Một thời còn bé


 

Chúng tôi dọn đến thành phố cao nguyên mù sương ấy vào khoảng giữa thập niên một chín năm mươi. Căn biệt thự tọa lạc trên một con đường ven đồi. Phía bên kia đường trước mặt là rừng thông trên cao. Thềm nhà nằm thụt xuống khỏi mặt lộ khoảng năm sáu mét, phải đi xuống một cầu thang bằng đá mới vào đến cửa trước. Phía sau nhà, đất dốc tuồn tuột xuống những vườn rau dưới thung lũng qua những bậc thang quanh co vạt vào mảng đất đỏ au của sườn đồi.


Đấy là nhà của ông trẻ Tư. Ông là em ruột ông nội tôi nên rất thân thích trong gia đình. Ông cho gia đình chúng tôi cư ngụ trong gian nhà ngang phía sau trong khi chờ đợi ba tôi mãn khóa trường Võ Bị Đà Lạt. Dãy nhà ngang chia làm ba căn. Chúng tôi ở một căn bìa. Căn giữa cho một gia đình gồm hai vợ chồng và hai đứa con gái nhỏ ở mướn. Căn còn lại, ông Tư dùng làm nhà bếp. Gia đình ông trẻ Tư ở trên gian nhà chính phía trước. Lúc ấy, ông có ba người con trai, người nhỏ nhất bằng tuổi tôi. Trong họ hàng, gia đình tôi là bé vai nhất nên tôi có rất nhiều những " thằng ông, thằng chú " kênh kiệu mà tôi rất ghét. Tuy nhiên, các con ông trẻ Tư rất dễ thương. Chúng tôi không mày tao với nhau. Tôi nhớ, tôi gọi họ bằng chú và xưng tên một cách dễ dàng, không thấy sượng sùng.


Ông Tư làm nghề thâu thuế ở chợ Đà Lạt. Những dân buôn bán, người thì kính nể, người thì sợ hãi, người thì cay ghét ông, những khi thấy ông chạy chiếc xe mô-tô, mà tôi nhớ ông kêu là xe bình bịch, rảo trên con đường họp chợ để thâu tiền hàng ngày. Ông hay kể về những ngày xa xưa khi mới từ ngoài bắc vào Đà Lạt lập nghiệp:


- Hồi ấy tao chân ướt chân ráo mới đến xứ này. Đi ngang sân gôn thấy thằng tây tao đánh liều vào xin việc.


Mắt ông Tư mơ màng:


- Lão tây ấy là me xừ Đuy Pông. Nó thấy tao nói tiếng tây giỏi quá bèn cho tao làm quản gia ngay, còn cấp cho cả nhà ở trên sân gôn nữa.

- Con cũng biết nói tiếng tây nữa! – chú Phước con trai út ông Tư chen vào - Bông dua me xừ còm măng ta lê vú!


Mấy đứa kia át lên phản đối:


- Im nào, để nghe ba kể! Ba kể chuyện ông Tương đi!

- À cái ông Tương hồi ấy đi thu thuế ở chợ trước khi tao vào làm. Lão rượu chè be bét quá nên bị chủ nó đuổi mà vợ cũng bỏ đi luôn.


Chú Phước láu táu xen vào dành kể:


- Cái ông đó hôi lắm, mà mặt đỏ lét hà. Ổng trùm mền ngủ ở ngoài chợ, rồi đi quẹo quẹo, gặp ai cũng xin tiền để uống rượu.


Ông Tư cười khề khà:


- Lão ấy cũng còn nhớ tiếng tây, thỉnh thoảng còn ba xí ba tú một mình nhưng chẳng ra đầu đuôi gì, bố ai hiểu. Cho thằng Phước ra nói tiếng tây với lão chắc hợp lắm đó!


