Người lực sĩ Đỗ Khánh Du



Khoảng năm một ngàn chín trăn năm mươi, ai đã ở Nha Trang chắc còn nhớ một gánh xiệc Mãi Võ Sơn Đông, bán thuốc cao đơn hoàn tán, chuyên biểu diễn tại chợ Đầm.


Trước chợ Đầm là một quãng đất trống, rất rộng rãi và quang đãng. Đây là địa điểm hành nghề hằng ngày của gánh mãi võ. Sau lưng chợ là cái đầm rộng mênh mông, mặt nước loáng bạc từ chợ, sang tận khu Lò Heo, ăn thông ra tới cầu Hà Ra, sông Cái. Xuồng ba lá chở nông sản từ các miền quê xa xôi như Phú Lộc, Phú Nẫm, Phú Cốc, Thanh Minh, Đồng Trăng, Đồng Cộ, Tuy Phước... về nằm tại đầm, chờ đem hàng lên chợ, lềnh khênh như lá mùa thu trên mặt hồ.


Sau này chính quyền "Thiệu Kỳ" có dự án "tầm bậy, tầm bạ", lấp đầm, xây chung cư và chợ Tròn cho dân chúng có nơi cư ngụ và phát triển thương mại.


Dự án xây dựng gồm có bốn chung cư đặt tên là A, B, C, D bao quanh một cái chợ Tròn, diện tích to gấp bốn lần chợ vuông cũ. Công trình tiến hành gần năm năm, hình thành được hai phần ba, gồm một cái chợ đồ sộ, nguy nga và hai dãy chung cư A, B cao ba tầng. Mỗi chung cư có hơn cả ngàn đơn vị gia cư. Hai chung cư này nằm về phía phố. Hai dãy nữa sẽ nằm về phía bờ sông. Nhìn vào sơ đồ thiết kế, quang cảnh chợ Tròn rất khang trang và mỹ thuật. Nhưng chưa kịp tiếp tục xây hai dãy chung cư C và D thì "quân giải phóng" của "Bác" ào vô, cướp ngay hai dãy chung cư A, B để ở và đốt chợ Tròn, luôn cả chợ cũ, cháy suốt mấy ngày đêm không tắt, khói tỏa mịt mù. Nước mắt người dân Nha Trang chảy đầm đìa, không biết tại khói hay tại tiếc thương cho tài sản của mình bị cưỡng đoạt trắng trợn.


............


Chuyện chợ Đầm có nhiều tình tiết cười ra nước mắt sau ngày "giải phóng". Phải viết cả cuốn sách dày mấy trăm trang mới đủ được. Không phải chuyện ở đây.


... Tôi đang nhớ về gánh xiệc và người lực sĩ Đỗ Khánh Du, sinh ư nghệ, tử ư nghiệp, thần tượng của tôi một thời.


Năm ấy tôi còn đang mài đũng quần tại trường Nam Tiểu Học Nha Trang.


Tôi là một trong hằng trăm trẻ con đã mê mẫn gánh xiệc này, từ ngày này, qua tháng nọ và nhiều năm sau với những màn ảo thuật, những màn múa võ, những cảnh lộn người thăng bằng trên chồng ghế cao chênh vênh, những màn biểu diễn "gồng", dao chém không đứt tay, dáo đâm không thủng cổ...


Tiếng trống trường tan học thùng thùng dồn dập bao nhiêu là tim tôi cũng thùng thùng dồn dập bấy nhiêu. Ra khỏi lớp, ba chân bốn cẳng, tôi hối hả bương ra chợ Đầm cho kịp xem những màn chót trước khi gánh xiệc dẹp đồ lề, thu dọn mọi thứ, chấm dứt buổi quảng cáo ban sáng.


Tôi ít khi được xem trọn vẹn một chương trình cho mãn nhãn. Lúc thì vài màn bắt đầu, lúc thì khúc giữa, khi thì đoạn chót. Tôi còn phải phụ với má tôi trong công việc buôn bán. Má tôi có một cái quán nhỏ trong xóm, bán đủ thứ hằm bà lằng từ mắm, muối cho tới thuốc rê, giấy quyến, rượu trắng "công xi", nhang đèn cúng bái... Buổi trưa còn bán đồ ăn cho "rổi" từ miệt Thành, Phú Lộc, Thanh Minh, Đồng Trăng, Đồng Cọ đi xe ngựa xuống làng tôi mua cá tươi, ghe mành mới từ biển về. Xe ngựa chạy lóc cóc, cà rịch, cà tang, lắc lư bốn, năm tiếng đồng hồ, từ nhà quê xuống tận xóm tôi, làm mấy bà đói dữ. Cái món rẽ tiền là bánh tráng nướng "kiềng ngựa" (yên ngựa) nhúng nước, chấm với nước mắm ớt, năm cắc một cái, bán chạy như tôm tươi. Mỗi ngày tôi phải ngồi chàng hảng trước lò lửa nóng phừng phừng, nướng cho má tôi từ một trăm đến một trăm hai mươi cái bánh tráng "kiềng ngựa" trước khi ôm cặp chạy thục mạng đến trường cho kịp giờ vào lớp. Những lần chạy như vậy tôi thường bị đau nhói hai bên hông. Má tôi nói tại mới ăn cơm xong, con chạy, nên bị xốc hông. Bà bày tôi bẻ một cành lá, giắt vô lưng quần là khỏi bị đau. Không biết có phải là môn thuốc không, hay là mẹo trị bệnh, nhưng tôi cũng y lời má bày, làm thử, quả nhiên cảm thấy ít bị "xốc hông" hơn trước. Mấy bà "rổi" thích bánh tráng nướng "kiềng ngựa" của tôi lắm. Ai cũng khen tôi con trai mà giỏi. Mấy bà ngồi chờ tôi nướng xong cái nào là dành lấy cái nấy.


