Biển Nha Trang trong truyện cổ tích



Bạn đã quá ngất ngư mệt mỏi với chén cơm, manh áo hèn mọn hằng ngày rồi. Bạn muốn cho lòng mình thanh thản, nhẹ nhàng đôi chút, được phóng tầm mắt ra xa tận chân trời thênh thang bát ngát, không bị vướng ngăn bởi những tòa nhà cao ngất nơi thành phố chật chội. Bạn muốn hít thở không khí trong lành của gió đại dương từ ngoài khơi thổi về. Bạn muốn nghe tiếng sóng thì thầm nhè nhẹ bên tai thay cho những tiếng động ầm ầm ngày đêm đinh tai nhức óc. Hay tạm quên đi những phiền não rắc rối cuộc đời, những mưu mẹo lọc lừa nhau trong vòng danh lợi cong cong...


Vậy bạn hãy nằm dài lên cát, vòng hai tay gối đầu, thả hồn mình thư giãn, mắt lim dim nhìn mây trắng lững lờ bay trên bầu trời xanh lơ... rồi tôi sẽ kể cho bạn nghe...


Ngày xửa, ngày xưa có một...


Phải rồi, hồi xưa có hai chàng trai tên là Lưu Thần và Nguyễn Triệu thích phiêu lãng giang hồ, rày đây mai đó cho thỏa chí bình sinh, nên một ngày kia lạc vào chốn Đào Nguyên, có động Thiên Thai, có bầy tiên nữ suốt ngày ca múa, dâng rượu, đánh đàn... phục vụ hai chàng hết ý. Hai chàng bèn quên đường về ...


Chuyện kể đến thế là hết. Người nghe chuyện xưa, nay cứ thắc mắc:


- "Không biết cái chốn Đào Nguyên, cái động Thiên Thai của hai ông Lưu, Nguyễn nó đẹp cở nào? Phong cảnh nó mỹ tú ra làm sao mà đến nỗi quên hết lối về? Chẳng thấy ai mô tả vài dòng cho tường tận".


Cách nói vẫn là lối mòn ước lệ như tả Thúy Vân đoan trang, thùy mị thì mặt phải tròn như mặt trăng. Tả Từ Hải dọc ngang một cõi thì phải "râu hùm, hàm én, mày ngài" mới đúng điệu con chuồn chuồn.


Bởi vậy để tránh cho bạn khỏi thắc mắc như trên, tôi muốn tả cái bãi biển Nha-Trang của xứ tôi cho các bạn thấy cái vẻ đẹp quyến rũ của nó như thế nào, nhưng ngại ngòi bút mình không phô diễn được hết. Lại càng ngại ngùng hơn khi chợt nhớ câu "mèo khen mèo dài đuôi" nên đành phải mượn lời người khác xứ để dẫn dắt bạn đi xem phong cảnh hữu tình.


Tôi lại kể ...


Hồi xửa, hồi xưa có một chàng thi sĩ họ Quách ở tận một nơi rất xa. Ở đó có thành Đồ Bàn, có Tháp Đôi của xứ Chiêm Thành và nhiều danh lam thắng cảnh khác rất hùng vĩ. Nhưng chàng cũng chưa vừa ý. Chàng còn muốn tìm một nơi phong cảnh vừa xinh đẹp vừa hữu tình. Chàng đã khăn gói lên đường, vượt đèo Cù Mông, vượt luôn đèo Cả, đến một xứ hiền hòa có tên là Khánh-Hòa, chỗ nào cũng thơm ngát mùi trầm. Chàng bèn dừng chân lại đây, cất một căn nhà ngay cạnh bờ đầm để ở. Trước nhà chàng trồng một gốc mận đào làm cảnh. Đến mùa, hoa mận nở hồng cả cây, và cho những chùm mận đỏ rực, xum xuê quằn nhánh.


Chàng đã mê say mãnh đất này và quên mất đường về quê cũ.


Ở đó ngày ngày chàng làm thơ, viết sách.


Chàng viết cuốn "Xứ trầm hương" để ca ngợi quê tôi. Và cuốn "Bước lãng du" trong đó kể lại những nơi chốn mà gót chân chàng đã đi qua, có tả cảnh bờ biển Nha-Trang mà tôi sắp mượn lời tác giả để thay mình kể hầu các bạn.


Chàng tả cảnh đẹp biển Nha Trang:


... "Bãi biển vừa rộng vừa dài. Hình giống một lưỡi liềm bằng bạc, cán trở ra xóm Cồn, mũi day xuống Chụt, và lưỡi được sóng biển mài dũa sáng trưng".


Cát vừa trắng vừa mịn như đường cát trắng Đồng Xuân ở Phú Yên. Rờ vào nghe mát rượi. Cho nên có bài hát rằng:


Bãi biển Nha Trang: mịn màng trắng trẻo,

Nước trong leo lẻo, gió mát trăng thanh.

Đêm đêm thờ thẫn một mình

Đố sao cho khỏi vướng tình nước mây.


