Đội banh Cô Le


 

Khoảng năm quatrième hoặc troisième, nhóm bạn chúng tôi quyết định thành lập một đội đá banh để học đòi ước mơ trở thành Pơ-Lê. Trường không có đội thể thao nên chúng tôi nghiễm nhiên trở thành đội banh “bán chính thức” College Francais mỗi khi đi đá banh với một nhóm nào khác. Tôi còn nhớ thành phần cơ hữu của đội gồm có Hoài Ân, Công Danh, Đức Trọng, tôi và vài bạn nữa mà tôi moi óc mãi vẫn không chắc là ai, hình như có Xuân Hội, Khoa ngân khố, Khôi mù, Quân ông địa, Vũ Hùng. Các bạn nào đọc bài này có nhớ ra được xin hãy chia xẻ với tôi để những thành viên này được… đi vào lịch sử có thêm tí cờ trống.


Hoài Ân ngày ấy rất gung ho, xông pha chạy bao sân từ gôn nhà tới gôn địch, miệng la hét um sùm, vừa ra lịnh, vừa chỉ trích, vừa chửi rủa tác giả của những đường banh hỏng. Tóc nó hớt thật ngắn hai bên mang tai và sau ót nhưng trên đỉnh đầu lại để dài nên khi chạy nhanh những sợi tóc đen dài bay lòng thòng xuống phần da trắng hếu phía dưới trông như tướng cướp tàu ngày xưa. Còn Công Danh thì phải nói nó là hình ảnh tiêu biểu của người hùng cô độc, dành banh chạy một mình, không tin tưởng vào sự hỗ trợ của bạn đồng đội, đôi lúc đột phá được thành lũy đối phương nhưng nhiều lúc mất banh dễ dàng một cách vô duyên, rồi lại hoa chân múa tay thanh minh thanh nga với lũ chúng tôi đang đồng thanh xỉa sói trách móc.


Các bạn ai cũng chắc đã đọc truyện Duyên Anh trong đó có nhân vật Bồn Lừa. Thằng bé này đá banh lừa rất giỏi nên được đặt cho biệt danh Bồn Lừa. Nguyễn Đức Trọng ngày ấy ký tên nguệch ngoạc đọc giống như chữ Bòng, nên bị chúng tôi kêu là thằng Bòng. Khi vào đá banh nó rất hay lừa - nhưng không phải lừa hay – nên chúng tôi kêu nó là Bòng Lừa. Trọng rất hãnh diện về cái nickname ấy cho đến ngày Hoài Ân sửa nó thành thằng Bồn Lửa. Ân giải thích rằng đấy là để phân biệt nó với thằng Bồn Lừa của Duyên Anh, nhưng Trọng rất cay cú vì nghĩ rằng thằng Ân có ý đồ mờ ám chơi chữ bậy bạ gì đây.


Về phần tôi thì bổn sinh lười chạy nên tôi chọn chân a-de (arrière) chỉ đứng phía sau để hậu vệ. Tôi nhớ lờ mờ cái cổng gôn của sân vận động thành phố nó rộng mênh mông mà thằng giữ gôn của chúng tôi thì bé xíu, rất tiếc không nhớ là ai. Bảo vệ cái thành lũy trống toàng đó là cả một kỳ công của siêu nhân. Tôi chẳng là siêu nhân nên biết bao lần bị thằng gôn chửi toáng lên trong khi phe địch cười ha hả vì vô cú banh ngọt sớt.


Chúng tôi có một đồng đội nữa, không nhớ tên gì, chuyên môn dành banh miệng thì hét tướng lên “để tao”. Chắc các bạn còn nhớ, giọng địa phương Nha Trang chữ “a” đọc như chữ “e”. Nha trang đọc là Nhe Treng. Tiếng hét ấy nghe thành là “đẻ teo”, và dĩ nhiên là cầu thủ đó luôn bị chúng tôi kêu là thằng đẻ teo.