- "Ui! Cái thằng nhỏ này nướng cái bánh giống như cái kiềng ngựa quá chừng!"


- "Nè! mấy bà coi nè! Nướng vàng đều không có chỗ nào bị cháy nữa mới giỏi chớ!"


- "Ờ! Thẳng (thằng đó) nướng trăm cái như một".


Tôi nghe mấy bà khen ngợi, khoái cái lỗ nhĩ quá chừng, càng ra sức trổ tài. Tay trái cầm cái bánh tráng gạo dầy, vừa phơi nắng xong, tay phải cầm chiếc đũa cái, căng cái vành bánh trên lò lữa cho bánh to ra và phồng lên những cái bong bóng to gần cái trứng gà. Lật qua, lật lại nhiều lần cái bánh trên lò lữa, với chiếc đũa tôi khéo léo biến chiếc bánh giống như hình cái yên ngựa xinh xắn.


Bánh vừa nướng xong, nhúng nước một mặt, bẻ ra từng miếng bằng bàn tay, chấm nước mắm chanh ớt, mấy bà nhai rôm rốp, dòn rụm trong miệng, vừa hít hà vừa chảy nước mắt một cách khoái trá. Hôm nào nghỉ học, tôi còn phụ má tôi cuốn chả ram nữa.


Chả ram Nha-Trang cuốn đơn giản, chỉ có bánh tráng mỏng, tròn bằng cái dĩa bàn, cắt thành ba miếng hình tam giác, cuốn với giá sống hoặc cà rốt, đôi khi là trái su, được xắt thành sợi như chiếc đũa, thêm một con tôm nhỏ bằng ngón tay út đặt dài theo cuốn chả. Khi chiên vàng, con tôm đỏ ửng bên trong cuốn chả, trông rất ngon mắt. Khác với chả giò miền Bắc, cuốn bằng thịt heo băm trộn thêm nấm mèo, bún tàu... Cuốn chả to bằng cườm tay trẻ con. Ăn chừng vài cuốn là no mệt xỉu.


Những cuốn chả ram tôi cuốn, nhỏ bằng ngón tay cái, dài một ngón tay, nằm sắp lớp trền cái tràn tre, đều như đúc từ một cái khuôn ra. Má tôi ngồi bên cạnh, vừa múc cháo lòng cho khách, vừa chiên chả. Những cuốn chả dần dần vàng rọm trong chảo. Bà vớt ra, xếp hàng dựng đứng trên một miếng lưới, một phía chảo, cho dầu chảy bớt xuống. Mấy bà "rổi" nhón một cuốn, bỏ vào miệng, nhai đánh rốp một cái, cuốn chả đã tan ra, chui tọt vào cổ họng. Cái âm thanh dòn tan trong miệng nghe chắc nịch, ngon lành.


Nhưng tôi đã quen quá rồi với những công việc ấy, âm thanh ấy. Tôi không có thì giờ để ý đến nó nữa. Tôi vội vội, vàng vàng làm cho xong bổn phận được mẹ nhờ rồi vù một cái ra chợ Đầm, để coi hát xiệc buổi chiều.


Buổi sáng, gánh hát xiệc bắt đầu từ mười giờ. Buổi chiều, khoảng ba giờ, khi bóng mấy cây bàng ở bờ đầm ngã xê xế thì gánh bắt đầu bày hàng ra.


Khán giả trung thành và thường trực chiếu cố có mặt trước hết là bọn nhóc chúng tôi có cả mấy chục đứa. Có khi lên cả trăm. Chúng tôi tự động quây thành vòng tròn, ngồi chò hỏ, há hốc miệng theo dõi công việc của gánh xiệc từ lúc bắt đầu cho đến màn chót buổi diễn.


Tôi thuộc lòng tất cả những gì gánh có và những gì gánh làm. Màn nào trước, màn nào sau, tôi đoán trúng phong phóc. Mấy thằng nhóc ngồi gần tôi, trố mắt nhìn tôi một cách thán phục.


Đồ nghề gánh gồm có bốn thùng gỗ to. Hai cái đựng các dụng cụ biểu diễn ảo thuật. Hai cái chứa đủ thứ thuốc cao đơn. Có thứ chứa bằng hộp giấy. Có thứ chứa bằng chai lọ. Một bó đao, thương, kiếm, kích. Mỗi thứ khí giới có cột theo một chùm vải đỏ làm tua. Có cái cột ở đầu như ngọn dáo, ngọn thương. Có cái cột ở chuôi như đại đao, trường kiếm. Một chùm tám cái ghế dựa vuông bằng gỗ, để lát nữa được lần lượt chồng lên nhau, cao ngất. Người biểu diễn sẽ lộn đầu đi lên từng cái, bằng hai cánh tay, hai chân chỉa thẳng lên trời.


