Nha Trang cái thuở còn xanh


 

Quê hương là chùm khế ngọt

Cho con trèo hái mỗi ngày

Quê hương là đường đi học

Con về rợp bướm vàng bay

Quê hương là con diều biếc

Tuổi thơ con thả trên đồng

Quê hương là con đò nhỏ

Êm đềm khua nước ven sông...


Quê hương không chỉ là một mảnh đất mà là cả một vùng trời kỷ niệm với bao tâm tình, bao cảm xúc, với những mẩu chuyện vụn vặt nhỏ nhoi, những âm thanh êm ái và những hương vị da diết, mãi mãi không bao giờ phai trong ta. Xin mời các bạn hãy cùng tôi đi ngược thời gian trở về những ngày xanh thân ái.


---------------------------------------------


NHA TRANG CÁI THUỞ CÒN XANH


Nha Trang cái thuở còn xanh

Bâng khuâng nhớ lúc lanh chanh ngày nào

Ước gì trở lại hôm nao

Hương xưa lối cũ ngạt ngào trong ta...


Đầu thập niên một chín sáu mươi, tôi cùng gia đình dọn đến thành phố ven biển này mà nhiều năm sau đó đã trở thành thân thương như một quê hương thứ hai. Tôi dùng chữ quê hương vì tôi biết đủ nhiều về vùng trời ấy và đã có thật nhiều kỷ niệm để bây giờ có thể nhận rằng mình là dân Nha Trang mà không mắc cở.


Căn nhà đầu tiên của chúng tôi ở đường Mê Linh, một trong những con đường đất cắt nhau vuông vức theo hình bàn cờ trong khu Xóm Mới. Sau bao năm quen thuộc với những đường tráng nhựa và những con hẻm đổ xi măng ở Sài Gòn, tôi rất ngạc nhiên khi thấy từ nhà bước ra đường chỉ toàn đất và cát, mù bụi lên khi những chiếc xe chạy ngang. Và trong nhà, bàn ghế luôn có một màng bụi nếu không được phẩy phất trần hàng ngày. Mùa mưa, các chỗ trũng trên đường trở thành những ao nước mà ai nấy đều phải đi vòng cho chắc ăn vì không biết nước ấy sâu cỡ nào. Những con đường đất này cắt ngang hai con lộ chính tráng nhựa. Thứ nhất là đường Nguyễn Hoàng mà tôi rất quen thuộc vì nó ngay đầu ngõ nhà tôi, chỉ cách khoảng hai trăm mét. Con đường này chạy dài từ đường Lê Thánh Tôn đến bến xe đò Xóm Mới và chấm dứt trước mặt một ngôi nhà thờ. Thứ hai là đường Phước Hải, chạy từ nhà thờ Núi cho đến khi hết phần tráng nhựa, chỗ nó rẽ ra tay phải đi về hướng trại quân lao. Hai con đường đó là trục lộ chính của khu này, lúc nào cũng đông đảo xe cộ.


Ngày mới đến Nha Trang, gia đình bà con duy nhất của tôi là ông trẻ Tư. Nhà ông ở gần bến xe đò nên tôi và lũ con của ông, chỉ trạc bằng tuổi tôi nhưng tôi phải kêu bằng chú, thường đi bộ ra đấy chơi. Bến xe lúc nào cũng nhộn nhịp đầy người, nhất là vào buổi sáng khi những người du hành thiếu chuẩn bị lớ ngớ đi tìm vé. Bầu không khí ở đấy chỉ có thể diễn tả tốt nhất bằng một chữ, chụp giựt.


- Qui Nhơn, Qui Nhơn hả ông anh, xe còn nhiều chỗ đây! - người thanh niên lơ xe, tay áo xắn lên tận nách lộ hình xâm trái tim có đâm mũi tên rướm máu, đưa tay níu cái va li người khách như ăn cướp.


Ông khách giựt tay lại, hốt hoảng:


- Không, không, tui đi Đà Lạt.


Tên lơ xe khạc nhổ một bãi đờm xanh lè:


- Đà Lạt đi làm con mẹ gì. Qui Nhơn đi cha nội!


Bên cạnh những tên lơ xe du côn ấy, lại còn có những đàn anh già hơn ngồi tụm nhau ở bàn bán vé, áo phanh ngực lộ hình xâm rồng rắn, môi thâm xì lấp lánh hàng răng vàng choé trong những nhếch cười nham nhở:


- Đù má, mình có được ngày này là công sức anh em biết bao nhiêu.


Một lão già mặt đỏ kè nhăn như quả táo tàu quơ tay nốc gọn một ngụm la de xủi bọt, miệng huyênh hoang tự hào:


- Máu đã đổ khi tao trương bảng này. - lão nhấn mạnh chữ " máu", vênh mặt chỉ tay vào tấm bảng hiệu hãng xe đò phía sau lưng mà tôi không còn nhớ là tên gì, chỉ biết chắc là tôi đã thề sẽ không bao giờ đi xe đó.


Nhưng cũng may là không phải hãng xe đò nào cũng như thế. Ngày ấy tôi thường cùng gia đình đi Đà Lạt bằng xe đò nhỏ Minh Tâm. Đấy là những chiếc Peugeot 203 station wagon ba băng ghế, chỉ có bác tài mà không có lơ xe. Mấy bác tài này thường rất vui tính nhã nhặn vừa lái xe vừa pha trò. Chúng tôi thường ra mua vé ngày hôm trước để được chỗ ngồi tốt nhất là ở băng trước cạnh tài xế. Chỗ tốt thứ nhì là ở băng hai sát cửa sổ. Ngoài ra chỉ còn lại những chỗ ở giữa hoặc ở băng thứ ba chật cứng ra vào rất bất tiện. Sau này thời buổi khó khăn, hãng xe còn kê thêm ghế súp ở sau cóp để chở thêm vài khách ngồi bó gối như khỉ. So sánh với phương tiện chuyên chở ngày nay thì thật là thiếu an toàn, thế mà hồi ấy thiên hạ cứ đi hà rầm, chẳng ai than phiền.


