Nha Trang thời Annam



Nha Trang ngày xửa


Ngày ấy dưới thời Pháp thuộc, vào những năm 1900, Nha Trang chỉ là một xóm chài, bé tí.


Dân chúng lèo tèo ba ngàn mạng người sinh sống với nghề chài lưới qua ngày, họ chỉ biết có biển và biển nuôi họ. Một cuộc sống bấp bênh trôi nổi như những con tàu của họ.


Cho đến khi thực dân Pháp chú ý đến thành phố biển này và họ đã thành lập vài cơ sở như Sở Quan thuế, Ty Công chánh, Bưu điện và Viện Pasteur do Bác Sĩ Yersin xây dựng lên.


Bưu điện chỉ có mặt ở Nha Trang từ năm 1885 (26 năm sau khi Bưu điện Sài Gòn được thành lập): Một căn nhà 2 tầng, có tấm bảng trên cửa ghi Poste et Télégraphes.


Năm 1902, thay thế Toàn Quyền Paul Doumer là Ông Beau. Ông bãi bỏ Nho Học thay vào bằng chữ Pháp.


Qua các bài thơ Tú Xương, hoàn cảnh lịch sử cho thấy nho học đã hết thời:


Cái Học Nhà Nho 


Cái học nhà nho đã hỏng rồi 

Mười người đi học, chín người thôi.

Cô hàng bán sách lim dim ngủ,

Thầy khóa tư lương nhấp nhỏm ngồi.

Sĩ khí rụt rè gà phải cáo,

Văn chương liều lĩnh đấm ăn xôi.

Tôi đâu dám mỉa làng tôi nhỉ?

Trình có quan tiên thứ chỉ tôi (*).


(*) tiên thứ chỉ: tức tiên chỉ và thứ chỉ = người có địa vị một, hai trong làng. 


Cái Chữ Nho 


Nào có ra gì cái chữ Nho,

Ông nghè, ông cống cũng nằm co

Sao bằng đi học làm thầy Phán?

Tối rượu sâm banh, sáng sữa bò.


Vịnh khoa thi Hương


Nhà nước ba năm mở một khoa,

Trường Nam thi lẫn với trường Hà.(**)

Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ,

Ậm oẹ quan trường miệng thét loa. 

Lọng cắm rợp trời, quan Sứ đến, (***)

Váy lê quét đất, mụ đầm ra.

Nhân tài đất Bắc nào ai đó?

Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà!


(**)  Pháp sợ tổ chức thi ở Hà Nội tụ tập nhiều người dễ có biến động không thể kiểm soát được, nên từ khoa 1886 trở đi, các sĩ tử Bắc Kỳ phải về thi  ở trường thi Nam Định


(***) Vợ chồng Toàn quyền Doumer và Công sứ đến dự 


Giễu người thi đỗ


Một đàn thằng hỏng đứng mà trông

Nó đỗ khoa này có sướng không (****)

Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt,

Dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng! 


(****) Tức là khoa Đinh Dậu (1897)


Nha Trang khánh thành một trường tiểu học kiểu mẫu dạy chữ quốc ngữ năm 1906, Trường Nam Tiểu Học.


Người có công xây dựng các trường học ở Khánh Hoà là ông Nguyễn Văn Hai, Án Sát Khánh Hòa vào năm 1905.


(Ngày đó có ba quan tỉnh: Lớn hơn hết, là quan Tổng đốc, thứ nhì là quan Bố chánh, thứ ba, quan Án sát. cao hơn chức Tổng đốc còn có viên Công sứ người Pháp đứng đầu một tỉnh. Dưới chế độ bảo hộ, viên Tổng đốc chỉ làm một số việc cai trị dân nhằm phục vụ cho lợi ích của Tây.


Quan chúa tỉnh Nha Trang là Tổng đốc Thuận Khánh (Thuận Khánh gồm Bình Thuận, Khánh Hòa).


Về tình trạng văn học và giáo dục ở Khánh Hoà năm 1911, Án Sát Nguyễn Văn Hai nhận xét "Dân cư hai tỉnh Thuận Khánh phần đông làm nghề nông, không chuộng văn học, sở xưng cư trú trong tỉnh phần nhiều là Nghệ Tỉnh ngụ cư. Ngưới làm việc phần nhiều học trò người Quảng Nam, Quảng Ngãi. Còn người bản tỉnh, ngoài những người làm ruộng và chăn nuôi, toàn là những người ăn chơi".


