Có những anh chàng mê mải đeo đuổi bóng hình những người đẹp vào tuổi dậy thì, còn riêng tôi, tiếng gọi của … bao tử đã mạnh mẽ lôi cuốn tôi trên mọi nẻo đường của các thành phố, trên đất nước tôi ngày đó. Ở Phan Rang, sau những giờ học, tôi lang thang quanh khu vực nhà trường với chúng bạn, kiếm chỗ ăn quà: Nào có gì hấp dẫn, ở xóm nhà lá nghèo đó, chỉ là món bánh tráng nhúng nước, xong đem chấm vào một chén nước mắm ớt ngon, thế là cả bọn trẻ con hả hê, nhìn nhau cười khoái chí… Tuổi nhỏ thì làm gì có tiền túi mỗi ngày, nên được gì ăn đó thôi! Tỉnh nhỏ nên cũng chẳng có gì đặc biệt. Cho đến khi gia đình dọn đến thành phố Nha Trang… Nơi đây mỗi buổi sáng là một ngày vui cho cái bụng của tôi, của Bố tôi nữa. Có lẽ Nha Trang đã làm Bố tôi ghiền Phở. Ngày ngày được Bố dắt đi ăn sáng, Bố la vì tôi hay bỏ phí nước lèo ngon nhất trong tô. Thành thật mà nói, dù được nuôi với những món ăn Bắc, dù mỗi ngày ăn Phở, tôi lại không mê mà lại thích ăn vặt. Sáng sớm, ra chợ gần nhà, xà vào những xạp bán hàng, hay ngồi xổm ngay lối đi gần quán gánh rong đó, nơi một nồi Mì Quảng nóng hổi đang chờ đợi. Một tô Mì Quảng ngon của Nha Trang bao giờ cũng lảng vảng trong tâm trí tôi mỗi lần nghĩ đến quê nhà, nơi xứ người. Bao nhiêu cái ngon ngọt của trời đất như đọng lại trong chút nước chan vào tô: Con mắt thèm thuồng nhìn những sợi phở vàng mịn kia, nước miếng chỉ chực trào vì nghĩ đến lúc cắn miếng chả cá dai dai, vàng rượm, hơi cay cay, thưởng thức vài con tôm đẫy đà hồng hào tươi tắn, gắp miếng bánh đa giòn rụm thơm mùi mè nướng đen đen, vài miếng thịt chin mềm ngọt ngào, cũng như vị bùi bùi của đậu phọng vỡ vụn rải rác trong tô, kèm theo ít rau thơm bỏ vào, màu xanh xanh thêm với màu đỏ của ớt trông quyến rũ quá… Tuy tôi không chịu được cái cay xè của ớt, nhưng cũng cố chịu đựng cái thú ăn miền Trung, cay đến chan hòa nước mắt, mũi thì cứ… xụt xịt không ngớt! Tôi nhớ mãi chuyến đi Huế. Thưở ấy tôi còn bé, tuổi còn phá phách trẻ con. Đến nhà bà Hiệu trưởng trường Đồng khánh, nhìn cái lu bầy cảnh có bầy cá vàng bơi lượn của nhà bà, tôi bỗng nảy ý bắt cóc một con cá đem về. Nhìn hai tay chắp sau lưng của con bé, vẻ mặt ngây thơ… vô số tội của tôi, mọi người nghi ngờ ngay và đã ra tay cứu giúp con cá vàng dãy dụa như điên vì… đang ngộp thở trong tay tôi. Thế là phải một phen chịu tội, xin lỗi chủ nhà vì tội nghịch ngầm! Tôi vẫn giữ hình ảnh chiếc ghe lướt nhẹ nhàng trên sông Hương, nước trời mênh mông, đượm buồn của bầu trời Huế ảm đạm, xam xám… Lên bờ đi đến khu chợ, tôi ngơ ngác nhìn các hàng quán, chưa bao giờ tôi thấy nhiều như thế … Kẹo, trời ơi, toàn là kẹo! Mè xửng đủ loại đủ kiểu, mè xửng giòn, mè xửng dẻo, kẹo gương trong suốt, kẹo đậu phụng…Mùi thơm của kẹo làm tôi mê hoặc, đứng nhìn ngơ ngẩn và nhớ mãi đến tận ngày nay. Nấu kẹo mè xửng phải lựa bột gạo ngon từ La Khê, huyện Hương Trà hay từ Sa Đéc, để bột mịn mà không