Sát cạnh bến xe là nhà thờ Phước Hải, nằm thụt vào sau một hàng rào song sắt. Hình như khu nhà tôi là một xóm đạo di cư. Kể từ đầu đường vào quá nhà tôi toàn những gia đình theo đạo công giáo. Nhà bên cạnh của thằng Hào, một thằng bé ốm khẳng khiu, da đen xạm, mặt choắt cheo. Ba nó là thượng sĩ quân cụ, một người đàn ông hiền lành đến độ nhút nhát, ngày ngày cỡi chiếc xe đạp cót két đi làm đúng giờ đều đặn. Mẹ nó là một người đàn bà tuy không già lắm nhưng ăn vận như một bà già bắc kỳ điển hình trong hí hoạ, đầu quấn vòng khăn nhung đen trông như con rắn cuộn, miệng nhai trầu phì phụt nước nâu đỏ giữa hàm răng đen nhánh. Bà này luôn có những câu chào đưa đẩy nhưng giả tạo làm sao, không ai có thể lầm được, giống như bà cố tình cho thiên hạ thấy là bà đây chỉ giả bộ chào chúng bay thôi. Tôi không thích thằng Hào lắm nhưng nó cứ lỉnh sang nhà tôi chơi. Cách vài tuần, nhà thằng Hào lại tổ chức đọc kinh, rất đông người trong xóm tới đọc ra rả những bài kinh mà tôi riết cũng thuộc lòng luôn mặc dù không có đạo. Mẹ thằng Hào mặc áo dài đon đả mời chào khách, mời cả tôi ăn cái bánh bích-qui với cái nụ cười giả tạo được khuếch đại một trăm lần cho tôi không dám nhận. Dĩ nhiên là tôi chẳng nhận, có cho tiền cũng chẳng nhận, tôi thà chết sướng hơn.


Nhà phía bên kia là của một gia đình thợ mộc, đằng trước làm xưởng, phía sau là nhà ở. Ông thợ mộc có hai người con trai lớn cùng làm việc với ông hàng ngày cưa xẻ đục đẽo. Xưởng ông đóng đủ thứ, bàn, ghế, tủ, giường, kệ sách, gác-măng-giê, bất kỳ món gì cũng nhận theo yêu cầu khách đặt hàng. Ba tôi có đặt ông làm một tủ thờ, có hai cửa kính phía trước, đánh véc ni nâu sậm, ai đến nhà cũng khen. Người con trai thứ nhì của ông, khoảng mười bẩy tuổi, rất năng hoạt động ở nhà thờ, hát ca đoàn, hướng dẫn các em thiếu nhi thánh thể. Anh có giọng hát ô-pê-ra rất vang, ngày ngày vừa làm mộc vừa hát đi hát lại bài ca ruột Mẹ Việt Nam Ơi:


Trên đầu voi rạng ngời vung ánh thép

Gái Triệu Trưng bồ liễu chống xâm lăng

Hé môi cười nghe tiếng sóng Bạch Đằng

Con Hưng Đạo như Rồng Tiên vùng vẫy…


Giọng hát có lúc mãnh liệt, có lúc nhẹ nhàng như thể anh đã tính trước cho lời hát đồng bộ với những thao tác của đôi tay. Anh hát rất hay, tôi nghĩ có thể thành ca sĩ chuyên nghiệp được. Nhưng nghe mãi một bài cũng chán. Phải chi anh thỉnh thoảng thay đổi chương trình thì đỡ biết mấy. Ông thợ mộc còn có thêm hai đứa con trai nữa, thằng bé nhất nhỏ hơn tôi vài tuổi. Thằng này hay sang nhà tôi ăn ké món nước đá đặc biệt của tôi làm. Ngày ấy ba tôi có một cái tủ lạnh cổ lỗ sĩ chạy dầu hôi thay vì chạy điện nhưng làm đá rất tốt. Tôi hay pha nước chanh đường đổ vào khay làm đá có vỉ ca-rô bằng nhôm, mỗi khi đá đông chỉ gạt cái cần là có ngay thật nhiều " cục kem đá chanh " vuông vức. Trời trưa nóng bức, tôi cầm một cái ca tổ bố đầy kem đá chanh, qui ước là tôi lủm một cục, cho nó một cục. Thằng này láu cá, bỏ thật nhanh cục đá vào miệng rồi xoè tay xin tiếp, rồi cứ thế tiếp tục cho đến khi miệng đầy, hai má phồng to lên, lạnh quá đành phải vội vàng nhả ra bàn tay mà hít hà trông đến phát cười.


Con đường Nguyễn Hoàng có rất nhiều cửa tiệm và là phố chính của khu Xóm Mới. Có tiệm hớt tóc quen cứ hai tuần một lần tôi ra hớt húi cua trong nhiều năm, cho đến ngày tôi đủ can đảm bảo ông thợ rằng tôi muốn để tóc dài, bắt đầu của những chuỗi ngày phiền toái chải brillantine và đội mũ sùm sụp trong nhà để ngăn chận những sợi tóc phiến loạn lúc nào cũng tìm cách dựng đứng trên đỉnh đầu. Có một tiệm bán bánh phở tươi, mẹ tôi hay sai ra mua theo kí lô mỗi khi bà nấu phở tại nhà. Đấy là chỗ duy nhất mà tôi biết bán bánh phở dưới dạng những cái bánh đa tròn, mỗi khi có người mua mới bỏ vào máy xắt ra thành sợi, to hay nhỏ tuỳ theo yêu cầu. Còn có một lò bánh mì nhưng tôi nhớ sao chẳng ngon dòn như những chiếc bánh vàng thơm ở Sài Gòn, mà lại cứng ngắc khô khốc. Chẳng hiểu vì người ta không biết cách thức làm bánh, không có đúng bột men hoặc pha nhiều bột gạo, không biết thiết kế lò nướng, hay vì lý do gì gì đó, mà cái ổ bánh mì địa phương hồi ấy thật không thể ngon được. Cho đến ngày một người có đầu óc kinh doanh ra hàng bánh mì Michot. Ổ bánh mì làm đúng tiêu chuẩn ngon thơm được hưởng ứng nhiệt liệt, lại thêm cái tên tây làm cho nó có vẻ cao cấp hơn. Ông chủ lò còn lập ra một đoàn xe đi bỏ mối tại gia theo yêu cầu với những phiếu trả tiền trước. Những chiếc xe đạp có thùng bánh mì sơn chữ Michot phía sau trở thành một hình ảnh quen thuộc trên đường phố Nha Trang. Thế nhưng chúng đã không tồn tại được lâu. Tôi không nhớ từ lúc nào, những chiếc xe Michot đã dần dần biến mất, tôi đoán có lẽ vì thua lỗ.