Tự bản thân, bãi biển trông đã đa tình quyến rũ, huống hồ còn được nhiều cảnh vật bên ngoài điểm xuyết thêm. Những khóm dừa xanh đứng ngay hàng làm tàn che nắng ban trưa, che sương ban tối... Những bồn hoa tư mùa xanh tốt, những biệt thự có vườn tược bao quanh, những vườn dương liễu linh động nhưng yên lành, chạy dọc theo con đường Duy Tân ven biển. Những cảnh nhân tạo trong thiên nhiên: Ở phía Đông Nam, ngọn Cảnh Long với những lâu đài ẩn hiện trong cây đá, những ngọn núi ở tận ngoài xa xôi nhưng trông như gần gũi, trùm bóng lên dãy núi Cù Lao thâm thấp ở phía Đông Bắc và lác đác nơi sườn màu ngói đỏ mà vách trắng của dãy nhà dòng "Phan Xi Cô" (Francico), nhà dòng La San. Và ngay trước mặt phía Đông, những hòn lao xanh, dựa vào lưng trời xanh, man mác bát ngát..., làm cho bãi cát có duyên càng thêm duyên, đã có sắc càng thêm sắc giá trị gia tăng bội phần.


.......


Và giá trị của bãi biển Nha trang, vẻ đẹp của bãi biển Nha Trang mỗi lúc mỗi khác.


Buổi sáng bao nhiêu ánh ngọc ngà châu báu nơi thủy cung đều hiện lên mặt sóng, trông lộng lẫy huy hoàng. Và những cảnh vật chung quanh, nhờ ảnh hưởng, cũng trở nên huy hoàng lộng lẫy.


Buổi trưa, biển trở thành một tấm sa tanh thêu kim tuyến căng phơi. Nhà cửa cây cối núi non là những người đứng canh cửa.


Buổi chiều, tất cả biển trời cây đá đều trở thành gấm vóc mà bên ngoài trùm một tấm màn bạch sa mỏng và sưa.


Còn bãi biển là một tố nữ thần nằm im lìm ngắm cảnh giàu sang của trời tặng.


Ban đêm, cát hòa với nước, không còn phân biệt ngã với nhân. Và ánh đèn câu ngoài khơi lại làm giàu thêm cho cảnh.


Nếu trời có trăng thì trước mặt là một tấm nhung trắng kết hoàng bào, một nửa trải dưới nền một nửa phất trên trần (như) trong một đền thờ của người Ấn.


........


Ngoài cảnh đẹp thiên hình vạn trạng của thiên nhiên, bãi biển Nha trang còn có gió mát.


Bãi biển nào lại không có gió mát?


Đúng vậy. Nhưng gió Nha Trang có một khí mát đặc biệt, một khí mát dịu dịu, êm êm..., một khí mát "trung hòa" của ngà voi, của đá cẩm thạch, khác với khí mát của Vũng Tàu, của Qui Nhơn, của Sầm Sơn, của Hạ Long,... nơi nào cũng có phần quá khích, hoặc nhiều hoặc ít, chứ không mấy nơi "theo đúng thuyết trung hoà của Đông Phương".


Thú vị nhất là gió buổi trưa mùa Hạ.


Nằm dưới bóng soan nở đỏ, hoặc dưới bóng dừa buông xanh, nhìn ra biển khơi, du khách có cảm giác như đương nằm dưới gốc cây đa, cây sanh, ở thôn quê nhìn ra đồng lúa mới chín tới, bên trên vàng ánh, bên dưới xanh um, và ngọn gió nồm thổi qua, sóng chao vàng xanh lẫn lộn.


Trong không khí mát lại dường như có chất bổ. Người đương mệt mỏi, ra ngồi nơi bãi biển trong giây lát thì tâm thần liền thấy dễ chịu ngay. Cho nên người ở bốn phương thường lấy Nha-Trang làm nơi dưỡng bệnh.


Nhưng phong cảnh ấy, phong thú ấy, là quang cảnh phong phú ngày xưa, ngày mà "(vùng) trời đất (chưa) nổi cơn gió bụi". Chớ hiện nay, những bồn hoa không còn tốt tươi, những rừng dương đã bị đốn trụi. Và trên bãi biển mấy chục quán " ba" đã chiếm hết những "yếu điểm", đã làm thương tổn vẻ đẹp thiên nhiên bằng những kiến trúc phản nghệ thuật, đã làm ô uế cát trắng nước trong bằng những đồ thừa thải, đồ cặn bã của thứ ăn chơi.


Bãi biển Nha-Trang hiện thời thật chẳng khác một cô xuân nữ bị cưỡng bách vào thanh lâu mà những quán ẩm thực kia là những mụt phong tình mọc trên tấm thân ngà ngọc.


(Trích: "Bước lãng du" của Quách Tấn từ trang 474 đến 478. Viết năm 1965. Tái bản lần thứ (?) năm 1996 do Nhà Xuất Bản Trẻ ấn hành).


Đó! Các bạn đã thấy chưa! Cái ông thi sĩ nhà họ Quách đã vì cái nét đẹp quyến rũ hữu tình của quê tôi mà phải dừng bước lãng du, nhận nơi này làm quê hương, không chịu trở về chốn cũ. Ông đã vì yêu mến mà hết lời ca ngợi. Mà cũng vì đắm say mà tỏ nỗi bất bình khi "người ta" đã làm thương tổn, ô uế vẻ đẹp thiên nhiên.


Nhưng thưa các bạn, dầu có yêu mến ca ngợi cách mấy đi nữa ông thi sĩ họ Quách này cũng chỉ là khách, là người cưỡi ngựa xem hoa, thấy cảnh đẹp mà tức cảnh sinh tình, dùng ngòi bút tài hoa của mình vẽ nên những dòng châu ngọc, chứ chưa hẵn đã là người từng lăn trên cát, vùi trong sóng, vẫy vùng, lặn hụp, đừa giỡn với ba đào trong những ngày biển động hay những thú vui trên bãi trong những đêm rằm, trăng sáng vằng vặc, mãnh trăng tròn cứ đứng mãi ở đỉnh đầu...