Ông trẻ Tư còn kể nhiều chuyện khác nhưng tôi chỉ nhớ được hai chuyện chính. Một là câu chuyện sân gôn, có lẽ vì nó được ông kể đi kể lại nhiều nhất, như một niềm tự hào nho nhỏ của ông ngày mới vào nam lập nghiệp. Thứ nhì là chuyện ông Tương, vì chính tôi nhiều lần chứng kiến cái người ma-cà-bông ấy, áo quần bẩn thỉu, nồng nặc mùi rượu, mặt mũi đỏ gay, lẩm bẩm cười nói một mình trên bậc thang đi xuống chợ:


- Xà va, xà va pá! Hề! Hề! Hề! À lông ăng phăng đờ la pa trí …


Lúc đầu mới đến thành phố cao nguyên này, chúng tôi chưa quen với khí hậu nên cảm thấy lạnh lẽo vô cùng. Buổi sáng, sương mù giăng trắng xóa đầy thung lũng làm cho căn nhà như nổi trên mây. Những chiếc áo len mỏng chúng tôi đem theo không ngăn nổi cái lạnh cắt da. Ông trẻ Tư thấy chúng tôi co ro bèn chỉ mẹ tôi:


- Chị ra chợ kiếm hàng áo lạnh viện trợ mỹ tuy cũ mà ấm lắm chứ ba cái áo len Sài Gòn này chẳng ăn thua gì đâu.


Mẹ tôi e ngại:


- Đồ mỹ chắc rộng lắm sao tụi cháu mặc vừa được?

- Ôi nó có đủ cỡ, người lớn có, con nít nhỏ xíu cũng có. Mà nếu hơi rộng thì chị khéo tay may lại cho mấy cháu mặc cũng được. Mà chị liệu khó sửa quá thì tôi bảo thằng phó Thành nó làm cho chẳng tốn bao tiền đâu.


Phó Thành đây là ông thợ may bình dân ngoài chợ, chuyên sửa áo vét, áo măng-tô người mỹ rộng thềnh thoàng thành cái áo vừa vặn người việt mình, thoáng trông xem cũng bảnh bao như may ở cửa hiệu trên phố. " Tiệm may " của ông ta nằm sát cạnh " tiệm " của ông sửa giầy - tôi có lần ra chợ đã thấy - gồm một khoảng thềm chợ cỡ bốn mét vuông, ngăn chia với tiệm hàng xóm bằng những tấm vải bạt, chính giữa là một chiếc máy may cũ kỹ, chung quanh treo lố nhố những chiếc áo đang chờ được biến dạng từ hàng làm phước sang hàng đi dạo phố. Mẹ tôi may mắn lựa được những chiếc áo trẻ em vừa vặn cho bà mà cũng vừa cho chị em tôi. Tôi nhớ bà hí hửng mãi vì khỏi tốn tiền cho ông thợ may vườn. Tôi được sắm vài cái áo ấm kiểu mỹ con, nhưng tôi thích nhất là một bộ áo liền quần dầy đến hơn một phân, mặc vào như một bộ áo giáp mềm mại, bị té cũng không thấy đau. Tôi đã nhiều lần ngã lăn quay trên những bậc thang sườn đồi khi theo mấy đứa con ông trẻ Tư đi xuống chơi ở dưới vườn rau. Quần áo tôi dính đầy những vệt bùn đỏ làm mẹ bực mình, nhưng bù lại tay chân tôi không một vết trầy vẹt hoặc bầm tím nào khiến bà cũng phần nào chấp nhận cái sự lấm lem ấy.


Đà Lạt đã nổi tiếng khắp nước nhờ sản xuất ra những loại rau trái đặc biệt. Trước kia, tôi đã từng ăn những rau củ này nhưng đến bấy giờ mới được tận mắt nhìn thấy những cây khoai tây, những luống cà rốt, những giàn xu xu, những bắp su-lơ, những bông ạc-ti-sô… Tôi thích bứt những cánh bông ạc-ti-sô hầm mềm rục, dùng hai hàm răng cạp lấy phần bơ bở ở cuống cho đến khi lòi ra phần xơ dai bên trong. Tôi không nhớ món ấy có ngon hay không, chỉ nhớ được cái sự khoái trá khi lập đi lập lại những động tác cạp mút rồi xếp chồng mấy cái cánh bông đã ăn xong lên rìa mâm cơm. Tôi cũng bị hấp dẫn bởi những giàn xu xu vô tận trên sườn đồi, giăng ngang từ mép nhà này sang mép nhà kế cận, tạo thành một mái lá xanh rộng mênh mông, từ phía dưới ấy tôi thích ngửa đầu chạy rượt đuổi những đốm nắng mặt trời chói lọi qua kẽ lá.


