Nha Trang ngày thơ



Mấy tuần nay viết trên mạng CFNT đã mang tôi trở về những ngày thơ ấu ở thành phố biển thân yêu. Tâm hồn lại dậy sóng, tâm tư xao động, và ngày đêm thẩn thờ với dư âm một thời. Mấy chục năm qua tôi ít dám nghĩ về Việt Nam (nói chung), và Nhatrang (nói riêng). Tôi cứ tưởng mình đã quên đi một thời vang bóng; mình đã quen đi trong nhịp sống mới ngày qua ngày. Tôi ngỡ tâm hồn mình đã lắng đọng, bây giờ lơ thơ mấy sợi tóc phai màu mình đã bình chân ở quê hương thứ hai và chỉ còn là một quê hương mà thôi. Nhưng những vần thơ vớ vẩn trong ngày chung góp trong góc vườn trường cũ đã làm tôi lao đao từ thể chất đến tâm hồn. Những vần thơ vụng về chung vui với bạn cũ dù chưa quen lại bất chợt mang đến những gợn sóng lăn tăn trên mặt biển phẳng lặng chiều tà. Tưởng chỉ như thế thôi, nhưng không ngờ những làn sóng vỗ về ôm ấp lại càng lúc càng dồi dập vội vã, biến thành những con sóng vượt đầu người, vỡ bờ tràn ngập bãi hoang.


Nó làm tôi nhớ lại những ngày còn bé, nhà nghèo chỉ có hai vách tường trong một góc và mái bằng tranh. Mỗi mùa mưa tới mái nhà dột nhiều chỗ, Mẹ tôi phải dặt những nồi soong để hứng nước. Khi biển bắt đầu dậy sóng càng lúc càng lớn, tràn cả lên dường và vào cả nhà tôi thì chị tôi và tôi phải leo lên bàn ngồi chòm hỏm, nhìn nước trên đầu rơi róc rách và nước biển tràn vào rồi rút radưới chân, đúng là  mình ta giữa vời, đầu không đội trời, chân không đạp đất. Nhìn Mẹ chạy loanh quanh tìm nồi để hứng chỗ dột mới, vừa cầm chổi để lùa nước biển ra, tôi thấy thương Mẹ vô cùng, muốn chạy xuống phụ Mẹ nhưng Mẹ không cho sợ mình bị ướt sẽ bịnh. Mẹ tôi ngày xa xưa đó đã là một 'single Mom' ôm hai đứa con mọn tảo tần buôn bán nuôi con với chỉ một giấc mộng là cho con mình được vào học Trường Tây cho tương lai con được sáng sủa hơn. Mẹ tôi ngày xưa cũng hoc trường tây cho đến hết Primaire thì bà ngoại bắt đi lấy chồng. Mẹ tôi kể: 'Ngày hôm trước còn tung tăng đi học với bạn bè, ngày hôm sau bà ngoại kêu ở nhà vì là ngày cưới của mình.'  Không biết có thể vì Mẹ tôi cũng từ trường tây ra mà Mẹ tôi muốn con mình cũng vào trường tây. Ông Bà Ngoại tôi rất giàu, nứt vách đổ tường ngày xưa ở Nhatrang, nhưng không nhận Mẹ tôi là con để giúp đỡ vì Mẹ tôi đã bỏ chồng ở Saigon và ôm con về lại Nhatrang lập nghiệp. Ba tôi lúc đó đã đến sống với người vợ thứ nhì nên Mẹ tôi ôm con ra đi. Khi đó tôi được ba tuổi và chị tôi, năm tuổi. Mẹ tôi không có ai giúp đỡ nên không có tiền cho chị tôi đi học. Mẹ tôi mua báo tháng 'Lẽ Sống' để tối đến Mẹ tôi dạy cho chị tôi học đánh vần. Chị tôi lại lười học, còn tôi thì cứ chăm chú đọc theo Mẹ chỉ nên lần lần Mẹ dạy cho tôi hơn là chị tôi. Từ từ tôi đánh vần ê a mấy chuyện trong báo và đọc cho Mẹ nghe mỗi tối Mẹ nằm trên ghế dài (những cái ghế dài các quán ngoài biển ngày xưa) nghỉ sau một ngày dài buôn bán. Mẹ tôi không có thì giờ rãnh để đọc báo, tôi nghĩ Mẹ tôi mua báo tháng để cho tụi tôi tập đọc. Báo từ xưa đến giờ vẫn rẽ hơn là sách. Một cuốn sách vừa đắt tiền mà chỉ đọc vài lần là đã thuộc lòng. Còn báo thì mỗi ngày một khác và còn có chuyện tiểu thuyết để theo dõi sự tình mỗi ngày rất hấp dẫn.


