Tiếng tây trong ngôn ngữ Việt Nam


 

Tôi có biết một người chủ tiệm bán xe đạp ở ngoài trung. Ông ta đặt tên cho hai thằng con trai là Phanh và Đông. Phanh là từ chữ Pháp frein (thắng xe) và Đông là từ guidon (tay lái). Dĩ nhiên là cái thời điểm ấy đã xa xưa lắm rồi, khoảng năm một ngàn chín trăm năm mươi mấy, vì lớp trẻ bây giờ chắc sẽ không hiểu được những danh từ ấy. Ý tôi muốn nói là ngày đó, những chữ lai căng này rất phổ thông trong ngôn ngữ hàng ngày của mọi người. Xe tôi phanh yếu lắm, nghĩa là xe tôi thắng không ăn, đụng bà hàng bánh tráng thì vỡ nợ vì phải mua đền hết nguyên thúng. Thực ra, kêu đông là cái tay lái thì hơi gượng ép. Nhưng mà thôi, ta cũng nên xí xoá cho ông hàng xe đạp, vì chẳng lẽ ông lại kêu quý tử là thằng bù loong?


Thử ngồi duyệt lại cái ngữ vựng Việt Nam, ta sẽ thấy đầy dẫy những chữ gốc tiếng Pháp. Một trăm năm đô hộ giặc tây quả là đã ảnh hưởng vô cùng. Chỉ nhìn cái xe đạp của ông bố thằng Phanh là đã thấy vô số các thí dụ. Nào là dây sên (chaine), cái phuốc (fourche), pê-đan (pedale), bình đi-na-mô (dynamo), nào là bù-loong (bulon), ốc vít (vis), rông-đền (rondelle), bóc-ba-ga (porte bagage), van (valve), ổ bi (bille)... Ôi, sao kể mãi không hết!


Đấy mới chỉ là chuyện cái xe đạp đơn giản thôi nhé. Để tôi suy nghĩ tiếp cái chuyện tiếng tây tiếng u này xem nó đi đến đâu. Cái ông bố thằng Phanh hình như làm ăn phát tài nên tiền vô như nước. Hoặc cũng có thể là ông ấy trúng xổ số kiến thiết quốc gia, mà ngày ấy Trần Văn Trạch thường hay rêu rao là giúp đồng bào ta mua lấy cái nhà giàu sang mấy hồi. Thế là, xu hào rủng rỉnh, ông ta sắm một chiếc ô-tô. À há, automobile! Chiếc xe của ông có hai băng (banc) ghế bọc đệm mút (mousse) ngồi sướng cả bàn tọa, có đèn pha (phare) và đèn cốt (code) nhấp nháy trong đêm như bảo thiên hạ hãy nhìn coi xe ông đẹp thế này này đây này. Đằng sau cóp (coffre) xe có gắn một chiếc bánh xơ-cua (secour) bằng cao-su (caoutchouc) đen. Bên hông xe có một cái nắp mạ kền (nickel) sáng loáng để đổ xăng (essence). Mở nắp ca-bô (capot) đằng trước lên thì thấy cái máy có dây cua-roa (courrois) loằng ngoằng, phía trên gắn một cái các-bua-ra-tơ (carburateur) bự tổ bố.


Vì xe ông là xe xì-bo (sport) chạy nhanh chạy mạnh, nên nó có đến tám cái bu-gi (bougie). Bu-gi là bộ phận đánh lửa của máy, làm nổ hỗn hợp xăng để tống cái pít-tông (piston) chạy lên chạy xuống trong cái xy-lanh (cylindre) tạo thành chuyển động quay trục máy. Cái chữ bu-gi này không biết làm sao lại còn được dùng để chỉ cái... ấy ấy của các đấng mày râu. Ông bố thằng Phanh lái xe xém lọt đèo, hú hồn, về luôn miệng kể lể " tao sợ teo cả bu-gi". Mà cái chữ bu-gi này không phải chỉ áp dụng cho người ta không thôi đâu nhé. Tôi nhớ hồi bé có thằng bạn đố tôi xe nào bu-gi to nhất. Tôi ngây thơ trả lời là xe vận tải mười tám bánh. Nó cười ngất bảo rằng đấy là xe ngựa. Vỡ lẽ, tôi nghĩ phải là xe voi mới đúng, nếu mà... có ai đó làm xe voi.


Ông hàng xe đạp giàu rồi nên đổi mốt (mode) ăn uống sang trọng hơn cho giống người tây, mặc dù vẫn còn da vàng mũi tẹt. Buổi sáng, ông ăn bánh mì bơ (beurre) với dăm-bông (jambon), ba-tê (paté), xúc-xích (saucisse) và nhâm nhi ly cà-phê (café) nóng. Buổi trưa, ông ăn gà rô-ti (rotis) kèm với rau xà-lách-xon (cresson). Buổi tối, ông ăn súp (soupe) hầm với bắp xú (chou) và cà-rốt (carote). Ông chê không uống trà đá. Ông uống bia (bière) và rượu vang (vin). Bữa nào trúng mánh, ông lại khui sâm-banh (champagne) nổ lốp bốp. Sau bữa ăn tối, ông thích ăn đét-xe (dessert) với bánh xu kem (chou à la crème) hoặc với kẹo sô-cô-la (chocolat) ngon ngọt vô cùng.


