Nha Trang và Phan Rang Cũng là hai thành phố biển nhưng hai bộ mặt hoàn toàn khác nhau, một trời một vực, tuy là không cách xa nhau mấy. Tôi đã sống cả tuổi thơ bên bờ sông Dinh. Nhà tôi chỉ cách con sông nhờ cái đê sau nhà, chạy dài không biết đến tận đâu! Cánh đồng mênh mông trồng toàn bắp, những mùa nước dâng, để lại toàn bùn và cá mắc cạn, lũ trẻ con nhà nghèo sống quanh sông lại có dịp bắt cá, một dịp chơi dầm dưới nước thật thỏa thích…Khu này cũng có nhiều rắn, vì trên bờ đê, sừng sững một blockhaus bằng xi măng như căn đồn canh gác ven sông, nhưng lúc nào cũng vắng tanh, chỉ có rắn vào đó, để lại vết tích là những tấm da lột của chúng. Lâu lâu khi đi lang thang bên xóm nhà lá gần đó, tôi hay gặp những đàn dê nhỏ, lèo tèo chưa đến chục con. Tôi không biết họ chăn nuôi dê làm gì, có bao giờ tôi ăn thịt dê đâu! Tôi không ngờ thịt dê là món ăn truyền thống của đồng bào Chăm nơi đây. Nếu Nha Trang ( Khánh Hòa ) có di tíchTháp Bà, thì Phan Rang ( Ninh Thuận ) hãnh diện với Tháp Chàm ( Tháp Pôklong Giarai – do chính nhà vua cho xây trên một ngọn đồi, nơi thờ phụng các vua chúa Chiêm Thành ). Ngày đó, khi con trẻ chơi thả diều ngoài bãi Nha Trang như một thú tiêu khiển hấp dẫn những ngày lộng gió, thì ở Phan Rang, gió và nắng cách khác, khô khan, gay gắt hơn. Gió Phan Rang hất cát bụi vào mặt suốt năm và Phan Rang cũng có người thả diều, nhưng đây là một nghi lễ của một dòng tộc « Yang In », hàng năm, vào thứ bảy của tháng 11 theo lịch Chăm. Tục lệ này để cầu xin cho con cháu khỏe mạnh, hạnh phúc và mùa màng thu gấp bội… Diều được làm theo hai giới tính, diều đực và diều cái. Diều đực có hình thoi, với hai túi tròn, tượng trưng cho nam giới. Khung diều dài 1,5m, rộng 1,4m, còn cánh 0,6m, gắn chiếc sáo hai tầng và ba cái đuôi dài cỡ 5m. Cánh diều đực có mặt trước dán giấy đỏ và mặt sau dán tờ giấy ghi ngày hành lễ và viết sự tích Ngài Pô Yang In ( bằng chữ Chăm ). Diều cái nhỏ hơn, chỉ bằng 1/3 diều kia, không có túi, không dán giấy viết sự tích và sáo diều chỉ một tầng. Tiếng sáo phát ra nhờ gió thổi vi vu nghe thánh thót như có sự hưởng ứng của các bậc thần linh của họ. Cứ thế họ thả diều từ sáng đến tối rồi mang về gỡ giấy, để dành năm sau. Bãi biển Nha Trang nằm ngay gần thành phố: Dọc con đường biển rải rác những biệt thự thời Pháp thuộc, những cây phượng còn có mặt để nhuộm đỏ ối một góc đường hay một khung trời, ngoài ra còn được đệm thêm tiếng ve sầu hợp ca bản hè về nữa… ...Làn gió hiu hiu thổi làm rung động hàng dừa trên bãi: Đám lá xào xạc, những buổi trưa hè, như muốn ru ngủ những người tựa núp dưới bóng những tàng cây xanh được xén tỉa nghệ thuật như những cái lọng, suốt dọc bờ lề phía biển trong khi những quán nước tranh nhau chờ đợi những buổi hẹn hò. Phan Rang có bãi Ninh Chữ, nhưng cách xa thành phố mấy cây số. Thời đó biển Phan Rang còn hoang dã. Chỉ có nước, và những