Phương Ngữ Ninh Hòa



Sáng nay, ngày 8 tháng 9, nhằm ngày lễ Lao Động của Hoa Kỳ, được nghỉ, tôi vừa nhâm nhi nước trà buổi sáng vừa mở "I-meo" xem thư bạn bè. Rất ngạc nhiên, thấy cái thông báo lạ mà nghe chừng rất quen: "Ninh Hòa đót Com".


Ninh Hòa – Hòn Khói là quê nội tôi. Tuy tôi là kẻ lãng du, suốt gần năm mươi năm cuộc đời lang bạt, rất ít khi nằm nóng lưng chiếc chiếu ở quê nhà, nhưng mỗi khi có ai nhắc đến hai tiếng Ninh Hòa – Hòn Khói là lòng tôi lại chợt rung lên một nỗi xúc động bồi hồi như âm thanh của tiếng chuông chùa trầm ấm ngân nga.


Hai tiếng Ninh Hòa – Hòn Khói sao bỗng nghe thân thương quá chừng. 


Thân thương như cái tên Xóm Cồn của tôi vậy.


Vào trang nhà Ninh Hòa, tôi bắt gặp bài " Phương ngữ Ninh Hòa" của anh Nguyễn Văn Thành, tôi đã đọc liền một mạch 28 tiểu đoạn cho đến hàng cuối cùng của đoạn kết. 


Cám ơn anh Thành đã cho tôi sống lại một quãng đời thơ ấu, những kỷ niệm tuy thấp thoáng như những nét chấm phá trong bức tranh thủy mạc cuộc đời tôi. Nhưng những cái thấp thoáng đó đã là những dấu ấn sâu đậm trong tôi tự thuở bé thơ, đã một thời bị lãng quên, một thời bị chối bỏ, giờ chợt sống dậy mãnh liệt trong tôi.


Những con đường đất, những hàng rào trồng bằng cây duối, những vườn rau xanh um, những núi muối khổng lồ hai ven đường, ngôi lầu Ông Hoàng Thương Chánh đổ nát, điêu tàn v.v… vụt hiển hiện trong tôi.


Nhưng thương nhất, nhớ nhất vẫn là cái giọng nói quê mình. 


Ôi chao! Cái giọng nói sao mà quê mùa, thô lậu, chân chất quá đổi! Cái giọng nói nghe sao mà vừa kỳ dị lạ lùng, vừa trìu mến thân thương, vừa ôm trọn bên trong cả cái tình làng, nghĩa xóm, giếng nước, hàng cau, bóng dừa, hương khế,… Tất cả đều quyện chặt lấy nhau, quấn quít lấy nhau bởi những cái mắc xích " dị hửng… ăn rùi…thương em lắm lựng…"


Những dòng tôi viết này không có ý phê bình hay phân tích " Phương Ngữ Ninh Hòa" của anh Thành mà chỉ xin được đắm mình trong "dòng nước mát sông Dinh Phương ngữ Ninh Hòa" và bao nhiêu là kỷ niệm miên man của tôi trôi theo dòng nước ấy.


Thú thật, ngày xưa hồi còn bé tí, cái ngày còn mài đũng quần ở trường Tiểu Học, tôi đã có nhiều tự ti mặc cảm về cái xóm Cồn của tôi từ cái tên nó mang, đến cái giọng nó nói. Sao mà hủ lậu quê mùa quá chừng.


Cái giọng nói xóm Cồn tôi vừa thô cứng, ngọng nghịu, vừa pha tạp đủ bốn giọng Nam Ngãi Bình Phú, cứ ngang phè phè, chẳng một chút âm điệu du dương, nhẹ nhàng uyển chuyển.


Bạn bè đứa nào cũng chế diễu tôi: 

- Xuống Cồn coi lửa! Con ké uốp nước đé! (Con cá ướp nước đá) 

Bởi dân xóm Cồn tôi nói năng chả chớt, ngọng nghịu, không phát âm được âm “a”, âm “oe” tòe loe thành tà la, vần " r " cái rổ thành cái giổ v.v…  


Khi ra Ninh Hòa – Hòn Khói nghe các cô tôi, các em tôi nói "ăn cơm rồi" thành "ăn cuôm rùi", "vậy hả" thành "dị hửng", uống rượu thành " uống riệu" tôi càng phát rầu và buồn bã vô cùng. 


Suốt cả những năm Trung Học tôi càng bị ảnh hưởng mạnh mẻ và sâu đậm bởi hằng lô tiểu thuyết Tự lực Văn đoàn. Cách hành văn, các đối thoại trong truyện đọc sao mà hay ho, quí phái đến như thế. So với tiếng xóm tôi, quê tôi, không thể nào sánh kịp. Tôi cứ hình dung, một bên như là phượng hoàng bay lên tận trời xanh. Còn môt bên như là con gà, mà lại là gà què mới thảm hại nữa chớ, chỉ quanh quẩn cối xay một cách đáng thương.