Những con tàu lớn chuyên chở trên biển thuộc hãng Messageries Maritimes của Pháp, trong những hành trình xa như Sài Gòn ra Bắc, còn từ Sài Gòn (Cochinchine), vào Nha Trang (Annam), thì họ có tàu nhỏ, chạy bằng hơi nước, chở hành khách. Một chuyến đi từ Sài Gòn cũng phải mất 24 tiếng mới thấy bến Nha Trang.


Năm 1890, ông Yersin  rời Viện Pasteur Paris để làm bác sĩ cho công ty Messageries Maritimes, chạy tuyến Sài Gòn – Manila, Sài Gòn – Hải Phòng. Và đó là lần đầu tiên vị Bác sĩ này đặt bước chân định mệnh đến Nha Trang và quyết định gắn chặt đời mình tại đây.


Cũng vì những thuyền buôn cập bến mà mầm bệnh dịch hạch từ Trung Quốc đã lan tràn đến Xóm Cồn. Năm 1899, một số người ở xóm Cồn đã chết vì bịnh. Yersin cho di tản dân xóm Cồn và tiêm huyết thanh cho họ. Nhà cửa hay xịt nước vôi trắng xóa để diệt trùng. Khi dịch tiếp tục lan tràn, phải đốt sạch các nhà để giết chuột. Trước những thảm họa này, Yersin cảm thấy như mình có lỗi với những người mà ông coi như ruột thịt của mình.


Thành phố biển ngày đó ai nhìn cũng cảm mến ngay, vì phong cảnh hùng vĩ của núi đồi bao quanh! Trên các đường đi của các xóm làng thường thấy một loại cây thông miền nhiệt đới, cây phi lao hay rì rào trước gió như đón chào mùa hoa phượng nở đỏ rực một bầu trời.


Nha Trang - Khánh Hòa thưở hoang sơ còn có rừng nên thú dữ hay lảng vảng, và có lắm cọp vì thế dân gian hay truyền tụng “Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận”.


Ở thôn Phú Lộc (huyện Diên Khánh) thời vua Gia Long (1803) có miếu thờ Khổng Tử. Mỗi lần đến tế, dân làng đều đem một tảng thịt ra đặt nơi bàn thờ Ông Ba Mươi.cạnh miếu. Hễ tế xong thì ông cọp đến tha thịt đi. Có đêm cọp nằm ngủ tại đó rồi đi, chứ không làm hại ai. Và cọp không về nữa, từ khi người dân bỏ lệ cúng tế.


Khánh Hoà có loài cọp mun đã từng tu theo chùa hoặc tu trong hang động theo truyền thuyết. Tu đây có nghĩa là tính cọp đang hung dữ khát máu tự dưng biến thành hiền lành, như được các thày tu tại chùa cải thiện.


Quách Tấn có kể chuyện về đôi cọp mun tại Thiên Đức Tự, Ninh Hòa trong bài “Xứ Trầm hương".


Tỉnh nhỏ nên chưa có lập trình xây nhà hay khách sạn đón khách tứ xứ. Chỉ có một chỗ vừa là tiệm ăn vừa cho thuê phòng ngủ của một chú ba Tàu nhưng lại không đáp ứng chỉ tiêu sạch sẽ để đón tiếp người ngoại quốc nên thà họ đáp tàu thủy còn hơn ở trọ nơi đó - Cứ cách 2 tuần có chuyến tàu về Nha Trang, để giao dịch hay làm việc cho cơ quan Pháp.


Xe cộ hiếm có, mà dù có thì cũng phải dùng loại xe nhẹ có lò xo êm ái nhún theo những con đường gập ghềnh, lồi lõm bất thường. Nếu cần, còn có thể nhờ ngựa kéo phụ vào khi bị đường xá lầy lội, lún bùn!