đồi cát chen lấn nhau. Trên cát không có nhiều dã tràng lăng xăng se cát như ở Nha Trang mà hay gặp những con Dông (Nhông, gần như Kỳ nhông mà không biết có nhận họ hàng được hay không?), chúng gặp người là lủi nhanh vào hang hốc sâu dưới cát, vì có độ ẩm thấp hơn không khí ngột ngạt khô khan phía ngoài. Những buổi sáng tinh mơ, con dông bò ra đồi cát tìm ăn những búp non, rau quả còn đọng sương đêm, vì thế mà thịt nó thơm, săn và ngọt, một vị thuốc bổ theo dân gian. Thịt dông ăn như thịt gà, ngọt và mềm hơn. Xương cũng thế, gần như là sụn. Theo dân sành điệu thì thứ ngon nhất trong con dông là mật và trứng. Mật dông có vị béo ngọt. Trứng dông rất bùi, được xem như một loại sơn hào hải vị... Ở đây hoa mọc trên cát chỉ là loài hoa dại, mùi vị chẳng thơm tho, hái thì ra mủ nhựa, thật là mất cảm tình! Hay loại cây sương rồng hay mọc trên bãi sa mạc. Nha Trang tươi tắn, hiền hòa bao nhiêu thì Phan Rang như chỗ khỉ ho cò gáy: thành phố khiêm nhường, nhỏ tí mà cũng khắc khổ, khó khăn nữa. Đời sống nông dân ở đây không sung túc bằng, cũng chỉ vì thiếu nước, vùng đất khô hạn, dễ đói. Hễ không có ăn thì phải đi săn kiếm quanh đó, và họ đã làm thịt con Dông. Dần dà con Dông đã biến thành món đặc sản của Ninh Thuận. Món Dông bắt chước bò 7 món, cũng có Cháo Dông, Dông nướng sả ớt, Dông trộn lá me, Dông xào lăn, Dông nướng mọi… Khiến rồi dần dần Dông cũng biến mất! Ngày nay, để tránh cảnh nghèo túng, người dân mua con Dông về làm giống, làm chuồng thích hợp như một hang động cát thật, nuôi ăn sinh đẻ từng đàn, để phục vụ những miệng ăn sành điệu. Cái xứ nắng gắt này đã làm cho khô mực một nắng (*) thơm, ngọt và mềm, nhờ mùi vị đặc biệt của biển. (*) Mực phơi một nắng: Đó là loại mực khá to vừa mang từ biển về, hãy còn tươi, được đem phơi, chỉ một nắng thôi. Sau đó lột da trắng bóc, đem giữ trong ngăn đá tủ lạnh. Khi ăn chỉ cần nướng sơ qua. Thường thì chỉ có mực lá mới chế biến được mực một nắng thật ngon. Phơi mực cũng là một công trình, một kỳ công thì đúng hơn, vì con mực thân ngoài phải ráo hẳn, nhưng bên trong mực vẫn còn tươi để khi đem nướng mực vẫn giữ vẻ trắng, thơm và dẻo. Làm tôi lại nhớ những xe hàng rong, nướng khô mực, mỗi buổi chiều tà tà dạo dọc biển Nha Trang. Mùi mực nướng, ánh lửa than hồng kêu tí tách, tiếng cót két của cái máy ép con mực vừa nướng xong, con mực được cán mỏng, kéo ra dài hơn, giòn tan, lại được quết lên vài vệt tương ớt, trông thật bắt mắt, xé từng miếng nhỏ bỏ vào miệng, từ từ mà thưởng thức cái hương vị ngọt ngào của con mực, đứa con thân yêu của biển! Nha Trang vẫn còn mực ngon, nhưng giờ phải vào ăn quán nhà hàng. Tại một quán cơm có tiếng, giá tương đối đắt, họ hấp món mực tươi, giản dị mà ngon....tuyệt vời! Mực có nhiều loại, mực ống, mực lá và mực nang... Mực nang to, dầy nhưng ngắn. Nó có một cái nang ở giữa thân, trắng đục. Nang này không nên vất đi: Phơi khô, nang mực có thể đem bán cho những người chế biến men rượu, để viên men được xốp hơn. Nhỏ hơn các mực này là mực cơm, có nhiều ở vùng biển miền Trung, Chỉ lớn hơn ngón tay, mực cơm ngọt, không dai, ruột trắng, nấu bún mực hoặc làm lẩu là khỏi chê! Các gánh hàng rong khi xưa vắng mặt, còn đâu những trái cóc tỉa khéo như hoa, ướp nước đường hóa học (một màu vàng lạ lùng) hay những miếng soài xanh chua chua, chấm tí muối ớt, chỉ nói đến là đã thèm… rỏ nước miếng! Ở Nha Trang, có những cửa hàng Ấn độ, tôi còn nhớ mãi món cà ri thuần túy Ấn mà tôi được nếm thử, một tô cà ri như một món quà cám ơn gia đình tôi ngày ấy vì một ân huệ nào đó. Chẳng giống món cà ri đã từng ăn đến giờ một tí nào, vị cà ri này sâu đậm và hấp dẫn hơn, đủ để ghi lại trong trí nhớ tôi những cảm vị đầu tiên. Tôi có cô bạn học rất phá phách và hay thích đi chọc thiên hạ, già trẻ lớn bé không tha. Cô nàng có thói quen - xấu, vì động chạm đến tín ngưỡng của một dân tộc, nhưng hồi còn con nít, mấy ai suy nghĩ sâu xa, nghịch ngợm thì cứ liều thôi - đi ngang qua cửa hàng của họ rồi túm một góc áo, làm như cái tai con bò mà búng. Bị họ rượt chạy suốt phố là cười mãn nguyện, thích thú lắm! Đúng là trò chơi con nít, không... chịu nổi! Phan Rang thì lại có những trái cây khác. Trái mà chỉ thấy có ở Phan Rang là trái say, một loại trái cây rừng, còn gọi là trái Nhung, có lẽ tại vỏ nó đen hay nâu đậm, mịn như nhung nhờ lớp lông tơ. Trái hình bầu dục, vỏ rất mỏng manh, chỉ cần đụng mạnh vào, là vỡ ngay. Thịt bên trong có màu vàng đậm, xốp mềm, vị chua chua khi cắn vào, nhưng sau đó chỉ còn đọng lại vị ngọt ngọt… Ăn riết ghiền luôn! Trái say ăn sống thì mua ăn từng lon một, vì trái nhỏ, ăn không chán, cứ như cắn hột dưa ngày Tết! Đi học mà có tiền túi là lại sán vào hàng rong mua say ngào đường. Hết trái say thì lại đến mùa me chín! Me hay say ngào đường, ngon hết sẩy! Rồi trong gia đình, có người bà con đến tuổi cặp kè, quen được một cô tiểu thư nhà giàu, có lẽ nhất nhì ở tỉnh. Lần đầu tiên tôi vào thăm một đồn điền: Một vườn soài, ôi còn gì thú vị bằng! Soài dù còn xanh nhưng hái xuống, ăn sao ngon không thể tả, có cả nước chấm, hay sẵn muối ớt đón mời. Soài chín cây thì khỏi nói, mùi thơm ngạt ngào, chỉ muốn... hái trộm! Viết đến đây tôi lại ao ước, giá phải hồi xưa nhà mình trồng những cây ăn trái như thế có phải sướng... miệng ăn không! Nhưng sân nhà tôi chỉ có mấy cây trứng cá. Nhâm nhi cả ngày thì cũng vui miệng, vì vị ngầy ngậy béo, thích cắn trái mọng nước ngọt và rộn rạo hột li ti như trứng cá. Chiều nào cũng có từng đàn dơi đến thăm viếng mảnh vườn sau nhà, chúng treo toòng teng trên hàng giây điện, trông mà phát khiếp! Như vậy chúng cũng ham ăn của ngọt chẳng khác gì mình! Các cây trứng cá xum xuê, đầy những trái, không ăn hết kể cũng phí! Trẻ con thấy trái nào dù trái dại, cũng muốn ăn thử. Trái keo không dễ kiếm nơi khác, nhưng Phan Rang thì thường thấy có mặt. Trái có ruột trắng bóc, dù chín tới, cũng vẫn giữ vị chua chua, chát chát... Ăn nhiều thì tối về thế nào cũng bị đau bụng! Ngoài trái cây ra, Phan Rang có một ông bán kẹo rong khắp nơi, mỗi buổi trưa hè. Chầu chực cả ngày để được thưởng thức mẩu kẹo kéo thơm phức mùi đường! Chiếc xe đạp cũ kĩ được trang bị với một cái hộp gỗ làm sơ sài, một tấm vải thô trắng đã ngả màu nhưng sạch sẽ bao phủ lên. Và phía trong hộp, ông cất dấu một thỏi kẹo đường dài, to bằng bắp tay một đô sĩ lực lưỡng, dẻo dai một cách thần kỳ! Với những cử chỉ thật từ tốn, ông dỡ tấm vải ra, để lộ cây kẹo dẻo và bắt đầu kéo, kéo dài, dài nữa... Cục kẹo bây giờ thành hình, nó trắng muốt, bóng láng, mượt mà, óng ánh như lụa tơ. Ông ta muốn cắt cục kẹo chỗ nào là dừng ngay đó và bẻ thoi kẹo. Rắc! một tiếng, trao kẹo cho khách, trước ánh mắt thèm thuồng của lũ trẻ... Lạ thật, từ một thỏi đường dẻo như thế bỗng chốc cây kẹo cứng ngay lại! Đam mê kẹo kéo một thời, chẳng bao giờ tôi tìm thấy ở một nơi nào khác. Về sau này, họ cũng có bán nhưng chỉ là những cục kẹo làm sẵn. Cái hay của kẹo kéo là thời gian chờ đợi ông bán hàng trổ tài kéo và cắt kẹo, vừa xem biểu diễn mà cũng vừa ngửi ké mùi thơm của thỏi đường quánh. Chứ còn ra mua một cục kẹo đã làm sẵn thì còn gì là thú vị nhỉ! Tuổi thơ và tuổi mới lớn của tôi thế đấy, chỉ biết ăn quà vặt. Những hương vị ngọt ngào không bao giờ mất, cũng như không bao giờ quên! ****************************************************** Thế giới ngày xưa Ngày ấy tôi thường hay đi chân đất, giày dép cố ý quên mang, để ở nhà, vì lũ bạn nghèo làm gì có giày mà đi, suốt năm chân lấm chân bùn, nứt nẻ vì thế! Phải nói là vào những ngày hè oi bức, thành phố nhỏ cũng chịu không nổi, mặt đường nhựa chảy, như bị rộp, sủi lên nhiều bong bóng … Đi chân đất lúc đó phải nhảy lưng tưng - nói cho vui thôi, chứ đi đất riết rồi cũng quen, vì chân chai đi rất nhiều! Thế giới của tôi đa dạng, đủ màu sắc, từ cây cỏ quanh nhà, khu vực bờ đê đến phía mặt đường cái, nơi có một hồ sen. Trong trí tưởng tượng non nớt của tôi, dưới các chiếc lá to kia chắc thế nào cũng có cả một đàn cá tung tăng bơi lượn, mà tôi thì lại mơ… bắt cá trộm, thế mới khổ! Thời đó, hoa gì tôi cũng ăn thử qua, hoa phượng, bụp sen…đến lá me cũng không tha!.. Quanh nhà thường có hoa dại, mùi hăng, thật kém duyên nên tôi chê, không màng đến. Dọc bờ đê đầy trái keo chan chát, ăn cho vui, chứ thật ra trái này chỉ là món khoái khẩu của đàn dê chăn gần đó thôi. Các nhà thường hay trồng hoa ti gôn bên hàng rào, thật xinh, loài hoa giống như tim vỡ, đẹp tựa bài thơ! Những gương mặt quen thuộc, không mời cũng đến nơi này, như chim sẻ... chim muông miệt vườn – vườn tược ở đây khá nhiều, hấp dẫn nhất là vườn soài! Đến nỗi ông chú tôi phải làm một cái bẫy lưới bắt chim. Bắt chim không phải để nhậu mà để