Mẹ tôi rất cần kiệm, mỗi tối tôi ngồi cạnh Mẹ xem Mẹ đếm tiền và viết vào sổ. Mẹ tôi có hai cái hộp xì-gà không, một cái có tên là 'Quỹ xây nhà', một cái là "quỹ trường tây'. Khi nào thấy Mẹ nhoẽn miệng cười và bỏ tiền vào hai hộp là tôi biết hôm đó bán được; hễ nghe Mẹ thở dài và mở hộp lấy tiền ra là biết ngày đó lỗ, và tôi cũng buồn theo Mẹ. Cuối cùng thì Mẹ tôi không để dành đủ tiền để đi học trường tây. Khi tôi lên năm tuổi, Mẹ cho hai chị em tôi vào trường 'ma sơ' Saint Vincent de Paul (trước mặt Nhà thờ Núi) theo học chương trình Pháp. Trường Sơ rẽ hơn nhiều nên tụi tôi phải ở bán nội trú đến chiều Mẹ mới đi xích-lô đến đón về. Mỗi chiều trên đường về Mẹ đều bảo chạy ngang trường tây và Mẹ chỉ tay; 'Đó, trường học của con đó.' Tôi nghe riết cũng thành mộng như Mẹ là được vào học trường tây. Chị tôi thì nhăn mặt và cằn nhằn: 'Mẹ nói hoài à, con biết rồi'. 


Tôi học trường sơ từ maternelle tới 10ème rồi thi vào Collège Francais de Nhatrang năm 9ème. Ngôi trường của Mẹ! Tôi rất là hãnh diện vì Mẹ rất vui. Chị tôi thì rớt, chị đỗ thừa: 'Ai mà học chung lớp với em mình, quê chết'. Mẹ tôi cũng chỉ biết lắc đầu chịu thua. Một tuần trước ngày khai trường Mẹ tôi đi mua vải về may áo đầm cho tôi đi học. Mẹ chỉ đủ tiền may cho tôi một cái áo đầm màu đỏ và Mẹ thêu những cánh hoa nhỏ màu trắng rất đẹp, khác hẵn những đứa bạn cùng lớp làm tôi càng hãnh diện hơn nữa. Mẹ cũng mua cho tôi một đôi sandal cũng màu đỏ. "Cho có nhiều may mắn', Mẹ nói thế. Và một cartable bằng da bò vàng ươm thom phức.


Cả năm 9ème tôi chỉ có một cái áo đỏ để đi học. Đi học về là tôi lại cởi ra đưa Mẹ giặt ngay để phơi kịp khô, rồi tối Mẹ lấy vào bắt lửa lên ủi thẳng như mới. Đôi sandal thì tôi mang hết lớp 8ème, chật là Mẹ cắt quai sau gót cho đến khi không lọt bàn chân đằng trước thì làm dép mang ở nhà và mua đôi sandal mới cũng màu đỏ. Còn cái cartable thì tôi xài cho đến rách quai, rách bên hông không còn vá ghép được nữa tôi mới cất để kỷ niệm, cho đến khi đi vượt biên tôi đành phải bỏ lại.


Năm tôi vào trường CFDN mỗi ngày tôi đi đường Yersin quẹo Phan Đình Phùng bên hông Ty Thông Tin cũ đã cháy rụi chỉ còn một khúc tường chung quanh. Hôm nào tôi cũng đi học sớm hơn 15 phút để vào lang thang trong 'căn nhà hoang'. Những bụi cây nhỏ đầy những trái nhỏ màu đỏ (tôi ăn thử chẳng có hương vị gì cả, hèn gì chim se sẻ cũng chê!). Cỏ hoa dại mọc lan tràn (hoa dại cũng không có mùi!). Có một cái giếng cạn đã khô, tôi hay nhìn xuống giếng và mơ tưởng chuyện Tấm Cám, và ngồi dựa thành giếng nhắm mắt lại và lạy trời cho bà Tiên hiện ra cho mình một cái áo đầm mới và đôi giày bằng thuỷ tinh. Tôi không dám thố lộ với Mẹ là khi đến trường ngày nào mình cũng bị trêu chọc vì cứ mặc cái áo đầm đỏ mỗi ngày. Tôi làm lơ như không nghe, nhưng trong lòng buồn ghê lắm và thương Mẹ hơn nữa vì như thế có nghĩa là Mẹ buôn bán không đủ sống.

