Nha Trang trong mắt tôi



Tặng những người Nhatrang,


Tặng những người yêu Nhatrang


1. Mỗi chúng ta ai mà chẳng có một quê hương. Khi bỏ nước ra đi, chúng ta mang theo trong lòng một [những] khuôn mặt, một giọng nói, một màu áo, một tiếng rao quà … mà chúng ta không hề ngờ tới. Chỉ khi nào trái tim ta đau buốt vì thương cảm, hoặc nổ tung ra vì hạnh phúc ta mới chợt nhớ ra quê hương đang ở trong lòng ta. Cũng có khi quê hương sống dậy vì một chút nắng, hay một giọt mưa, một bãi cát [vàng] hay một con sóng biển, một mầu trời hay một tiếng nói mang âm hưởng của vùng quê ta, …lúc đó ta biết rằng không có chi ngăn nổi trí nhớ nóng bỏng của ta làm hiện ra những hình ảnh cũ. Bởi vì thật bất ngờ, đôi khi chỉ thoảng một "mùi hương" cũng đủ khơi dậy trong ta biết bao kỷ niệm quê hương.


Đối với tôi, thời tiết giá buốt những ngày cuối đông đầu xuân ở California gợi lại trong tôi biết bao điều về thành phố quê hương, nơi đã nhìn tôi lớn lên, đã thêu dệt trong tôi biết bao mộng ảo, đã đày đọa tôi tới chín tầng địa ngục. 


Nhatrang, đó là một thành phố của tình yêu và chia biệt, thành phố của những mối tình mùa hè, của những con sóng biển vô tình, những con dã tràng trên cát, những dấu chân bị nước cuốn đi không để lại một vết tích nào như thể trước đó nó không hề tồn tại …


2. Tôi là người có hai quê: cha tôi ở bên Thành, mẹ tôi ở N.H. Nhatrang nằm ở giữa. Đường đi lên Thành-Citadelle gần, nhưng đường từ Nhatrang đi N.H. xa hơn, cách nhau tới hai ngọn đèo, đèo Rù Rì và đèo Rọ Tượng. Mẹ tôi người Minh Hương. Và N.H. có thể nói là thị trấn của những người Minh Hương. Tính chất Minh Hương ấy hiện lên rất rõ trong những ngày lễ lạc. Cả một thị trấn chiếm một khúc ngắn trên quốc lộ Một và tỉnh lộ Hai Mươi Mốt này gặp ngày lễ lớn người ta thấy bay rợp trời những lá cờ Trung Hoa, họa hoằn lắm mới thấy một vài lá cờ Việt Nam. Và ngay cả những người dân sống trên con lộ chính này cũng là những người Hoa. Bà dì tôi đúng là một người Hoa, Hoa một trăm phần trăm, Hoa từ mái tóc ngắn kiểu "bôm bê" đến giọng nói, từ cách sống đến lối nghĩ, từ quần áo của bà mặc đến lối trang trí nhà cửa … Thế nhưng mẹ tôi, lạ thay không có chút mảy may Tàu. Trái lại bà có cái vẻ bề ngoài của một phụ nữ tây phương hơn là một người Á đông. Chỉ có y phục, cách ăn uống, cách dạy con, sự xuề xòa, giọng nói của bà là Việt Nam mà thôi. Bà giống một phụ nữ Việt nghèo khổ hơn là một người Hoa giàu có. [Những người Hoa trong thị trấn nhỏ này chỉ có người giàu chớ không có người nghèo].


Nhưng thời gian tôi ở với mẹ và cha tôi ít hơn là thời gian tôi ở với chú thiếm tôi ở thành phố Nhatrang. Và làng Quang Thạnh, quê của cha tôi, nơi tôi còn có những thân thích ruột thịt khác, những ông chú hiền lành, những ông bác khó tính, những bà cô khắc nghiệt, những người anh em họ hàng cùng lứa tuổi tôi gần gũi một cách nhạt nhẽo,... Tôi là một người khách lạ trong ngôi nhà trọ. 