Bạn phải là người sinh ra từ biển, tắm nước biển và lớn lên từ biển như người làng Cồn tôi, thì mới cảm hết được cái đẹp, cái mỹ miều của cảnh trí trong tình yêu quê hương chan chứa, nồng nàn, thấm đậm. Nghĩa là bạn phải là một đứa trẻ từ thuở sáu, bảy tuổi, tắm tồng ngồng trên biển cho đến khi biết mắc cỡ phải mặc thêm cái quần đùi, rồi đến giai đoạn chấp tay sau đít đi dọc theo bờ cát, sóng chạ liếm chân, mắt ngắm nhìn những tố nữ nằm phơi nắng, những "toà nhiên nhiên dầy dầy đúc sẵn" hàng hàng trên bãi cát trắng. Có như thế cái cảnh, cái tình nó mới thẩm thấu trong từng tế bào, trong từng mạch máu mà khi đi xa rồi bạn mới thấy nhớ nhung quay quắt, nhớ đến thắt ruột, bào gan.


Cái thuở thanh bình ba trăm năm cũ ...


Không, không cần phải ba trăm năm làm gì cho xa lắc xa lơ...


Chỉ cần khoảng thời gian tôi vừa lên tới Trung Học, trường Tương Lai ở Sinh Trung, sáng nào đi học, đi ngang nhà thi sĩ họ Quách, thấy ông đứng trong vòng tường bán nguyệt, trước cửa nhà, tay cầm tách trà Tàu mắt nhìn đăm đăm ra bờ Đầm long lanh ánh nước, bên này bờ, đậu san sát từng dãy dài những bè mò o, phía bên kia bờ, xóm Lò Heo, xuồng ba lá cũng chen nhau như lá tre rụng trên mặt Đầm, cũng đã là xưa lắm rồi.


Nghĩa là đã hơn một nửa thế kỷ.


Hầu như cư dân ở Nha-Trang mặc nhiên coi biển là sở hữu của mình, tuy rằng nó là nơi công cộng. Nó là của chung của thành phố. Nó chẳng riêng ai. Nhưng thực tế, "mình với ta tuy hai mà một, ta với mình tuy một mà hai". Bởi "kho trời chung mà vô tận của mình riêng".


Biển Nha Trang suốt ngày đều rộn ràng đón khách. Khách trong nhà và khách viễn du. Nhưng hai "xuất" đông đảo rộn rịp nhất là từ tờ mờ sáng đến chín giờ. Và từ ba giờ chiều đến tận khuya.


Ba con đường chính nối liền đường Độc Lập và Phan Bội Châu dẫn ra biển lúc nào cũng nườm nượp dòng người thong thả vừa đi vừa nói chuyện râm ran.


Kể từ đầu phố Độc Lập - Ga Xe lửa là đường Gia Long thẳng ro một mạch tới nhà hàng "Gờ răng Ô ten" bốn tầng đồ sộ.


Giữa phố từ ngã sáu, rẽ ra một nhánh là đường Yersin, cong qua lượn lại một chập đụng Ty Hỏa Xa và Ty Công Chánh nằm kề nhau. Bên kia đường là nhà hàng "Bô Ri Va".


Và cuối phố là con đường Lê Lợi, bỏ chợ Đầm náo nhiệt chạy ra tới Ty Bưu Điện đã nghe tiếng sóng rì rào.


Người dân địa phương thường thường đi bộ từ nhà ra, dù ở Phường Củi, Xóm Mới, hay Mã Vòng là nơi xa nhất. Còn dân phố thì khỏi nói. Nhà với biển chỉ vói cánh tay.


Mới năm giờ sáng, trời đất còn mờ mờ chưa "giao ban", từng đoàn người đã lũ lượt kéo nhau đi tắm biển. Một năm tắm biển hết chín tháng. Trẻ con và thanh niên chỉ mỗi một quần đùi. Thỉnh thoảng vài ngươì trên tay cầm kính lặn và độc để đâm cá đâm cua.


Người lớn tuổi thì thêm cái áo thun. Đàn bà con gái thì cũng quần đùi, quần phồng (loại quần đùi có giây thun bó ống), bên trên thêm cái áo cánh hay áo bà ba là xong.


Mấy cô nữ sinh tân thời hay dân du lịch từ Sài Gòn, từ các tỉnh miền Nam ra thì mới có "banh xô lây" đầy màu sắc và kiểu cọ phô trương những đường cong, nét lượn của tấm thân ngà ngọc đầy hấp dẫn.


Mỗi nhóm hay mỗi người đều có một nơi tắm nhất định. Không biết là do thói quen hay do lý do nào, hôm nay bạn thấy họ đánh vũ cầu ở đó, tắm ở đó, một tháng sau cam đoan rằng, bạn cũng vẫn thấy họ chơi và tắm ở đó. Nhất định không đổi chỗ. Tôi đã bảo bạn rằng ai cũng coi biển là của mình riêng mà!


Từ sáng đến chiều nước biển luôn luôn trong vắt và thay đổi nhiệt độ theo ý người.


Thật là hoang đường! Làm sao mà nhiệt độ nước biển chiều theo ý người được? Vô lý quá đi thôi!