Tôi nhớ bà nội tôi hay xắt sợi những trái xu xu đem nấu canh với bánh đa và tôm khô, làm món " hủ tíu " rẻ tiền của nhà nghèo.


- A ha! Bữa nay có canh bánh đa chị ơi! – tôi vui mừng chạy kiếm chị tôi để báo tin mừng mỗi khi bà nội bày ra món ấy.


Và hai chị em chúng tôi lại xúm xít chụm đầu xem bà bỏ những lát xu xanh vào nồi canh bánh đa trắng có điểm những con tôm khô nâu đỏ, nêm nếm tí mắm, tí muối, tí bột ngọt, tí hành, tí tiêu trong khi gian nhà nhỏ bé của chúng tôi bắt đầu ngợp lên mùi thơm hấp dẫn. Bây giờ nhớ lại món ăn ngày xưa ấy, tôi không thể nào tưởng tượng được nó có thể ngon bằng một tô hủ tíu thật thụ. Thế mà ngày ấy nó là sơn hào hải vị của tôi. Cho đến mãi sau này, tôi thỉnh thoảng vẫn nghe bà xót xa kể chuyện thằng cháu cưng mê thích món ăn đạm bạc thời còn hàn vi. Thuở hàn vi ấy, chúng tôi thiếu thốn nhiều tiện nghi. Gian nhà ngang nơi chúng tôi ở làm bằng những tấm ván bìa, một mặt cưa phẳng, mặt kia mang độ cong phía ngoài của thân cây còn dính cả lớp vỏ xù xì. Những tấm ván đóng chồng lên nhau không đủ kín để ngăn những luồng gió cắt da xuyên vào. Bà tôi dùng giấy báo và nùi giẻ nhét vào những kẽ hở để ngăn chận không khí lạnh. Những buổi tối mùa đông, bà đốt một bếp than để làm lò sưởi. Chúng tôi xúm xít dưới lớp mền bông nghe bà kể chuyện cổ tích. Cái bầu không khí tuy nghèo nàn nhưng ấm cúng ấy đã là cái hạnh phúc nho nhỏ của chúng tôi, cái sự ấm êm, an lành trong khi những luồng gió lạnh réo hú qua núi đồi và thung lũng bên ngoài.


Nói chuyện nhà nghèo phải kể đến gia đình chú Tam ở mướn bên cạnh nhà tôi. Hai vợ chồng trông khắc khổ, người choắt cheo như bị cái thiếu thốn vật chất nung khô. Hiếm khi nào thấy họ cười. Mặt mũi hai người luôn có vẻ quạu quọ, khó đăm đăm. Mỗi buổi sáng, chú Tam vác chiếc xe đạp cũ kỹ leo bậc thang đá lên mặt đường để đi làm việc. Gặp ông trẻ Tư, chú nở nụ cười hiếm hoi:


- Dạ chào bác cháu đi làm!

- Chú khỏe quá nhỉ! - ông Tư đáp lời

- Ngày nào cũng đạp xe tận đến Nha Địa Dư bên kia hồ.

- Đi mãi rồi quen bác ạ! Xuống cái dốc Võ Tánh thì đến bờ hồ đường cũng bằng phẳng, chỉ có cái khi lên dốc cao gần sở làm thì cháu phải đẩy một tí.