Một chiếc xe đạp ba bánh nhỏ xíu, dành cho hai con khỉ làm trò. Một con tên là "Hai Giang Hồ". Con kia là "Ba Lưu Lạc".


Cuối cùng là một bàn gỗ hình chữ nhật dài bằng hai cái bàn thầy giáo. Trên đó bày các món hàng gớm ghiếc để quảng cáo cho sự công hiệu của thuốc sắp đem ra bán. Các món đó gồm ba cái lọ thủy tinh đựng lổn nhổn những con lãi (giun, sán) ngâm trong rượu. Có con to và dài bằng chiếc đũa. Có con dài giống như giây sên xe đạp. Mỗi lần nhìn vào đó là tôi buồn nôn, muốn lộn mữa.


Mấy cái lọ nhỏ hơn đựng vô số răng nanh, răng cửa, răng hàm, có cái hai chưn, có cái ba chưn, bốn chưn, đã bị nhổ hồi nào không biết, khô queo, khô khốc, bạc màu.


Bên cạnh các lọ đó là các loại thuốc cao đơn, hoàn tán, mỗi món để một cái tượng trưng, sắp được rao bán.


Phần trợ lực náo nhiệt, xôm tụ cho buổi biểu diễn không thể thiếu được là dàn trống, chiêng và phèn la. Tiếng trống dồn dập, tiếng chiêng, tiếng phèn la thúc dục, phụ họa quyện vào nhau như có ma lực hớp hồn mọi người, từ đứa trẻ con đến người già lão.


Lùng tùng xà! Lùng tùng xèng! Lùng tùng tùng! Cà rùng tùng tùng! Lùng tùng tùng! Cà rùng tùng tùng! Xèng, xèng, xèng! Xà, xà, xà!...


Có bấy nhiêu âm thanh đó thôi mà ai vô cuộc rồi cũng đều mê mẫn, dứt chân đi không được. Rồi thế nào cũng móc hầu bao ra, không chai dầu cù là "Mắc Xu" cũng gói thuốc xổ lãi hiệu Nhành Mai...


Tôi mê mãi kể ba cái đồ lỉnh kỉnh của gánh xiệc mà sắp sửa lạc đề, suýt nữa quên mất nhân vật chính trong truyện này là lực sĩ Đỗ khánh Du, ông bầu của gánh.


Nhân sự của gánh gồm năm người. Hai chú bé lớn hơn tụi tôi cở vài tuổi, chuyên đánh trống, gõ chiêng và phèn la. Hai người con gái trạc mười lăm, mười sáu, tóc cột thành hai trái đào, múa võ, múa kiếm, hay hơn đào kép hát bội rạp Thạnh Xương nhiều, kiêm thêm phần bán thuốc. Chót hết là Đỗ Khánh Du, ông bầu gánh, trụ cột, thầu hầu hết các màn biểu diễn từ đầu tới cuối.


Lực sĩ Đỗ Khánh Du trạc chừng hai mươi lăm tuổi, người thấp đậm, da ngăm đen. Khuôn mặt vuông, ngũ quan đều đặn. Cặp mắt rất sáng. Hàm răng đều nhưng hơi vàng xỉn do hút thuốc điếu quá nhiều. Ông vận chiếc quần chùng bằng lãnh đen, thắt giây lưng lụa đỏ, to bản, buông dài chấm gối. Chân đi giầy vải. Mình ở trần. Lồng ngực nở nang. Bụng thon, nổi vồng lên sáu cơ bắp hình vuông, thiệt đẹp. Những bắp thịt vai, lưng, bụng và hai cánh tay chắc nùi nụi. Khi ông lên "gồng" những cơ bắp nổi lên cuồn cuộn, thấy rõ từng bắp một. Những tấm hình chụp ông đang lấy gân biểu diễn trong các tư thế đứng, quì, nhìn thẳng, nhìn nghiêng, lồng trong khung kính to bằng tờ "cờ rô ky" khổ lớn, đẹp không thua gì hình của lực sĩ Nguyễn Công Án, đoạt giải vô địch thẩm mỹ, in trong tạp chí "Thế Giới Tự Do" sau này. Dưới mỗi tấm hình đều có ghi hàng chữ "Lực sĩ Đỗ khánh Du". Tôi đọc những hàng chữ đó không biết bao nhiêu lần rồi mà vẫn cứ thích nhìn và thích đọc hoài, mỗi lần đi xem xiệc.


Buổi biểu diễn bắt đầu. Bài bản y như mọi lần. Ông Du vòng hai tay trước mặt, quay mình xá xá bốn bên để chào bà con, đang bắt đầu đông dần, đứng lố nhố sau lưng đám con nít ngồi chồm hỗm. Và cũng là hiệu lệnh cho cái đám phèn la, đang ra sức gõ ầm ĩ, náo nhiệt, im tiếng. Ông bắt đầu:


- "Kính thưa bà con cô bác, nam phụ lão ấu!"


(Lùng tùng xà! Đám phèn la phụ họa chấm câu, cầm nhịp).


- "Hôm nay đoàn Sơn Đông Mãi Võ chúng tôi vâng lệnh sư phụ từ bên Tàu sang đây".


(Lùng tùng xà!)


- "Đem thuốc gia truyền, công hiệu như thần".


(Lùng tùng xà!)


