Chử đại hàn


 

Cho tới năm 1998 bản thân người chuyển ngữ bài dưới đây (1) không biết cái gọi là Korean Wave (2) là cái gì cả.


Thời đó còn ở Paris, lâu lâu có chiếu phim Nhật, Ấn, hay Hàn Quốc mới tôi đều có thử đi xem nếu có thì giờ.


Từ lâu tôi vẫn thích cái tinh thần ẩn dụ phía dưới những phim của người Nhật. Sau này khi biết đến loạt phim Hàn chiếu ở Pháp tôi cũng nhận thấy một hơi hướng khá đặc biệt hơi “nouvelle vague”.


Năm 1998 khi về VN chơi có mấy đứa cháu mang CD nhạc Pop Hàn (K Pop) ra hỏi ý kiến.


Phải nói rằng chỉ riêng về nhạc thì tôi cũng là một “tay chơi” khá sõi thế mà khi mấy đứa nó hỏi thì cậu cũng ú ớ không biết gì hết, mù tịt. Chỉ thoáng thấy chữ Ái (viết bằng tiếng Tàu) liền lập lòe nói rằng: “Ui ui mấy cái thứ ‘nhạc sến’ yêu đi sướt mướt tao già rồi không có nghe đâu”.


Cho mãi đến 5,6 năm sau khi đã có cơ hội tiếp cận kỹ hơn với nghệ thuật xứ Hàn Quốc tôi mới ngửa ra rằng thật không hổ danh dân Hàn và đó là một thực tế mà tôi phục lăn.


Những chuyện cảm nhận phê bình cả nghệ thuật lẫn kỹ thuật này nếu có dịp tôi sẽ trở lại sau.


Ở đây xin mạn phép giới thiệu bài chuyển ngữ này của tôi từ bài:



September 12, 2009

South Korea's Latest Export: Its Alphabet

By CHOE SANG-HUN

Xuất phẩm cuối của Nam Hàn thời nay: bảng chữ cái Hangul.


Seoul, Nam Hàn – Từ lâu Nam Hàn vẫn nhận thấy những thành quả của mình bị đánh giá thấpdù cho có một nền kinh tế vượt bực vững mạnh đi lên từ đổ nát chiến tranh của bao nhiêu thập kỷ trước, và sau bao nhiêu năm độc tài quyền trị họ đã dựng nên một nền dân chủ xung sức nhất Á Châu.


Giờ đây Lee Ki-nam một phụ nữ Nam Hàn muốn thế giới biết đến họ hơn bằng một cách hơi lạ đời là mang bảng mẫu tự chữ cái Hangul ra đi “đánh trống xứ người”. Bà Lee là một nhà kinh doanh bất động sản, nay bà muốn mang tài sản mình có ra cho đề xướng chuyện xử dụng Hangul để viết chữ ở nơi những bộ tộc có tiếng nói nhưng không có chữ viết.


Kế hoạch đã có những thành quả trong tháng 7 vừa qua – và đã gây ra những đầu đề tranh cãi - khi một nhóm trẻ em ở một bộ lạc bên Indonesia bắt đầu học chữ cái Hangul.


Bà Lee năm nay được 70 tuổi đã nói như thế này trong một cuộc phỏng vấn:


“Tôi đang xây dựng cho những thế giới không có chữ viết những chuyện như thể hội những ‘Y Sĩ Không Biên Giới’đã làm cho Y Tế ở nhiều xứ. Dưới trời này có bạt ngàn chỗ như thế và tôi muốn mang chữ cái Hangul tới cho họ”.


Có thể chuyện bà đang làm là một chuyện hào phóng không tưởng đối với người không phải là dân Hàn quốc, ở xứ này họ có một ngày lễ gọi là “Ngày Lễ Hangul” và chuyện này là một điều họ rất hãnh diện. Báo chí đã nói tới nhiều và một đảng chính trị ở Hàn quốc đã ca ngợi việc làm của bà ở Indonesia – như là “một bước tiến vĩ đại trong cuộc toàn cầu hóa tiếng Hangul”.