............................


Những năm đầu của 1960, cổng trường CFNT còn nằm trên đường Bá-Đa-Lộc. Mỗi sáng học trò tụ tập thành nhóm, chơi rượt bắt, nói cười tíu tuýt vang vang, càng đến gần tới trường lòng càng thấy nao nao chân bước nhanh hơn. Tôi không biết có ai cũng vui như tôi không, riêng tôi sáng nào cũng dậy thật sớm nôn nao chờ Mẹ thả ra để đi học. Rồi chuông reng và ông Planton mở tung hai cánh cổng và các cô cậu ùa vào như ong vỡ tổ. Ai đi xe đạp thì quẹo bên phải cổng để cất xe. Mr. Surveillant đứng ngay giữa sân để trừng mắt những trò nào không chịu đi từ từ hay xô đẩy trò khác. Ở cổng vào, phía bên trái là nhà của Planton (mà chắc ai cũng đã từng vào chơi), ông có cô con gái nếu không lầm tên là Phi cũng học ở trường mình. Kế tiếp là dãy toilettes của con trai, toilettes của con gái thì ở bên hông, sau lưng dãy con trai. Kế đến là một sân sỏi nhỏ màu vàng, chỗ để tập thể dục và chơi volleyball. 


Thẳng từ cổng vào qua một con đường lát đá rồi đến mái hiên nối từ dãy toilettes đến phần giữa là nơi treo bulletin hay các bảng tên những người thi đậu vào trường, tiếp nối bên phải là văn phòng của Directeur. Lúc tôi vào CFNT vẫn còn ông Faure, nhưng tụi tôi gọi ông là Mr. Fort vì ông rất to cao và gương mặt rất nghiêm và dáng rất oai vệ. Nhưng ông rất vui vẻ, hay ngừng lại hỏi han học trò đang đứng trên hành lang ngoài các lớp seconde và troisième sau văn phòng ông. Dãy phòng này bọc một phía của sân chơi (notre cour de récréation thân yêu!), nơi có mấy cây bàng và hàng phi lao chia sân chơi với sân tập thể dục. Đi qua sân chơi là préau, nơi mà tôi và bạn bè đã chơi đánh thẻ và giải gianh những ngày mưa. Vòng ngoài préau có một cái bục mà mình ngồi chờ chuông reng vào lớp. Ngoài sân vào mùa khô thì đủ thứ các trò chơi như nhảy dây, cò cò, năm mười, rượt bắt...hay chỉ đi trêu chọc người khác. Tới khi có cassette thì mấy cô nghe nhạc pháp (La plus belle pour aller danser của Sylvie Vartan, Et poutant của Charles Aznavour, Tous les garcons et les filles của Francoise Hardy, Tous mes copians của Sleila hay Les portes du pénitentier của Johnny Halliday...) và tập hát với nhau. Tuổi thơ thật hồn nhiên và vô tư (hay nếu trò nào chưa làm bài hay thuộc bài thì vội vàng làm với vẽ ưu tư trên mặt).


 Trong Préau quẹo phải qua một mái hiên là tới văn phòng Surveillant (có ai không bao giờ phải tới phòng Surveillant không? Tôi là bị lên dài dài), rồi sau lưng kế đó là dãy lớp septième, huitième, và neuvième. Từ préau quẹo trái là xuống dãy lớp sixième, cinquième, và quatrième. Sau những dãy phòng này là một 'rừng' cây phi lao với những tấm thảm phi lao thật dầy mà tôi trong giờ nghĩ hay ngồi dưa thân cây mà mơ mộng vẫn vơ,  hay khi trời xanh thì nằm dài xuống thảm mà ngắm mây trời, và sau cơn mưa thì ra hái nấm. Sau rừng phi lao là nhà riêng của Directeur. Sau này khi tôi chơi thân với Caroline Hartmann thì hay đến đó chơi với Caroline và có khi ở lại ăn tối với Ba Má Caroline. Ông Bà rất dễ thương và cởi mở. Noel  thì thường có party mời thầy cô và học trò lớp lớn đến dự. 