Đấy tôi đã bảo mà! Nếu bạn không phải là người con sinh ra từ biển... thì làm sao biết được.


Chắc hẵn bạn nghĩ rằng mới sáng sớm, nhào xuống biển nước sẽ lạnh lắm! Nếu được âm ấm một chút thì thích biết mấy! Bạn đang ao ước? Được thôi! Bạn nhảy ào xuống nước một cách mạnh dạn coi!


Rõ ràng là nước ấm chứ không phải âm ấm như bạn ước đâu nhé! Thế là bạn thích quá đi thôi. Tha hồ mà vùng vẫy, bơi lội, nô đùa thỏa thích.


Mặt nước phẳng như gương, không một gợn sóng.


Mặt trời ló lên khỏi mặt nước, đỏ rực rồi chói lòa, chiếu ánh nắng xuống làn da của bạn, bạn lại cảm thấy nóng rực, xót xót ở lưng.


Chà! Phải nhúng mình xuống nước một cái cho mát cái lưng đã! Nói là làm. Ùm một cái! Quả nhiên nước mát theo ý bạn thật! Bạn lại kêu lên:


- "Đã quá! Mát quá!"


Những ai biết bơi lặn thì bơi ra xa chừng vài chục thước, ở đó có kính lặn bạn sẽ thấy từng đàn mực con, từng đàn cá suốt hết chạy lên lại chạy xuống, theo đùa với bạn. Bạn đưa tay chạm vào, chúng tan ra như pháo bông, tích tắc, chúng tụ lại ngay, thật là vui và thú vị. Còn nhìn dưới đáy nước, bạn sẽ thấy rất nhiều những con ghẹ con, to chừng hai ngón tay, màu vàng nâu, trên lưng có ba chấm nâu đỏ, bò ngang, bò dọc kiếm mồi. Những con lớn bằng bàn tay hoặc những con ghẹ "nhàn" màu xanh lơ, to bằng bàn tay xoè đã bị những tay lặn tí hon xỏ xâu bằng cây độc mất rồi. Thêm những con cá lưỡi trâu chạy lũi trong cát, ẩn mình một cách khôn ngoan dưới lớp bùn mỏng cũng bị những tay "nhà nghề" tí hon tém trọn. Chín giờ, trên đường về nhà, cậu nào cũng hãnh diện khoe ra hằng xâu dài cá, cua. Đôi khi được cả những chú mực nang to tổ chảng.


Bãi biển đông nghịt người. Chỗ này chơi cầu lông (vũ cầu) chỗ kia chuyền banh. Đám choai choai chơi "sút" banh vô "gôn". Chúng vun đất thành hai ụ, giả làm gôn. Một đứa làm thủ môn, đám kia thay nhau sút. Đứa nào cũng xưng là "Rạng". Rạng là tên cầu thủ "số một" thời xưa.


Sát bờ nước, đám con nít năm, bảy tuổi cùng mẹ hay bà ngoại đang chơi trò xây lâu đài bằng cát ướt hay xây thành đắp lũy. Tiếng cười trẻ thơ vang lên khoái chí mỗi khi đang đắp lại bắt được con còng nhỏ trắng tinh trong cát.


Dưới nước, người lớn bơi sãi, bơi ếch, bơi ngữa, bơi sấp đủ kiểu để vận động cơ thể. Trẻ con thì bơi chó. Nhỏ hơn chưa biết bơi thì chun vào các phao cao su đủ hình dạng con thiên nga, con vịt, con thỏ... tha hồ mà quẫy đạp. Vừa nghịch nước vừa cười nắc nẻ như bắp rang.


Mặt trời lên cao, biển bắt đầu có sóng lăn tăn, tiếng lao xao, rộn ràng, í a, í ới, nói cười, la hét ồn ã lắng dần rồi im hẵn.


Mọi người dần dần kéo nhau ra về. Ngoài xa xa còn sót lại vài tay thợ lặn tí hon cố nán lại thêm chút nữa, hy vọng được thêm chú mực, chú cua nào chăng!


Bãi biển trở nên vắng lặng. Lác đác chỉ còn vài người ngoại quốc nằm phơi nắng. Cả thân hình đỏ như tôm luộc.


... Ba giờ chiều.


Du khách mới đến Nha-Trang lần đầu sẽ rất ngạc nhiên nghĩ rằng dân bản xứ chắc giầu có lắm. Mới ba giờ chiều mà ai nấy đều nghỉ việc, lũ lượt kéo nhau ra biển hóng gió. Coi bộ nhàn nhã quá!


Quả đúng như thế. Khi bóng mấy cây bàng dọc theo bờ biển vừa ngã xuống bờ cát là đã thấy người là người ùn ùn từ ba ngã thành phố kéo nhau ra biển. Họ tay xách nách mang nào là chiếu, là đồ ăn, thức uống, lỉnh ca, lỉnh kỉnh như một cuộc đi cắm trại. Cả gia đình bầu đoàn thê tử, lớn bé, già trẻ có khi cả chục người.


Càng về xế chiều, bãi càng đông nghẹt. Đến tối thì không còn chỗ chen chân cho bọn trẻ chạy nhảy nô đùa. Không khéo thì dẫm đạp phải mấy người già đang nằm thiu thiu cùng gió mát.