ướp xác bầy phòng thí nghiệm! Nhiều loại chim lớn như cú mèo cũng hay ghé thăm. Và tôi nghi ông chú có những ý tưởng quái đản, như nghĩ là ăn thịt loài dơi bổ dưỡng, ngay cả uống tí máu... cũng không biết chừng!??? May là ổng không biến thành... ma cà rồng dọa tụi tôi! Loài bò sát ở đây không thiếu gì, con dông chạy khắp nơi tuy không nhiều lắm. Họ bán ngoài chợ, như những con ếch, xâu từng chùm, mà cũng chẳng làm ai ngạc nhiên. Món thịt dông đã vào thói quen ẩm thực của dân địa phương. Ngay cả rắn cũng lén lút bò vào nhà chơi, khi chủ nhà đi vắng một thời gian. Khi về, mẹ tôi mở ngăn kéo cái máy khâu Singer cũ kỹ đời nào không biết – Máy có bàn đạp, ngăn gỗ thật to để gập máy, dọn vào phía trong cho gọn gàng, và hai bên là ngăn kéo – cũng may là không thò tay vào, chứ không thì con rắn đáng sợ kia đã chẳng tha mồi! Thế là nó bị đánh cho một trận chí tử vì tội xâm nhập gia cư bất hợp pháp! Lần này thì ông chú tôi không có đó, để cứu nó và giữ, lột lấy da để đời! Ban đêm, lũ trẻ xóm nhà lá cũng hay lang thang, kiếm vui như đi tìm con cà cuống. Ai thích ăn Bún thang, bún chả, bánh cuốn với mùi cà cuống chứ tôi chẳng ham gì cho lắm, từ khi đã làm quen với đương sự nói trên, ở những nơi có ánh đèn, gần vòi nước, chỗ ẩm ướt... Cà cuống giống con ve sầu, nhưng to hơn và có cánh mỏng manh. Đầu hè, cánh đồng dọc bờ sông Dinh sau nhà tôi là giang sơn của chúng. Chúng thích hợp với các ruộng ngập nước. Và cà cuống đẻ trứng vào dịp có mưa rào, lúc cỏ và lúa chìm trong nước, những quả trứng nhỏ xiu xíu, nâu nâu, bám trên lá lúa hay ngọn cỏ. Trứng này đem nướng ăn có vị bùi và rất thơm mùi. Tinh dầu quyến rũ người ăn ấy chỉ lấy ở cà cuống đực, ngay bọng phía dưới ngực, chỉ cần dùng que tre nhọn đầu rạch ngang lưng, đúng vị trí cặp chân thứ ba, ép và gấp bụng cà cuống lại thì hai bọng tinh dầu cà cuống sẽ trồi ra, và cứ thế khều và bỏ bọng vào chén. Tinh dầu này con đực được Trời cho để hấp dẫn con cái. Tôi hay thấy mẹ tôi giữ kỹ lọ thủy tinh cà cuống nhỏ, bao bọc kín mít, sợ nó bay mùi thì tiếc của lắm! Hồi đó thiệt là quý mùi cà cuống! Cứ như nước hoa Number Five của Chanel không bằng! Đúng là một hương thơm nồng nàn làm say đắm bao người trong giới làng ăn. Còn có một cách khác để giữ mùi cà cuống suốt cả năm, dễ dàng hơn, không sợ bay mất: Giữ nguyên con cà cuống đực, chỉ bỏ cánh, nướng lửa nhỏ, cho đến khi có mùi thơm tỏa ra thì ngâm nó vào chai nước mắm, độ năm sáu con. Đến khi cần pha chế nước mắm, chỉ nhỏ một hai giọt cũng đủ để làm thơm chén nước mắm. Ngày nay, lũ trẻ con không còn được thấy mặt mũi con cà cuống như thế nào, vì thế giới của nó đã bị con người chen lấn dần dần và cà cuống - hiếm hoi tại thuốc diệt trừ sâu bọ - được ca tụng như một huyền thoại, một hương vị độc nhất vô nhị của thiên nhiên! Trái keo Trái say Phan Rang Nguyễn Thị Minh Châu |
© cfnt, Collège Français de Nha Trang