Tôi yêu các nhân vật trong "Hồn bướm mơ tiên", trong "Gánh hàng hoa", trong "Đoạn tuyệt"… và nhiều nhiều nữa trong hầu hết các tác phẩm của Tự lực Văn đoàn thời bấy giờ . Cái thời của thập niên năm mươi. Cái thời lãng mạng của tiểu thuyết trữ tình Tố Tâm Hoàng ngọc Phách. Tôi yêu cái yêu của họ, tôi thích cái cách nói năng của họ sao mà quí phái, sang trọng đến thế.


Tôi mơ ước sau này sẽ có một người tình, một người yêu như thế. Người yêu tôi sẽ nói với tôi những lời yêu đương tha thiết, dịu dàng như:

- Vâng! Em yêu anh! Em yêu anh lắm cơ!


Tôi đã rất vô cùng dại khờ một thuở ở cái tuổi hai mươi hai, khi lặng lẽ chối bỏ mối tình nồng nàn của cô gái Ninh Hòa có cặp mắt lá răm, nước da bánh mật, chỉ vì nàng đã thật thà bộc bạch tấm lòng chân thật của cô với lời chân quê:

- Nói ra thiệt hổ ngư, chớ em thương anh lắm lựng!


Những năm sau đó, tôi đi học ở Qui Nhơn, Bình Định cũng bị cái mặc cảm của giọng nói địa phương “ Nẫu - dẫy na - dẫy đấy” mà tạ từ bao mối tình đắm say của các cô gái xứ Hàn Mặc Tử.


Tôi nhất quyết phải lấy cho được một cô vợ “Bắc kỳ nho nhỏ” để được nghe giọng oanh vàng thỏ thẻ đầy quí tộc cao sang: " Vâng thưa anh! Em yêu anh lắm cơ " của nàng.


Và tôi đã toại nguyện. 


Năm 1967 tôi đã cưới một cô Bắc kỳ làm vợ, sau hai năm thư qua từ lại, lãng mạn như tiểu thuyết thứ thiệt. Và tôi đã trả giá thật đắt cho cái lãng mạn ngu ngơ khờ dại của mình.


Năm 1976, nằm trong trại Cải Tạo Đá Bàn, tôi được tin người vợ “Bắc kỳ nho nhỏ” đã từng mười năm đầu ấp tay gối, đã ra đi, bỏ lại bốn con thơ.


Trong nhiều lý do để ra đi, tôi chắc cũng có lý do " gà và phượng " như tôi đã từng so sánh bên trên. Tôi chỉ là con gà xứ Nha Trang- Ninh Hòa quê mùa nói năng chả chớt thì làm sao sánh với dân Bắc, đất Thăng Long ngàn năm văn vật. 


Tôi đã quá dại dột khi không tự lượng sức mình, "con ếch muốn to bằng con bò” để rồi chê bai, ruồng bỏ giọng nói chân quê làng mình, xóm mình mà quên đi cái hồn, cái tình đậm đà, chân thật, nồng nàn trong đó, để vói xa hơn ngoài tầm tay cái bong bóng xà bông hạnh phúc thăm thẳm xa vời.


Dân Bình Tây Hòn Khói tôi hay nói: 


Gối rơm giữ phận gối rơm!

Có đâu dưới đất lại chồm lên cao!


Thật là đúng cho cái số kiếp ngày nay của tôi.


Bây giờ tôi ngồi viết mấy dòng này như một lời ăn năn sám hối muộn màng cho một lỗi lầm tuổi trẻ, một lời tạ tội với quê hương nói chung và đất quê nhà Ninh Hòa – Hòn Khói nói riêng.


Xin đất nước, ông bà, tổ tiên hãy niệm tình tha thứ cho đứa con bất hiếu này.


Và cũng xin cám ơn anh Nguyễn văn Thành môt lần nữa, đã cho tôi một phương thuốc Nam, làm toàn bằng những cây lá quê mình, tuy đơn giản nhưng rất công hiệu, giúp tôi chữa lành vết thương lòng từng làm tôi đau nhức suốt nửa đời người còn lại trên đất khách quê người.


Ghi chú:


... Xin gửi đến anh coi như chút tình lưu luyến quê nhà và đặc biệt cám ơn bài viết của anh đã bỏ nhiều công sức sưu tầm tài liệu dân gian.  Tôi tin rằng dù người ở Ninh Hòa lâu đời chưa chắc đã làm được.  Rất hoan nghênh việc làm của anh.


Thanh Ty


 


© cfnt, Collège Français de Nha Trang