bị vón cục khi nấu. Cân lượng các nguyên liệu khoảng ba cân rưỡi mè, bốn cân đậu phọng, chín cân đường – đường kính trắng- và ba đến bốn cân bột gạo. Khuôn rắc mè rang vàng một lớp mỏng đợi khi bột chin trải lên, lại rắc lên một lớp mè nữa. Kẹo làm khéo sẽ không bị cứng, không bị cháy, dẻo khi bẻ cong, ăn thơm và dẻo dai! Huế và những món ăn bỏng cháy rộp lưỡi, tội cho cái bao tử quằn quại đau như thắt lại! Tôi khiếp sợ khi bước gần những nồi bún bò Huế đỏ rặt hăng mùi ớt cay xè…Sẽ không bao giờ tôi nếm thử nữa, chẳng dại gì! Trở lại Nha Trang, thành phố hiền hòa. Tôi ăn hoài không chán những món giản dị như bánh hỏi, bánh bèo, chè đậu hũ nước đường… Họ chỉ là những người bán hàng rong, vốn liếng ít ỏi, nhưng nấu ăn tài tình. Có lẽ cái khác biệt của họ là do tài chế biến: Một chén chấm nước mắm tuyệt ngon, một bát nước đường quyện mùi gừng thật quánh, óng ả tựa mật. Nha Trang như những thành phố miền Trung – Phan Rang, Phan Thiết – có đặc sản nổi tiếng như bánh căn. Bánh này giống như bánh khọt của miền Nam, nhưng cách nấu hơi khác: Bánh khọt là bột gạo chiên vì dùng dầu mỡ, còn bánh căn là loại bột gạo nướng. Về Sài Gòn học tiếp, tôi bắt đầu lang thang nhiều hơn, khắp ngõ ngách, dù mưa hay nắng, những nơi có những món hấp dẫn. Gần nhà thờ Đức bà, thăm ông Ba tàu bán Bò bía. Chiếc xe hàng cũ kĩ nhưng sao mà quyến rũ thế: Bàn tay ông ta thoăn thoắt cuốn nhanh những mẩu bánh tráng nhỏ xíu: Đặt trên mảnh lá xà lách be bé một ít củ sắn cắt sợi dài, tí cà rốt bào như củ sắn đã nấu chín, bỏ vài miếng lạp xưởng thái xéo thật mỏng, ít con tôm khô đã ngâm mềm, trứng tráng mỏng xắt nhỏ, rắc ít đậu phọng giã nát lên… Đổ vào chén nhỏ một ít tương đen làm theo bí quyết di truyền mấy đời, thế là dù ánh nắng chói chang, dưới bóng tàng cây, khách hàng quen tha hồ nhâm nhi món bò bía vừa mới cuốn, còn nóng hổi. Cuốn đến đâu ăn ngay đến đó... tuyệt vời! Xa hơn tí nữa, đến công trường Con Rùa, đầy bóng mát, có món gỏi khô bò, và cũng thế, một xe bán dạo! Chỉ là đu đủ bào trộn với khô bò xé sợi, vài miếng gan, ít rau răm, đậu phọng rang giã sơ sơ rưới nước dấm đường… Giòn giòn gỏi đu đủ, dai dai của khô bò lẫn chua ngọt của nước tương, thêm chút cay cay của ớt… sao mà ngon thế không biết! Trưa hè nắng oi ả, không ngủ trưa hay đi tìm chỗ trú mà tôi phơi nắng, đạp đến chỗ có món giải khát lý tưởng nhất: Xe bán kem ngon nhất…quê hương xứ sở này! Hơn cả những quán nổi tiếng Brodard, Pôle Nord, Givral... thời đó! Xe bán nhiều hương vị kem, tôi lúc nào cũng lưỡng lự, không biết nên chọn kem nào cho đỡ cơn thèm! Chỉ tiếc hùi hụi vì tiền đâu mà ăn cả xe nhỉ! Sáng sáng, muốn ăn điểm tâm ở Sài gòn cũng chẳng biết đi đâu, Phở ngon, hủ tiếu, bánh cuốn, cơm tấm hấp dẫn… Sài Gòn với trăm ngàn món ngon! Thật đúng là Sài Gòn… ngon lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi! Nguyễn Thị Minh Châu |
© cfnt, Collège Français de Nha Trang