Lúc còn sớm, trẻ con chơi diều. Trên bầu trời trong xanh, gió nồm từ biển thổi vào, nâng những cánh diều giấy đủ màu sắc chao đi, liệng lại thật vui mắt. Vô số diều là diều. Diều con bướm, diều con chim, diều con rồng... do Ba Tàu làm bán, màu sắc rực rỡ. Chen giữa đám diều quí tộc còn có nhiều con diều hình bán nguyệt đơn giản làm bằng giấy nhựt trình của con nhà nghèo bình dân cũng bay phấp phới không kém phần sống động.


Người lớn nằm, ngồi đọc sách. Một vài bàn cờ tướng cũng được bày ra.


Có người nằm vắt chân chữ ngũ nghe nhạc từ chiếc "ra-đi-ô" phát ra.


Trời mát hẵn. Người ta bắt đầu bày đồ ăn chiều ra. Chỗ này một chiếu. Chỗ kia một chiếu. Vừa ăn vừa nói cười vui vẻ. Ngồi ăn giữa trời đất thoáng đãng, gió mát phe phẩy, không khí trong lành, thật là khoái sảng.


Những đứa trẻ con bán đậu phọng rang, đậu phọng luộc cất tiếng rao mời ơi ới:


- "Đậu phọng rang đ... â âây!"


- "Đậu phọng luộc đ... ââây!


Vừa hóng gió mát vừa nhai tóp tép đậu phọng cũng là điều thú vị lắm.


Dưới nước, một vài người tắm muộn còn đang bơi lội. Nhưng tắm giờ này không thú vì gió làm chao sóng, nước cứ hất ngược vào mặt.


Màn đêm buông xuống dần. Rồi tối hẵn. Sao trên trời bắt đầu lấp lánh. Đã đến lúc đội ngũ bánh ú, vịt lộn và đậu hủ ra quân.


Những người đàn bà, con gái gánh những gánh hàng rong thắp thoáng, ẩn hiện len lách giữa đám đông lố nhố nằm ngồi, cất cao giọng lanh lãnh rao:


- "Bánh ú, "dịt" lộn đ...â âây...!


- Ai (ăn) đ...ậậ ậu! Âm ai và âm đậu nghe lên bỗng xuống trầm. Âm ăn nghe chừng thoang thoảng trong hơi gió.


Mấy tiếng bánh ú, vịt lộn nghe xa xa cứ tưởng chừng "bóp vú, vật lộn".


Người dân Nha-Trang "chính hiệu con nai vàng" đều biết hai món ăn này. Đó là đặc điểm kỳ thú, nếu bạn là du khách thỉnh thoảng đôi lần ghé chân thì không thể nào biết được.


Chừng mười giờ đêm, bãi biển vắng dần, xa xa ánh đèn chập chờn như ma trơi của ngọn đèn hột vịt lúc ẩn lúc hiện, khách đa tình đang cảm thấy đoi đói, bỗng nghe rao bánh ú, "dịt" lộn đây! cao vút lên trong đêm vắng, cứ tưởng chừng tai mình nghe nhầm lời mời mọc đi hoang...


Những gánh bánh ú, vịt lộn đi hoang thường lấy chỗ tối nhất của bãi từ Ty Hỏa Xa cho tới nhà hàng "Đại Khách Sạn" làm tụ điểm. Khách muốn vừa ăn vừa vật lộn thì xuống khoảng đó mà chờ.


Còn đậu hủ là món giải khát thì có gì đặc biệt?


Vâng! Giữa trưa hè nóng nực, thức giấc sau một giấc ngủ ngắn, bạn thấy khô cổ, thèm một chút gì nong nóng, ngòn ngọt, khi ăn vào lại thấy mát miệng mà còn mát cả dạ thì không gì hơn một chén đậu hủ nóng, với những lát đậu trắng ngần, được bàn tay thuôn thả của cô hàng xúc bằng một cái vá mỏng, chan thêm mấy muỗng đường thắng keo có pha gừng.


Như vậy thì có gì đáng nói? Ở đâu lại chẳng có!


Ở biển Nha-Trang thì có cái lạ hơn đó bạn!


Bạn đã từng ngồi dưới bãi biển vừa ăn đậu vừa nghe cô hàng tấu nhạc bằng những cái chén bán đậu chưa? Chắc là chưa!


Bạn đã từng xem các nhạc công biểu diễn tấu nhạc bằng những cái cốc (ly) chứa nước, từ ít đến nhiều, xếp hàng rồi dùng một chiếc đũa mà gõ rồi phải không?


Các cô hàng bán đậu đã dùng những cái chén kiểu rất mỏng bán đậu, đổ nước trong đó, rồi dùng ngón tay trỏ vê theo thành miệng chén, lúc chậm, lúc mau, tạo thành những âm thanh réo rắt, lúc nhặt, lúc khoan. Bạn hãy nhắm mắt lại tưởng tượng đi, sẽ thấy nó thơ mộng và tuyệt vời làm sao!


Vừa nhạc, vừa cảnh, vừa tình, lòng ai mà chẳng ngây ngất đắm say!


Tôi cũng xin cam đoan thêm với bạn rằng, trong cái mờ mờ ảo ảo, của ngọn đèn dầu leo lét giữa đêm về khuya, dẫu bạn không phải là vua Tề Tuyên, nhưng cái "Bệnh Tề Tuyên" của bạn cũng sẽ nổi lên đùng đùng, khi nghe giọng mời ăn đậu của cô nàng êm như ru bên tai:


- "Đậu không... cụ?"


Đó là thú của người lớn.