Từ nhà tôi đi qua đường Lê Đại Hành, Trịnh Phong, Hồng Bàng, Đống Đa, Bạch Đằng và Nguyễn Trãi thì tới chợ Xóm Mới. Tôi ít khi vào trong chợ nên chỉ nhớ lờ mờ những sạp hàng phía ngoài rìa, bán thức ăn, giày dép và những đồ gia dụng. Xéo góc chợ, ngay ngã tư Nguyễn Hoàng - Huỳnh Thúc Kháng là một tiệm tạp hoá mà tôi hay theo ba ra mua kẹo bánh và nước ngọt. Ba tôi là khách quen của chủ tiệm, lần nào ông cũng mời chào vồn vã và gọi ba tôi là " ông chủ " ngọt sớt. Thường thì chúng tôi hay mua nguyên một két nước ngọt BGI đem về bỏ tủ lạnh, và tôi luôn là người lựa chọn thứ nào, một ít xá xị, một ít creme soda, một ít limonade, một ít birley một ít chai bạc hà xanh, một ít chai nước cam đỏ. Những món khác của ông hàng mà tôi mê thích là các loại bánh bích qui, bánh kẹp, bánh tai heo và nhất là những cục kẹo tây gói giấy màu rực rỡ, ngậm ngon ngọt làm sao cho đến khi vỡ ra tí rượu nhăng nhẳng đắng trong ruột. Trước cửa tiệm này, vào mùa Trung Thu ban đêm, người ta chận cả con đường lại bày ra những sạp bán bánh dẻo, bánh nướng, có những ông thợ bụng to phệ đứng nhào bột, người nhễ nhại mồ hôi. Tôi nói ra nghe thấy mà kinh chứ dám chừng cái bánh dẻo ngon thơm ăn có mùi mằn mặn một phần chắc cũng do mồ hôi mấy ông này.


Bên cạnh tiệm tạp hoá là một nhà thuốc bắc lớn. Cửa tiệm hai gian mở rộng, ngoài đường nhìn vào thấy một quầy hàng phía sau là tủ thuốc cao lên gần trần nhà với những hộc đựng thuốc có quai đồng. Bên đối diện quầy thuốc là bàn chẩn bịnh, luôn thấy có một ông đông y sĩ sờ nắn cổ tay người bệnh đặt trên chiếc gối đỏ bằng những ngón tay xoè ra như nhạc sĩ bấm phím đàn ghi ta. Bức tường đằng sau thầy thuốc treo đầy hình vẽ thân thể con người chằng chịt những đường huyết mạch xanh đỏ có bị chú bằng tiếng tầu. Ngày ấy, cái quan niệm riêng tư hình như chẳng có, bệnh nhân ngồi khai triệu chứng tỉnh bơ trong tầm nghe của khách chờ và thầy cứ dõng dạc tuyên bố chẩn đoán của mình. Có lần đi theo mẹ vào ngồi chờ khám bệnh, tôi phục lăn thầy chỉ một cái sờ tay là phán như thần rằng ông này huyết áp cao, bà kia kinh nguyệt thất thường.


Đi men theo con đường Huỳnh Thúc Kháng qua một nhà máy nước đá thì đến nhà thằng bạn tôi, một căn biệt thự cũ kỹ ở ngay góc đường Phước Hải. Lũ học trò trong lớp đặt tên nó là thằng xương gà vì tay chân nó khẳng khiu, khuôn mặt rất đẹp nhưng trắng xanh yếu ớt. Ngày mới đến Nha Trang, tôi vào học lớp Nhì ở trường tiểu học Tân Phước. Thằng xương gà học chung với tôi năm lớp Nhì và lớp Nhất, sau đó nó vào trung học Võ Tánh còn tôi vào Collège Français. Chúng tôi là hai thằng con nít trắng trẻo, nhút nhát, học giỏi trong lớp, mảnh khảnh người, đi với nhau như cặp bài trùng. Xương gà và tôi hay gán cho nhau danh hiệu “đẹp trai con nhà giàu học giỏi con gái mê”. Đứa nào cũng khoái trong bụng khi được tặng danh hiệu đó, nhưng lại cứ giả bộ giãy nảy lên chối từ và cười hi hí. Đẹp trai, ờ chắc cũng đẹp, vì đã có nhiều người khen. Con nhà giàu, không đâu, nó với tôi gia đình trung lưu thôi. Học giỏi, dĩ nhiên, đứng nhất nhì lớp cả. Con gái mê, ơ, không biết có cô bé nào mê không nữa vì hai chàng thỏ đế, mới đến tuổi thích nhìn con gái mà lại chẳng dám nhìn.


Từ nhà thằng xương gà đi một tí là đến nhà thờ Núi gần đó. Nhà thờ xây bằng đá trên cao, có con dốc lát đá tảng gồ ghề cong cong dẫn lên từ con đường Phước Hải phía dưới. Từ trên cao tựa thành lan can sắt nhìn xuống phía sau nhà thờ thấy toàn những mái tôn lô nhô, hen rỉ của xóm nhà quanh đường xe lửa, lẫn lộn những dây phơi áo quần xanh đỏ bay bay trong gió. Phía trước nhà thờ là bùng binh lớn nhất của Nha Trang chia ra bảy hướng đi về những nơi khác nhau trong thành phố. Đi thẳng con đường Lê Thánh Tôn ra hướng biển gặp ngay sở cảnh sát bên tay phải rồi đến trường tiểu học Tân Phước của tôi và thằng xương gà, đối diện với trường bà sơ Thánh Tâm. Đi thêm một tí, băng qua đường Nguyễn Hoàng là trường Nữ Trung Học ở bên trái, giờ tan học luôn phất phới những tà áo dài trắng nhìn hoa cả mắt. Tiếp tục đi, con đường dẫn thẳng ra biển rồi chấm dứt khi thành ngã ba với đường Duy Tân. Đi bộ thì chẳng bao giờ mới hết được thành phố này. Tôi phải cần một chiếc xe mới kể tiếp được...


Ngày còn ở Sài Gòn, tôi chưa biết đi xe đạp. Ra Nha Trang, chú Hiệp con trai lớn của ông trẻ Tư trố mắt ngạc nhiên và tự cho mình nhiệm vụ tối quan trọng là cấp kỳ tập cho thằng 'cà chớn' này biết đi xe đạp. Đứa con nhỏ ông Tư bé hơn cả tôi mà đi xe đạp rất nghề. Xe đầm thì nó ngồi ở cái sườn chéo xuống phía dưới. Xe đàn ông thì nó thò một chân xuyên qua cái khung tam giác, ẹo người một bên mà cứ đạp phon phon như người hát xiệc. Thế là ngày nào tôi cũng đặt một cái gối bông gòn lên sườn chiếc xe đạp đầm, gồng mình cố gắng giữ thăng bằng, chân ráng đạp đều trong khi chú Hiệp chạy theo phía sau tay vịn cái bọt-ba-ga. Chú luôn miệng động viên:


- Được rồi, được rồi đó, giỏi lắm, đạp đều đi!


Tôi hì hục đạp không dám quay lại, miệng hỏi lia:


- Chạy vầy hả, đúng chưa chú? Hả chú?


Chiếc xe đi thật ngon trớn. À, đạp xe cũng đâu có gì khó đâu, nhưng tôi cũng còn cần lời khen nữa:


- Chạy vầy được rồi phải hông chú? Chú? Chú?


Đằng sau tôi yên lặng một cách đáng nghi ngờ. Tôi đánh bạo quay đầu lại. Chú Hiệp đứng khoanh tay tuốt mãi tận đằng xa, miệng cười toe toét. Tôi giật thót người, loạng quạng tay lái đâm vào bãi cát bên đường té xóng xoài...


