Aikido Tenshinkai
Môn võ không tranh chấp


Đã tròn 3 năm kể từ ngày Aikido Tenshinkai đến với mảnh đất Khánh Hòa. Với những đặc trưng của mình, môn võ có nguồn gốc từ Nhật Bản này đang dần chiếm được cảm tình của đông đảo người tham gia tập luyện. Đúng như tên gọi, Aikido Tenshinkai hướng mọi người đến cái tâm của người luyện võ bằng những đòn thế mềm mại, uyển chuyển, không nhằm đả thương đối phương để giành chiến thắng như một số môn võ khác.


Các võ sinh Aikido Khánh Hòa


Tenshinkai gồm 3 chữ: Ten, Shin và Kai, là các từ tiếng Nhật mà phiên âm Hán - Việt lần lượt có nghĩa là Thiên, Tâm và Hội. Cụm từ Tenshinkai có thể chuyển nghĩa tiếng Việt là "Tổ chức của những tấm lòng cao cả". Đây không hẳn chỉ là cái danh của một môn võ thuật, mà cụm từ ấy được thấm sâu vào từng động tác, từng thế võ với chủ tâm là tự vệ và rèn luyện ý chí vượt qua chính mình thay vì hạ gục đối phương. Bởi Aikido chủ yếu sử dụng các đòn mềm mại, dùng sức mạnh của đối thủ để quật ngã chính họ, đồng thời sử dụng thuần thục các đòn khóa để chế ngự đối phương.


Aikido Tenshinkai du nhập vào Việt Nam từ năm 1958, nhưng phải đến năm 2007 mới xuất hiện ở Khánh Hòa thông qua võ sư Âu Dương Di . Ban đầu, võ sư Âu Dương Di thành lập điểm tập ở Nhà Văn hóa phường Vĩnh Hòa, sau đó chuyển về số 17 Mai Xuân Thưởng (Nha Trang) và cố định ở đó đến nay. Võ sư Âu Dương Di chính là người tự bỏ tiền túi xây dựng điểm tập, trang bị dụng cụ tập luyện. Không những thế, các võ sinh tập luyện Aikido ở Khánh Hòa chỉ đóng một khoản tiền rất thấp để trang trải chi phí điện, nước. Riêng võ sư Âu Dương Di đã truyền đạt không công cho các học trò suốt 3 năm qua.


Trao đổi với chúng tôi, võ sư Âu Dương Di cho biết: Aikido Tenshinkai là một môn võ hòa bình. Các võ sinh chủ yếu tập phản ứng và thích nghi với các thế ngã rồi mới chuyển sang luyện các thế quật ngã đối phương và những đòn khóa. Chính vì vậy, Aikido Tenshinkai coi trọng yếu tố phòng ngự và nương theo sức mạnh các đòn tấn công của đối thủ để áp chế đối thủ. Hiểu một cách nôm na, Aikido dùng các đòn đẩy khi bị kéo và kéo khi bị đẩy. Chẳng hạn, khi bị đối thủ đẩy mạnh, Aikido tận dụng chính sức đẩy của đối thủ để kéo ngã họ; còn khi bị kéo, những người luyện tập Aikido sẽ nhanh nhẹn đẩy theo sức kéo, lợi dụng sức kéo của chính đối phương để chế ngự. Muốn được vậy, võ sinh Aikido phải luôn ở trong tâm thế tĩnh tâm, dùng cái tĩnh của tâm để nắm bắt được chuyển động của đối phương. Cho nên, rèn luyện Aikido, ngoài các kỹ thuật phòng tránh, kỹ năng phản đòn còn là rèn luyện về tâm pháp. Việc luyện tập các thế ngã chiếm hơn 50% dung lượng tập luyện Aikido cũng chứng tỏ bộ môn này chú trọng đến quá trình phòng ngự, né đòn trước khi thi triển các phương pháp tấn công.


Aikido chủ yếu nương theo sức mạnh của đối thủ để áp chế đối thủ.


Trong 3 năm gây dựng ở Khánh Hòa, tuy gặp không ít khó khăn, nhưng Aikido đang dần chiếm được cảm tình của nhiều người bởi tính nhân văn của một môn võ chủ động phòng ngự trước các biến cố thay vì nhăm nhăm hạ gục đối thủ. Trong quá trình phát triển của mình, Câu lạc bộ Aikido Khánh Hòa đang dần trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều người, nhiều lứa tuổi, không phân biệt giới tính. Đặc biệt, các lớp Aikido hiện nay thu hút khá đông những người nước ngoài đang làm việc tại Khánh Hòa. Với tính chất của một môn võ không tranh chấp (không thi đấu), sức quảng bá của Aikido là không cao. Nhưng với những ưu thế đặc trưng của môn võ này, chắc hẳn trong những năm tới, Aikido Khánh Hòa sẽ bắt kịp đà phát triển so với mặt bằng Aikido toàn quốc.


Sưu Tầm (qua anh Syển)14:31' 31/03/2010 (GMT+7)


Lời chú: võ sư Âu Dương Di là cựu học sinh trường Collège Français Nha Trang vào thập niên 60



© cfnt, Collège Français de Nha Trang