Chợ búa thì rẻ mạt đối với lương của một người dân Pháp, một tuần lễ lương thực chưa đến mười quan, một con gà độ sáu chục centimes trong khi một chục trứng chỉ giá phân nửa. Ăn cá lại còn rẻ hơn nữa!


Lúc đầu chợ chỉ là một mái lều tranh dựng trên những cột gỗ, thật đơn sài cho đến năm 1908, chợ được xây cất tử tế, qui củ, có nền xi măng, mái lợp ngói, cột đúc bằng bê tông xi măng. Chợ mang tên Chợ Dài là chợ lớn nhất, còn được gọi là Chợ Cửa, vì gần cửa sông Cái.


Về sinh hoạt thể dục thể thao, thời đó thành phố có một sân vận động, nhưng thật ra đó chỉ là bãi đất trống, sân đá bóng chỉ là bãi cát có cỏ mọc lưa thưa.


THÀNH, la Citadelle, phía trong nội địa là nơi trú ngụ của các quan tỉnh lỵ.


Nha Trang là một địa điểm tốt thuận tiện cho dự án thành lập một căn phòng thí nghiệm nhỏ nhắn, đơn sơ cho Bác sĩ Yersin, vì xứ này có nhiều ngựa và trâu bò, đất đai quang đãng, không khí trong lành.


Với 5 ngàn đồng do Toàn Quyền Đông Dương Chavassieux trợ cấp, ông đã mở Viện nghiên cứu năm 1895 và chính quyền thuộc địa cấp cho ông thêm mảnh đất Suối Dầu, cách Nha Trang độ hai chục cây số, để cất một trại nuôi thú vật cho phòng thí nghiệm.


Yersin nhập cây cao su vào trại Suối Dầu và hơn 100 ha cao su được khai thác với sự cộng tác của một kỹ sư canh nông. Hai cặp, Pernin và Vernet trông nom trại này.


Cánh đồng hoang Suối Dầu trở nên phì nhiêu với  các ngũ cốc và đàn súc vật nuôi để cung cấp huyết thanh như ngựa, và loài thỏ, chuột phục vụ kiểm định các vaccins…


Suối Dầu vào thời điểm này không tốt như ở Nha Trang, vì có nhiều muỗi, nhất là loại muỗi Anophèles gây cơn sốt rét ở đây đầy rẫy. Chỉ còn cách phòng ngừa chúng bằng cách bao bọc khắp nhà ở với màn lưới sắt!


Đảo « Hòn Tre » xanh tươi cây cỏ cũng được dùng làm đất nuôi bò, điểm này gần Nha Trang hơn, tiện cho việc cung cấp huyết thanh, rồi họ đưa về trại Suối Dầu cho chúng hồi sức lại.


Chính quyền Đông Dương Pháp sửa sang viện với một chương trình quy mô và năm 1904 dãy chính  của Viện Pasteur ở Nha Trang đã hoàn tất: Tầng trên dành cho thư viện, và phòng thí nghiệm. Tầng trệt có phòng bào chế thuốc, giải phẫu, nơi chứa máy nước đá, chuồng nuôi khỉ, chuột…


Người Tây phương thích xây nhà bên cạnh bờ biển, những biệt thự đài các theo kiến trúc tây, núp dưới bóng những tàng cây, rải rác dọc theo Avenue de la plage (Đại lộ Duy Tân hay Trần Phú hiện thời), còn dân địa phương quen sống trên sông bể. Hai thế giới không chung đụng nhau.


Xóm Cồn là một trong bốn làng đầu tiên của NhaTrang, một làng chài với vài chục nóc nhà lá và vài trăm ngư dân.


Xóm Bóng ở trước Tháp Bà thuộc làng Cù Lao, nổi tiếng nhờ điệu múa bóng, điệu múa do Chiêm thành truyền lại. Vụ múa bóng do người ở xóm trước Tháp Bà đảm trách và các vũ nữ - những cô bóng, bà bóng - phần nhiều cùng xóm nên tên xóm từ đó mà ra.


« Ai về xóm Bóng thăm nhà,

Hỏi xem điệu múa dâng Bà còn chăng?