Cô Tám tôi, tên Hương là một người đàn bà khắc nghiệt. Bà có một hàm răng rất trắng, rất nhỏ và rất khít. Bà không ăn trầu như những người phụ nữ cùng thời với bà. Cô có một ngôi nhà lớn năm gian, đầy những bàn ghế tủ trang thờ bằng gỗ cẩn xà cừ, sạch sẽ như lau như ly, với một vườn cây ăn trái rộng như một khu rừng. Bà có hai người con gái, nhưng mỗi lần gặp tôi bao giờ bà cũng bảo "mày có muốn về ở với cô không?". Tôi thưa với bà là tôi không hề muốn ở với bà, và tôi cũng chưa hề có ý định sống dưới một mái nhà với bà. Tại sao, tôi không biết. Mặc dù cô có hai người con, tôi có cảm tưởng như cô tôi không chồng, bởi vì tôi cũng không bao giờ nhìn thấy bóng ông Dượng tôi, và tôi cũng chẳng bao giờ nghe bà nói về ông Dượng của tôi. Tôi muốn biết tại sao nhưng không bao giờ dám hỏi. Cô tôi thường nói: "Tao muốn một đứa con trai cho nó ấm nhà ấm cửa. Mày có muốn làm con tao không?" Và tôi nhớ câu trả lời dứt khoát của tôi lúc đó là "Không!" "Tại sao?" Tôi không biết trả lời cô tại sao, nhưng tôi biết là tôi rất không thích cô. Hình ảnh của cô còn trong trí nhớ tôi đó là một phụ nữ nhỏ thó, ăn mặc rất sạch sẽ gọn gàng, da dẻ hồng hào và "ưa kiện tụng". Gần như suốt đời cô là một chuỗi tháng năm lên toà xuống huyện. Hai người con gái của cô, mà tôi gọi là em, là những đứa bé gái xinh đẹp dễ thương. Sau này lớn lên, đôi khi tình cờ gặp lại hai cô em tôi, hai thiếu nữ duyên dáng, lạnh lùng, nhìn tôi như nhìn một người xa lạ. 


Gần như cả ngôi làng đó chỉ gồm toàn những người trong dòng họ nhà tôi. Cái bánh xe nước trong phim "Chúng Tôi Muốn Sống" do Lê Quỳnh đóng với Mai Trâm và Thu Trang thuộc vùng đất nhà từ đường phía cha tôi. 


Tôi không ở với cha tôi, mà cũng không ở với mẹ tôi. Tôi xa gia đình từ nhỏ. Tôi ở nhà chú tôi vì cha tôi muốn tôi ở nhà quê, và vì mẹ tôi muốn tôi "phải đi học". Chú tôi làm việc ở toà tỉnh Nhatrang, lúc đầu nhà ở đường Hoàng Tử Cảnh, sau dọn về đường Yersin. Ông chỉ là một công chức thường, lương ba cọc ba đồng, còn thiếm tôi thì vì sức khoẻ kém, gần như chỉ suốt ngày quanh quẩn trong nhà lo cho đàn con. Vậy mà chú thiếm tôi phải nuôi thêm một miệng ăn ngoài một đàn con gần mười đứa, không một lời than vãn. Chú thiếm tôi rất thương tôi, những đứa em tôi, con của chú thiếm tôi, cũng tử tế với tôi như một người anh ruột. Nhưng tôi sớm nhận ra mình chỉ là một đứa bé lạc loài, một kẻ ăn nhờ ở đậu, một miệng ăn gây nhiều khó khăn cho một gia đình đông đúc. Và thế đó mà tôi lớn lên, lớn lên trong một đời sống tâm hồn khốn khổ, giữa một thành phố thơ mộng và đẹp đẽ là Nhatrang. Tôi không ở lâu trong một ngôi nhà nào. Mỗi nhà chứa tôi trong một thời gian ngắn. Tôi là đứa bé báo cơm, một cậu học trò thiếu sách vở, một thằng nhóc lẫn vào những đứa trẻ bụi đời... Ở lớp học ra, tôi không biết về đâu. Ngọn đèn buổi tối vàng om không chiếu sáng những trang chữ. Những bữa cơm nuốt trong vội vã, đôi đuã không biết thế nào là cá và thịt. Đêm luôn luôn dài hơn ngày. Bóng tối bao giờ cũng nhiều hơn ánh sáng. Mọi người cười cười nói nói với tôi, nhưng mỗi câu nói cho tôi biết tôi là gánh nặng của gia đình nơi tôi ở trọ. Ai cũng nói "con ở đây, cứ tự nhiên như nhà của con", nhưng người nghe đủ thông minh để nhận ra "con là gánh nặng mà ta không bỏ xuống được..." Những cuốn sách mượn của bạn, những tập vở xin của một thầy giáo, những cây bút nhặt được từ một đống rác... và.... Tôi hiểu vì sao tôi yêu những khóm dương trên biển hơn ngôi nhà, yêu bãi cát trên biển hơn chiếc giường tôi nằm chung với một đứa khác mỗi đêm...