- "Trị đặng bá chứng, giúp bà con cô bác tiêu trừ bệnh tật... "


(Lùng tùng xà!)


.......


Cứ mỗi câu ngắn thì lại lùng tùng xà, lùng tùng xèng, bọn nhóc chúng tôi sốt ruột, trông cho cái màn thưa quí ông, quí bà mau chấm dứt để được xem ảo thuật và biểu diễn "gồng".


Cuối cùng sự nóng ruột mong chờ cũng tới. Ông hắng giọng:


- "Để bắt đầu, tôi xin mạn phép, kêu hai con khỉ làm trò cho bà con coi, cười chơi".


Ông quay sang hai con khỉ con đang khọt khẹt với nhau trong lồng, ra lệnh:


- "Này! Thằng Hai Lưu Lạc! Con Ba Giang Hồ! Hãy ra làm trò cho bà con, cô bác coi đi! Làm cho giỏi nghe chưa! Bà con khen thì trưa nay được cho ăn thịt bò bít tết!"


Hình như nghe được tiếng người, anh Hai Giang Hồ cùng chị Ba Lưu Lạc đã mặc sẵn quần áo màu đỏ, phóc ra khỏi lồng đã được mở cửa, chụp hai cái nón làm bằng thiếc cũng sơn đỏ, trên chóp có ngù bằng len màu đen, đội lên đầu, lẹ làng thót lên chiếc xe đạp ba bánh. Anh Hai Giang Hồ đạp tía lia hai cái chưn, chị Ba Lưu Lạc đứng đàng sau, tựa vào lưng anh Hai, hai tay cầm cái phèn la nhỏ xíu, giơ lên khỏi đầu, cũng đánh phèn, phèn, lia lịa, ngó thiệt thắc cười. Chiếc xe chạy xiên xẹo theo vòng tròn làm đám nhỏ tụi tôi phải thụt lần ra sau, sợ nó đụng phải.


Ác cái, được đà nó càng lấn ra xa hơn theo lời khuyến khích của ông bầu:


- "Các em nhỏ ngồi đâu thì ngồi ở đó. Đừng có chen lấn vô trong mà bị thằng Hai Giang Hồ, con Ba Lưu Lạc nó cắn cu đó. Tui không bảo đảm đâu.


Bọn nhóc tụi tôi vừa thụt lùi khi chiếc xe ba bánh sắp lại gần, vừa đưa hai tay bụm háng, sợ nó thình lình nhảy xuống cắn.


Hóa ra chỉ là màn dọa phủ đầu để nới rộng vòng đai. Bọn con nít chúng tôi không biết tự lúc nào, đã lấn dần vào trong mà không hay.


Sau màn đi xe đạp là màn ảo thuật, sai Ông Tướng Thầy Ba đi lấy kẹo phân phát cho trẻ con. Bọn chúng tôi khoái màn này vì lát nữa có kẹo ăn. Nói thế chứ lần nào cũng y lần nấy. Chúng tôi chờ dài cả cổ. Ông bầu Du cứ mê mãi quảng cáo hết dầu cù là tới thuốc nhức răng, sang qua sán lãi... Ông cứ say sưa:


- "Trong khi chờ đợi Ông Tướng Thầy Ba đi lấy kẹo, chúng tôi xin giới thiệu cùng bà con, cô bác chai dầu cù là hiệu "Mắc Xu". Bà con ai đau bụng, nhức đầu, chóng mặt, ói mữa, xức vô một chút là khỏi ngay. Đau bụng thì xoa lỗ rún; nhức đầu thì xoa màng tang; ói mữa thì xoa trong lưỡi. Nửa đêm nửa hôm, trái gió trở trời, bà con nên trữ trong nhà chai dầu cù là hiệu "Mắc Xu" của chúng tôi là an tâm, vững bụng.


Ông Tướng Thầy Ba đi lấy kẹo lâu lắm nên, trong khi chờ đợi, ông bầu Du cứ quảng cáo hoài về công hiệu của chai dầu cù là. Cứ mỗi câu, năm, sáu chữ lại lùng tùng xà.


- "Ai mà chồng bỏ chồng chê! Xức vô một chút chồng mê tới già! Mại dô! Mại dô!! Mua một, tặng một!


- "A! Bà Năm bên này lấy một ve! Bác Bảy bên kia mua hai ve!"


- "Ơ kìa! Ông Tám đứng đằng sau mua một lố! Cô Hai áo đỏ có má lúm đồng tiền mua thêm một ve nữa! Đem tới cho mau!"


- "Mại dô! Mại dô! Ai nhanh tay thì còn, ai chậm tay cũng... còn!"