Thế thường tre lụn còn măng

Lẽ đâu tham đó bỏ đăng cho đành »


(Câu hát này sở dĩ có vì tục lệ múa ngày vía Bà, tức thánh Mẫu Thiên Y A Nam, đã bị bỏ từ thời Bảo Đại )


Cũng vào năm 1900, ông Parmentier của Viện Viễn Đông Bác Cổ - Ecole Française de l'Extrême-Orient- đến Nha Trang với mục đích khảo cứu thêm về dân tộc Chàm và chăm giữ những vết tích cổ xưa của họ như Tháp Bà.


Tuy biết Tháp Ponagar là tháp Chăm lớn nhất, đẹp và nơi tôn thờ thiêng liêng lúc đó của dân bản xứ, người Pháp vẫn làm Quốc 1ộ 1A xuyên Bắc - Nam đi qua chân Tháp Ponagar và họ hoàn tất, năm 1925 con đường xuyên Đông Dương Quốc Lộ 1A này, khởi hành từ Mục Nam Quan – Cửa ải Nam Quan - qua Hà Nội Sài Gòn lên Gò Dầu (Tây Ninh) xuyên cửa khẩu Mộc Bài và đến Nam Vang, thủ đô Căm Bốt. Có khi còn gọi là con đường Thiên Lý, Quốc lộ 1C là con đường dài 17,3 km có điểm đầu tại đèo Rù Rì ở Diên Khánh, và điểm cuối tại ngã ba Thành. Tuyến đường này nối thành phố Nha Trang với quốc lộ 1A.


Để giảm bớt tác động của Quốc Lộ 1 khi đi qua chân Tháp, người Pháp đã hạ chiều cao của cầu lẫn đường đầu cầu đến mức thấp nhất.


Tất cả những ai đến Chụt – Chutt – đều biết xóm Cầu Đá, cách trung tâm thành phố 6 km.


Chuẩn bị chương trình thiết lập viện nghiên cứu biển cho vùng Đông nam Á, chính phủ Pháp đã xây 5 biệt thự trên núi Chụt vào năm 1923 để đón những nhà hải dương học đến cư ngụ tại đây. Họ đặt tên các biệt thự theo các cây lựa trồng trong vườn mỗi nhà, Villa « Les Agaves » Xương Rồng,  « Les Frangipaniers » Bông Sứ, « Les Bougainvillées » Bông Giấy, « Les Flamboyants » Phượng Vĩ, « Les Badamiers » Bàng. Người chủ đầu tiên của biệt thự Xương Rồng là vị giám đốc đầu tiên của Viện. Ông là người Đức, tiến sĩ Krempt.


Và Viện Hải Dương học được khánh thành sau đó. Một phần của viện, bảo tàng Hải dương học  rất nổi tiếng là « Hồ cá Hải học viện Nha Trang ».


Khi Nha Trang bắt đầu phát triển, với những tòa nhà ven biển, phố xá hàng quán quanh chợ, với đường xá mở mang, giúp nền kinh tế trở nên phồn thịnh và gây ảnh hưởng lớn đến Khánh Hòa về mọi mặt - kinh tế, văn hóa, lẫn chính trị, vua Khải Định ra đạo dụ thành lập Thị xã Nha Trang ngày 11 tháng 6 năm 1924 và Toàn quyền Đông Dương chuẩn y qua nghị định ngày 30 tháng 6.


Bắt đầu vào tháng 4 năm 1925, trong khi Đế quốc mẹ bị khủng hoảng tiền tệ, đồng quan mất giá, những chủ đồn điền cao su và thực dân Tây tại Việt Nam lại phấn khởi vì họ làm giàu trong những năm chiến tranh và hậu chiến. Họ chi tiêu như vứt tiền qua cửa sổ, tại các tỉnh lớn, nhất là Sài Gòn, rượu champagne, sòng bạc, chơi gái, xe hơi sang trọng, xa xỉ phẩm, quần áo mua tận Paris, du lịch....


"Il est naturel que les profits de l'Indochine reviennent aux Français" ông Toàn Quyền Pasquier tuyên bố.


Mùa đông năm 1926, Khâm sứ Trung Kỳ (Résident Supérieur d'Annam de 1920 à 1927)- Pierre Marie Antoine Pasquier được cử ra Hà Nội làm toàn quyền Đông Dương.