Tuần sau, tôi được chú Hiệp chính thức công nhận có bằng lái xe đạp. Ba tôi chở xe díp ra phố Độc Lập mua ngay một chiếc xe đạp mới toanh cỡ vừa. Chiếc xe mới chạy thật êm, vừa với chiều cao của tôi, ngồi thẳng trên yên được, chẳng cần gối ghiếc. Xe êm, thắng tốt, tôi đi thám hiểm cùng thành phố, càng ngày càng dám chạy nhanh hơn và bắt đầu lạng qua lạng lại như cua-rơ xe đạp nhà nghề. Người ta nói chơi dao có ngày đứt tay. Cua-rơ tôi đã bị một phát hú hồn. Bữa ấy tôi đang chạy vận tốc cao trên đường Trần Nguyên Hãn, lạng người quẹo vào đường Mê Linh, quên bẵng cái ao nước khổng lồ đã có sau vài ngày mưa. Tôi còn đủ khéo léo ẹo người lái chiếc xe theo bờ nước nhưng nào ngờ ai đó đã đậu một chiếc xe ba gác trên lề đường. Hai tay thắng thật gấp vẫn không đủ dừng chiếc xe. Tôi húc vào chiếc xe ba gác, bay lên nằm gọn trên sàn gỗ. Đau điếng người, tôi run rẩy lồm cồm bò dậy loạng quạng đạp xe về. Quê mặt quá, tôi chẳng dám kể với ai, và cả tuần sau đó, tôi luôn luôn khéo léo xoay người mỗi khi thay áo để mẹ khỏi thấy cái vết bầm tím trên vai.


Một ngày đẹp trời, ba tôi tuyên bố rằng cuối hè tôi sẽ phải thi vào trường Collège Français. Ông rước một thầy dạy kèm về nhà cho tôi luyện tiếng pháp. Sau hai tuần nghe tôi tụng két xơ cờ xe, xe ton cray ông với thầy qua cuốn Mauger, ba tôi cho thầy nghỉ dạy và gởi tôi vào học cái trường ở đường Quang Trung đối diện Ty Y Tế, mà ai cũng gọi là trường bà Madame. Thầy tôi học, gọi là ông Monsieur, đã ra sức uốn nắn những tiếng on đơ trọ trẹ của tôi thành một thứ tiếng gần với tiếng tây hơn trong một thời gian thật ngắn. Ngày thi tuyển đến thật nhanh. Tôi chữ đực chữ cái cùng với rất nhiều thí sinh khác cùng ra múa võ sơn đông. Trong phòng thi, tôi hồi hộp ngồi ở dưới quan sát những đứa bị kêu lên bảng trước bởi các thầy giáo người tây có râu chính hiệu, không phải như thầy Monsieur. Thầy tây ra lịnh cho một thí sinh:


- Marches!


Nó trố mắt nhìn.


- Marches, vas-y, marches! - Thầy đẩy tay sau lưng thằng bé khiến nó đi lệt xệt tới như người rô-bô.

- Bien! 

- Thầy hài lòng buông tay ra nhưng rồi thằng bé đứng lại ngay lập tức.

- Mais, continues! Marches!


Nó lại trố mắt nhìn, miệng cười như mếu. Thầy nghí ngoáy chấm điểm rồi kêu học sinh kế tiếp.


- Dessines une maison!


Cô bé tóc bum bê lóe tia sáng hiểu biết trong mắt và nắn nót viết hàng chữ thật đẹp trên bảng, " une maison".


- Non, dessines, dessines une maison!

- Thầy tây múa máy cánh tay ra hiệu.


Cô bé phân vân, hết nhìn thầy rồi lại nhìn dòng chữ mình mới viết như đang tự hỏi cái ông này kỳ quá, mình viết chữ maison đúng vậy rồi còn muốn gì nữa?


Rồi thầy kêu tôi:


- Dessines une maison!


Ôi thầy ơi, đúng nghề của em rồi! Tôi vẽ cho thầy một căn nhà thật đẹp, có cửa ra vào và hai cửa sổ, có ống khói lò sưởi đang nhả khói cuồn cuộn, có cả một cây táo đằng trước với những trái tròn nho nhỏ. Tôi chắc thầy cho tôi điểm cao vì thấy ông gật gù cười khoái trá.


Thế là tôi trở thành dân trường tây. Giáo viên người pháp phụ trách lớp đặc biệt của chúng tôi có nhiệm vụ hướng dẫn những đứa trẻ chỉ biết lõm bõm tiếng tây trong vòng hai năm, septième spécialesixième spéciale, để hợp lưu ở lớp cinquième với những học sinh theo chương trình pháp từ thuở bé. Bà giáo ấy là một người tài ba. Chỉ trong vòng một năm, chúng tôi đã tích lũy được rất nhiều vốn liếng pháp văn và trở nên quen thuộc với những hình ảnh làng phố tây phương, những mùa thu lá đổ, những mùa đông tuyết trắng, những cô gái thôn quê mang guốc sa-bô đi họp chợ, những phụ nữ xắn váy đạp nho làm rượu vang, những cối xay quay quay trong gió, và nhất là những bài hát nhi đồng hay ngây ngất cho đến mãi bây giờ tôi vẫn không quên.


Hàng ngày đi học, tôi thường đạp xe theo đường Nguyễn Hoàng, qua chợ Xóm Mới, quẹo phải ở đường Lê Thánh Tôn, tới trường Nữ Trung Học rồi quẹo trái chạy theo đường Quang Trung bên hông Quân Y Viện cho đến đường Bá Đa Lộc. Quẹo phải, tôi đi ngang trường trung học Võ Tánh, giờ này đông nghẹt học sinh, đôi lúc có thấy thằng xương gà, hai đứa thường chỉ hất đầu vẫy tay một cái rồi chạy tiếp. Có lúc rảnh giờ, tôi cùng nó ghé vào xe nước mía, nó cười hỉ hả kể chuyện tầm phào như lúc nó chọc ông tây dạy trường tôi có râu bự, monsieur barbe très grosse, nó nói ông tây nhìn nó trợn trừng con mắt. Trường Collège Français nằm gần ra tới biển, ngay góc Bá Đa Lộc và đường gì tôi quên mất tên, chỉ nhớ có Ty Ngân Khố nằm đối diện trường. Tôi nhớ Ty Ngân Khố vì ông trưởng ty là ba thằng Khoa học cùng lớp. Nhà nó là một villa to tiếp cận với sở làm việc. Chúng tôi hay gởi xe nhà nó thay vì để xe trong trường, và sau giờ học thường hay ở lại chơi đùa trong sân rộng sau nhà. Trường tôi rộng, cây rợp bóng mát che những dãy lớp học xinh. Lớp học của tôi nằm ở phía sau, tiếp giáp với khu cư xá công chức qua một bức tường gạch quá đầu. Ở đấy có một bà nuôi gà, hàng ngày vào lúc xế trưa hay trổi giọng kêu gà cho ăn. Cót, cót, cót, cót, cót cót cót cót … Tiếng kêu gà luôn bắt đầu thật to, chậm rãi, rời rạc nhưng rồi nhanh dần và nhỏ dần theo một decrescendo cố định. Ở cuối chu kỳ, tiếng kêu vụt trở lại cường độ cao của lúc ban đầu, rồi lại từ từ nhỏ dần, theo một nhịp điệu rất chính xác. Chúng tôi quên hết cả bài học, âm thầm bắt theo nhịp điệu kêu gà, giống như thầm hát theo một bài hát thịnh hành, hai bàn tay nắm chặt, gồng cả người lên cố gắng nín cơn cười thôi thúc.