Ở giữa préau bên phải có cái cửa đi xuống một đường trải sỏi nhỏ, nơi mà các học trò phải xếp hàng để chào cờ mỗi sáng thứ hai. Hai bên cửa là hai lá cờ, một vàng ba sọc đỏ, một xanh trắng đỏ. Không nhớ là hồi đó có phải hát 2 quốc ca không, và chiều thứ sáu có phải làm lễ hạ cờ không. Có những hình ảnh khắc sâu vô tâm trí không bao giờ quên nhưng cũng có những chi tiết bây giờ đã mù mờ.


Khi căn building trước cổng trường trên Bá-đa-lộc trở thành MACV của quân đội Mỹ với những vòng dây kẽm gai từ trên cao xuống tới mặt đất thì cổng trường được dời qua bên hông trên đường Phan Thanh Giản trước Ty Ngân Khố. Tôi cũng không còn được đi học theo đường cũ vì nguyên khu bị rào cho khu quân đội Mỹ. Tôi phải đi đường biển quẹo phải vô Bá đa lộc rồi quẹo trái đến cổng trường. Tôi rất tức giận về việc này vì tôi bị mất đi sân chơi của riêng mình. Nền Ty Thông tin đã được xây lên một building mới để phục vụ quân đội Mỹ. Đi dọc đường biển đến trường thì chỉ có mấy cái villa trồng toàn xương rồng sát bờ tường, bên kia đường là bờ biển với hàng cây phi lao và hàng dừa xanh với mấy cái quán, không có gì bí ẩn để tôi 'thám hiểm' như 'căn nhà hoang' của tôi.. Nhưng tới cổng trường thì vẫn nhộn nhịp cười đùa vui như hội.


Từ đó thành phố Nhatrang bắt đầu có hàng rào kẽm gai mọc lên. Và những chiếc xe Jeep của MP Mỹ bắt đầu đi tuần rão. Những snack bar cũng từ từ mọc lên khắp nơi. Và những xe nhà binh chở đầy lính và súng đạn. Những trường Sĩ Quan Đồng Đế, Không quân trên Lê văn Duyệt, Hải quân cuối đường Duy Tân, tràn ngập những thanh niên mặt còn búng ra sữa. Thứ bảy, chủ nhật, các chàng trông rất oai hùng trong quân phục của binh chủng mình, đi từng nhóm trên đường Độc Lập ngắm ngiá và huýt sáo mấy cô thiếu nữ Nhatrang. Mấy cô thì đèo nhau trên chiếc Honda đàn bà xanh lá cây hay Suzuki màu biển đậm lượn qua lượn lại trầm trồ và cũng chọc ghẹo lại mấy chàng. Những niềm vui ngắn ngủi! Chỉ một thời gian ngắn thôi, các anh sẽ phải bỏ lại người yêu mới để ra chiến trường. Ngày các anh ra trường, các cô khóc sướt mướt, hỏi bao giờ anh trở lại. Biết trả lời sao đây. Thôi, hãy hát bài 'Em hỏi anh bao giờ trở lại' của Phạm Duy vậy.


Đời là một giấc phù du. Thời gian đó mọi người trẻ sống vội vàng, thương yêu vội vã, không có thì giờ để nghĩ tới ngày mai.


Còn trường tây? Những cô cậu CFNT vẫn còn bé bỏng, chỉ biết vui chơi sân trường, chăm chỉ học hành trong lớp. Tuổi thơ ngây vô tư không còn bao lâu nữa. Nếu may mắn thì được đi du học, còn không may thì tới năm 72, mùa hè đỏ lửa, các anh trong tuổi lính đều phải nhập ngũ, lên đường --không mang giáo gươm, nhưng mang súng đạn đầy người-- từ giã gia đình và người yêu ra đi trả nợ nước.

............................


Tôi không còn nhớ năm nào thì cổng trường lại dời về trước trường Bá Ninh và vì lý do gì. Tôi chỉ nhớ cổng trường bị dời đi vì lúc đó tôi có một anh chàng trồng cây si, mỗi ngày đứng chờ tôi đến trường và tan lớp ở cổng trường. Và năm trường chia hai, cổng trường này sẽ thuộc về trường Việt 'Hàn Thuyên' nơi hai em tôi đi học sau này.


