Cơm hàng cháo chợ


 

Các bạn nào ngày xưa có diễm phúc được ăn cơm gia đình hàng ngày thì không thể biết được cái hoang mang của người phải ăn toàn cơm hàng cháo chợ. Nếu chỉ thỉnh thoảng đi ăn ngoài thôi, thì nó là một cái thú. Nhưng nếu phải ăn cơm hàng mỗi ngày thì có lắm điều cần lo. Thứ nhất là kiếm được chỗ nào ăn ngon mà giá rẻ. Nhưng thường cái rẻ nó khó đi với cái ngon, thôi thì ráng kiếm chỗ nào ăn tạm được mà giá rẻ cũng tốt rồi. Thứ hai là cái chỗ ấy nó phải vững bền, chứ nếu cứ vài hôm lại phải lục tục đi tìm một chỗ ăn khác thì rất khổ sở. Ăn gì bây giờ, ăn ở đâu, ngon hay dở, tốn bao nhiêu tiền, hoang mang lắm... Nhưng nếu may mắn tìm được một chỗ ăn tốt và lâu bền thì cũng có những niềm vui của nó. Tôi xin chia sẻ cùng các bạn trong mẩu truyện ngắn sau.




Thời còn trung học, tôi ở nhà, ăn cơm của mẹ, yêu cầu món gì mẹ cũng nấu ngay, trúng gu, ngon vô cùng. Khi vào đại học ở Sài Gòn, cái sự ăn uống của tôi bắt đầu bị xáo trộn và càng ngày càng trở nên rắc rối, nhưng lý thú và đa dạng hơn nhiều.


Những tháng đầu tiên, tôi ăn ở tạm tại nhà bà cô. Chồng của cô là một người ngày xưa đi học bên tây, ăn bơ sữa có lẽ hơi nhiều nên nay không chịu được mùi nước mắm. Mỗi bữa ăn, chú ngồi tít tận đầu bàn, tay thủ một chai xì dầu để hổ trợ những món cần thêm độ mặn. Cơm nhà cô do chị người làm nấu, không gì ngon lắm, nhưng ai cũng có vẻ hài lòng, nên tôi cũng hài lòng theo. Mỗi buổi tối thứ bảy, cô chú đi ăn ngoài. Chị người làm cũng có chương trình đi chơi với bồ, nên món ăn thường lệ cuối tuần của tôi là tô mì ăn liền hiệu hai con cua xanh có bỏ phất phơ vài cọng hành ngò cho đỡ trơ trẽn.


Ở nhà cô chú được một thời gian, tôi ra trọ nơi khu Hàng Xanh. Bà chủ trọ là người quen của ba tôi nên cho ở với giá đặc biệt. Nhà bà ấy ngăn ra nhiều phòng cho mướn bằng những tấm vách ván lửng không đủ cách âm, từng tiếng gãi sột soạt của người bên kia đều nghe rõ mồn một. Tuy vậy phòng trọ ấy được cái riêng tư kín đáo đằng sau cánh cửa vào có chốt khoá. Người ở trọ cũng có cảm giác làm chủ được cái giang sơn của mình, chỉ cần luôn nhớ là đừng vô tình để buột ra những âm thanh " ẩn kín " mình không muốn người ngoài nghe được. Bà chủ trọ chỉ tôi ra ăn cơm tháng của dì Năm đầu ngõ. Quán dì Năm phần chính bán cơm bữa cho những người bình dân đi làm trong khu vực, phần cơm tháng chỉ là phụ thêm. Nhưng chính vì thế, cái menu cơm tháng của dì rất là phong phú. Mỗi bữa, tôi được dọn một món canh và một món mặn, nóng sốt thật ngon. Cơm trắng ăn thả giàn và trà đá uống thoải mái. Tôi thấy hạnh phúc tràn trề vì tìm được một chỗ ăn ngon, vừa túi tiền mà được cả bà chủ quán thật dễ thương.


Từ bé đến lớn, tôi rất kén ăn nên chỉ ăn những món mình thích và sợ không dám thử những món lạ. Mẹ thương nên đã hoài hoài nấu ăn theo yêu cầu và đã vô tình bảo bọc tôi trong cái thực đơn giới hạn ấy. Ngày xưa, tôi chỉ ăn thịt kho bằng thịt đùi thật nạc, không dính một tí mỡ nào. Bây giờ tôi khám phá ra rằng miếng thịt ba chỉ dì Năm kho lẫn với khứa cá thu, nó ngon và béo vô cùng. Lúc còn ở nhà, nhìn thấy trái khổ qua là tôi rùn vai nhăn mặt, tưởng tượng chỉ có khùng mới đem nấu canh cái trái gì đắng nghen đắng nghét như thế. Dì Năm dỗ tôi ăn tô canh khổ qua nhồi thịt của dì, sao mà không đắng tí nào mà lại thơm ngon cái mùi đặc biệt tôi sẽ nhớ suốt đời. Tôi không đến nỗi sợ nước mắm như ông chú đi học bên tây về, nhưng trước kia, tôi không bao giờ chấm thức ăn vào nước mắm sống. Giờ đây, tôi lại thấy rằng miếng cá chiên chấm vào tí nước mắm nguyên chất lại tăng thêm phần ngon gấp bội phần. Tôi mê lắm những miếng sườn heo dì Năm tay quạt tay nướng trên bếp than hồng, mỡ xèo xèo nhễu xuống thành làn khói trắng quyện lên thơm ngát mùi thịt ướp hành xả. Tôi thích tô canh chua cá lóc đậm đà, thật ngọt mà thật chua, đỏ những miếng cà, vàng những mẩu khóm, xanh những dọc bạc hà, xanh nữa những lát đậu bắp, ngon ngọt không cùng, ăn vào nhớ mãi không quên. Tôi đâm ghiền món mắm chưng có tráng lớp lòng đỏ trứng vịt trên mặt, ăn với rau sống cùng dưa leo khiến bát cơm trắng trở nên ngon tuyệt, kích thích vị giác mười phần hơn món mắm chưng giả hiệu không có mùi mắm mà ngày xưa tôi mê của mẹ.


Sau chỉ một thời gian ngắn thôi, cái ăn cái uống của tôi đã trở nên phong phú hơn rất nhiều. Cơm của mẹ vẫn ngon những lần tôi về thăm nhà. Nhưng cơm dì Năm ngon khác. Nếu cơm của mẹ ví như nhạc cổ điển êm dịu thì cơm dì Năm ví như nhạc rock, nó kích động, nồng nàn, ào ạt tấn công khứu giác người ăn, mau chóng đưa đến sự khoái khẩu. Ngày nào tôi ăn cơm cũng ngon miệng, có lẽ tại tôi học nhiều nên bụng đói, cũng có lẽ tại bầu không khí quán cơm làm cho dễ ăn ngon, nhưng chắc chắn là cũng nhờ ở cái tài nấu ăn của dì Năm. Xin cám ơn dì đã dẫn dắt tôi vào mùi vị đậm đà của những món ăn quê hương, những hương vị nồng nàn mà tôi sẽ da diết suốt đời.


Thế nhưng cái quán cơm hạnh phúc ấy đã không tồn tại được lâu. Đùng một cái, dì Năm tuyên bố đóng cửa quán về quê. Hình như mẹ dì bệnh nặng cần phải chăm sóc hàng ngày. Những người ăn cơm tháng như tôi hệt như bầy chim vỡ tổ, dáo dác bay đi tìm chỗ ăn khác. Sau những ngày ăn đỡ những ổ bánh mì thịt và những tô hủ tíu, thằng Phát cùng ăn cơm tháng ở dì Năm chỉ tôi ra tiệm cơm tàu ở góc đường Phan Thanh Giản:


- Ở đó hơi mắc nhưng ông kêu một món canh thôi, ăn với cơm cũng no.