Ông tuyên bố sẽ noi theo chính sách của các quan viên đi trước mình và sẽ không dung thứ cho mọi phiến động...khiến dân ta phải bàn tán sôi nổi không ít về chính sách "hầm bà lằng"  rất kỳ dị này, như trong bài của Phan Khôi " Ít lời lạm bàn về chính sách của ông Pasquier, quan toàn quyền mới Đông Pháp", Bài đăng trên Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, số 762. (*****)


(*****) (Bài viết rất châm biếm, đọc cười lăn)


Năm 1930, Pháp khởi sự công trình xây một sân bay nằm trên đường dọc biển, mãi đến năm 1935 mới xong.


Khoảng thời gian này, Nha Trang có hai rạp chiếu bóng để đáp ứng nhu cầu giải trí: 


Rạp Abraham (Tân Tân khi rạp đổi chủ, ngày nay là Trung Tâm Văn Hóa) trên đường Graffeuil ( hay là đường Độc Lập, sau 1975 là đường Thống Nhất)


Và Rạp Tân Tiến (nay là Siêu thị sách Tân Tiến).


1935: Một phòng khám đa khoa dùng làm bệnh viện cho dân. Qua năm sau, bệnh viện được xây dựng từ phòng khám này, gần 100 giường, dân thường gọi là nhà thương thí. 


Nha Trang thuộc Annam, bị chiếm đóng chục năm sau Cochinchine nên chưa được mở mang nhiều về phương diện giao thông ngoài đường biển và đường bộ, qua La route mandarine, nối liền Annam với Tonkin, mà các quan võ triều đình hay dùng. Đường lộ thì gặp những mùa mưa hay bị lũ ảnh hưởng làm trôi cầu hay sập nên đi lại khó khăn.


So với Cochinchine, mở mang, tiến bộ, Annam có bộ mặt đơn sơ hiền hòa hơn.


Hệ thống đường sắt làm kéo dài cả chục năm nên nhà ga Nha Trang chỉ được khánh thành năm 1936.


Thành phố Nha Trang cũng có một nhà tù nơi Pháp bắt giữ địch quân.


Các tổ chức Văn thân Cần Vương được lãnh đạo bởi giới Văn thân, Sĩ phu Nho học hướng dẫn quần chúng nổi dậy đánh Pháp để phục hồi uy quyền triều đình, tức là vua Việt Nam (Cần Vương).


Cả một năm trời Pháp không dẹp được nhóm Văn Thân tại Bình Thuận và Khánh Hòa.


Một tổng đốc khét tiếng tàn ác ở vùng Bình Thuận Khánh Hoà Bình Định là Trần Bá Lộc. 


Tên này giúp Pháp đắc lực trong việc dẹp tan và giết biết bao nhiêu chiến sĩ Văn Thân theo vua Hàm Nghi chống Pháp (chỉ trong vòng một năm 1886-1887). Trong khi Pháp giam nhốt, thì Trần Bá Lộc khi bắt được địch quân thì chặt đầu ngay.


Còn ai không chịu thua, thì sai bắt cha, mẹ, vợ, con người đó đem đóng gông, nhốt vào tù, ra thời hạn, nếu không nộp mình thì cha mẹ và vợ "sẽ bị bêu đầu, còn trẻ con thì bỏ vào lòng cối giã gạo, sai lính dùng chày lớn quết như quết nem"!


Cầu Sông Cạn ở Diên Khánh là nơi bao chiến sĩ anh hùng đã đổ máu. 


Đây cũng là nơi Trần Quí Cáp bị xử chém do án lệnh của quan tỉnh Khánh Hoà Án sát Nguyễn Văn Mại và Bố chánh Phạm Ngọc Quát cùng viên Khâm sứ Levecque.


Một quan chức Pháp đến bắt Trần Quí Cáp ngày 16-4-1908, theo lệnh của Khâm sứ Levecque tại Huế và của triều đình VN. Ông bị xử tử, vì người Pháp sợ Trần Quí Cáp sẽ lãnh đạo dân chúng Khánh Hòa nổi lên gây xáo trộn, vì những cuộc biểu tình chống thuế bùng nổ ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.