Năm tôi học 3ème (hay Seconde?) giờ Physique et Chimie có một ông thầy tây còn rất trẻ và có vợ người Việt. Tôi không thích ông thầy này tí nào cả. Chàng có vẽ tự cao tự đại, đối xử với học trò như cỏ rác. Có một lần trong lớp ông ta tuyên bố là ông xin ra miền Bắc Vietnam để dạy vì học trò ngoài đó lễ phép hơn nhưng chính phủ ông không cho. Tôi không biết ông nói thật hay không, nhưng từ đó tôi mất cảm tình với ông. Một lần nữa, một nhóm tụi tôi tới nhà ông (không nhớ để làm gì), tụi tôi đang nói chuyện với vợ ông bằng tiếng Việt thì ông đi vào, nghe vợ nói tiếng việt, ông xẳng giọng la vợ ngay trước mặt chúng tôi: 'Tu parles vietnamien maintenant?' Cô vợ đỏ mặt, lật đật đi vào trong. Tụi tôi ra về, rất bất mãn về việc ông không cho vợ nói tiếng Việt mặc dù ông không có mặt trong phòng. Tiếc là tôi không nhớ tên ông thầy này để điểm danh.


Nhatrang thời gian này dân CFNT (thật ra chỉ riêng tôi) vẫn chưa nghĩ gì nhiều tới chiến tranh trong nước. Việt Nam mấy ngàn năm bị đô hộ và chinh chiến không ngừng hình như đã làm chai lì đầu óc và tâm hồn những đứa trẻ. Khi Mẹ tôi dọn về đường Yersin gần nhà ga Nhatrang thì mỗi ngày tôi đi bộ đến trường (tôi thích đi bộ để ngắm những cây cỏ, lá hoa trên đường). Nhưng tôi cũng phải đi ngang qua nhà xác quân đội nằm trên đường Lê Thánh Tôn, trước mặt Ty Cảnh Sát. Sáng đi, chiều về, mỗi lần tôi đều nhìn vào để xem hôm nay có bao nhiêu hòm. Ngày nào có bốn năm cái, tôi đoán có trận đánh lớn đây. Không ngày nào không có ít nhất một cái hòm. Nhìn cái hòm (chưa có phủ lá cờ vàng ba sọc đỏ) và đèn cầy khi đỏ khi trắng, khói nhang nghi ngút, hương bay toả ra ngoài đường, tôi lặng lẽ cúi đầu chào người đã khuất. Tâm hồn tôi lại trĩu nặng, mắt cay cay, không biết vì khói nhang hay mắt mình ngấn lệ. Có khi có những người thân đứng ngồi chung quanh, mặt ai cũng ràn rụa nước mắt. Có khi chẳng có một bóng dáng, tôi bước vào trong đặt tay lên vuốt ve chiếc hòm gỗ mà tự hỏi 'Ai đây?' Không có câu trả lời. Trăm ngàn anh hùng hi sinh cho tự do dân tộc, cho mình còn được hồn nhiên vô tư bay nhảy đến trường vui chơi học hành xây dựng tương lai.


Tết Mậu Thân '68! Tôi được 15 tuổi, vẫn còn vô tư chưa biết nhiều đến chiến tranh. Chiến trường vẫn còn ở xa Nhatrang lắm. Nghe tin trận đánh này, trận đánh kia, những địa danh hoàn toàn xa lạ, vậy là không có ai thân quen của mình. Ngây ngô vô cùng! Giao thừa Mậu Thân như mọi năm trước. Mẹ tôi cúng lễ mời Ông Bà về, rồi cả nhà lên xe chạy lên chùa Phật Học để lạy Phật và hái lộc. Chùa đông nghẹt người, Mẹ nói thôi không lên lễ Phật trên núi. Thế là cả nhà lên Tháp Bà để xin xăm. Tháp Bà cũng đầy người, chen chúc trên những bậc cấp chật hẹp. Hành khất sao nhiều thế, ngồi tràn trên các bậc, người hành hương cũng vui vẻ rộng lòng bố thí. Khói nhang đèn cũng ngộp chính điện, tôi phải chạy ra ngoài không xin xăm năm mới. Đi dạo chung quanh điện, thắp nhang cho các đền miếu nhỏ rồi lên xe trở về nhà. Đường kẹt xe quá chừng, mãi đến gần 2 giờ sáng mới về tới gần nhà. Trước cổng gác của Ty Truyền Tin quân đội trên đường Yersin gần nhà tôi, hai ông lính nằm dài dưới đất. Tôi nói: 'Hai ông này say sưa bỏ bê nhiệm vụ, ngày mai tha hồ bị phạt'. Tôi đâu biết là họ đã bị đâm chết và Việt cộng đã xâm nhập Ty truyền tin, một căn cứ rất quan trọng để cắt liên lạc với các căn cứ khác. Đêm đó đốt pháo quá chừng, cứ nghĩ tết năm nay vui hơn năm trước nhiều. Không biết đó là tiếng súng. Cả nhà đi ngủ để mai con nít đi chơi, người lớn đi chúc tết những người quen. Tôi lên giường, miệng lẫm nhẫm lời chúc Ba Mẹ sáng mai, càng chúc nhiều càng được nhiều tiền lì xì để đi đánh bầu cua trên mấy đường phố.