Tôi nghe lời nó vào tiệm kêu một tô canh tần ô nấu với tôm. Người phổ ky nhướng mắt đứng chờ tôi kêu món kế tiếp. Tôi ngượng ngùng:


- À, vậy thôi! Cho ly trà đá!


Hắn lầm lì quay vào trong rồi một chốc bưng ra một tô canh và cơm trắng. Tô canh ngon nhưng hơi ít, có được hai con tôm bóc nõn. Tôi nhâm nhi hai chú tôm cùng chén xì dầu, ăn hết những cọng tần ô và chan nước súp nuốt cũng được hai chén cơm. Tôi không trở lại tiệm ăn tàu đó. Không lẽ lần tới lại kêu thêm một món canh khác? Thằng Phát chỉ bậy hết sức!


Vài ngày sau, tôi tình cờ khám phá ra được một quán ăn rất kỳ lạ. Quán không bảng hiệu nằm giữa một con đường đã bị chận xe không lưu thông được. Ngôi nhà hình vuông vức gồm hai tầng đóng bằng những tấm gỗ không sơn mà mưa nắng đã làm cho bạc phếch. Tầng dưới quây vách tôn ở hai bên, còn lại trống hoang hoác dùng làm nhà bếp. Tầng trên là chỗ khách ngồi ăn, chỉ đóng ván lên khoảng một mét, phía trên để hở làm cửa sổ cho thoáng. Tôi ghé mắt nhìn những món ăn thấy cũng có vẻ ngon nên bước vào hỏi chị chủ quán:


- Ở đây bán cơm làm sao chị?

- À, chú kêu đồ ăn xong lên lầu, con nhỏ nó đem lên sau.


Tôi kêu một dĩa thịt kho và một tô canh chua, xong còn chần chừ chưa biết trả tiền làm sao thì người khách đàng sau đã đẩy vội tôi lên cầu thang:


- Lên, lên đi, ăn xong chút mới trả tiền!


Phòng ăn kê nhiều dãy bàn công cộng đầy những người. Tôi bắt chước người khách ngồi đại vào một bàn còn chỗ trống.


- Mới đến lần đầu hả?

- Người khách hỏi tôi trong khi chờ đồ ăn.

- Dạ, chỗ này coi cũng ngộ.


Người khách móc trong túi áo ra một đôi đũa và một cái muỗng, miệng giải thích:


- Ở đây ăn được lắm, có điều chén đũa hơi dơ, tui mang đồ riêng của mình chắc ăn hơn.


Tôi còn đang hoang mang thì một cô bé mập ú bưng một chiếc mâm khổng lồ đựng đầy những tô dĩa thức ăn bước lên lầu:


- Cá kho, cải xào của ai đây?

- Miệng cô hét ong óng

- Thịt kho, canh chua của ai đây?


Tôi vội nhận phần của mình. Cô bé đặt các thức ăn và tô cơm trước mặt tôi:


- Thịt kho canh chua, trăm rưởi!


Người khách trước mặt dặn tôi:


- Nhớ đó, tí nữa xuống dưới trả tiền.


Cầm vào cái chén và đôi đũa, tôi thấy chúng trơn trơn như rửa chưa sạch. Tôi hơi ớn nhưng lỡ rồi nên cũng ăn đại, tự nhủ chắc cũng không sao đâu.


Tôi trở lại quán đó nhiều lần, rủ cả thằng Phát và những người ăn cơm tháng dì Năm ngày xưa. Ngoài cái vụ hơi thiếu vệ sinh, quán ăn rất ngon mà giá cả rất phải chăng. Tôi thấy chị chủ quán có phương pháp tính tiền rất văn minh, dựa vào tinh thần tự giác của mọi người. Khách ăn xong xuống trả tiền, có nói cái giá cô bé mập ú cho, hoặc nói ít đi một tí, thì chị cũng chẳng biết được. Chị vẫn nhận tiền và cười tươi rói. Tôi nghĩ rất ít người ăn gian vì thấy chị làm ăn coi cũng phát tài lắm. Tôi đặt tên cái quán đó là " quán rung rinh " vì mỗi lần có ai bước đi là cả sàn quán rung rinh rúng động. Tôi nói đùa với thằng Phát có ngày xui xẻo mình đang ngồi ăn cái quán nó sập xuống chết hết cả lũ.