Bọn trẻ con, có thú riêng. Ban trưa chúng đi lượm những quả bàng khô dọc theo trên bờ, ngồi đập lấy hột ăn. Hột bàng vừa giòn, vừa béo. Đập được hột nào, lũm vào miệng hột nấy. Miệng nhai, tay đập. Vỏ bàng để dành từng đống, tối đốt lửa luộc khúm núm và ghẹ.


Khúm núm là một loại cua ở biển, vỏ nhiều hơn thịt, chẳng ai thèm bắt làm gì cho nên chúng sinh sản hằng hà sa số. Sát ngay bờ chừng vài thước, bạn đứng tắm có khi cũng dẫm trúng chúng. Không biết ai khéo đặt chúng cái tên y như rằng. Không giống như các loại cua, ghẹ khác, khi bị đụng đến chúng dương hai càng ra kẹp để tự vệ, khúm núm lại co rút chân càng vào mình thành một cục để được an toàn... bị bắt.


Mồi bắt khúm núm là những đầu cá, mang cá vất bỏ. Bọn trẻ lượm hết, gói lại bằng những miếng lưới rách nhặt được. Trời tối hẵn, chúng bẻ mấy nhánh dương, cột gói mồi vào, cắm xuống nước, cách bờ chừng vài thước, nước xấp xấp đầu gối.


Chừng nửa giờ sau, chúng đốt một cái vỏ xe đạp cũ làm đuốc, đi thăm mấy chục cây mồi để hốt khúm núm. Chỗ mồi nào cũng đầy khúm núm bu quanh ăn mồi. Cứ thò tay xuống mà hốt. Phải đổi câu thành ngữ "dễ như ăn ớt" thành "dễ như bắt khúm núm" mới đúng!


Thỉnh thoảng cũng có vài chú ghẹ "nhàn" to tổ chảng tới dành ăn, cũng bị "tó" luôn.


Chưa đầy một tiếng đồng hồ là đã bắt hơn nửa thùng thiếc khúm núm.


Đào đất làm bếp với ba hòn đá làm ông táo kê thùng. Củi bàng, vỏ bàng khô cháy đượm, thong thả luộc chú chàng khúm núm. Mấy cu cậu ghẹ đỏ, ghẹ nhàn thì được nướng trên than, xơi trước.


Bãi bây giờ vắng tha hồ mà làm vua một cõi ở góc cuối Ty Bưu Điện.


Ăn xong rồi ca hát. Hát chán rồi tiếp tục ăn. Mấy con khúm núm toàn là xương xẩu, mút nhóc nhách chỉ có tí thịt, vậy mà ngon ơi là ngon. Cu cậu nào cũng đều hả hê ra mặt. Vui như một đêm cắm trại dã chiến.


Đêm tàn, tất cả vỏ cua, tàn than, đều được chôn sâu dưới đất. Sáng hôm sau, đi tắm, không ai biết được chỗ này, tối hôm qua là một "bãi chiến trường".


... Nói về biển phải có trăng mới huê tình. Thề trăng hẹn biển mà!


.........


Cảnh trăng sáng trên biển thật là thi vị. Ban ngày ta không thấy được cái mênh mông bát ngát của biển. Chỉ có đêm trăng, mắt ta chói lòa với muôn ngàn ánh vàng trên mặt biển. Mặt biển dát vàng khắp chốn, không thấy đường chân trời. Lúc này mới thấy biển thật bao la.


Ngược lại những đêm tối trời, bạn sẽ ngạc nhiên thấy từ đàng xa một thành phố rực rỡ ánh đèn nổi trên mặt biển. Thành phố kéo dài thẳng tắp hàng cây số, có cảm tưởng như chúng cùng nằm trên một đường vạch thẳng. Đó là đèn của những ghe câu hay mành chong. Họ chong đèn để nhử cá từ dưới sâu trồi lên giỡn ánh đèn và... nạp mạng.


Những đêm không trăng, bạn lại thấy biển là một tấm màn nhung đen, kết lên vô số viên kim cương lóng lánh. Đó là phản chiếu ánh sáng lung linh của muôn vì sao trên bầu trời.


Nếu bạn đã đọc truyện Trống Mái của Khái Hưng cách đây năm mươi năm trước và bạn có tâm hồn lãng mạn, ao ước được như anh chàng thuyền chài Vọi và cô Hiền sinh viên Hà Nội, thì tôi sẽ giới thiệu cùng các bạn rất nhiều anh Vọi và nhiều cô Vòi để các bạn thấy tận mắt, sờ tận tay và tha hồ xây đắp tình yêu thoải mái, không cần phải tưởng tượng làm chi cho mệt bộ nhớ.


Mùa hè, khi trời vừa hừng sáng, ánh mặt trời vừa loé trên mặt nước vài tia, bạn đi tắm sớm khỏi sợ nắng làm đen làn da, bạn sẽ chứng kiến cảnh kéo lưới trên bờ. Lưới đã được giăng lúc gần sáng, tít ngoài khơi. Hai đầu lưới được nối dài bằng dây chão dài vô tận bờ. Đó là loại "lưới rùng". Lưới này "dậu" chìm sát đất. Bất cứ loài hải sản nào cũng bị lùa vào "đãy". Tôm, cua, cá, mực, ốc... từ bằng bàn tay trở lên đều bị tóm hết.