Bọn nhỏ tụi tôi theo dõi ông Hai, bà Ba, bác Tám, chị Năm... theo ngón tay chỉ của ông vào đám đông, nhưng đâu có thấy ai, cũng phì cười với cái câu ai chậm tay cũng còn. Hồi lâu không còn ai giơ tay mua nữa, ông bầu mới sực nhớ tới việc sai ông Tướng Thầy Ba đi lấy kẹo. Ông lấy một ống tròn bằng thiếc, cở bằng cái hộp đựng banh "ten nít", hai đầu có nắp đậy, tháo hai nắp ra, dùng một cái que khua bên trong chứng tỏ cho khán giả thấy hoàn toàn trống rỗng. Xong ông cắt một mớ giấy ngũ sắc bỏ vào và đậy nắp lại. Ông trùm lên đó một miếng vải điều. Ông lại lấy ra ở một túi vải, một hình nhơn bằng vải đen, gọi nó là Ông Tướng Thầy Ba. Ông cầm cái quạt giấy rách te tua, tên là Quạt Ba Tiêu, ông giới thiệu là của Bà La Sát từ đời ông Tam Tạng đi Tây Trúc thỉnh kinh tặng cho, ông gõ lên đầu hình nhơn ba cái, ra lịnh đi lấy kẹo. Hình nhơn thưa dạ, vâng lời bằng tiếng ót ét, the thé nghe như rin rít trong cổ họng. Mấy ông già đứng sau lưng tôi xầm xì:


- "Tướng Thầy Ba cái con khỉ! Thằng chả nói trong họng đó chớ gì!"


Nhưng bọn tôi cứ nhất định tin có ông Tướng Thầy Ba vì lần nào cũng có kẹo ăn thiệt mà. Ngặt cái, ông Tướng này cũng chậm chạp, lười biếng, không sốt sắng trong công việc lắm. Ông bầu phải bán thêm một mớ thuốc nữa mới chịu đem kẹo về. Rốt cuộc, ông Du "úm ba la bát nhị đồ hồng" ba lần, giở miếng vải điều, mở nắp ống thiếc, trút ra cái dĩa nhôm một lô kẹo bòn bon đủ màu xanh, trắng, đỏ, vàng. Viên nào viên nấy tròn và to bằng... hột đậu phộng. Ông sai cô gái nãy giờ đứng phụ họa quảng cáo, chuyên nói theo mấy tiếng sau cùng của ông, đem phân phát cho lũ trẻ chúng tôi. Chúng tôi tranh nhau đưa tay hốt. Nhưng ông hăm he:


- "Từ từ rồi em nào cũng có!"


Cô gái phụ họa:


- "Em nào cũng có!"


(Lùng tùng xà.)


- "Đừng la ó, em có em không!"


- "Em có em không!"


(Lùng tùng xà.)


- "Em nào lấy nhiều, ông Tướng Thầy Ba phạt đau bụng, ỉa ra giấy!"


- "Ỉa ra giấy!"


(Lùng tùng xà! Lùng tùng xà! Lùng tùng tùng! Lùng tùng tùng. Phèn! phèng! phèng!)


Thế là bọn chúng tôi sợ co vòi. Mỗi thằng chỉ dám lấy có một viên để ngậm.


Tiếp theo là ảo thuật. Cây Quạt Ba Tiêu rách te tua làm năm sáu mãnh. Thế mà ông xoè ra xếp vào, nó lành lặn y như mới. Rồi lại xoè ra, rách te tua như cũ. Cái khăn mù xoa ông lau mồ hôi, xếp qua, xếp lại thành con chuột có đủ cả đầu đuôi và hai tai vểnh, chạy lên, chạy xuống cánh tay ông, mồm kêu chít chít. Ba cục vải, nhỏ, vuông vuông, cở ngón tay cái, được ba cái ly thiếc úp lại, tráo qua, tráo lại một hồi, khi giở ra chúng biến mất đi đâu rồi. Tới màn ngậm lửa trong miệng, phun phù phù mà miệng không bị bỏng rộp mới tài tình. Ngoạn mục nhất là màn biểu diễn của hai cô gái có mái tóc cột trái đào. Cả hai đều mặc áo chẽn lụa xanh, màu lá chuối non, thắt lưng lụa màu xanh lục, buông chùng dài hơn đầu gối, quần màu hồng hoa đào bằng sa tanh, mang giầy vải đỏ, trên mỗi chiếc có đính một đóa hoa màu hồng lợt, cùng nhau múa võ. Một cô múa song kiếm. Một cô múa đơn đao. Hai cô vừa múa, vừa vờn nhau. Những ánh thép của đao, kiếm, loang loáng dưới nắng trưa, những thắc lưng tung bay theo thân hình uyển chuyển, lúc bên này, lúc bên kia, thật vô cùng đẹp mắt. Tôi cứ tưởng tượng ra những tiên nữ đang múa khúc Nghê Thường trêu ngươi Trư bát Giới trong truyện Tây Du Ký. Khán giả vỗ tay rần rần. Đám con nít khoái chí hò la inh ỏi.


Nhưng những màn đặc sắc và khích động nhất vẫn là những màn biểu diễn "gồng" của lực sĩ Đỗ khánh Du. Gồng là vận công, dồn nội lực lên các bắp thịt khiến thân thể rắn chắc như kim cương, nói theo kiểu tiểu thuyết chưởng của Kim Dung thời đại bây giờ.


Trước tiên là màn trói mình bằng dây thép (Người Nam gọi là dây chì). Mấy khoanh dây thép ràng rịt thân hình ông như bó giò. Theo tiếng trống, chiêng, phèn la, gõ lên rôm rả trợ lực, ông nín thở, từ từ lấy gồng. Thân hình ông bỗng chốc đỏ ửng, mặt ông cũng đỏ ửng. Đám khán giả xung quanh cũng nín thở theo ông. Thình lình, ông hét lên một tiếng. Những vòng dây thép đứt rời ra từng đoạn, rơi xuống đất theo những tiếng bực, bực. Những vết lằn còn in rõ trên da thịt. Bà con vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt. Tiếp theo là màn nằm ngữa, đặt đá tảng to như cối xây bột lên ngực, dùng búa tạ để đập. Đá bể mà ngực không hề hấn gì.