Năm học tới, tôi dọn đến ở cùng thằng bạn tại một căn phòng cho thuê gần trường. Thế là giã từ quán rung rinh. Lần giã từ đó cũng là lần vĩnh biệt, vì nhiều tháng sau, có dịp đi ngang qua con đường cũ, ngôi quán đã biến mất tiêu, chỉ còn trơ dấu vết đen đúa trên mặt đường của cái bếp ngày xưa. Cái quán ấy đông khách thế mà sao lại đóng cửa đột ngột. Tôi thầm cầu mong chẳng phải vì quán đã sập dưới sức nặng của khách ăn. Ở chỗ trọ mới, tôi và thằng bạn ăn cơm tháng của một bà hàng cơm gần đó. Mỗi bữa chúng tôi được dọn một phần cơm dĩa và một chén canh. Nếu còn đói thì có thể kêu thêm một chén cơm trắng khỏi trả thêm tiền. Chỗ ấy ăn cũng tạm được, không ngon bằng cơm dì Năm nhưng tiện vì khỏi phải đi đâu xa. Chúng tôi chỉ ăn cơm tháng những ngày đi học trong tuần. Cuối tuần, thằng bạn tôi chạy về nhà nó ở Phú Lâm. Tôi đi ăn phở, hoặc ăn bậy bạ cái gì đó, hoặc đến ăn cơm ké ở nhà những thằng bạn có gia đình trong thành phố.


Những tuần thằng bạn không về nhà, nó hay rủ tôi đi vào Chợ Lớn ăn tối. Khu ăn uống lộ thiên ban đêm thật nhộn nhịp. Khách ăn ngồi quây quanh những xe bán hàng hoặc lan ra những bộ bàn ghế kê san sát gần đó. Những hàng ăn nóng sắp xếp chung với nhau, nào mì, nào hủ tíu, nào bột chiên, nào cháo lòng...và rất nhiều những món khác không sao kể cho hết. Những hàng ăn ngọt lại chiếm cứ một khu khác. Ở đấy người ta có thể kêu những ly sâm bổ lượng ngọt ngào, những chén chè thơm phưng phức, những ly nước mía mát lạnh lẫn mùi cam quít, những ly sương sâm, sương xáo dòn sừn sựt ngát hương xi rô dầu chuối dưới lớp đá bào trắng tươi... Tôi thích tô mì hoành thánh có cái bánh tôm chiên dòn trên mặt, điểm tô vài cọng hẹ và dăm miếng tắp mỡ. Đút một gắp mì vào miệng kèm miếng thịt xá xíu, húp thêm một miếng nước súp nóng hổi thật là ngon hết chỗ chê. Tôi cũng thích những viên thịt bò viên dọn trong chén súp nhỏ tí, xiên ra chấm vào tương đen đỏ, ăn đánh vèo hết liền, phải kêu thêm vài ba chén nữa ăn mới đã miệng. Hình như lạc vào khu hàng ăn ấy thì cái gì cũng thích được, chỉ sợ không có bụng để mà ăn thôi. Thức ăn ngon lại càng tăng thêm phần ngon nhờ bầu không khí náo nhiệt, nhờ có chỗ ngồi ăn ngon, nhờ có bạn cùng ăn ngon, hệt như lời ông Tản Đà. Thật là lý thú khi ngồi chờ thức ăn mà có người thân để cùng tán dóc, hoặc cả khi ngồi một mình, mà ngắm nhìn anh chàng bán sâm bổ lượng múa may ném những cái muỗng vào ly đá bào như người hát xiệc.