Chú ngưng nói nhìn chiếc xe rồi chép miệng:


- Chậc! Có con ngựa sắt này cũng đỡ tiền xe lam lắm đấy bác ạ! Chú Tam có lối lên xe đạp đặc biệt. Chú luôn đứng một chân lên bàn đạp rồi dùng chân còn lại hẩy hẩy xuống mặt đường lấy trớn, đi được một quãng rồi mới bắt chân ngồi lên yên xe. Đường dốc Đà Lạt đi xe đạp rất cực. Tôi thấy chú ngồi xe xuống dốc chạy vo vo nhưng tay gồng lên và mặt căng thẳng chắc vì sợ té. Buổi chiều tôi lại thấy chú hì hục đẩy chiếc xe đạp lên con dốc, mặt phờ phạc sau chặng đạp xe đường dài từ sở về, chiếc xắc đeo bên hông toác miệng phô bày cái lon guy-gô dùng bới cơm trưa và chiếc bình thủy nhỏ in hình ca rô màu xanh đỏ. Những phụ tùng ấy trông thật cũ kỹ và nghèo nàn như chiếc xe đạp, như chiếc áo sờn vai và như cả cái con người ốm o của chú Tam.


Thím Tam là người nội trợ ở nhà lo cơm nước và chăm con. Những bữa ăn nhà thím rất đạm bạc. Cả nhà xúm xít quanh mâm cơm lỏng chỏng một vài món, nhiều rau củ ít chất đạm. Thím rất mừng khi học được món hủ tíu tôm khô của bà nội tôi, vừa rẻ tiền, vừa ngon miệng, vừa no nê cả nhà mặc dù chỉ toàn những xu xu và những bánh đa. Một lần tôi thấy thím Tam làm lông một con vịt trước hiên nhà. Đấy là một chuyện đáng ngạc nhiên. Thím giải thích với mẹ tôi, mặt thoáng nét hãnh diện:


- Bữa nay giỗ bố anh Tam, em nấu bún măng vịt để cúng cụ.


Hai đứa con gái nhỏ ngồi say mê xem mẹ xẻ thịt vịt. Chắc chúng đang mơ tưởng đến những bát bún ngon thơm nghi ngút chốc nữa sẽ được thưởng thức. Bữa ấy, thím Tam đã hầm con vịt thật nhừ để ăn được cả luôn xương không vất đi phần nào cả. Qua khung cửa trước để ngỏ, tôi thấy chú Tam cầm cái xương chân vịt nhâm nhi với chén rượu đế:


- Ăn cái này bùi bùi mà lại có chất can-xi-um bổ xương lắm, bu nó ạ!


Trí nhớ tôi không gợi gì nhiều về các thắng cảnh Đà Lạt hồi ấy như ai cũng đều biết đến qua những tấm carte postale. Thắng cảnh duy nhất mà tôi còn tìm thấy hình chụp hồi xưa là thác Cam Ly. Tôi nhỏ xíu, đội chiếc mũ bê rê, đứng nắm tay mẹ trên chiếc cầu gỗ, phía dưới nước suối chảy xiết bọt tung trắng xóa. Mặt tôi bí xị, chắc là tôi đang sợ lọt xuống chân cầu. Những kỷ niệm thời thơ ấu của tôi phần nhiều quanh quẩn nơi nhà ở và quanh khu chợ Hòa Bình. Đằng sau nhà, bên kia thung lũng vườn rau là đồi cù, nơi người ta chơi gôn. Đấy là cái sân gôn trong chuyện kể đi kể lại của ông trẻ Tư. Tôi nhớ những lần ba tôi dắt đi thả diều trên đồi cù. Ông chạy trước thả con diều tự làm từ từ lên cao vút trên trời xanh trong khi tôi lăng quăng chạy theo sau, mặt hớn hở theo dõi cái bóng giấy nhật trình có những đuôi dài phất phới trong gió lộng. Dưới chân đồi cù là hồ Xuân Hương luôn phản chiếu cái bóng trắng toát của nhà Thủy Tạ. Phía bên kia hồ thấp thoáng tháp chuông cao của trường Lycée Yersin mà ngày đó tôi nào biết được nhiều năm sau này mình sẽ trở thành học sinh trung học ở đấy. Từ bờ hồ lên con dốc dài là đến khu Hòa Bình gồm nhiều tiệm bán hàng quây quanh một rạp hát, trên nóc có còi hụ mỗi buổi trưa rú lên một cách điều độ báo giờ. Chợ Đà Lạt họp dưới thung lũng cạnh khu Hòa Bình, phải đi xuống nhiều bậc cầu thang mới xuống đến nơi được. Tôi không nhớ được gì nhiều về cái chợ ấy. Cho đến bây giờ, mỗi khi hồi tưởng lại ngôi chợ ngày xưa, kỳ lạ thay, trí óc tôi lúc nào cũng chỉ in ra được mỗi một hình ảnh duy nhất, trong đó lờ mờ những sập bán hàng che vải bạt phía trên, xếp san sát nhau ở hai bên một lối đi chật hẹp, trên đó có một ông trẻ Tư đang chạy xe bình bịch đi gieo rắc sự sợ hãi cho tất cả những người bán hàng.


