Alain Bichet


Alain là giáo sư tại Lycée Yersin, có bằng Cao Học Sử, Đại Học Nanterre, còn trẻ, độc thân, đẹp trai, dân chơi thứ thiệt. Anh được mời dạy một lớp Pháp văn cho sinh viên Cử nhân Pháp tại Viện Đại Học. Một buổi chiều cả hai dạy xong thì trời vừa tối. Anh đi bộ ra cổng. Tôi chạy xe rề rề theo, hỏi anh có muốn quá giang về không. Anh OK. Hỏi ở đâu, anh đáp, đường Võ Tánh, gần bến xe Chi Lăng. Tôi reo lên, tưởng đâu, chứ mình là láng giềng đấy. Vào xe, mấy phút sau, Alain quay sang tôi, lo lắng hỏi, với cặp mắt chuyên nghiệp: “Thắng xe có ăn không đó?” Tôi đáp: “Không ăn lắm. Nhưng cứ yên trí, “Ne t’inquiète pas trop”, có gì, tôi thắng bằng hộp số. Chưa bao giờ xe lao xuống hồ”. Câu khôi hài vô duyên không làm Alain cười, trái lại, tôi liếc thấy, nét mặt anh đăm đăm pha chút lo âu.. Đến nơi an toàn, mình mẩy tay chân còn lành lặn, anh mừng lắm, mời tôi vô nhà, uống cognac, chuyện trò rất tương đắc cho đến khuya. Từ đó, Alain trở thành một trong những người bạn thân thiết nhất của tôi. Tôi còn giới thiệu Alain cho Đại tá Nguyễn Quốc Quỳnh –người đã tham dự Hòa đàm Paris và nói tiếng Pháp rất lưu loát. Thỉnh thoảng anh mời Đại tá Quỳnh đến nhà dùng cơm, và ngược lại, Alain cũng được mời tham dự những buổi lễ lớn của Trường CTCT. Một lần, đầu tháng 4, 1975, anh cao hứng, mời cả Thiếu tướng Lâm Quang Thơ, chỉ huy trưởng trường Võ Bị, Đại tá Tỉnh trưởng Tuyên Đức Nguyễn Hợp Đoàn, Đại tá Tham Mưu trưởng Võ Bị tên Vân, Đại tá Quỳnh và tôi đến tư gia uống rượu và ăn cơm tối. Ba ông đại tá nói ít, mặc dù giỏi tiếng Pháp, còn Thiếu tướng Thơ, vốn xuất thân trường Thiết giáp Saumur, nói nhiều, gần như độc thoại, rổn rảng, giọng điệu, phát âm rất đúng, y như dân Tây thứ thiệt.


Trước ngày Đà Lạt di tản, Alain quyết định ở lại, nói chờ máy bay của tòa đại sứ Pháp tại Bangkok hứa hẹn đến rước. Còn rủ tôi cùng chờ, rồi “dông qua Pháp tỵ nạn luôn”. Dĩ nhiên, tôi từ chối, vì còn ba mẹ và bao nhiêu người thân thiết. Chờ mãi, vài ngày sau 30/4, khi thành phố Đà Lạt bỏ ngỏ, quân dân di tản hết, Alain mới thấy mấy thằng du kích nằm vùng nhóc con kéo đến, không thèm gõ cửa, cầm súng bước vào còng tay dẫn đi… cải tạo, bắt ăn khoai mì luộc, uống nước lã thay rượu một tuần lễ, về tội làm “gián điệp” cho Phòng Nhì Pháp hay CIA Mỹ. Alain, có lẽ vì thế, căm thù Việt Cộng còn hơn chính tôi căm thù. Đang vui mà ai nhắc đến VC, mặt anh sa sầm, đanh lại, mắng mỏ không tiếc lời. Trên bàn làm việc tại nhà, ở Đà Lạt hay Nanterre, luôn có một lá cờ vàng nhỏ, như một kỷ niệm. Năm 1984, tôi vượt biên và tắp đảo Palawan (Phi). Nhân chuyến công tác tại Manila, anh đã tạt qua trại thăm, cho tôi một số tiền franc dằn túi trống rỗng, và một vài quyển tiểu thuyết Pháp mới xuất bản. Mỗi lần qua Paris tôi đều đi gặp Alain –sống ở Nanterre, đường Gambetta, cùng với ông bà cụ thân sinh mà tôi đã quen biết trước 1975 khi họ sang thăm con tại Đà Lạt. Anh là con một, vẫn độc thân, già đi nhiều, râu quai nón úa trắng. Bà mẹ than phiền, “nó không chịu lấy vợ cho bác có cháu bồng”. Alain hiện làm trong bộ Giáo Dục với chức Tổng thanh tra các trường Pháp trên thế giới, đi nhiều nước. Hàng năm đến Mỹ, anh đều gọi điện thoại cho tôi.