3. Nhatrang, thành phố của biển xanh, và cát trắng, của rừng dương, rừng dừa, của Hòn Chồng, Cầu Đá, của cầu Hà Ra, Xóm Bống, của Tháp Bà, của Lương Sơn, Đồng Đế, ...Nhatrang, thành phố ấy bao giờ cũng dính chặt vào trí nhớ tôi.


Ngôi trường tiểu học là thiên đường của tuổi thơ, nơi đã cho tôi những tình bạn trong sáng mà giờ đây khi hồi tưởng lại tôi vẫn thấy ấm áp cả trái tim. Những Đoàn Lân, Lê Văn Quyền, Tôn Thất Lưu, Trần Lâm Cao, và Hà Thúc Nhơn, Duy Năng, Trần Ngọc Bích, Dương Hồng Ngọc, Trương Hồng Sơn, Nguyễn Đức Sơn, Huỳnh Tấn...những người bạn gái như Bích Ngô, Bích Hường, Hoàng Thị Ngọc Táo, Minh Nguyệt, ...những ông anh bà chị như Như Phú, Tuý Hoa, Dạ Khê, Nguyễn Hữu Trí, ...những đứa em Hoàng Bắc, Ngọc Trúc, Liên Châu, Chúc, ...và cả những người "yêu" Odette, Bạch Mai, Bích nếu tôi được phép gọi như thế. Những bạn ấy có người vẫn còn ở thành phố này nơi tôi đang sống, cũng có người đang ở những tiểu bang khác, những quốc gia khác…. Có người còn sống có người đã chết, nhưng dù đang có mặt tại đây nơi xứ lạ quê người, hay vẫn còn ở quê nhà bao giờ gặp lại hay nhắc đến cũng đều gợi lại trong tôi những tình cảm tốt đẹp, trong sáng, và thơ dại, như thể chỉ có trong những chuyện cổ tích hơn là ngoài đời.


Nhatrang, tên gọi đó với tôi không phải chỉ một thành phố, đó là một gia đình. Không phải gia đình được định nghĩa là một tổ ấm gồm cha mẹ con cái và anh em. Gia đình tôi trong những ngày cắp sách đến trường là những ngôi nhà luôn luôn thay đổi. Có khi là nhà bà Dì trên Xóm Mã Lạng; có khi là nhà bà Cô ở Rạch Rau Muống. Có khi là nhà ông Chú ở Hoàng Tử Cảnh. Nếu những bữa cơm gia đình tôi đói tình thương thì chính những giờ học làm tôi no nê kiến thức và tình cảm. Những ông thầy bà cô tôi là những khuôn mẫu đẹp đẽ không bao giờ phai trong trí nhớ tôi. Cả một thành phố Nhatrang là gia đình tôi. Lớp học, bãi biển, rừng dương, bầu trời, ngọn gió, tình bạn,…. Đó mới chính là gia đình tôi…


4. Nhatrang, thành phố đó đã dạy cho tôi bài học đầu tiên về lòng nhân ái. Ông chú bà thiếm tôi là những người nhân ái như thế. Những người con của chú thiếm tôi cũng là những người nhân ái như thế. Nhưng tôi giống như một con vật bị săn đuổi vì thiếu cha, thiếu mẹ, chui rúc vào những hang động của tuổi thơ. Bãi biển đẹp nhất trên thế giới là nơi tôi tìm đến những ngày trốn học. Núp dưới bóng những gốc cây dừa, nằm giữa lùm cây trong rừng dương, hay ẩn mình trong hốc đá Hòn Chồng, tôi khám phá ra đời sống là một chuỗi những hạnh phúc và đớn đau, hay những đớn đau-hạnh phúc. Tôi thấy sự cô đơn trong đám đông và thấy cả nỗi ấm áp tình người trong sự cô độc. Tôi không phải là học sinh giỏi. Tôi càng không phải là một học sinh thông minh. Tôi chỉ là một đứa bé thấy thích thứ gì thì cố mà đi tìm hiểu cho ra thứ đó. Thủa đó tôi không tìm ra chữ nào phù hợp với suy nghĩ của tôi, nhưng gần đây tôi giật mình đọc được tựa đề một cuốn truyện dịch từ tác phẩm của Colleen McCullogh, The Thorn Birds, mà tôi rất "thích": Tôi là một trong "Những con chim ẩn mình chờ chết".