Chuyện bành trướng như thế có nguồn gốc trong sự gắn bó của người Hàn quốc với bảng mẫu tự của họ – một sự phối hợp đặc biệt hài hòa của những đường tròn và thẳng – sinh động cho tới ngày nay qua bao mọi thăng trầm của lịch sử. Trong thế kỷ trước dưới sự cai trị của đế quốc Nhật, tiếng Hangul bị ngăn cấm không được dùng trong những chuyện làm ăn buôn bán hay trong những cơ quan chính thức, và cũng bị cấm đoán trong các trường học. Nạn mù chữ Hàn có tăng nhưng vẫn có người Hàn phá lệ để mang đi dạy lại cho con cháu họ hay cho cả người ngoài.


Cha của bà Lee là một nhà ngôn ngữ học và cũng là một giáo sư, đã bí mật dạy cho các con ông và nhiều đứa trẻ khác chữ và tiếng Hàn. Bà thấy đây là sứ mệnh để vinh danh cho cha và cho Hàn quốc khi đi ra giúp thế giới phía ngoài.


Mim Ju-won một nhà ngôn ngữ học của trường Đại Học Quốc Gia Seoul và cũng là chủ tịch của hội Hunminjeongeum (3), là nơi mà bà Lee dựa vào để truyền bá tiếng Hangul, tóm tắt chuyện này như sau: “Khi chúng tôi cho bảng mẫu tự cái Hangul đến những sắc dân không có chữ viết là chúng tôi giúp họ sống còn như một thứ tiếng nói trong cộng đồng nhân loại đa dạng”.


Tuy nhiên khát vọng về ngôn ngữ này đang gặp nhiều cơ sở lo ngại sau khi một số các nước theo đạo Hồi than phiền là Nam Hàn đang quá đáng dạy truyền cả đạo Thiên Chúa.


Ở Indonesia khi chính phủ đang khuyến khích 240 triệu dân của họ học một ‘thứ tiếng thống nhất’ Bahasia Indonesia, để sự diễn đạt giữa nhiều gốc nguồn dân tộc được rõ ràng thực tế hơn thì dự án này của bà Lee khơi lên nhiều vấn đề.


Nhân thể có chuyện dân tộc thiểu số Cia-Cia dùng bộ chữ Hangul để viết ra thứ tiếng của mình, ông Nicholas T. Dammen đại sứ Indonesia tại Nam Hàn nói: “Nếu đó chỉ là một thú chơi giải trí thì không sao, và họ cũng không cần phải nhập vào bảng chữ Hangul. Họ vẫn có thể dùng mẫu tự La Mã để viết tiếng của họ vậy”.


Shin Eun-hyang một cán bộ phụ trách ở phân bộ ngôn ngữ của bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch Hàn Quốc ở Seoul nói: “Về phương diện ngoại giao chuyện này rất nhạy cảm. Nếu có sự giúp đỡ của chánh phủ rất giới hạn trong những đề xuất này.


Chánh phủ cho biết là sẽ không ủng hộ tài chính cho nhóm của bà Lee, và chỉ có thể đề nghị giúp đỡ gián tiếp các nhà ngôn ngữ học để họ tiếp tục đeo đuổi mục đích, kể cả chuyện ra xứ ngoài giảng dạy tiếng Hangul.


Bà Lee bắt đầu chuyện truyền giảng tiếng Hangul từ năm 2003. Lúc đầu nhờ qua tay của những nhà truyền giáo Thiên Chúa ở những nước như Nepal, Mông Cổ, Việt Nam và Trung Quốc. Nhưng cuối cùng tất cả các chương trình đều thất bại vì mục đích chính của các nhà giảng đạo không phải là quảng bá ngôn ngữ.


Sau đó bà bắt đầu cộng tác với các nhà ngôn ngữ học ở Nam Hàn, và vào năm 2007 bà chợt thấy ra một đồng minh có thể phục vụ cho chí hướng của mình. Đó là phong trào nghệ thuật dân gian (pop culture) nhạc, kịch ’sến’, ngôi sao, nghệ sĩ minh tinh đang mê hoặc cả Châu Á.