Chúng tôi toàn đá banh ké sân người vì trường Collège chẳng có sân vận động. Có ba cái sân mà chúng tôi thường dùng là khoảng sân trống ở công viên đường biển đối diện Dòng Chúa Cứu Thế, sân banh trường Võ Tánh (gần nhà Khôi mù) và sân vận động thành phố Nha Trang (gần nhà Kiên). Sân công viên nhỏ xíu nhưng gần trường, chúng tôi thường ra đó tập dượt sau buổi học cho tiện. Gôn là hai cái cặp đặt dưới đất cách nhau khoảng bốn mét. Thằng gôn ăn gian khi không ai nhìn thì hay nhích cái cặp lại gần nhau một tí cho dễ bảo vệ khung thành. Thỉnh thoảng thiếu người, chúng tôi rủ cả những đứa con nít đứng xem phía ngoài vào đá chung cho xôm tụ. Chúng tôi chẳng có huấn luyện viên nào hướng dẫn, chỉ biết đá banh theo kinh nghiệm và lề luật quan sát được ở những trận đá bóng thật thụ. Bài bản chắp nối, chiến thuật gà mờ mà trọng tài cũng không có, chúng tôi cãi nhau inh ỏi thường xuyên. Trời nóng bức, mồ hôi nhễ nhại, bụi cát bay tung quyện vào những vầng trán, những gáy, cổ nhơm nhớp… Chúng tôi trông như một lũ con nít bụi đời bẩn thỉu, để cho mẹ nhìn thấy lúc ấy chắc các bà sẽ xỉu liền. Tuy thế, những trận banh ấy vui ơi là vui và mỗi tàn buổi chúng tôi hể hả ra về, lòng tự hào hôm nay mình tiến bộ, đá banh giỏi hơn ngày hôm qua.


Trường Võ Tánh gần trường Collège nên chúng tôi thỉnh thoảng chạy qua rình xem có sân trống thì vào chơi. Trường này có nhiều đội banh hẳn hòi có huấn luyện viên chỉ bảo đi thi cấp tỉnh nên sân banh ít có lúc nào trống. Chúng tôi đứng ngoài xem chúng nó đá phối hợp tiến lui rất vững vàng. Biết rằng tụi nó đá hay hơn mình rất nhiều nhưng thỉnh thoảng chúng tôi cũng lên tiếng chê bai, dè bỉu với giọng lưỡi của người có nhiều kinh nghiệm. Một hôm ghé vào sân chúng tôi thấy một nhóm học sinh Võ Tánh đang tập dợt. Sau một hồi quan sát thấy nhóm này có vẻ non nghề hơn những đội thường thấy, thằng Danh lân la lại làm quen và xin đấu. Thằng Võ Tánh cười toe hét lớn với các bạn:


- Ê, mình đá với tụi Cô Le tụi bay ơi!


Đội banh Cô Le chúng tôi dàn hàng ra trận, lòng hơi hoang mang vì đây là lần đầu tiên đụng trận với quân “chính qui”, không phải những thằng bé mặc xà lõn ngoài biển. Mấy thằng Võ Tánh lúc nãy tập sao coi dở ẹc mà bây giờ xuất sắc vô cùng. Chúng nó điều hợp tiến thoái, chủ động hoàn toàn trận đấu. Chúng tôi hoàn toàn trong thế phòng thủ từ đầu đến cuối. Tướng cướp Ân hồng hộc chạy lên chạy xuống tìm cách dành banh một cách vô vọng, những lọn tóc đen nhảy múa như đang đá một trận bóng riêng trên làn da đầu trắng. Bồn Lửa trổ hết tài năng lừa banh của mình mà vẫn không qua được hàng rào đối phương. Danh và thằng đẻ teo xẹt qua xẹt lại, rối loạn như con thoi, miệng la ơi ới. Tôi thì đầu tắt mặt tối ráng sức chận những tiền vệ vũ bão của đối phương, nhưng chúng nó hình như giỏi hơn cả thằng Bồn Lừa của Duyên Anh nên vượt qua hàng phòng thủ của tôi dễ dàng như quân Đức đánh vòng chiến lũy Maginot. Và dĩ nhiên là thằng gôn phe tôi mệt đứ đừ, sau một hồi nó hết cả sức chửi rủa chúng tôi. Trận ấy chúng tôi bị hạ 6-0, sáu, không, số dê rô, trứng ngỗng, hột vịt lộn, ốc rọt… Mấy thằng Võ Tánh hể hả thiết lập thành kiến về tài năng thấp kém của đội banh Cô Le. Chúng tôi vừa tức vừa mệt lủi thủi bại quân ra về trong chiều nắng tàn.