Nha Trang có hai con phố chính là đường Độc Lập và đường Trần Quý Cáp, nhưng đường Độc Lập rộn ràng vui nhộn hơn. Đấy là downtown mà thiên hạ hay rủ nhau đi chơi, để cho đỡ buồn, để cho quên sầu, để hút vào cái ồn ào náo nhiệt, để thấm vào cái ánh sáng muôn màu, như giọng hát Petula Clark đang mời gọi:


When you're alone and life is making you lonely

You can always go downtown

When you've got worries, all the noise and the hurry

Seems to help, I know, downtown


Just listen to the music of the traffic in the city

Linger on the sidewalk where the neon signs are pretty

How can you lose?

The lights are much brighter there

You can forget all your troubles, forget all your cares


So go downtown

Things will be great when you're downtown

No finer place for sure, downtown

Everything's waiting for you…


Đúng rồi, mọi thứ ở đấy đón chờ ta... Đường Độc Lập, bắt đầu từ phía nhà ga đi về hướng Ty Thông Tin, san sát những tiệm buôn, hiệu may, tiệm sách, nhà in, tiệm bánh, tiệm cung cấp văn phòng phẩm, cái gì cũng có. Đa số các thương gia đều có con học trường Collège, nên đi bát phố tôi thường thấy những khuôn mặt quen quen, tuy có thể chưa bao giờ nói chuyện. Rạp xi nê Tân Tân lớn nhất thành phố là nơi thu hút đủ thành phần già trẻ lớn bé. Tôi và các bạn thường hẹn nhau đi xem chung khi có những phim hay, phần lớn là phim pháp, hoặc phim mỹ chuyển âm tiếng pháp. Bên cạnh rạp Tân Tân là một nhà in tên gì tôi quên mất, cứ mỗi đầu năm học chúng tôi đều phải ra mua những protège-cahier để bọc vở. Nhà in này được độc quyền bán những bìa bao vở có nhiều màu khác nhau cho trường Collège nên rất đông khách mỗi kỳ nhập học. Xích xuống một tí nữa là rạp Tân Tiến, chuyên chiếu phim ấn độ. Tôi chưa bao giờ vào trong rạp hát này vì hồi đó, đi coi phim ấn độ bị coi là nhà quê. Hình như phim ấn độ nói toàn tiếng việt và cũng hay lắm, vì thấy thiên hạ, một loại thiên hạ khác, đi coi nườm nượp.


Đi tiếp đường Độc Lập, ngang Ty Thông Tin và nhiều cửa tiệm nữa thì đến chợ Đầm. Chợ có tên là chợ Đầm vì hồi ấy nằm trên một cái đầm nước rộng, ăn thông ra cửa sông Nha Trang dưới chân cầu Hà Ra. Tôi ít khi nào vào trong chợ vì thấy nó nhếch nhác dơ dáy làm sao. Sau này Nha Kiến Thiết có duyệt vài đồ án xây dựng một ngôi chợ mới nhưng không khởi sự thi công được cho mãi đến sau khi chợ bị cháy lớn mới cấp kỳ xúc tiến khoảng vào năm 1969. Năm đó người ta bắt đầu dùng xáng thổi cát lấp hoàn toàn đầm nước rồi sau đó đóng hàng nghìn cừ bê tông xuống đầm đã lấp để tạo móng xây nền ngôi chợ mới. Tôi rời khỏi Nha Trang vào năm 1970 nên chẳng có dịp nhìn thấy ngôi chợ mới cho đến mãi rất nhiều năm về sau. Hình ảnh hàng chợ rõ nhiều nhất trong tôi là những sạp trái cây sát đường Độc Lập, bán những trái cây cao cấp như táo, lê, nho, xoài cát và trái vải khô, mỗi khi đi ngang thoảng mùi thơm quyến rũ. Bên kia đường đối diện chợ là một tiệm bán trà tầu và yến sào. Ba tôi hay chở tôi ra đấy tìm trà ngon, lần nào ông chủ tiệm cũng mời ngồi xa-lông, pha một ấm nhỏ để nếm thử trước khi mua. Ông thỉnh thoảng lại mua một ít tổ chim yến đem về cho mẹ tôi chưng với đường phèn bỏ tủ lạnh - món này tôi mê lắm - trông giống như thạch chè Hiển Khánh ở Sài Gòn nhưng ngon và bổ hơn rất nhiều. Gần tiệm trà là một quán ăn điểm tâm nổi tiếng, nằm ngay ngã ba đường có một cây bàng cổ thụ. Tôi còn nhớ tiệm này có hai món đặc sắc là bánh mì thịt nguội và cà ri dê, sáng nào cũng đông nườm nượp khách. Tôi ngày ấy không biết ăn cay nên lần nào cũng chỉ kêu món thịt nguội vì thế chẳng thể kể ở đây món cà ri dê của tiệm ấy ngon như thế nào.


Nha Trang còn có hai rạp xi nê nữa là rạp Minh Châu và rạp Tân Quang. Tôi thường xem phim ở Minh Châu vì rạp này rất có nhiều phim hay với những tài tử chúng tôi mê thời ấy như Alain Delon, Jean Paul Belmondo, Charles Bronson. Nhà thằng bạn cùng lớp lại ở ngay kế rạp nên tôi lại khỏi tốn tiền gởi xe, thêm một lý do chính đáng nữa để ghé vào. Con đường trước rạp này, không nhớ tên gì, dẫn ra một tiệm bánh ngọt ở góc đường Độc Lập, có bán bánh croissant beo béo thơm phức và những bánh petit fours màu sắc rực rỡ hấp dẫn vô cùng. Rạp xi-nê Tân Quang tôi ít vào xem tuy rằng tôi đi ngang đó rất thường xuyên. Rạp này cũng là nơi tiếp những đoàn hát cải lương nổi tiếng từ Sài Gòn ra. Rất tiếc, tôi chưa bao giờ được đi coi cải lương. Quanh rạp Tân Quang hình như có một hãng làm xì dầu mà tôi chẳng biết đích xác ở đâu, chỉ biết mỗi khi đi ngang gần đó hít vào mùi hăng nồng đặc biệt. Cũng gần đó có một tiệm hớt tóc, trên trần nhà treo một tấm vải dùng làm “quạt máy” do một thằng bé ngồi kéo dây tạo sự đung đưa làm mát ông khách giống như một tên nô lệ bé nhỏ. Tôi thích cái quạt này đến độ đã về nhà bắt chước làm một cái y chang để treo trên gác và khi có thằng bạn tới chơi, chúng tôi đánh tù tì xem coi đứa nào thua phải làm thằng kéo dây cho thằng kia hễnh mặt khoái trá..