Trời mờ sáng tôi giật mình thức giấc vì tiếng loa từ những chiếc trực thăng. Tôi còn nhớ rất rõ như mới xảy ra hôm qua. "Code red! Code red! All American personnel return to base immediately!' Rồi loa gọi bằng tiếng Việt: 'Mọi người ở trong nhà, khóa cửa lại. Thiết quân luật 24 trên 24'. Chỉ thế, không biết lý do vì sao. Nhà tôi vội vàng khoá hết cửa lớn và cửa sổ, chỉ để he hé một cánh cửa sổ trước nhà để xem động tĩnh như thế nào. Nhà tôi có xây một hầm tránh bom, nhưng lúc đó chưa biết là việt cộng đang lan tràn trong thành phố Nhatrang. Ty Viễn thông gần chùa Phật học đã bị chiếm, không có tin tức ra vào nên nhà tôi chỉ đoán mò chắc đánh nhau gần Nhatrang nên ba ngày Tết mà quân nhân Mỹ và Việt đều phải về căn cứ và thiết quân luật tới 24 giờ. Trong lòng ai cũng thấp thỏm, nóng ruột chờ tin tức. Mấy chị em tôi đều lên quần áo mới, tiền lì xì đầy túi, nhưng không được ra đường. Tức lắm!


............................


Ngày mồng 4 tết thiết quân luật giảm xuống từ 8 giờ sáng đến 6 giờ tối. Mọi người đều đổ ra đường. Con nít áo quần mới toanh, người lớn thì chẳng màng sửa soạn. Đâu đâu người lớn, bé đều tụm lại kể những điều tai nghe (chứ không có người dân nào mắt thấy trận đánh ở Nhatrang). Thành phố không có anh sinh viên sĩ quan nào nhởn nhơ, chỉ toàn những xe Jeep chạy ào ào,chở mấy ông cao cấp, người nào cũng súng đạn và đội nón đánh trận. Xác lính Việt nam Cộng hoà đã dọn hết, ngoài đường chỉ còn xác Việt cộng. Góc Yersin và Triệu ẩu có hai xác vc, mọi người đều ùa đến xem và bàn tán sao họ trẻ thế. Sau mới biết phần đông vc chết toàn là con nít 14, 15 tuổi, và trong túi áo người nào cũng có một tấm ảnh cô gái điếm trong miền Nam Việt nam. Tin tức cho biết là cộng sản miền Bắc tuyên truyền là đàn bà con gái ở miền Nam đã bị lính Mỹ bắt làm điếm hết nên những việt cộng trẻ rất căm phẫn và muốn tiến vào để giải cứu dân miền Nam. Nhìn xác chết của hai đứa con nít bị nhồi sọ và tuyên truyền, tôi thấy thương hại họ. Tôi không biết có bao nhiêu người chết cả hai bên.Tết Mậu Thân là tiếng chuông báo động và thức tỉnh cho người dân Nhatrang (và cả miền Nam). Sau ba ngày đêm vang vọng tiếng súng ngay bên tai và máu đẫm những con đường thành phố Nhatrang, những dấu đạn vẫn còn đó trên những vách tường những cơ quan quân đội, Nhatrang chìm vào không khí trầm lặng. Vẫn có những bàn bầu cua cá cọp trải ra mặt đất chỗ này chỗ kia nhưng người chơi thì vắng, và tiếng hô hào đùa vui cũng tẻ nhạt. Tết đến rồi đi trong tiếng súng. Trong nhà tôi cũng vắng tiếng cười, ai cũng trầm tư trong thế giới của mình. 


