Hương vị ngày xưa



Ngày xửa ngày xưa, phận gái sinh ra để lo việc nhà, tề gia nội trợ, thật đảm đang và phần nhiều phải về làm dâu đầu tắt mặt tối, tội thế đấy!


Thời đại này, chắc mấy bà mẹ chồng cũng thông cảm cho cô con dâu đoảng, chẳng biết làm gì ngoài món mì gói. Đây là kinh nghiệm bản thân, lo cho cậu quí tử mới lấy vợ không biết ăn uống như thế nào, hỏi dò con dâu xem tài cán bếp nước nó đến trình độ nào, có hơn mình hay không???! Ai dè nó còn ngu ngơ hơn mình! Con nhà giàu cưng chiều thì chẳng bao giờ đụng đến nồi niêu, tất cả đều nhờ chị dâu lo liệu hết, tội cho kẻ làm dâu phải cáng đáng chuyện nhà, chuyện người!


Mẹ tôi cũng thuộc loại tiểu thư con nhà đại điền chủ ngoài Bắc. Nhìn những hình ảnh xưa của ông ngoại, tôi mê mẩn với những ngày tiệc tùng đình đám, khi quà bánh cứ từng mâm, có bao nhiêu người khiêng vác và có cả lọng che cho khách khứa…Thế mà bao hình ảnh con cháu vất đi, mất hết! Cũng như nữ hoàng Cléopâtre, mẹ tôi cũng được chăm chút hồi nhỏ, da dẻ được nuôi dưỡng đặc biệt, như tắm với sữa tươi - hay nước dừa?!!!


Mẹ lấy chồng chẳng biết cầm cây chổi quét nhà, loay hoay vì lần đầu vào bếp. Khi có con một bầy thì mẹ tôi cũng chẳng kém tài nàng dâu nào trong những ngày giỗ tết trong họ. Thường thường mẹ tôi dạy lại các cô bé giúp việc trong nhà nấu nướng, nhưng chẳng hiểu tại sao không bao giờ ngon như những món mẹ tự làm!


Có nhiều món nhìn thấy hổng ham mà ăn vào cũng ngon ra phết, như món óc hấp chẳng hạn, chỉ dành cho mình Bố tôi ăn, với tí tiêu, giản dị mà beo béo, thơm ngậy.


Lâu lâu mẹ làm món pâté, mẹ có cái máy xay tay và cứ ngửi mùi món pâté mới ra lò là háo hức xin được thử một miếng cho đỡ ghiền! Pâté mình làm cũng không khác mấy kiểu của Tây, thế mà sao ăn pâté của mẹ nó đậm đà mùi vị, nó mịn và ngon hơn rất nhiều!


Những ngày giỗ, các món ăn thường ít khi thay đổi, có lẽ tại theo truyền thống. Và tôi rất mê những phong tục cổ xưa, cũng tại dễ được ăn chè, được thưởng thức món ngon - còn hơn đi ăn nhà hàng.


Ngày bánh trôi bánh chay, ngày Tết Hàn thực, mùng 3 tháng 3 âm lịch, mẹ làm món chè tôi khoái nhất, vì bánh trôi có cục đường giòn tan, ngọt như mật, cắn bể trong miệng, đượm mùi thơm của tí vừng, rang vàng rắc lên. Còn bánh chay thì khỏi nói, nước đường nấu với gừng có vị cay cay thật hấp dẫn.


Mùng 5 tháng 5 âm lịch, dịpTết Đoan ngọ, mẹ giục chúng tôi sửa soạn giết sâu bọ. Người ta tin rằng khi ăn món đầu tiên trong ngày này thì giun sán trong người sẽ chết hết! Họ nhắc nhở mọi người bằng câu ca dao:


Tháng tư đong đậu nấu chè

Ăn tết Đoan ngọ trở về tháng năm.


Đoan nghĩa là mở đầu, Ngọ là giữa trưa. Đoan Ngọ bắt đầu giữa trưa. Tháng 5 là lúc bắt đầu trời có nắng lớn, khí dương thịnh, như mặt trời vào giữa trưa. Tháng này bắt đầu vào hè, trời nóng nhưng ẩm, mùa này sâu bọ sinh sôi nảy nở rất nhiều.


Trước ngày Tết Đoan ngọ mấy ngày, mẹ sửa soạn làm món cơm rượu: Theo kiểu người Bắc, mẹ dùng nếp lức, nếp này cứng hơn nên phải ngâm gạo và nấu hai lần . Nấu như xôi, đem để nguội, Một lượt cơm rắc lên trên một lớp men, ủ kín bằng lá chuối…


Lúc nhỏ đã ghiền, khi có tuổi cũng thế, thèm được nếm lại mùi cơm rượu, như khi xưa còn bé hay say bí tỉ, vì cái tội tham ăn!


Đến ngày rằm tháng 8 âm lịch là ngày tết của trẻ con. Tết này vui vì được dịp đi rước đèn với lũ trẻ trong xóm gần nhà. Đây là dịp để những người khéo tay trổ tài vót tre, họ cuốn cong các thanh tre theo hình ngôi sao, những con thú, bất cứ hình thù gì họ muốn tạo ra…


Tôi cũng như những đứa trẻ khác thích được đeo mặt nạ, làm bằng bìa cưng cứng, in hình các nhân vật yêu thích như đầu các con vật sư tử, khỉ… Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới…


Đêm đến, thắp xong cây nến trong cái lồng đèn ngôi sao hay con cá,  đeo cái mặt nạ vào, tôi nhập bọn, hát phụ họa theo lũ trẻ, lòng vui như mở hội, dưới ánh trăng rằm, trong khi chú Cuội ở trên cung trăng nhìn đàn trẻ cười đùa mà ngơ ngẩn nhớ nhà!