Nói đến cái ăn thì phải nói đến cái mặc. Bố thằng Phanh giờ là thương gia hạng bự, thường xuyên đóng bộ com-lê (complet), bên trong là áo sơ-mi (chemise) tay măng-sét (manchette), bên ngoài là chiếc gi-lê (gilet) nỉ xẹt (serge), ngoài nữa là cái vét-tông (veston) ba nút, cổ thắt cà vạt (cravate) sọc đỏ, đầu đội mũ phớt (feutre), tay chống ba-ton (baton), trông bảnh bao không thua gì tay chơi Ba-Rí (Paris) thượng thặng. Ông đi in các-vi-dít (carte visite) có hình hai chiếc xe đạp lồng vào nhau với tên cửa tiệm là Vélos du Monde, phía dưới đề tên chủ nhân, là chính ông, me-sừ (monsieur) Nguyễn văn George. Cái tên ấy, ông đã suy đi tính lại mãi mới ưng ý được để thay thế cái tên cúng cơm Nguyễn văn Dọt bố mẹ đặt ra cho mà ông rất ghét vì nó nhà quê sao sao ấy.


Ông bắt đầu đi chơi ten-nít (tennis) với các bạn thương gia, tập tành nói tiếng tây, moa (moi) toa (toi) luôn miệng. Trưởng nam Phanh hay được bố dẫn theo nhưng lúc nào cũng im ỉm không nói không rằng. Ông biện hộ cho quý tử của mình:


- Thằng bơ-tí (petit) nhà moa nó phải gặp lũ bạn cùng xê-ri (série) nó mới hoạt bát lên được. Toa biết không nó học lí xê (lycée) nhất lớp mấy bà đầm (dame) thương lắm.


Ông bạn ten-nít xoa đầu cậu bé:


- Mày biết tiếng tây hả? Mày biết ba mày bữa nay fini la gan rồi không?


Phanh trố mắt không hiểu nhưng không dám hỏi. Ông bạn cười ngất bỏ đi.


Chú bé len lén kéo tay bố hỏi nhỏ:


- Fini la gan là sao hả bố? Con chưa học chữ này!

- Ồ, cái ông ấy chọc bố hết gân ấy mà, đâu phải tiếng tây tiếng u gì đâu!


Ông hàng xe đạp thuộc loại người thích nói tiếng tây pha tiếng việt cho ra vẻ " tây " hơn người. Có kẻ xấu mồm gọi ông là " tây đui", nói lái lại là tui đây. Cái ngũ vựng của ông, vì thế, ngoài những tiếng tây không thể tránh được như tôi đã kể ở trên, còn có nhiều chữ ông ghép vào để giựt le. Đại khái ông thường nói những câu như sau:


- Moa thấy cái thằng Paul hôm qua đỡ banh bị té trông cô-mích (comique) thật!

- Chiều nay toa và moa buốc-suya (pour sur) phải boa-oong-cú (boire un coup) để phê-tê (fêter) cái áp-phe (affaire) này mới được!

- Hè này moa sẽ đi va-căng (vacance) cùng pha-mi (famille) ở Đà-Lạt, tiện thể thăm người bạn cùng rê-gi-măng (régiment) ngày xưa. Lủy (lui) bây giờ rờ-trét (retraite) nghe nói la-vi-ăng-rô (la vie en rose) lắm!


Những cách nói pha này một thời đã thịnh hành lắm. Thậm chí cả những người bình dân không biết tiếng tây cũng ráng dùng. Tôi còn nhớ có lần chị bán bánh mì đầu ngõ ngày xưa khoe khoang bộ muỗng nĩa mới mua của mình:


- Bộ này bằng đách-xi-đáp (inoxidable) không bao giờ sét đâu!

- Chị nói nó bằng i-nốc đó hả? - tôi hỏi lại cho chắc ăn.

- Thì i-nốc, nhưng mà tây nó kêu là đách-xi-đáp.

- Chị giải thích một cách hiểu biết - Nó sáng loáng bẹt-mi-năng (permanent) không cần đánh bóng, chú ơi!


Mãi đến bây giờ ở Mỹ, thỉnh thoảng tôi cũng còn nghe được những câu như thế ở một vài người thuộc thế hệ trước tôi. Những lúc ấy, tôi cảm thấy như họ là quá khứ chợt sống lại để minh chứng hẳn hoi cái ảnh hưởng sâu xa của tiếng tây trong ngôn ngữ việt-nam. Chắc chắn là thế hệ những người việt-nam định cư ở mỹ sau một chín bẩy lăm đã, đang và sẽ có những câu ba-rọi tương đương bằng tiếng mỹ và tiếng việt. Nhưng đấy là cả một đề tài khác ngoài cái phạm vi của buổi tán dóc này, các bạn nhỉ?

Đặng Ngọc Dũng


© cfnt, Collège Français de Nha Trang