Những ngày tháng êm đềm đó chấm dứt sau ngày " giải phóng " miền nam. Bà hàng cơm không nhận nấu cơm tháng nữa. Cái nguồn tài chính của tôi, gồm có lương đi dạy kèm tại tư gia cộng với phụ cấp gia đình cho, đột ngột vơi đi. Tôi một lần nữa phải chạy vòng vòng tìm chỗ ăn giá phải chăng. Cái giá phải chăng ấy dần dà tụt xuống cấp thành giá rẻ. Càng rẻ càng tốt. Ai đó chỉ tôi cái quán cơm xã hội. Trước đây, tôi chỉ mang máng biết là quán cơm xã hội bán cơm cho người nghèo. Bây giờ tôi là người nghèo. Tôi vào ăn thử. Khách ăn gồm những phu xích lô, những người lao động, những người có vẻ như công chức ngày xưa bây giờ không biết làm việc gì, có vài khuôn mặt trẻ măng, chắc cũng sinh viên như tôi. Món ăn ngày hôm ấy là canh rau dền nấu với mỡ cộng hai con tôm rang mặn. Cơm thì giống như cơm nguội rưới nước vào hâm lại nhiều lần. Tôi thấy cơm xã hội không thể là giải pháp lâu dài cho tôi được.


Cái câu lạc bộ trong trường tôi đến lúc ấy vẫn còn hoạt động. Chính yếu là bán trà đá, cà phê và thuốc lá cho sinh viên. Chị bán hàng cũng có cơm dĩa nhưng ít ai ăn vì mắc tiền. Một lần ớn cơm xã hội, tôi kêu thử cơm của chị. Dĩa cơm ra-gu được khoảng hai chén cơm, ở giữa bày một miếng sườn non tí tẹo bằng đầu ngón tay cái và ba khoanh cà rốt, tất cả được rưới lên một muỗng nước sốt loang lỗ như vết sơn đỏ chính giữa vun cơm trắng. Ra-gu ngon nhưng quá ít. Tôi chan xì dầu ăn hết dĩa cơm...


Thời buổi ngày càng khó khăn. Những sinh viên bắt đầu cùng nhau nấu cơm tập thể. Mỗi người đóng vào một phần gạo do một anh quản lý, cứ mỗi bữa đong ra nấu chung. Phần thức ăn thì mỗi người tự túc lấy. Có người đem cá khô, muối mè, thịt chà bông, lạp xưởng... Có người thiếu hậu phương giúp đỡ thì ăn cơm với chuối và xì dầu. Tôi có ăn thử chuối và xì dầu. Đại khái thì cơm ngon và dễ nuốt hơn là... chỉ ăn với xì dầu không. Số lượng người nấu cơm chung cũng nhiều nên nồi cơm rất lớn. Để cho công bằng, sinh viên nào cũng được, hay đúng ra là bị, phân công nấu cơm. Nấu một nồi cơm lớn cho chín đều rất khó. Còn khó nữa là phải nấu bằng củi. Đã nhiều lần nồi cơm khổng lồ ấy đã bị trên sống, dưới khê, tứ bề nhão nhẹt. Anh Tư quản lý có kinh nghiệm nấu cơm nhất trong bọn nên đã hoài hoài phải sửa những nồi cơm hư cho thành ăn được. Chúng tôi gọi anh là " thầy sửa " hoặc thân mật hơn là thầy Tư. Tôi học được nghề nấu cơm bếp củi của thầy sửa. Tôi nấu cơm giỏi hơn ngày xưa đi cắm trại hướng đạo rất nhiều.