Hồi hộp nhứt là màn dùng dáo nhọn đâm vào cổ họng. Ông rùn thấp người, đứng tấn, hai tay chống nạnh hai bên hông để lấy gồng. Cô gái áo xanh lấy ngọn giáo sáng quắc, nhọn hoắc, đặt vào cổ họng ông rồi vận sức đâm vào, hồi lâu, đến nỗi thân giáo làm bằng mây, to bằng cườm tay trẻ con, cong vòng lại mà cổ ông không trầy trụa chút nào. Thiên hạ lại vỗ tay tán thưởng rần rần. Sau mỗi màn biểu diễn, ông lấy chai rượu thuốc nhãn hiệu "Đại Bổ Đả Trật", uống một ngụm, rồi đổ ra tay một ít, xoa khắp người. Dĩ nhiên rồi ông sẽ quảng cáo nhờ thuốc này, trong uống, ngoài thoa, người ta sẽ mạnh như thần, như quí ông quí bà đã thấy. Cứ mỗi màn biểu diễn xong, chúng tôi phải dài cổ hơn nửa tiếng đồng hồ, chờ bán thuốc với những lời quảng cáo có văn, có vần. Điểm câu, cầm canh là những tiếng "lùng tùng xà" rất nhịp nhàng, ăn khớp. Lúc này người mua như bị ma lực, đua nhau gọi mua ơi ới. Ba ngươì vừa bán, vừa thâu tiền không kịp, kèm theo những tiếng cám ơn nồng nhiệt.


- "Cám ơn bác Bảy đã mua hai chai!"


- "Cám ơn thím Ba mua rồi, còn mua thêm một cặp nữa cho chú Ba ở nhà dùng!"


Nhưng sau lưng chúng tôi cũng có tiếng xầm xì:


- "Cái đồ quảng cáo nói láo ăn tiền! Bán thuốc giả mạo!"


- "Đúng! Đúng! Ai mà dại, mua nó là tiền mất tật mang!"


- "Mấy cái chai nó uống là thiệt. Khi nó bán, nó đưa đồ giả cho mình đó!"


Cũng có người cải lại:


- "Bộ chú không thấy tận mắt anh ta làm cho coi sao? Nếu không nhờ thuốc rượu đó thì anh ta đã bể ngực, lũng cổ rồi!"


- "Xí! Nó có bùa Năm Ông tu luyện ở núi Tà Lơn ở bên Miên đó! Bữa nào chơi trát, lấy chút cứt gà sáp, lén bôi vào ngọn dáo, bùa hết linh là nó lủng họng chết toi ngay!"


Người này có vẻ rành sáu câu, biết nhiều, hiểu rộng về chuyện gạt gẫm của đám Mãi Võ Sơn Đông. Lần nào tôi đi coi cũng thấy ông ở đó rồi. Nhưng vái trời, đừng ai có ác tâm, bôi cứt gà lên mũi dáo mà hại Đỗ Khánh Du, thần tượng của tôi.


May mắn thay, suốt nhiều năm sau, lực sĩ thần tượng của tôi, người tôi hết lòng hâm mộ và yêu mến, vẫn bình an, vô sự và diễn ngon lành, mỗi sáng, mỗi chiều.


Ba tôi không tin chút nào vào ba cái thứ bá láp, bá xàm như cách nói của ông. Nhưng má tôi thì có chút tin tưởng vào lời quảng cáo. Bà cũng lén mua mấy gói thuốc Nhành Mai để xổ lãi trong cái bụng ỏng của tôi. Không biết nhờ thuốc xổ lãi xin ở Nhà Thương Thí, hay thuốc Nhành Mai mãi võ, hay cả hai, mà lần nào đi cầu trên sông, nhìn xuống, tôi cũng thấy mấy con lãi to bằng chiếc đũa ngo ngoe dưới nước.


Mấy ông sồn sồn xóm tôi cũng "thỉnh" mỗi người vài chai để dành... nhậu. Mỗi buổi chiều mành vô, "nậu" bán hết cá cho "rổi", chia tiền cho "bạn" xong, là mấy ông đó tới quán má tôi, ngồi quay tròn, bệt xuống sân cát trắng, kêu hai xị đế "công xi", trộn chung với một chai "Bá Bổ Đả Trật". Rồi nhờ má tôi lùi mấy miếng nóc khô iểu iểu vô tro nóng, đem ra đập dập dập. Đoạn, mỗi người "lì một lam" (Làm một ly), xé một miếng khô nóc, nhai tóp tép, uống ực một cái trót, cạn ly. Chùi mép, khà một tiếng: "Quá đã". Tiếp tục "lì hai lam", "lì ba lam" (Làm ba ly)... Cứ thế cho đến lúc ríu lưỡi lè nhè:


- "Mẹ cha nó! Cái thứ Bá Bổ này không biết thiệt hay giả, nhưng uống "dô" thiệt đã quá chừng. Không bổ bề ngang cũng bổ sang bề dọc! Tui nói "dị" (vậy) có đúng không mấy ông?"