Sau khi thua trận quân Võ Tánh, chúng tôi ý thức được yếu điểm của phe nhà và cố gắng tập luyện với nhiều tinh thần đồng đội hơn. Từ từ đội Cô Le tiến bộ hơn được tí xíu, tiến quân cũng có thoảng mùi chiến thuật. Chúng tôi ra sân vận động thành phố để xem những đội bóng tròn thứ thiệt thi đấu. Chúng tôi chạy lên chạy xuống hai bên rìa sân để học tập kinh nghiệm. Rồi chúng tôi ngứa nghề, đem banh ra thực tập ngay bên lề trận đấu thực thụ, đôi lúc lấn cả vào rìa sân và bị la mắng:


- Mấy ông nội này, đi ra chỗ khác cho người ta đá banh!

- Ô kê, thì đi ra chỗ khác, nhưng mà tui cũng đang đá banh đây chứ bộ…


Đỉnh cao của đội banh Cô Le xảy ra vào một ngày đẹp trời ngoài sân thành phố. Chúng tôi làm quen với một nhóm trẻ cũng đang dợt banh và rủ nhau đấu giao hữu. Tụi nó học trường Kỹ Thuật. Bữa đó có hai thằng con nít lạ xin chơi cùng. Một thằng tình nguyện làm trọng tài, thằng kia nhập vào phe chúng tôi cho đủ người. Thằng trọng tài huơ tay long trọng tuyên bố đội Cô Le đấu với đội Kỹ Thuật. Chúng tôi mặt mày nghiêm trọng như đang chính thức đại diện hai trường để thì đấu. Đội Kỹ Thuật tài năng xấp xỉ cỡ chúng tôi nên trận đấu rất hào hứng, có tấn công và cũng có phòng thủ. Thằng con nít lạ phe chúng tôi đá rất hay. Nó ở trần trùng trục mặc xà lõn đỏ, lưng quần xắn lên cho ôm sát vào mông đít, đón banh và đưa rất chính xác, liên tục đánh thủng hàng ngũ địch. Các bạn Cô Le bữa ấy ai nấy cũng đều chơi hay hẳn lên. Ân, Danh và thằng xà lõn đỏ nhiều lần đá vào gôn địch trong khi chúng tôi rú lên vui mừng chân tay dãy dụa như người lên kinh phong. Kết cuộc trận đấu chúng tôi thắng 4-2. Cô Le bốn, Kỹ thuật hai. A ha, đỉnh cao của nghệ thuật đá bóng, đỉnh cao của trí tuệ loài người… Chúng tôi ra ăn mừng ở xe nước đá nhận ngoài đường, chiêu đãi luôn thằng xà lõn và thằng trọng tài, miệng lưỡi thằng nào cũng cười ha hả, xanh đỏ màu xi-rô trông đến phát khiếp.


Tôi không nhớ rõ những ngày cuối của đội banh Cô Le. Chúng tôi đã vui thú rất nhiều với những trận đá banh và tưởng rằng sẽ tiếp tục được mãi mãi. Nhưng rồi các bạn chúng tôi trở nên bận rộn với những chuyện gì gì khác, có thể là bận học thi, có thể là bận đi les premier bals hoặc đi tập tành cua gái. Đội banh Cô Le từ từ chìm vào quên lãng …


Đặng Ngọc Dũng


© cfnt, Collège Français de Nha Trang