Không hiểu sao, lúc ấy, Alain Bichet (và cả Linh mục Maïs) không ưa Nguyễn Hồng Giáp, và ngược lại. Tôi đứng giữa, khổ tâm lắm, vì phải bênh cả hai bên.


Tôi dạy được hai năm tại Viện Đại Học Đà Lạt và trường Đại Học CTCT, từ tháng 1, 1973 đến tháng 4, 1975, thì tan hàng. Đêm Đà Lạt di tản, tôi phải bỏ lại chiếc Peugeot Bảo Đại trước nhà, vì không có xăng. Thằng cán ngố nào vớ được chắc cũng sẽ khổ vì nó. Tôi quá giang xe jeep của Văn Hóa Vụ trưởng Lê Ân, cùng với một thiếu úy thuộc khoa Nhân văn Xã hội, và bác sĩ Đặng Phùng Hậu, trưởng bệnh xá trường ĐH/CTCT cũng từ khóa 4. Gia đình Th/T Ân đã về Sài Gòn trước. Cuộc di tản vô cùng gian truân, nguy hiểm, nhiều người đã kể.


Đến Bình Tuy, tôi và Th/T Lê Ân và các bạn đồng hành chia tay nhau, đường ai nấy đi. Cho đến khoảng hạ tuần tháng 6/1975. Bị nhốt tại trại tù cải tạo Long Giao (cùng với Bác sĩ Đặng Phùng Hậu, hiện ở Texas), một buổi trưa, tôi lần mò qua khu giam giữ sĩ quan cấp tá, và được gặp lại Th/T Lê Ân. Cả hai mừng rỡ, chạy lại bên nhau, và qua lớp hàng rào kẽm cao hơn đầu người, hỏi thăm sức khỏe của nhau. Ông có vẻ ốm yếu hơn, mặt tái xanh hơn. Nhưng như thường lệ, ông vẫn lắc lắc đầu, nói với giọng Quảng lai Huế:


– Cháng gướm!


Từ đó không bao giờ tôi còn gặp ông nữa, không nghe ai nói về ông, không biết ông ở đâu mà tìm. Ở các trại ngoài Bắc, tôi gặp một số sĩ quan cơ hữu và cựu SVSQ của Trường, chứng kiến tận mắt cái chết của Trung tá Nguyễn Văn Năm, cựu Trưởng Phòng Tâm Lý Chiến, và Trung tá Tham Mưu Trưởng Nguyễn Quang Hưng của trường ĐH/CTCT. Còn ông, thì biệt vô âm tín. Tôi không bao giờ quên được ông, vẫn cố tìm gặp, trong vô vọng.


Rồi một hôm, tôi nghe ai nói ông đã chết, vì bệnh. Mặc dù người đưa tin, tôi không nhớ ai, cam đoan là đúng sự thật, nhưng vì thiếu chứng cớ và vì thương ông tôi vẫn bán tín bán nghi, hy vọng tin đó sai. Tôi vẫn tưởng ông còn sống ở đâu đó tại Việt Nam, tại Mỹ, tại Pháp, tại Úc. Cho đến một ngày bà Lê Ân và cháu Bích Vân bất ngờ email cho tôi, qua trung gian Tổng Hội Ái Hữu Cựu SVSQ/ĐH/CTCT/ĐL, báo ông đã mất thật rồi, sau khi cải tạo về, vì bạo bệnh. Tôi buồn đứt ruột. Nhưng hy vọng rằng ở bên kia thế giới, ông đã tìm được sự giải thoát, không còn thở than “cháng gướm” nữa, không còn “giữ chùa” cho đứa nào nữa, và tất cả mọi sự được tốt đẹp cho ông hơn trong cuộc đời này.


Đà Lạt ơi, vĩnh biệt


Giã từ Đà Lạt trong đêm và theo trường Đại Học CTCT chạy về Sài Gòn, qua ngõ Phan Thiết, tôi chưa một lần trở lại. Thời gian trôi như nước chảy dưới chân cầu mà nỗi nhớ không buông rời. Để những chiều sương mờ vây phủ Portland, lái xe ngang thung lũng ngợp gió có rặng thông già rung mình vẩy những hạt mưa nặng trĩu lá cành, tôi thấy hồn chơi vơi biết bao kỷ niệm của Đà Lạt ngày nào từng hàng, từng lũ kéo về. Những kỷ niệm vàng phai, như mùa thu lá úa, như bóng trăng lẻ loi. Thương hoài dáng em qua đồi xưa, mái tóc đầy hương sõa bay theo gió, và vòng tay quanh bờ vai run rẩy dưới sương chiều lạnh giá. Những chiều mưa bay lất phất nghe cây lá đong đưa lời hoa tình tự và tiếng em hát, gợi nhắc Dalida, bài “Le jour où la pluie viendra… Nous serons toi et moi les plus riches du monde… Ngày mà mưa sẽ đến… chúng ta anh và em sẽ là những người giàu nhất trần gian…”. Những buổi sáng nhìn qua khung cửa sổ chờ mặt trời lười biếng thức dậy trên đỉnh núi xa mờ. Những bước chân em về với đêm xanh và mộng xôn xao ngoài hiên vắng. Nhớ hoài một thuở tình yêu vừa đến, chưa kịp nói lời biệt ly, chưa thấy những vết chân chim trên đuôi mắt, chưa học tiếng dối gian, phản trắc, và chưa một lần biết hỏi, như Hàn Mặc Tử:


Hiểu gì không ý nghĩa của trời thơ?
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Và uyên ương bởi đâu không đoàn tụ?
Và tình yêu sao lại dở dang chi?
Và vì đâu, gió gọi giật lời đi?