Bộ tộc Cia-Cia một thiểu số vào khoảng 60 ngàn người ở Indonesia trong một phim tài liệu quay ở trên đảo của họ cho thấy họ như bị bùa mê Hàn Quốc và họ đều muốn được giống như vậy.


Vào tháng 7 năm 2008, bà Lee dẫn một phái đoàn đến Baubau, một tỉnh trên đảo Buton phía Đông-Nam Sulawesi. Trong những buổi gặp mặt với những chức sắc của bộ lạc, bà đề nghị tạo ra một hệ thống chữ viết và sách vở dựa trên mẫu tự Hangul để họ có thể truyền lại cho con cháu tiếng nói của dân tộc họ. Bà cũng xin giúp 500 ngàn US$ để xây dựng một Trung Tâm Văn Hóa Hàn và một chương trình đẩy mạnh kinh tế của nơi đó.


Họ đã đồng ý ký với nhau một thỏa thuận. Hai người thầy đại diện cho hai nhóm ngôn ngữ ở Baubau sẽ sang Seoul học thực tập 6 tháng ở trường Đại Học Quốc Gia Seoul. Một người đã bỏ ngang vì không chịu thấu cái lạnh của thời tiết xứ Hàn. Còn người kia tên là Abidin đã bám trụ được. Tháng 7 vừa rồi ông Abidin đã bắt đầu dùng sách vở dạy tiếng Cia-Cia viết bằng mẫu tự Hangul cho 50 trẻ em ‘lớp ba’ ở Baubau.


Tuy rằng chánh phủ Indonesia không can thiệp vào dự án này, ông Dammen cũng đã nói lên tiếng nói quan ngại rằng là các bộ lạc khác sẽ thấy đó mà đổ vào ganh tị như chuyện ‘phân biệt đối xử’ của người Hàn biệt đãi bộ tộc Cia-Cia.


Ông còn thêm: “Nếu như những người khác đều nói ‘Ồ như thế chúng tôi cũng có thể mời người Nhật, người Nga, người Ấn-Độ, người Trung Hoa, người Á-Rập thì mọi chuyện sẽ trở thành lung tung lên cả”.


Riêng với bà Lee kế hoạch cho người Cia-Cia chỉ là bước đầu của hoài bão của bà.


Bà nói tiếp rằng: “Qua cách chia sẻ chữ viết với người khác tôi chỉ làm nên hiện thực ước mơ của tổ tiên tôi King Sejong (4) là người đầu tiên truyền bá nó”. (Bà là hậu duệ đời thứ 21 của Vua Thế Tông).


Mồng 9 tháng 10 là ngày Hangul, một ngày lễ quốc gia tưởng niệm ngày đức vua truyền ban chữ viết này vào năm 1446. Trước đó người Hàn Quốc không có chữ viết riêng của họ. Giai cấp thượng lưu ưu tú chỉ học chữ Hán để ghi và hiểu phần nghĩa của mọi chuyện, lúc đó họ chưa có phương tiện ghi cả thanh âm tiếng nói của dân Hàn Quốc.


Giải thích chuyện ra đời của cơ quan Hunminjeongeum truyền thuyết đã kể rằng vua đã nói: “Rất nhiều thần dân của ta không được có cái diễm phúc được đi học nên không biết cách nào để trao đổi với ta những bức xúc của họ, vì ta thương họ nên ta đã sáng tạo ra 28 chữ cái này”.


Bà Lee nói rằng: “Đức vua đã ban hành bộ Hangul vì lòng yêu dân của ngài, giờ đây tới phiên dân Hàn Quốc giăng trải tình yêu này đến tất cả mọi người qua cách phổ biến Hangul. Giờ đây là thời kỳ toàn cầu hóa”.


Vịt Tè

Lại Vân Trường



(1) Gốc

(2) 韓 流 = Hàn Lưu

(3) 訓 民 正 音 = Huấn Dân Chính Âm = hội dạy nói tiếng Hàn cho đúng

(4) 世 宗 大 王 = Thế Tông Đại Vương


© cfnt, Collège Français de Nha Trang