Từ cái bùng binh trước rạp hát này, những con đường toả nhánh như ngôi sao chạy về những chốn quen thuộc. Con đường thứ nhất đưa tôi đến trường bà Madame, nơi tôi đã chuyên cần luyện võ tây những buổi trưa hè oi ả năm nao. Đường thứ nhì dẫn đến nhà thằng Kiên, xéo đó là sân vận động thành phố, một trong những bãi tập tành đá banh của " đội bóng tròn Cô Le". A, giấc mộng túc cầu của những thằng lỏi con, chân cẳng thật ra khẳng khiu như cây tăm, nhưng trong trí tưởng tượng lại gân bắp chẳng thua gì bộ giò của danh thủ Pơ- Lê. Tôi phải rất tiếc nói rằng, hồi đó, Collège Français chẳng có đội thể thao, chả bù với trường Võ Tánh đoàn ngũ chỉnh tề, có huấn luyện viên hẳn hòi. Lũ chúng tôi ngứa nghề tự thành lập đội banh tay ngang, đội banh Cô Le, đá bừa ngoài công viên bờ biển, đá nhờ sân trường Võ Tánh, đá ké rìa sân vận động thành phố, bài bản chiến thuật gà mờ, trang phục tự do từ xà lõn cho tới quần dài xắn ống lên đầu gối, từ áo thung ba lỗ cho tới ở trần trùng trục, từ giày ba-ta vớ rằn ri cho tới chạy chân không, vừa đá vừa cãi nhau ỏm tỏi, đụng địch ăn ít thua nhiều, nhưng mà vui ơi là vui, tối về còn dám nằm mơ chiến thắng cúp vàng nữa.


Khi quân đội mỹ bắt đầu đổ nhiều vào Việt Nam, một cái mới lạ khác đến với Nha Trang. Đó là những chương trình vô tuyến truyền hình, mặc dù chỉ phát độc bằng tiếng mỹ. Ba tôi sắm cái TV đầu tiên trong xóm, tôi còn nhớ hiệu Denon 19 inch. Mỗi khi bật lên, lũ trẻ hàng xóm chạy qua, bu đầy cửa sổ. Thằng Hào với tư cách láng giềng gần nhất, tự cho mình được phép vào ngồi bên trong xa-lông. Những lúc ấy, nó lịch sự dễ thương hẳn lên đối với tôi. Thế là tôi bắt đầu nhiễm cái văn hoá huê-kỳ qua những show được ưa chuộng nhất của mỹ thời ấy như Combat, The Adam's Family, Bewitched, Get Smart, Lost in Space, Bonanza, quen thuộc đến độ cho tới cả mấy mươi năm sau ở nước Mỹ tôi còn làm kinh ngạc được mấy lão già bản xứ về sự hiểu biết này. Vốn liếng tiếng anh cỏn con của tôi cũng nhờ thế càng ngày càng phong phú thêm lên.


Sự có mặt của người mỹ làm những cảnh sinh hoạt thành phố cũng đổi thay theo. Xe nhà binh chạy đầy đường, ồn ào tiếng máy rú hoà tiếng radio mở hết ga những bài nhạc giựt gân, xen kẽ những lời nói chuyện như la hét bằng những âm ba xí ba tú. Các quán ba mọc lên nhiều nơi, lấp ló những cô gái phấn son loè loẹt. Nhiều căn nhà được sửa sang lại để cho mỹ thuê. Cảnh tượng những thanh niên trẻ nước da phơi nắng đỏ hỏn, vừa uống bia vừa chơi ném vành móng ngựa rất thường nhìn thấy trong những xóm tôi đạp xe qua. Có những anh chàng thật dễ thương, lõm bõm vài câu tiếng việt, nhưng hay đi giúp đỡ những người trong xóm, trồng một cái cây hoặc sửa một hàng rào gãy. Có anh chàng ngỏ chuyện lơ lớ với tôi, chắc để thực tập tiếng việt:


- Chào em, em đi đâu đó?

- You speak vietnamese very well!

- Tôi khen, mà cũng để thực tập tiếng anh.

- Oh, I just know a little tí ti.

- Anh ta cười thân thiện

- Where did you learn english?


Tôi nói với anh rằng tôi học tiếng anh ở một trường pháp. Anh trố mắt ngạc nhiên. Tôi muốn nhưng không đủ chữ để kể với anh rằng ông thầy của tôi có cách dạy anh văn rất lý thú. Ông bảo tụi tôi muốn đọc âm " th " cho đúng thì cứ việc cắn cái lưỡi giữa hai hàm răng khi nào cái lưỡi rớt xuống đất sẽ đọc được ngay. Đứa nào vô phước quên đọc chữ " s " ở những chữ số nhiều sẽ phải bị đi ba vòng lớp học, vừa đi vừa đọc lại chữ ấy với âm ét-xờ ở phía sau kéo dài liên tục. Chúng tôi khoái nhất khi ông bắt luyện tập bằng chữ desks, cả lớp vừa gào lên " đét xực xực " vừa cố gắng nén cơn cười. Ông còn mê thích nhạc kịch My Fair Lady đến độ đem máy hát vào lớp để truyền bá cái văn hoá hồng mao ấy cho một lũ con nít, giỏi lắm chỉ cảm được bài ấy là chán mớ đời.


Nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều cảnh chướng tai gai mắt như tên lính mỹ đứng ôm ghì gái bán ba ngoài chỗ công cộng, tay tốc váy lên sờ soạng mông đít. Tệ hơn nữa, căn nhà góc đường cuối xóm tôi không biết từ lúc nào đã trở thành một ổ điếm. Cuối tuần, những chiếc xe nhà binh đổ toán lính trước sân trong khi các chị em ta chạy lăng xăng chào mời bằng những câu tiếng bồi tô tê, ma ma sân, bây bi sân, num bờ oan, num bờ ten, hun rết, tháo giường, ai lô du, du lô mi, ô kê sa lem... Thật là một điều khó chịu cho lối xóm, nhất là một xóm đạo siêng năng đi nhà thờ. Các gia đình đã họp nhau đưa ra chính quyền địa phương thưa kiện, khiếu nại biết bao nhiêu lần. Tuy nhiên cái ổ ấy vẫn sống sót, không ai có thể làm gì được. Người ta đồn rằng chủ chứa đã chi tiền cho cảnh sát để được bao che làm ăn. Chị người làm nhà tôi trước kia chăm chỉ làm việc, giờ đây chỉ thích tán chuyện thời sự về cái ổ chứa, hình như chị có quen ai trong căn nhà ấy. Có lúc chị còn hỏi tôi những câu lạ kỳ như sau:


- Đố em biết chỗ nào trắng nhất trên người con gái.