Những anh Vọi, cô Vòi, cả bố mẹ và đàn em bảy tám tuổi của gia đình Vọi đều được huy động để kéo lưới. Họ chia nhau mỗi đầu dây chão từ ba đến bốn người, đứng ngữa lưng mà kéo. Mỗi người họ có một vòng đai lưng làm bằng cật tre to bản. Hai đầu đai là hai sợi dây dừa to bằng ngón tay, dài khoảng gang tay, thắt gút ở đầu dây là một que tre nhỏ, ngắn cở ngón tay. Khi kéo lưới họ không dùng tay để kéo. Kéo bằng tay không mạnh bằng lưng. Lưng dùng được toàn sức của thân hình. Họ đeo đai vào lưng. Hai đoạn dây dừa họ néo vào dây chão. Họ ngữa lưng lên bờ, mặt nhìn ra biển và đi thụt lùi.


Họ lần lượt thay nhau. Người sau cùng tháo dây dừa ra khỏi chão và lên đứng trước. Người thứ nhất thành người thứ hai.


Cứ thế... cứ thế... họ vừa kéo, vừa xích lại gần nhau cho đến khi giàn lưới giăng cả cây số thu hẹp dần thành một vành bán nguyệt sát bờ thì đàn cá hết phương tẩu thoát, bắt đầu nhảy tung tăng trắng mặt nước.


Những cậu bé và cả thanh niên, nam, nữ đi tắm, ham vui cũng xúm vô kéo. Chỉ màu mè được một chốc thì đã kêu phồng da tay hoặc chán cái trò trì kéo, chậm chạp từng tí một, chẳng thú vị chút nào. Họ dần dà rút lui và nhào xuống nước, bơi vòng vòng theo lưới để xem đàn cá đang chạy nháo nhào tìm chỗ thoát thân.


Một mẽ lưới kéo được lên ghe phải mất khoảng thời gian ba tiếng đồng hồ. Lúc này thì mặt trời đã cao lên khỏi hòn Tre mấy sào rồi.


Gia đình anh Vọi, cô Vòi hậu thân, đã rút hết lên ghe để xúm nhau kéo đãy. Chiếc đãy đã thu tóm trọn bầy tôm cá vào trong, trở nên nặng trĩu. Họ hối hả đổ cá ra khoang ghe và nhanh chóng lựa ra từng loại một để kịp giờ đem ra chợ sớm.


Họ bỏ mặc những cô Hiền, anh Hiền thành phố, có đầu óc lãng mạn, đầy tiểu thuyết ái tình, đang ngẫn ngơ nhìn theo những tấm thân rắn chắc, rám nắng, tràn đầy sinh lực.


Nói tới biển với cảnh trời êm, sóng lặng, ban ngày mặt trời tỏa ánh hào quang chói lòa, ban đêm ánh trăng vàng, ánh sao kim cương rực rỡ chiếu sáng, ai lại không ham thích đắm mình trong cảnh thiên nhiên ấy. Nhưng không nói đến những ngày trời đất nổi cơn thịnh nộ, sóng dữ hàng hàng lớp lớp xô nhau vào bờ, đánh ầm ầm như trời long đất lở, thì hãy còn thiếu sót lắm lắm.


Bắt đầu từ tháng chín âm lịch trở đi, biển thường xuyên "động". Nghĩa là thường xuyên có bão và tố. Biển trở nên hung hăng, sóng lồng lên như bầy ngựa bất kham.


Trong những ngày "biển động" như vậy, chúng tôi chơi trò giỡn sóng.


Bạn có muốn được một lần tham dự?


Được thôi! Với điều kiện bạn phải biết bơi, lặn và cả can đảm nữa đấy nhé! Và cũng xin cảnh báo trước là rất nguy hiểm, có thể chết người đấy!


Buổi trưa tan học. Bầy quỉ nhỏ chúng tôi từ Trường Nam Tiểu Học, chạy một mạch ra tới biển. Áo, mũ, cặp, lột ra bỏ đống dưới gốc cây bàng. Cu cậu nào cũng chỉ cái quần đùi.


Chúng tôi dàn hàng ngang bên mép bờ chờ sóng vô.


Sóng từ xa ngoài khơi, hàng hàng, lớp lớp nối nhau xô vào bờ, nước bắn tung toé cao có ngọn, đập ầm ầm vào bãi cát, quay cuồn cuộn như con xoáy của thác nước trên cao đổ xuống.


Chúng tôi chờ con sóng lớn mới chơi.


Chu kỳ của sóng chúng tôi rành sáu câu. Bí mật của biển chúng tôi nằm lòng.


Cứ ba, bốn con sóng nhỏ hay vừa là có một con lớn. Sóng nhỏ và vừa đánh vào chậm, rút ra cũng chậm. Sóng lớn cao cở ba thước, lừng lững như bức tường dựng đứng, đen ngòm, im lặng tiến vào bờ, nhanh như con cọp vồ mồi, trên ngọn không có bọt sóng. Khi cách bờ chừng vài thước, nó đánh ầm một tiếng như núi lở, khối nước khổng lồ đổ xuống, quay tròn hung hãn như cơn lốc trong cơn cuồng nộ. Kéo dài chừng một phút rồi vội vã rút lui.


Đó mới là địch thủ đáng để chúng tôi đùa giỡn.


Mới nhìn thôi mà bạn đã "teo bu gi" rồi à?