Nhóm bạn chúng tôi có sáng kiến hùn tiền mỗi ngày để đi chợ nấu ăn chung. Mỗi người góp vào một tí thì cũng đủ để mua một ít cá tôm, một ít rau củ, đem về nấu thành một món gì đấy mà chỉ với tiền của một người thì không thể nào sắm được. Thằng Thành là con nhà giàu, nhà có xưởng dệt ở Ngã Tư Bẩy Hiền, nhưng không biết sao lại rất thích đi nấu ăn chung với lũ sinh viên nghèo chúng tôi. Chắc là công tử ước mơ cuộc sống bụi đời. Nó thường đứng ra gom tiền và dành phần đi chợ. Tôi sợ trả giá với mấy bà hàng ngoài chợ, nhưng nó mặc cả tự nhiên như một nội trợ điển hình. Tôi hay đi theo nó luồn khắp chợ để tìm nguyên liệu cho những món ăn mà tôi thường là người đề xướng cho cả nhóm. Tôi nặn óc xem phải mua những gì đủ cho bốn năm thằng ăn bằng cái ngân khoản nhỏ nhoi. Cô hàng tôm, má đỏ môi hồng, bông tai vàng chóe lủng lẳng, lần nào thấy chúng tôi cũng ngọt sớt réo mời:


- Tôm tươi ngon lắm, mấy anh mua dùm em đi!


Chữ " em " của cô luôn kéo dài ra ở phần đuôi, nghe thật mềm dẻo, êm ái, quyến rũ. Tôi cười duyên khan với cô vì tiền tôi chưa chắc mua được một nửa con tôm càng to tướng ấy. Thằng Thành huých tôi:


- Em coi bộ khoái ông lắm đó! Cua nó đi ăn tôm đã đời!

- Giỡn hoài mày! Cua với tôm gì! Mày muốn thì vô đi, sao lại xúi tao!

- Tôi trợn mắt nhìn nó.


Thành cười hì hì kéo tôi rảo bước qua hàng người đẹp tôm càng để đi tìm những thức ăn trong tầm tay với hơn.


Thức ăn trong tầm tay với là những quả cà dái dê, mua về nướng trên bếp củi, cạo vỏ cháy đen, dầm vào dĩa nước mắm tỏi ớt. Là chú cá nhỏ bé xíu nấu xong tan mất tiêu không còn tìm thấy được nữa trong nồi canh chua toàn rau với giá. Là những miếng bí đỏ xắt vuông um mặn với hành và tắp mỡ. Là những món ăn nhà nghèo tôi điều chế lại từ những món ăn tôi thích ngày xưa, cắt bớt phần chất đạm, tăng thêm phần rau ráng, thêm nước, thêm bột ngọt, mắm muối mặn nhiều lên để ăn cho đỡ hao. Thế mà các bạn tôi khen lấy khen để. Tôi hỉnh mũi nhận danh hiệu đầu bếp lẫy lừng. Cơm tôi bảo đảm ngon hơn... cơm xì dầu với chuối.


Năm tháng qua mau, tôi rời nhà trường ra làm việc ở công ty quốc doanh và bắt đầu nếm mùi cơm tập thể bộ đội do một chị đầu bếp gọi là chị nuôi phụ trách. So với cơm chị nuôi thì cơm xã hội còn trên một cấp. Tôi mãi mãi bị ám ảnh bởi những mẩu cá kho vụn tanh tưởi, những miếng ruột heo hôi nồng xào với dưa leo, những chén cơm gạo mọt độn nửa khoai, nửa bo bo. Những vui buồn cơm chị nuôi, tôi có thể viết thành một cuốn truyện nhỏ... Có thể nói là cơm chị nuôi đã cho tôi nhìn thấy cái thái cực tận cùng của sự nấu ăn dở. Tôi trở nên suy dinh dưỡng, ốm o, dơ bộ xương còm cách trí. Tôi bắt đầu ước mơ những món ăn tầm thường mà tôi hằng chê bai ngày xưa.


Thế rồi tôi lấy vợ. Cái giai đoạn cơm hàng cháo chợ của đời tôi được tạm chấm dứt. Tôi khỏi phải còn lo lắng miếng ăn miếng uống mỗi ngày. Vợ tôi nấu ăn rất ngon, ngay cả trong thời buổi khó khăn thiếu thốn bấy giờ. Tôi tìm lại được cái thú ăn và bắt đầu lên cân trở lại từ từ. Tôi là người có phước. Tôi nhớ mẹ thường nói ngày xưa tôi đẻ bọc điều...


Đặng Ngọc Dũng


© cfnt, Collège Français de Nha Trang