Tôi vẫn còn nhớ những ông thầy bà cô của tôi, những người đầu tiên dạy tôi đọc chữ, những người dạy tôi cách hiểu nghĩa và nhắc đến Nhatrang là nhắc đến một thành phố với lòng biết ơn của những đứa con. Thầy Cung Giũ Nguyên dạy tôi lòng yêu văn chương, thầy Điểm hội hoạ dạy tôi lòng yêu mầu sắc, thầy Dưỡng dạy tôi thế nào là âm nhạc, ...Biển Nhatrang dạy tôi thế nào là vẻ đẹp và sự tàn bạo của thiên nhiên. Nó cũng dạy cho tôi sự nhỏ bé của con người trước sự vĩ đại của trời đất. Biển Nhatrang là một cuốn sách mà tôi sẽ đọc hoài trong suốt cuộc đời tôi. Đọc tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung tôi thích nhất là câu "ngoài trời còn có trời", tôi nhìn ra "ngoài biển còn có biển."


5. Tôi xa Nhatrang đã lâu. Lâu lắm. Tôi đã đi nhiều nơi, nhiều thành phố, nhiều nước. Tôi đã gặp gỡ nhiều người. Những người thông minh, khôn ngoan, đẹp đẽ, giàu có, sang trọng. Những người nghèo khó, vô gia cư, vô nghề nghiệp. Những người tha phương cầu thực. Tôi đã sống với họ, đã chia xẻ nỗi đau với họ. Tôi khám phá ra hình như tôi gần gũi hơn với những ngưòi cùng khổ. Tôi cũng là nạn nhân của bọn người hãnh tiến, bọn ăn xổi ở thì. Nhưng thật ra, họ giàu hay họ nghèo, họ có chức tước danh vọng hay họ chỉ là những người thường dân vô danh ...bao giờ tôi cũng yêu thương họ. Yêu thương những con người bị đọa đày và tội nghiệp cho sự hãnh tiến của những kẻ số đỏ. Yêu thương sự chân thật lòng nhân ái của người này, và tha thứ những dối trá lọc lừa của người kia. Yêu thương cả những người trưóc đây từng chà đạp lên nỗi đau khổ của tôi. Cũng như tôi đã từng yêu thương những lằn roi xé thịt của cha tôi nhiều lần giáng xuống thân thể run rẩy của tôi, yêu thương những giọt nước mắt của mẹ tôi từng khóc vì tôi làm mẹ khổ.


Chính thành phố Nhatrang với biển khơi mênh mông của nó, rừng dương xanh đầy gai góc của nó, ...đã trở lại với tôi. Nhatrang ở trong trái tim tôi. Nó nhắc tôi nhìn ra sự phù du và phù phiếm, nó chỉ cho tôi "ngoài trời có trời", "ngoài biển có biển". Chiều nay, tôi đi một mình đến Huntington Beach, một chút biển ở Cali để tìm ra một chút biển Nhatrang. Trên chiếc cầu bắc cao trên bờ cát một buổi tối tôi đã nhìn thấy biển đêm, nhìn thấy quê hương tôi mờ mịt. Tôi quên mất quá khứ, tôi không có tương lai. Và hiện tại? Tôi là "con chim ẩn mình chờ chết"...


Nguyễn Xuân Hoàng

California 1 tháng Ba, 1996


http://hoiquanphidung.com/showthread.php?1912-Nha-Trang-trong-m%E1%BA%AFt-t%C3%B4i-.


© cfnt, Collège Français de Nha Trang