Trưa mồng 4, Dì Tư tôi chạy vào nhà, nước mắt ràn rụa, nói không ra hơi. Dì kể anh Phương, con trai lớn của dì đi đón giao thừa trên chùa Phật học với bạn mà giờ vẫn chưa thấy về. Dì tưởng anh lên nhà tôi rồi kẹt thiết quân luật nên ở lại. Ba tôi vội vã chở dì, Mẹ và tôi lên chùa để hỏi thăm tin anh. Đến nơi thì thấy có một đám người chụm túm chung quanh bốn xác chết đặt trên một tấm ván. Dì vội vã chạy đến xem, thì đúng là anh Phương và ba người bạn của anh. Một người coi bán hương đèn trên tượng Phật trên núi kể cho mọi người nghe là khoảng gần 2 giờ sáng mọi người viếng tượng đã về, rồi bà nghe hai chiếc honda chạy lên, ba người bạn anh Phương mặc đồ sinh viên sĩ quan Võ Bị Dalat, anh mặc thường phục. Lúc dó tụi việt cộng trốn trong bụng tượng Phật chạy ra và bắt bốn người dơ tay lên và việt cộng đã đâm  họ chết với bayonnet chứ không bắn vì sợ lộ mục tiêu. Tôi chợt nhớ đêm đó Mẹ không cho lên tượng Phật trên núi, không biết Mẹ có linh tính gì không, vì thường mọi năm lễ chánh đài xong là cả nhà lên núi lạy phật và xin lộc cũng vào khoảng giờ đó. Tôi nhìn Mẹ và Mẹ cũng nhìn tôi và cả hai nghĩ thầm 'may mắn'. Năm đó anh Phương mới 18, vừa vào Đại học được mấy tháng, không theo ba người bạn thân của anh vào trường Võ Bị. Tết đến cả bốn về thăm gia đình và thăm nhau và nằm chết bên nhau. Những cái chết vô lý tôi không làm sao hiểu được. Cả nhà tôi xuống nhà Dì để an ủi lo lắng mọi chuyện cho Dì. Thấy Dì rũ rượi tôi cứ khóc mãi, cứ ôm Dì mà không biết nói gì để an ủi. Tôi với gia đình dì tôi rất gần nhau, sau này tôi qua Mỹ vẫn viết thư thường xuyên thăm dì. Tôi ở lại nhà dì cho đến khi đi học lại mới về, nhưng cuối tuần lại xuống thăm dì mặc dù bận đến mấy. Tôi không biết Tết Mậu Thân hay bốn cái chết đó đã để lại trong tôi một ấn tượng sâu đậm. Hồn nhiên, vô tư đã mất. Mình đã ngửi được mùi súng đạn chết người. Chiến tranh rất thật, và rất gần. Nhatrang. Một địa danh thân thuộc.


Hết năm học đó tôi xin Mẹ tôi đi lính. Tôi không quan trọng binh chủng nào, chỉ muốn làm một điều gì giúp quê hương. Và với tôi, giúp quê hương một cách cụ thể nhất là ra chiến trường. Mẹ tôi khóc nức nở, van xin tôi bỏ ý định đó. Tôi cũng khóc lóc van xin Mẹ cho phép tôi nhập ngũ. Thấy Mẹ tôi ủ rũ như Dì tôi khi mất anh Phương, tôi không đành lòng làm theo ý muốn của mình. Cho đến giờ tôi vẫn còn tiếc nuối là mình đã không làm theo ý định của mình. Có lẽ vì lòng mình vẫn hướng về chiến trường nên bây giờ tôi vẫn tìm tòi theo dõi những câu chuyện đời lính, những kỷ niệm của người đi cải tạo, những nỗi khổ của những người mẹ, người vợ và con cái của những kẽ đi tù, những thương phế binh bị hành hạ nhục nhã, đói khổ, những nghĩa địa quân đội bị cày kéo lên. Một lần tôi về Việt Nam, đến ngồi trên ghế đá công viên Mạc Đỉnh Chi ở Saigon mà ngày xưa là nghĩa trang quân đội. Nhìn những người qua lại chơi đùa, tôi thầm hỏi có ai biết đây là nơi an nghĩ cuối cùng của bao anh hùng dân tộc?  Họ đánh đổi sinh mạng họ cho tôi ngày này vẫn còn được ngồi đây.tự do sung sướng. Không ai biết được ý trời. Đúng là 'Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên'.


Vivienne Lieu



© cfnt, Collège Français de Nha Trang