- "Phải! Thằng Chín mày nói phải! Nó còn bổ ngữa, bổ sấp nữa đó mầy! Nè! "Lì thêm một lam" nữa "rồi dìa"! Con "dợ" mày đang chờ mày ở nhà đó!"


- "Nè anh Chín! Lúc "dô" cửa, nhớ đưa cái đít "dô" trước nghe!"


- "Ý! Cái thằng này mày muốn "chín hấu, mại hơi" là tao sợ "dợ" hả? Còn lâu à mầy! Tao mà "dô" chừng hai xị rồi, Thiên Lôi tao cũng hổng sợ nữa là con chằng tinh ở nhà!"


... Mấy năm sau tôi lên Trung Học, tôi không còn thì giờ để đi xem xiệc nữa.


Ở Tiểu Học, tôi học rất dốt. Tôi biết Ba, Má tôi buồn phiền trong bụng nhưng không nói ra. Thời gian đó tôi dành trọn thì giờ rảnh và nhiều khi còn trốn học cho những lần đi hái trộm xoài, trộm ổi, mãng cầu ở Xóm Cây Bàng. Đi phiêu lưu, bạt mạng ở những bãi cát hoang tận dưới Cầu Đá, Chụt. Trốn vô ga xe lửa, leo lên những toa tàu, ngồi trên đó lấy làm khoái chí, khi đầu máy xụt xịt, chạy tới, chạy lui ráp toa này vào toa khác. Và nhất là ngồi chò hõ ở gánh xiệc của ông Đỗ Khánh Du, giờ nọ, sang giờ kia không biết mỏi.


Tôi hối hận biết bao khi thi rớt Đệ Thất, không được vào học trường công Võ Tánh. Ba Má tôi phải chạy tiền hằng tháng mướt mồ hôi, đóng tiền học cho tôi học trường tư. Tôi theo học trường Tư Thục Tương Lai. Trường nằm trên đường Công Quán, sát cạnh rạp xi nê Minh Châu, do Thầy Thái Văn Châu, con của nữ sĩ Tương Phố, làm hiệu trưởng. Sau này trường dời ra quốc lộ I, tọa lạc đối diện với nhà máy nước đá Tuyết Mai, đổi tên thành trường Văn Hóa. Tôi mày mò mua mấy quyển "Muốn giỏi toán Hình học... " "Muốn giỏi Đại số... " Số học... " Quĩ tích... " và cả cuốn "Tự rèn luyện ý chí" trong tủ sách của ông Nguyễn Hiến Lê, về nhà nghiền ngẫm, học lại từ đầu.


Những năm đó, ngày, đêm, tôi quyết tâm học hành.


... Khi tôi đậu Tú Tài, ra học Sư Phạm ở Qui Nhơn hai năm, tôi quên bẵng thần tượng thời thơ ấu của tôi. Lần gặp ông trở lại, kỳ nghỉ hè năm sáu mươi ba, tính ra hơn tám năm, gánh xiệc của ông đã giải tán, không còn nữa. Bây giờ ông đi bán thuốc một mình bằng chiếc xe đạp "đòn dông".


Đàng sau cái "bọt ba ga" cột một cái thùng cạc tông, của hãng sữa đặc có đường hiệu "Con Chim", vẽ hình hai con chim đang ở trong tổ mớm mỏ nhau, để đựng các món thuốc gia truyền. Ông bán dạo trong xóm tôi và các xóm khác, khắp thị xã Nha Trang. Vẫn là mấy chai dầu cù là "Mắc Xu", thuốc nhức răng, sâu răng, thuốc dán con rắn, thuốc xổ lãi... nhưng ông không còn biểu diễn gồng và võ thuật nữa. Ông chỉ làm trò ảo thuật, lanh tay lẹ mắt, với ông Tướng Thầy Ba, con chuột bằng chiếc khăn tay có đủ cả đầu đuôi. Chiếc Quạt Ba Tiêu, bây giờ nó cũng cũ nát lắm rồi...


Thay thế chỗ tôi năm xưa, bây giờ là lũ trẻ con trong xóm, lưng trần, bụng ỏng, da cháy nắng đen bóng, tóc vàng hoe. Chúng bu quanh chiếc xe đạp trố mắt, há hốc miệng ra coi ông làm trò.


... Năm bảy mươi, tôi trở về Nha Trang sau một thời gian dài đi làm ăn xa, tôi lại gặp ông. Nhưng lần này ông đã già và tiều tụy lắm. Tóc ông bạc xỉn, dài tới gáy. Chụp trên đó là chiếc mũ nỉ cũ kỹ. Thời ông trai trẻ, nó hãy còn mới, với những lông tơ lóng lánh dưới ánh nắng. Khi ông đội nó trên đầu, cái vành phía sau cong lên, phía trước cong xuống lưng chừng trán, trông ông giống một nhà thám tử trong truyện trinh thám của "Se Lốc Hôm". Nhưng trong trí tưởng tượng của tôi, ông lại là hình ảnh anh chàng Dũng, người đi trong mưa gió, trong truyện "Đoạn Tuyệt" của Nhất Linh. Bây giờ nó trụi xác xơ, đàng trước chóp có cả lổ thủng bằng hai ngón tay đút vào. Mặt ông hốc hác. Hai má lõm sâu. Da ông đã ngăm đen bây giờ càng sạm thêm. Môi ông cũng thâm sịt. Có người nói tại ông hút và ghiền thuốc phiện mới ra nông nổi. Thật thế không? Lực sĩ như ông mà cũng hút thuốc phiện sao?