Mỗi lần theo mẹ ra chợ, tôi thường thấy những người mọi lưng đeo gùi mang củi ngo ra chợ bán. Mặc dù trời lạnh, đàn ông thường ở trần đóng khố, miệng hút ống điếu cong hình móc ngoéo. Đàn bà cũng ở trần phơi bộ ngực chảy xệ, dưới mặc xà rông, sau lưng đeo một thằng bé trần truồng ngủ say mê, cái đầu tóc xoăn tít lúc lắc qua lại theo nhịp bước của người mẹ. Tôi luôn nghĩ người mọi là mình đồng da sắt, ở trần không biết lạnh, đi chân không dẵm gai không biết đau. Tôi nghe ba tôi nói họ còn đem con ra tắm suối vào buổi sáng mà đứa bé không bị cảm lạnh. Tôi không thể tưởng tượng người ta có thể tắm nước lạnh ở cái xứ này. Mỗi lần tắm, tôi luôn được bà hoặc mẹ nấu nước nóng để pha vào một cái thau thật to, thế mà tắm xong lại còn run cầm cập. Đúng là người mọi mình đồng da sắt thật! Tôi nửa khâm phục, nhưng nửa lại sợ hãi vì trông họ đen đúa và hôi hám thế nào ấy. Tôi nghe chú con ông trẻ Tư kể còn có một loại mọi khác kinh rợn lắm:


- Tụi nó cà hai hàm răng cho mòn đến tận lợi luôn – chú kể.

- Gì ghê quá ta! Rồi làm sao nó ăn? – tôi trố mắt hỏi.

- Không biết nữa! Chắc nó húp cháo? Haha! Mà còn ghê nữa! Đàn ông mà nó căng dái tai bằng cục gỗ cho lủng một cái lỗ thiệt bự.

- Như mấy bà đeo bông tai vậy hả?

- Ừ đó, rồi lâu lâu nó thay cục gỗ cho bự hơn để cho lỗ tai càng ngày càng căng ra.


Tôi tưởng tượng ra sợi dây thung bà tôi thường căng bằng hai tay để buộc những gói trà lớn:


- Lỡ nó đứt ra đau chết!

- À, đứt ra là ăn mừng đó nghe!


Tôi chưa bao giờ chính mắt thấy những người thiểu số này. Tôi chỉ hình dung được là họ trông kinh khiếp lắm, và " cà răng căng tai " đối với lũ trẻ chúng tôi ngày ấy nghiễm nhiên trở thành một từ thóa mạ như trong… đồ mọi cà răng căng tai, để chỉ một ai mà mình ghét.