Trong đầu óc tôi chạy lẹt xẹt như một cái slideshow hình ảnh các bộ phận trên thân thể con gái mà tôi đã nhìn thấy. Tôi vẫn chưa đoán được cái gì trắng nhất thì chị đã nói tiếp với một giọng bí hiểm:


- Ừ, cái đó đó là trắng nhất. Em biết hông?


Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa chắc là hồi đó chị ấy muốn nói đến cái chỗ đó đó nào. Một thời gian sau đó chị ấy xin nghỉ làm. Tôi không thể biết công việc kế tiếp của chị có liên hệ gì đến cái ổ chứa không, chỉ biết mẹ tôi nhất định không bao giờ muốn nói đến " cái con mất nết " đó.


Thằng Hào lúc đó vừa lên trung học, ngày ngày đạp xe đến trường, mặc áo sơ-mi trắng dài tay, gài nút cả tay lẫn cổ áo cho ra vẻ người lớn, mặt nghiêm chỉnh không thua gì ông thượng sĩ bố nó. Nó học được thêm nhiều điều cấm kỵ từ những thằng quỉ sứ trong trường. Một hôm nó lân la lại hỏi tôi với nụ cười lém lỉnh:


- Mày biết mấy thằng mỹ chơi điếm như thế nào không?


Tôi nhìn nó ngạc nhiên chưa biết phải nói gì thì nó bồi tiếp:


- Nó chọc con chim nó vào con chim con điếm, ha ha ha ha!


Thằng Hào cười thành tiếng, một nửa ra vẻ hiểu biết, một nửa hình như vẫn còn chưa chắc ăn. Mắt nó mờ đi, xám đục. Tôi chưa bao giờ thấy thằng lỏi con siêng năng đi phụ lễ nhà thờ này ở trong trạng thái ấy. Ổ điếm quả đã tác dụng tai hại cho thằng Hào. Vài tuần sau, nó lại đố tôi:


- Đố mày nói được câu này thật nhanh: một cây cỏ lặt, hai cây lặt cỏ, ba cây cỏ lặt...


Dĩ nhiên là tôi không thể nói nhanh được. Tôi vấp ngay lập tức. Nó hét to khoái trá:


- Ha ha ha, mày nói c... lỏ, ha ha, c... lỏ, ha ha ha ha.


Tôi lắc đầu hết biết nói gì. Thằng lỏi con này đã bị ám ảnh quá nặng, quá liều, chắc sắp bứt gân. Cái bà đạo đức giả vờ mẹ nó phải cần đưa nó đi xưng tội ngay lập tức.


Ba tôi nói đã đến lúc phải dọn nhà ra khỏi cái xóm này. Chúng tôi chuyển đến nhà mới trên đường Kim Sơn, một trong những con đường nhỏ rẽ ra từ đường Phước Hải nối dài. Gần nhà có một ngôi chùa của các sư tăng áo vàng, ngày nào cũng thấy vài thầy ôm bình bát đi khất thực trong xóm trước giờ ngọ, mỗi bước chân đi luôn khựng lại một tí trước khi đi bước tiếp, chậm rãi, đều đặn, như theo một bộ pháp linh thiêng. Sân chùa này xây một hòn non bộ cao bằng mái nhà, có những vách núi cheo leo, những khe suối róc rách, những cái cầu cong cong và những tượng tiên ông ngồi đánh cờ cùng ngư phủ ngồi câu cá, làm tôi mê mẩn thích vào ngắm mãi. Ở khu này, hầu hết nhà nào cũng có một mảnh vườn phía trước, trồng hoa hoặc cây ăn trái. Sân trước nhà tôi không sâu lắm, chỉ vừa đậu chiếc xe Peugeot của ba tôi. Ông cho người trải sỏi rồi thuê ông thợ mộc đường Mê Linh đến đóng hai cánh cổng bằng gỗ sao, cổng lớn cho xe ra vào, cổng nhỏ cho người đi bộ. Giữa hai cổng là một rẻo đất tôi chận gạch làm thành vườn hoa, nơi tôi trổ tài ngón tay xanh, trồng các loại hoa kiểng mua từ nhà vườn hoặc xin của người quen, ngày ngày siêng năng tưới nước, bón phân, bắt sâu, tỉa lá, rồi ngồi ngây ra ngắm chẳng thua gì ông già hưu trí vui thú điền viên. Tôi trồng được một cây ngọc lan ra thật nhiều bông, thơm ngát mỗi đêm, niềm tự hào vĩ đại của tôi cho đến khi bà nội tôi nằm chiêm bao bảo cây hoa xoè nhánh án ngữ trước cửa nhà là hồ ly tinh và nằng nặc đòi phải chặt bỏ đi.