Quan Bố chánh Phạm Ngọc Quát, vai trò chính trong việc thúc đẩy thi hành bản án tử hình Trần Quí Cáp  - dưới mắt một Công Sứ Pháp:


 “Il est intelligent, très allant, on peut tirer beaucoup de lui quand il est compromis. Il m’a rendu service ici, ce n’est pas douteux, dans les dernières semaines de son séjour, mais il a emporté beaucoup d’argent,...”


Nhờ khí hậu thoáng mát với gió biển êm dịu, Nha Trang là nơi nghỉ mát lý tưởng của người Âu sống tại Đông Dương dưới thời Pháp thuộc.


Thành phố biển yên tịnh vắng vẻ của Bác sĩ Yersin dần dà thay đổi theo năm tháng.


Ngày nay, Xóm Cồn của BS Yersin chỉ còn là là một khu phố ổ chuột đầy ô nhiễm cần được giải tỏa trong chương trình hiện đại hóa đô thị.


Nguyễn Thị Minh Châu


Dưới đây là hai bài báo đăng năm 1930 về cuộc đời mắc mỏ và một lá thơ kiện xã hội rất trào phúng:




CHIẾN ĐẤU VỚI CÁI ĐỜI MẮC MỎ


Không biết làm sao mà các vật đồ ăn ở Sài Gòn lâu nay lên giá cao dữ quá, làm cho Tây, An Nam chi cũng phải xếu mếu hết, các ông người Pháp ở đây bèn lập ra một ban uỷ viên tra xét về việc ấy.


Ban uỷ viên ấy họp ngày 5 Aout mới rồi, do ông Canque làm chủ tọa. Buổi nhóm nầy cốt để rao cho các ủy viên biết lời đáp của quan Thống đốc đáp cho bổn ban về mấy điều đã hỏi. Trong đó có hai điều quan Thống đốc đã ký chú lấy và toan kiếm cách thiệt hành.


Một là những rau trái (légumes) do xe hỏa đem từ Đà Lạt về Sài Gòn phải làm thế nào tính sụt bớt tiền cước xuống; Hai là miễn trừ thuế nhập cảng về thịt trừu.


Những cách ấy cốt để làm cho bớt giá đồ ăn xuống được chừng nào hay chừng nấy. Hai khoản đó quan Thống đốc đã trình lên quan Toàn quyền, nhờ ngài xét lại rồi thi hành liền, càng sớm càng hay.


Tin ấy truyền ra, các báo Tây lấy làm khoái lắm, có báo đã hô lên rằng ấy là sự chiến đấu với cái đời mắc mỏ (la lutte contre la vie chère)!


Phải, như người Pháp vậy tôi chịu lắm, bất kỳ gặp sự khó khăn gì là cũng chiến đấu hết. Chỉ có một mình An Nam chúng tôi là dở. Dở là tại không biết ăn lê-ghim Đà Lạt, không biết ăn thịt trừu.


Từ chợ Bến Thành cho đến chợ Cầu Ông Lãnh, chợ Đuổi, chợ Tân Định, chợ Đa Kao quái lạ làm sao, mấy lâu nay bán những rau muống là rau muống.


Người ta nói rằng mấy năm gần đây có dân Trung-Bắc ở đây nhiều, họ ưa ăn rau muống nên chợ mới bán nhiều rau muống. Nói có lẽ. Song hồi trước ít có rau muống thì lại nhiều rau lang, rau dền. Chi thì chi, củ hành búp cải của Đà Lạt, năm thời mười họa mới bỏ vô miệng dân Sài Gòn. Còn nói đến đồ trái thì họ cũng chỉ biết xài những dưa chuột, mít hầm từ miền rẫy đem xuống hoặc từ miệt vườn đem lên.


Trời đất  ôi! thịt thì tinh những heo quay là heo quay; giỏi lắm thì được thịt bò già, con bò đâu cũng tám mươi tuổi rồi mới làm thịt sao mà nghe nói nó dai như dẻ rách! Ấy vậy mà dân Sài Gòn cứ việc xực; còn thịt trừu lại chê là hôi nghíu, không chịu xực.