Hãy yên chí đi! Biển lúc này ví như ông cha nóng tính. Tuy la hét ầm ỹ như vậy chỉ cốt hù dọa những đứa con rắn mắt thôi, chớ trong lòng ông hiền khô à! Nếu ta biết đi đường "lòn" thì mọi việc sẽ êm xui và thú vị vô cùng cho cái thú mạo hiểm và chinh phục.


Khi con sóng "lý tưởng" cách bờ chừng ba thước, không nhanh hơn hay chậm hơn, trước sau một giây, chúng tôi chạy ào xuống và phóng mình vào chân sóng, trước khi nó đổ ầm xuống. Trong lúc trên mặt nước, nó đang lồng lộn biểu dương sức mạnh vô địch của mình, chúng tôi lặn ngay sau lưng nó một cách an toàn, ra xa bờ. Nước dưới đáy yên lặng như tờ và ấm áp vô cùng, khác hẵn nước trên mặt lạnh buốt như nước đá. Đoạn, chúng tôi ngoi lên và theo đà con sóng nhỏ tiếp theo, đưa vào bờ nhẹ nhàng như người ta trượt ván trong xi nê vậy.


...Bí mật của biển là những dòng thủy lưu. Không giống như nước sông, chảy một chiều. Nước biển có những dòng chảy khác nhau. Và nhiệt độ khác nhau. Cũng một vùng biển mà nước trên mặt chảy về nam, dưới sâu vài thước lại có dòng khác chảy ngược về bắc. Trên mặt nước ấm, dưới lại lạnh hay ngược lại. Dân làng biển nhờ kinh nghiệm cha truyền con nối, biết rất rành rẽ, giờ nào, dòng nước nào, đi ngược, đi xuôi để giăng lưới. Nếu không kinh nghiệm, lưới sẽ bị nước đùa dồn cục, ngày hôm đó coi như công cốc.


Bọn trẻ con chúng tôi cũng áp dụng kinh nghiệm đó, chơi trò giỡn sóng, tuy nguy hiểm một chút nhưng nó kích thích và hấp dẫn tuổi trẻ háo thắng vô cùng.


Tuy nhiên đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma bạn ạ!


Tôi cũng đã hơn một lần sắp theo ông vãi, bà vãi cũng vì chậm chân trong một "tích tắc".


Bây giờ người ta mới có câu "Chưa thấy quan tài, chưa đổ lệ" để diễn tả hết cái nổi sợ hãi lúc ấy. Lúc bị nó cuốn tròn, vùi dập trong cơn xoáy kinh hồn, tay chân hình như bị trói, không cựa quậy, tung đạp được. Vừa uống nước mặn sặc cả mũi lẫn miệng, vừa ngộp thở, tôi tối tăm mặt mũi, thấy cả chục cái quan tài chớ không phải một cái.


Trong lúc thần hồn sắp tiêu diêu miền cực lạc thì bỗng thấy mình văng lên bãi, nằm ngay đơ cán cuốc. Thật là hú vía.


Khi ba hồn, chín vía hồi lai, tôi thề độc rằng:


- "Kể từ hôm nay đến ngày mai sẽ không dám chơi dại nữa".


Nhưng bạn hãy nghe rõ lời thề của tôi nhé. Ngày mốt tôi lại hùng hổ xung trận cùng đám tiểu yêu thì đừng cho tôi thề ẩu.


Cách thề này tôi bắt chước mấy ông thần lưu linh thề bỏ rượu.


...........


Người kể truyện này cũng ở trong tâm trạng hoài hương của kẻ lưu vong, ngày ngày nhớ nhà mà mơ tưởng đến cái thuở còn niên thiếu. Mới chớp mắt đã ba mươi năm qua. Để trải lòng cho nhẹ mối ưu sầu, đành ngồi viết ra cho hả, những gì còn nhớ được. Chuyện nhớ, chuyện quên, góp nhặt từng mảnh nhỏ đó, đây, trong ký ức sắp trở về trang giấy trắng của trẻ thơ.


Có lúc mơ hồ, thảng thốt, bất chợt kêu lên:


- "Người xưa đâu? Cảnh cũ đâu? Tình xưa đâu?"


Tiếng kêu mất hút trong cô tịch.


Có chăng, chỉ còn là âm vang trong truyện cổ tích!


Nguyễn Thanh Ty

Quincy, ngày chớm lạnh, tháng 10/2003

(trích http://nhatrangonline.byethost15.com/diendan-id5.html)



Xin trích đoạn thơ cuả anh Ty


Thật không có gì vui cho bằng "tha phương ngộ cố tri". Năm trước tôi được hân hạnh quen anh Lê An, mới đây, anh Syển và bây giờ thêm anh, cả ba đều xuất thân từ College Francais, nơi mà chúng tôi những học sinh Võ Tánh, mỗi lần đi ngang trường phải e dè kính nể. Có hai điều để kính và nể là: học sinh ở trường này đều phải là con nhà giàu và học giỏi, tiếng Pháp nói như gió. Bọn học trò nhà nghèo chúng tôi muốn ngắm các cô "đầm Annammít" phải đứng xa xa. Có khi "tán" các cô, các xổ cho một tràng tiếng Tây thì ú ớ ngay, tìm đường để độn thổ. Bây giờ thì đã là quá khứ rồi. Tôi rất hân hạnh được Website của các anh quảng bá rộng rãi những bài viết của tôi cho đồng hương của mình đọc để có dịp nhớ về Nha Trang mình mà gậm nhấm nỗi buồn "tha hương sầu cố thổ".



© cfnt, Collège Français de Nha Trang