Rước đèn tháng Tám


Tết Trung Thu rước đèn đi chơi

Em rước đèn đi khắp phố phường

Lòng vui sướng với đèn trong tay

Em múa ca trong ánh trăng rằm

Đèn ông sao với đèn cá chép

Đèn thiên nga với đèn bướm bướm

Em rước đèn này đến cung trăng

Đèn xanh lơ với đèn tím tím

Đèn xanh lam với đèn trắng trắng

Trong ánh đèn rực rỡ muôn màu


Tít trên cao dáng tròn xinh xinh

Soi xuống trần ánh sáng dịu dàng

Rằm tháng tám bóng Hằng trong sáng

Em múa ca vui đón chi. Hằng

Tùng dinh dinh cắc tùng dính dính

Tùng dinh dinh cắc tùng dinh dinh

Em rước đèn này đến cung trăng

Tùng dinh dinh cắc tùng dính dính

Tùng dinh dinh cắc tùng dinh dinh

Em rước đèn mừng đón chi. Hằng


Tết Trung Thu bánh quà đầy mâm

Em bé nhà ưa đứng quây quần

Đòi hạt sen bánh dẻo đầy nhân

Em muốn ăn bốn, năm ba phần

Ngọt thơm như bánh dẻo bánh nướng

Ngọt cay như mứt gừng mứt bí

Ăn mát lòng lại thấy vui thêm

Hạt dưa nghe cắn nổ lốp đốp

Người vui hoan nói cười hấp tấp

Bao tấm lòng mừng đón trăng rằm.


Lớn lên, mẹ tôi cho tôi đi học gia chánh, để lỡ có về làm dâu nhà nào thì có chút vốn liếng thêm. Tôi học đến đâu, hỏng đến đó, sao mà… đau lòng quá! Cái tội tham ăn mà lại không thành công được, dù là một miếng thịt bò beefsteak nướng ngon, vừa độ chín, mềm như ý muốn! Bài học hôm đó là món bánh Trung Thu thập cẩm và món bánh dẻo. Tôi nhìn cái công thức làm mà ngao ngán, khó thực hiện một mình ở nhà, nhưng cũng quyết định ra tay!


Nạn nhân ăn tác phẩm đầu đời của tôi là ông khách quí, ông thày dạy Anh văn vài giờ thêm ở nhà . Ông ta người xứ New Zealand (cách Úc 2 000km, có 2 hình tượng trưng cho xứ này: một cây fougère « kaponga » và con Kiwi ).


Tôi thấy cái cục bột nắn mãi mà không giống kết quả ở trường Nữ công gia chánh kia nên cũng hơi lo cho cái bánh Trung Thu mang tiếng là « thập cẩm » của mình! Thôi thì cũng cho đại vào lò nướng xem sao. Hình dạng thì cũng ngon lành lắm, tôi hí hửng đem ra mời khách. Con dao hôm nay sao dở thế, ì à ì ạch cắt mãi không xong. Tôi bắt đầu đổ mồ hôi hột và quê ơi là quê khi tôi khám phá ra cái cục đá không hơn không kém này! Cái bánh Trung thu có ném làm quả lựu đạn, chắc cũng không nổ đâu, mà chỉ làm bể đầu ai đó thôi!


May là ông thày cười hì hì thông cảm cho. Những bài học nấu ăn chưa hết, tôi phải trau dồi thêm khi rời Nha Trang vào Sài Gòn, nhưng vô hiệu quả, dở vẫn hoàn dở, như trường hợp cái bánh sinh nhật đẹp đẽ trình bày nghệ thuật, với các hoa hồng tuyệt vời làm bằng bơ pha thêm chút màu sắc: May là tôi mua lại đem về làm chứng cớ là bà thày giỏi hơn tôi! Hoa tôi làm bơ đằng bơ, hoa đằng hoa, nó không đứng vững, khổ thế! Có lẽ tại Sài Gòn quá nóng, một cách để bào chữa cho tài nghệ làm bếp… hụt của tôi đấy thôi!


Bao nhiêu năm ăn cơm xứ người, tôi vẫn thèm những hương vị ngày xưa, những món ăn giản dị của mẹ, những bữa cơm ngon ngày giỗ, ngày tết! Có những món thật cầu kỳ nhưng cũng có những món sơ sài, ngọt ngào của tuổi thơ.

Ngay cô bạn bé bỏng ngày nào vẫn còn hay nhắc nhở đến món chè ăn với xôi vò mẹ tôi làm. Món chè này tôi không thích gì cho lắm, nhưng cô bạn thì mê tơi nhớ mãi.


Dù có muốn được ăn món nào của mẹ, nhưng tôi quên mất tên gọi của nó, cũng như trong đó có những gì, cũng chỉ vì tôi nhìn sơ mà không nhớ hay ghi chép lại! Quên đấy, xong tôi vẫn còn nhớ những hương vị ngày xưa và chỉ mong được tìm lại một lần!


Nguyễn Thị Minh Châu



© cfnt, Collège Français de Nha Trang