Ấy vậy mà những đồ ăn của dân An Nam ở Sài Gòn đó có rẻ rúng chi. Rau muống một xu ba cộng, mít hầm hai xu lủm được một miếng; còn nói chi thịt bò thịt heo mắc quá tổ, mà tôi cũng không biết giá, vì tôi có được ăn khi nào đâu mà biết giá?


Dại làm chi mà dại bất nhân! Chớ phải chịu ăn lê-ghim Đà Lạt, chịu ăn thịt trừu, thì dạo nầy chẳng đã nhờ cái dư huệ của ban ủy viên, của quan Thống đốc, của quan Toàn quyền mà ăn rẻ được nhiều ít.


Nghĩ rồi dân An Nam ở Sài Gòn thiệt quê mùa hết chỗ nói! Chiến đấu như người ta, đã không biết chiến đấu, mà ăn như người ta, cũng không biết ăn.


Nghĩ rồi ở đời cái sự lợi hại chẳng có nhứt định một đường. Ai lại chẳng tưởng hễ ăn vật gì ấy là mình thất lợi, có ngờ đâu cái nầy không ăn lại chịu thiệt!


Thôi rủ nhau ăn lê-ghim Đà Lạt với thịt trừu đi; không ăn là dại.


Có lẽ mấy ông hội đồng thành phố An Nam nghe mà tức mình sẽ đứng lên lập một ban ủy viên khác để chiến đấu với cái đời mắc mỏ của An Nam cho mà coi.


THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s.6218 (9.8.1930)




HỌ CÓ MIỆNG ĂN, CÓ MIỆNG NÓI


Ban uỷ viên điều tra về đồ ăn mắc mỏ (Commission de la vie chère) bữa trước đây đã xin bớt tiền cước cho xà lách Đà Lạt và tha thuế thịt trừu ngoại quốc đem vào; mới hôm vừa rồi họ lại rục rịch đến món khoai tây.


Khoai tây tại làm sao cũng lên giá? Ban uỷ viên ấy tức về chỗ đó lắm nên đã rủ nhau đi điều tra tới nơi tới chốn.


Cái kết quả của sự điều tra tỏ ra rằng sự lên giá đó thật là vô lý. Khoai tây mỗi chuyến tàu nào cũng có tới thường, và chẳng hề có thêm thuế gì hết, vậy thì can cớ gì mà cũng bán mắc lên cho được?


Những phái viên đi điều tra tìm được, tại các cửa hàng trong Chợ Lớn, các chú trữ khoai tây lại có đến hàng ngàn kí-lô. Vậy mới biết rằng bọn Huê thương đồng lòng với nhau tích trữ vật ấy lại một chỗ, rồi neo giá mà bán mắc, chớ chẳng phải tại cớ gì hết.


Ban uỷ viên phát kiến ra sự ấy rồi, đương tìm cách xin chánh phủ can thiệp vào sự buôn bán quỷ quyệt của bọn các chú. Để thủng thẳng coi thử có hiệu quả gì chăng.Chúng ta nên nhớ rằng ban uỷ viên nói nãy giờ đó gồm tinh những người Pháp thôi, không có người An Nam nào hết ráo.


Xà lách Đà Lạt, thịt trừu, khoai tây là vật thực của người Tây dùng hàng ngày. Họ ăn vô miệng mà thấy mắc(*), đau đồng tiền quá thì họ biết nói.


Còn mình, An Nam mình cũng có miệng ăn như họ vậy chớ, mà ăn mắc mấy cũng cứ việc nhắm mắt mà nuốt liều, không ai nói chi hết, là cớ làm sao?


Trà tàu, lên giá từ tháng Juin năm ngoái, lúc đó vì cớ tăng thuế Đoan. Còn bây giờ đây, đương vô sự, chẳng có cớ gì hết, sao họ lại lên giá nữa: thứ trà 0p55 một gói bữa trước thì bữa nay 0p60? Chẳng những trà tàu, còn nhiều vật thực khác cũng cứ mỗi ngày mỗi tăng giá như vậy mà ai nấy cứ việc mua, chẳng thấy nói rằng chi hết thảy.