Cũng vẫn chiếc xe "đòn dông" cũ, nay càng thêm bệ rạc. Hai cái bánh xe trơ trọi, không còn cặp dè. Ghi đông trụi lũi, không có thắng, không có chuông. Hai bàn đạp không còn "pê đan", chỉ thò ra hai que sắt, mòn nhẵn, nhọn hoắc. Thùng cạc tông chắc ông đã thay mấy lần mưa nắng? Sao trông nó cũng tồi tàn quá. Bốn bên cạnh không đứng thẳng mà muốn ngã ụp vào bên trong. Bây giờ ông chỉ còn rao bán ở hai bến xe Ninh Hòa và Xóm Mới. Bằng một giọng khàn đục, không đủ hơi, ông rao phều phào, tiếng rõ, tiếng không:


- "Bà con, cô bác đi đường xa, chóng mặt, nhức đầu, đau bụng nên mua ngay chai dầu Nhị Thiên Đường hiệu ông Phật để dành, lỡ khi mưa nắng bất thường".


- "Mấy bà sanh con nhiều, yếu trong người, hay ho, hay cảm, mua ngay chai dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín để phòng hờ!"


Lần này làm bạn với dầu cù là Mắc Xu còn có thêm Nhị Thiên Đường, Song Thập và dầu gió Bác sĩ Tín.


Nghe nói ông ở trong một con hẽm sau chùa Nghĩa Phương, sống một mình, không vợ con, họ hàng thân thuộc.


... Năm chín mốt, tôi đang chuẩn bị giấy tờ xuất cảnh nên thường đi vào Sài Gòn. Mỗi lần ngồi xe đò liên tỉnh Nguyễn Hoàng, tôi lại thấy ông rà rà bên thành xe, cất giọng khàn khàn mời khách. Tôi nhìn ông mà ái ngại cho ông. Tôi chưa bao giờ mua dùm ông một món gì. Tôi bị ảnh hưởng của Ba tôi. Cái câu "đồ quảng cáo, nói láo ăn tiền" nó ám ảnh rất mạnh trong tôi, mỗi khi tôi định thò tay lấy tiền mua ủng hộ ông một chai Nhị Thiên Đường, hay một hộp cù là.


Có lúc, ông quá yếu không còn hơi sức nữa để rao. Ông đứng dưới, ngước cổ, run run giơ những chai dầu lên cao, trong những ngón tay gầy quắt queo, ám khói vàng ệch. Ai mua thì lấy dầu, trả tiền. Ông đi hết xe này tới xe kia với dáng gầy gò, thất thểu. Chiếc xe đạp nhiều lúc muốn lôi ông ngã.


Bộ đồ ông mặc đã quá cũ. Nó mòn nhẵn những sớ vải và sờn hết những đường viền từ lai áo đến ống quần. Đôi giầy "đơ cu lơ" ông mang, mòn vẹt gót, một chiếc đã há miệng. Không còn biết nó là màu nâu, đen hay trắng nữa. Nhưng tất cả đều gọn gàng. Áo vẫn bỏ trong quần, thắt dây nịt da, giờ đã cuốn tròn hai bên mép. Trông ông tiều tụy mà vẫn chững chạc. Cái phong thái của người lực sĩ năm xưa vẫn còn phãng phất trong ông.


... Tôi xa quê nhà cuối năm đó, tính đến nay, đã mười ba năm hơn. Không biết bây giờ ông còn không? Hay đã ra người thiên cổ! Nhiều lúc, nắng sớm, mưa chiều, chạnh lòng về xứ sở, tôi lại nhớ đến ông, người lực sĩ Đỗ Khánh Du, thần tượng của tuổi ấu thơ tôi. Một nỗi nhớ nhẹ nhàng, da diết, buồn buồn cứ đeo đẳng bên tôi.


Hồi tưởng lại một thời vàng son của những gánh Mãi Võ Sơn Đông, giang hồ rày đây, mai đó, đi bán thuốc gia truyền của những ông thầy Tàu nào đó, xa tít tắp mù khơi, nào ai biết được ở đâu, có thật hay không, món thuốc nào cũng "công hiệu như thần" giúp người đời "tiêu trừ bá bệnh". Dù giả hay chơn, bức tranh sống động đó, cũng là một kho tàng kỷ niệm một thời của tôi và cũng có thể cả một thế hệ sinh vào thập niên bốn mươi, khó ai quên được.


Đó là một kho tàng vô giá. Nó đã bị đào thải và lãng quên theo dòng thời gian vô tình nhưng khắc nghiệt.


Đời con tôi, cháu tôi và mãi những thế hệ về sau sẽ không bao giờ biết và có được những hình ảnh rất quê hương, rất dân tộc, rất đại chúng, đã một thời oanh oanh, liệt liệt. Những hình ảnh ấy đã in sâu vào tâm khảm người dân miền Nam, từ thôn quê đến thị thành hơn nửa thế kỷ.

........


Nguyễn Thanh Ty

Quincy, đầu thu năm 2003



© cfnt, Collège Français de Nha Trang