Thỉnh thoảng ngày cuối tuần, những sinh viên sĩ quan cùng khoá với ba tôi ghé đến chơi nhà ông trẻ Tư. Họ mặc quân phục ka-ki vàng, ủi hồ thẳng nếp, vai đeo dây biểu chương vàng choé, thắt cà vạt đen, chân đi giày bóng lộn, trong oai và đẹp vô cùng. Mãi sau này, tôi vẫn còn thấy một tấm hình chụp ba tôi và các bạn ngồi vắt chân nói cười trên bộ ghế sa-lông phòng khách nhà ông trẻ Tư. Tấm hình màu sepia - cái nghệ thuật nhiếp ảnh thịnh hành thời trước khi có phim màu – đã nhiều lần khiến tôi tưởng tượng ra cái không gian thư thả, quý phái của một câu lạc bộ sĩ quan thời thế chiến thứ hai nào đó mà tôi đã nhìn thấy trong phim xi-nê. Có lẽ vì cái tông màu nâu đã cho nó cái tính cách cổ điển, và cái cái sự cũ kỹ và thiếu sắc nét của tấm hình đã làm cho phòng khách nhà ông trẻ Tư trông sang trọng hơn gấp bội.


Thế rồi đến ngày ba tôi mãn khóa trường Võ Bị. Mẹ con chúng tôi được giấy mời vào tham dự buổi lễ. Chúng tôi đón xe lam đến cổng quân trường rồi được các khóa sinh đưa vào bên trong. Quảng trường mênh mông đầy những tân sĩ quan quân phục chỉnh tề, phù hiệu rực rỡ, mũ giày bóng loáng. Nào tiếng quân kèn, nào tiếng hô vang cùng tiếng phóng thanh dõng dạc oai phong… Tôi bàng hoàng chìm ngợp trong âm thanh và màu sắc. Nhưng lý thú nhất là hoạt cảnh Đống Đa diễn quân đội Tây Sơn dưới thủ lĩnh của vua Quang Trung đánh bại quân xâm lược Mãn Thanh do các tân sĩ quan trình bày. Tôi say mê ngồi xem pha ta, phe địch, áo quần sặc sỡ, vung kiếm múa may, chạy tới chạy lui trên sân cỏ, trong tiếng pháo nổ liên hồi. Chợt ba tôi vụt xuất hiện trước mặt tôi, mặc đồ quân tàu, thở hổn hển, nhưng miệng cười ngất:


- Bị chết rồi, thôi ba vô nghỉ sớm đây!


Tôi thất vọng vô cùng vì ba tôi bị làm giặc tàu thay vì làm tướng Tây Sơn, nhưng mẹ tôi lại mừng vì có nhiều thì giờ hơn để hàn huyên cùng ba. Buổi tiếp tân kéo dài đến gần tối. Tôi không nhớ được gì sau đó ngoài việc trời đổ mưa khá to và mẹ lo lắng không biết có đón được xe đi về thành phố hay không. Ba tôi phải ở lại trong quân trường không thể đưa chúng tôi về, nhưng ông đã nhờ được một người quen có xe hơi nhà cho chúng tôi quá giang ra phố. Hai vợ chồng trung niên, có lẽ là cha mẹ của một người bạn cùng khóa với ba tôi, thật là dễ thương. Họ ân cần dắt chúng tôi lên băng sau chiếc xe huê-kỳ to lớn. Chiếc xe thật rộng rãi, ấm cúng và chạy êm như ru. Trời mưa xối xả. Các cửa kính xe mù lên khí lạnh ban đêm. Hai chiếc quạt nước xua lia lịa những giọt mưa trên khung kính mờ, để lộ phía trước con đường tối đen, ướt át, quanh co giữa những rặng cây hình thù kỳ dị đua nhau hiện ra dưới ánh đèn pha. Thật là may mắn cho chúng tôi đã được đi quá giang chiếc xe êm ấm trong đêm mưa lạnh lẽo ấy. Tôi ngồi dựa vào lưng ghế, yên lặng hưởng cái hạnh phúc tuyệt vời. Mẹ ngồi im không nói gì mắt nhìn vào chỗ hư không, vóc dáng nhỏ nhoi đến tội nghiệp. Ba đã ra trường Võ Bị rồi, mai đây sẽ là sĩ quan, tôi chắc là oai như võ quan trong triều đình ngày xưa. Tôi tự nhủ, để rồi từ từ mình phải nhắc ba sắm một chiếc xe như thế này để chở mẹ đi dạo phố …


Đặng Ngọc Dũng


© cfnt, Collège Français de Nha Trang