Chẳng biết ban uỷ viên ấy lập lên, chỉ có mục đích điều tra sự mắc mỏ chung cho cả dân thành phố?


Họ hết nói chuyện xà lách Đà Lạt và thịt trừu ngoại quốc rồi nói đến chuyện khoai tây, còn trăm thứ khác thì sao?


Còn chánh phủ, trước đã hứa sẽ sức cho sở hỏa xa bớt tiền cước xà lách Đà lạt và tha thuế thịt trừu nhập cảng rồi bây giờ đây đối với vấn đề khoai tây, cũng sẽ phải giải quyết cho họ cách nào, chánh phủ thật cũng sốt sắng thay.


Nhưng coi kỹ ra thì các ngài trong chánh phủ cũng chỉ ăn xà lách Đà Lạt, thịt trừu và khoai tây mà không ai uống trà tàu hết. Như vậy biểu sao đừng sốt sắng.


THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s.6229 (25.8.1930)


(*) Các từ mắc (nghĩa là đắt đỏ) ở bản gốc đều là “mắt”, có lẽ do in lầm, ở đây NST đã sửa lại.




LÁ ĐƠN KIỆN XÃ HỘI


Bà đầm L., chủ nhà hàng Tout-va-Bien, vì thất luyến với tình nhơn mà tự tử bằng súng lục, nhờ thầy thuốc cứu chữa nên bà đã hoàn hồn. Chuyện ấy đã đăng trên tờ báo Trung lập rất rõ ràng ở số hôm kia và hôm qua.


Người ta, hễ gặp việc gì ức tình thì chỉ có nước kiện. Bà đầm L. muốn chết mà họ không cho chết, bả cũng ức tình. Ức tình thì bả kiện. Cứ theo như trong đơn của bả thì bả chỉ quyết cho chú Xã Hội là kẻ đã làm thiệt hại bả, là bị cáo nhơn.


Có người làm việc trong tòa án Bông Lông, sao được lá đơn của bả như vầy:


Trộm nghe:


Đời thạnh trị trong không gái hờn ngoài không trai lỗng,

phải đủ đôi đủ lứa mới ra bề;

Phận đàn bà nhỏ thì theo cha, lớn thì theo chồng,

ai cù bất cù bơ mà chịu được?

Nếu có kẻ thân sơ thất sở,

Ấy tại nơi chi phối bất quân:

Bởi chưng có người dư,

Mới thành ra kẻ thiếu.

Tôi nay:

Hổ phận bạc còn trên ba tấc đất;

Chực phòng không kể đã mấy năm trời.

Ai ngờ đầu trăng đầu nước mà vô duyên,

gặp phải đức ông chồng chi phụ rãy;

Trông thấy đũa bếp đũa con đều có cặp,

thương thay ống thổi lửa chi mồ côi!

Biết nhờ ai mẹ góa con thơ?

Chịu sao nổi đầu xanh tuổi trẻ?

Đường trường tôi vừa đương gánh gãy;

Gái góa tôi mới bạ trai không.

Những mong đất khách quê người, nạc gởi mà xương cũng gởi;

Từ đó biển thề non hẹn, thuyền dời chớ bến không dời.

Ngờ đâu tám kiếp anh nầy!

Âu cũng một ma cùng chàng nọ!

Tôi bèn quyết chí, sống làm chi thêm hổ chị hổ em?

Trời chẳng chiều người, chết một cái đã sáng nhà sáng cửa!

Ai cầu mà cứu?

Sống vẫn không chồng!

Để tôi đến ngày nay,

Chính y là kẻ ác,

Vậy xin tòa án Bông Lông thẩm xét,

Khá đòi phạm nhơn Xã Hội hỏi tra.

Bởi tại y:

Trước đã làm cho tôi tủi vì phận, hờn vì duyên,

quá lắm phải ra đường thất vọng;

Sau lại làm cho tôi đi không đành, dứt không đoạn,

còn lộn về vướng nợ phù sanh.

Cứ thiệt thân trình,

Nhược gian cam cựu.


THÔNG REO tái sao lục

Trung lập, Sài Gòn, s.6233 (29.8.1930)


Nguyễn Thị Minh Châu



© cfnt, Collège Français de Nha Trang