Nhà mới đi học xa hơn, ba mua cho tôi một chiếc Vélo Solex. Thời ấy chưa có xe Honda. Xe gắn máy kẻng nhất là chiếc Goebel hoặc xe Sachs, thường sơn hai màu kem và xanh lá cây hoặc màu đỏ. Những thằng non trẻ chúng tôi hay ngây người ra khâm phục các thanh niên biểu diễn chạy cái xe đức quốc ấy thật nhanh trên đường Phước Hải, buông cả hai tay ra để rút thuốc lá và quẹt máy trong túi quần rồi thong thả mồi thuốc hút giống như đang ngồi ở quán nước. Kế đến là những chiếc mô-bi-lét kiểu mới màu xanh lơ có bình xăng phía trước, khác với chiếc mô-bi-lét loại cũ màu vàng có bình xăng ở dưới ghế ngồi. Rồi đến chiếc xe gắn máy rẻ tiền nhất là xe Solex. Chạy xe Solex có cái điệu nghệ của nó. Cái động cơ ở trên cao nhưng không dễ mất thăng bằng như người ta hay lầm tưởng. Đạp xe cho có trớn rồi đẩy đầu máy xuống, máy sẽ phát nổ và cuốn bánh xe trước chạy theo bằng lực ma sát. Xe chạy ngon trớn rồi thì hai chân phải bỏ lên cái bục ở giữa, chứ để ở pê-đan thì chỉ có ông già hoặc đàn bà con gái mới làm. Tay lái xe có hai cần như thắng xe đạp, nhưng chỉ bên phải là thắng, cần bên trái là tay ga, bóp vào chạy yếu, buông ra chạy mạnh. Khi muốn tắt máy thì bóp cần air, máy bị mất compression sẽ kêu xè xè rồi tắt. Dân chơi Solex thứ thiệt đang chạy nhanh muốn giảm tốc độ thì phải bóp air mới điệu nghệ thay vì bóp thắng, vì cái tiếng xè xè khi xe chạy chậm lại nó như là cái trademark nổi tiếng, cái nhãn hiệu đăng ký của chiếc xe này. Tôi cũng là dân chơi Solex thứ thiệt. Tôi chạy xe rất nghề, xè xè khắp phố, và tôi chỉ thằng Hùng bạn tôi thành một tên thứ thiệt như tôi, hai thằng chở nhau đi rảo phố phường, thằng lái bỏ hai chân lên cái bục, thằng đàng sau gác chân lên pê-đan. Ôi, những ngày tháng rong ruỗi Solex thật thú vị biết bao! Cái xe rất mạnh, chở hai thằng mà chạy đến hơn bốn chục cây số giờ ngoài đường biển Duy Tân. Nhưng thỉnh thoảng nó lại yếu nhớt, mở hết ga mà vẫn chạy chậm rì. Tôi đã bao lần tốn tiền cho ông thợ máy bất lương, lần nào cũng vuốt vuốt chùm tóc sau mang tai, tránh nhìn thẳng mắt tôi mà nói đã " thay bộ bạc " và chém tôi một cái giá chẳng thấp gì, cho đến ngày tôi khám phá ra rằng lão ấy chỉ thông cái ông bô bị nghẹt.


Tôi và thằng Hùng dạo xe khắp phố phường, nhiều đến độ đối với ai đó hình ảnh hai chú bé chạy Velosolex đã có thể trở nên quen thuộc. Lại cũng hai thằng này nữa. Chúng nó chạy qua cầu Hà Ra và cầu Xóm Bóng hồi đó còn hẹp rí, xe cộ phải thay phiên nhau chạy chỉ có một chiều. Đi vào chợ cá gần cầu Xóm Bóng chúng nó trầm trồ nhìn những bộ gan cá mập khổng lồ không biết có ai mua về để ăn hay để làm gì không nữa. Rồi chạy ra đến Hòn Chồng qua con dốc rào rào sỏi cát gần dòng tu Francisco, vừa chạy xe vừa sợ té, xuống đến bãi Dương vào uống trái dừa ngọt lịm. Hoặc thích nhất là chúng chạy xe lên xuống con đường biển Duy Tân vào những buổi chiều sau giờ học, qua khỏi phi trường, qua trường hải quân và không quân, leo lên con dốc tới Cầu Đá, liếc nhìn những con sam phơi khô và những vỏ ốc sần sùi bày bán cho du khách, rồi chạy ngược trở về hướng nhà bưu điện, luồn vào trong phố Độc Lập ăn cây kem cornet của ông hàng góc đường, liếm từng phát thật dài theo hình xoắn ốc để cái lưỡi càng lâu rời khỏi miếng kem ngọt ngào thơm lạnh.


Chợt một ngày, xe gắn máy nhật bản xuất hiện đầy đường. Những chiếc Honda, Suzuki, Yamaha với thiết kế mới, đẹp, nhanh và mạnh đã chiếm trọn con tim của dân thành phố, đặc biệt là giới trẻ. Ai cũng ưa thích những chiếc xe kiểu mới này. Nhiều bạn cùng lớp tôi được cha mẹ sắm cho những chiếc xe dame màu xanh, màu đỏ, có bửng che chân bằng nhựa trắng, với đèn xi-nhan màu cam viền mạ kền sáng loáng, trông thật cao cấp và dễ thương. Các anh hùng xa lộ hiệu Sachs và Goebel lần lượt chìm vào quên lãng. Mô-bi-lét và Velosolex trở thành phương tiện di chuyển của ông bà già. Tôi vẫn bình chân như vại chạy chiếc xe cũ xè xè, nhưng phải thú thực đôi lúc cũng đã ước ao đến những cái xe mới đẹp ấy. Giữa năm lớp Seconde, ba tôi được lệnh thuyên chuyển lên đơn vị mới trên Đà Lạt. Chúng tôi lục đục chuẩn bị cho cuộc dọn nhà sắp tới lên miền cao nguyên. Ba tôi nhìn chiếc Solex và phán rằng nó đã tới thời về hưu vì không thể chạy đường dốc trên núi được. Ông nói sẽ mua cho tôi một chiếc Honda. Tôi mừng vì sắp được chiếc xe đời mới đúng mốt, máy mạnh có sang số để leo dốc, nhưng đồng thời cũng nuối tiếc con ngựa sắt đen đủi mến yêu đã có cùng tôi và thằng bạn rất nhiều năm tháng ruỗi rong hạnh phúc.


Thế rồi đến ngày ba tôi phải đi nhận nhiệm sở mới. Cả gia đình cùng ông dọn lên Đà Lạt trước, chỉ mình tôi ở lại để tiếp tục hết niên học tại trường College Français. Tôi ở trọ nhà ông trẻ Tư trong vài tháng. Đấy là lần đầu tiên tôi xa nhà, những tuần lễ đầu hơi hụt hẫng vì thiếu những cái nhỏ nhoi tưởng không đáng gì nhưng thật ra rất làm thấm thía sự trống vắng. Nhưng rồi tôi dần quen đi, vùi đầu vào việc học và việc chơi với bạn bè, như để tận hưởng những ngày tháng cuối cùng ở thành phố ven biển ấy. Ông giám thị trường hỏi thăm, giọng ông như có một mảy may chiêu dụ:


- Alors, tu vas pas rester?

- Cảm được cái ngần ngừ cửa tôi, ông tiếp 

- Ce sont les meilleurs qui partent, hein?


Thầy ơi, tôi xin lỗi không ở lại được. Tôi phải theo cùng gia đình. Dù sao, tôi cũng đã sẵn sàng với giai đoạn kế tiếp của đời học sinh, với trường mới, thầy mới, bạn mới, ở một thành phố mới mà rồi mai đây cũng sẽ trở thành quê hương một lần nữa.


Thôi thì giã từ thành phố thân thương với bao chất chồng kỷ niệm. Một ngày nào đó, tôi sẽ trở về để sống lại những ngày xanh thân ái. Và bài hát này sẽ mãi mãi vang vọng trong tôi:


Nha Trang ngày về, mình tôi trên bãi khuya

Tôi đi vào thương nhớ,

Tôi đi tìm cơn gió

Tôi xây lại mộng mơ năm nào...


Đặng Ngọc Dũng


© cfnt, Collège Français de Nha Trang