Để rồi từ đó, những lúc phiền muộn, thất vọng về thói đời đảo điên, vàng thau lẫn lộn, tôi tìm về kỷ niệm của Viện Đại Học Đà Lạt cũ, vô cùng dễ thương, biết trọng đạo lý, khi trường chưa rơi vài tay giặc Cộng, khi đám sinh viên Thụ Nhân hải ngoại trở cờ, bỏ cờ chưa lòi đuôi chồn cáo, và khi tình yêu còn xanh biếc như màu mây trên đỉnh trời…


Xa Đà Lạt, tôi chưa hề về thăm. Chỉ một lần, tháng 6 năm 2010, nhân dịp Tổng Hội cựu SVSQ Đại Học CTCT tổ chức đại hội ở Nam Cali, tôi đã đến tham dự, để tìm gặp lại Đà Lạt, nhưng chỉ trong cơn mộng. Đêm cuối tại Quận Cam, lần đó, tôi đến ở nhà cô em họ, Thalia, cựu nữ sinh trường Oiseaux, cũng biết nhiều về Ðà Lạt. Nói chuyện cho mãi đến khuya.


Thalia rót rượu cho tôi, và hai anh em bắt đầu kể cho nhau những kỷ niệm Ðà Lạt. Những kỷ niệm đã úa tàn theo năm tháng. Có yêu thương, gắn bó. Có chia lìa, tan tác. Có nuối tiếc, ngậm ngùi. Ðà Lạt của một thời để yêu và một thời để chết. Un temps d’aimer et un temps de mourir, Thalia nhắc. Ðà Lạt, đêm ấy, chúng tôi đã trở về trên những lối mòn của ký ức, trên từng nhịp đập của con tim, trên những bước chân lạc loài của đời lữ thứ, trên từng kỷ niệm dấu yêu chưa mờ phai. Khu Chi Lăng, Hồ Than Thở, nơi tôi cư ngụ và phục vụ trường ĐH/CTCT. Chợ Hòa Bình rực rỡ màu áo, tấp nập người qua lại. Những quán nhỏ phía dưới rạp hát Ngọc Lan, đối diện bờ Hồ, với ly kem dừa mát rợi cổ họng, đĩa gỏi đu đủ trộn với nước mắm cay xé óc, và những cuốn bò bía chấm tương đen ngọt. Đường Phan Đình Phùng dài hun hút với tiếng gõ lóc cóc trong đêm lạnh của anh Tàu đẩy xe hủ tiếu mì khói bay nghi ngút. Những con phố vắng lặng, đìu hiu, có bậc cấp lên xuống. Tiệm ăn Pháp L’Eau Vive của các bà sơ Domaine de Marie với món cá thập cẩm bouillabaisse bất hủ của miền Provence nấu với vang trắng, ly rượu Bordeaux sóng sánh ngọt chát môi hôn, và tiếng dương cầm dìu dặt. Nhà thờ Con Gà cổ kính mỗi sáng Chúa nhật tôi đến xem lễ, nguyện cầu cho quê hương sớm thanh bình và tình yêu được mãi bền lâu. Và thác Prenn, suối Cam Ly mà dòng nước chưa cuốn đi những lời thề đã lỡ. Tôi nhớ quá, nhớ hết, nhớ ray rứt về một Đà Lạt chưa hề thấy lại, bây giờ chỉ còn là kỷ niệm xa khuất. Ðà Lạt yêu kiều, đầy thơ, đầy mộng, đầy tiếng ái ân, ngọt ngào như hơi thở, ngất ngây như nỗi nhớ, nay còn gì đâu trong tay bọn bạo tàn sau hơn một phần tư thế kỷ.


Em đã một lần, Thalia nói, trở lại thăm Ðà Lạt, và không có nỗi thất vọng nào hơn. Tan nát, thê lương. Thà như anh, không bao giờ trở về, để mãi mãi thấy Ðà Lạt vẫn đẹp như một mỹ nhân không muốn cho đời thấy tóc xanh đổi màu.
Hay, tôi nói thêm, vẫn đẹp như một mối tình dang dở.


Kim Thanh

Portland, 15/4/2014


© cfnt, Collège Français de Nha Trang